SÀI GÒN (NV)- Ít nhất có 50 vụ đàn áp tôn giáo xảy
ra tại Việt Nam trong năm 2015, theo bản tường trình tổng kết của Hội Bảo Vệ
Quyền Tự Do Tôn Giáo.
Thương phế binh VNCH ngồi chờ nhận quà do các nhà
hảo tâm tặng tại chùa Liên Trì ngày 9 tháng 4, 2015. Chùa này đang bị nhà cầm
quyền áp lực lấy đất. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Điều này chứng tỏ các tôn giáo tại Việt Nam vẫn nằm
trong sự kiềm tỏa, sách nhiễu của nhà cầm quyền CSVN, hoàn toàn ngược lại với
những lời tuyên truyền của họ. Sự
đàn áp tôn giáo tại Việt Nam xảy ra nhiều nhất tại các vùng hẻo lánh miền núi,
nơi các sắc tộc thiểu số theo đạo Tin Lành.
Theo Hội Bảo Vệ
Quyền Tự Do Tôn Giáo, đàn áp hoạt động tôn giáo bằng nhiều hình thức khác nhau
như ngăn cản không cho tham dự thánh lễ, đe dọa, không cho phép tụ tập đông người...
Bên cạnh đó, nhà
cầm quyền CSVN ngang nhiên cưỡng chiếm đất đai tài sản của các tôn giáo trên khắp
cả nước. Chỉ tính riêng Công Giáo trong năm 2015, các dòng tu tiếp tục bị cưỡng
chế, đe dọa cưỡng chế hay đã mất đi phần đất của mình như: Vụ Hồ Ba Giang của
nhà thờ DCCT Thái Hà, vụ Đan Viện Thiên An ở Huế, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm,
Phật giáo có sự việc liên quan đến Chùa Liên Trì.
Nhà cầm quyền
CSVN đưa ra những con số rất to trong báo cáo của ban tôn giáo chính phủ, khoe
rằng Việt Nam có 14 tôn giáo, 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 78,000
chức sắc và hơn 23,000 cơ sở thờ tự. Nhưng nằm bên dưới những con số này là các
vụ đàn áp các tổ chức tôn giáo không được nhà cầm quyền “cho phép” hoạt động,
không hề được nhà nước đề cập đến.
Theo Hội Bảo Vệ
Quyền Tự Do Tôn Giáo, trong năm 2015, các vụ đàn áp tôn giáo tại Việt Nam được
tổ chức thống kê gồm 11 vụ trong quý một, 14 vụ trong quý hai, 14 vụ trong quý
ba và 11 vụ trong quý cuối của năm 2015.
Năm ngoái, CSVN
đưa ra dự luật về tự do tôn giáo tín ngưỡng “lấy ý kiến nhân dân” đã bị các tổ
chức, giáo hội tôn giáo lớn tại Việt Nam đả kích kịch liệt, coi đó là sự khống
chế các tôn giáo chặt chẽ hơn trước.
“Trong năm 2015 này, Quốc Hội gửi đến các tôn giáo bản dự thảo
Luật Tôn Giáo số 4 và số 5 nhưng gặp phản ứng từ các tôn giáo. Cụ thể với Công
Giáo, hầu như tất cả các giám mục đều có những văn thư đánh giá bản dự thảo Luật
Tôn Giáo này là “bước thụt lùi” về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, bởi nó mang
nặng tính “xin-cho” hơn những văn bản và nghị định trước đó. Đặc biệt, Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam cũng đã có văn thư gửi đến Quốc Hội và Ban Tôn Giáo Chính Phủ
chỉ ra những điểm “thụt lùi” trong bản dự thảo luật tôn giáo này. Nhiều nhóm
tôn giáo đã quan sát và thấy rằng dự thảo luật không phù hợp với tiêu chuẩn quốc
tế về tự do tôn giáo, tín ngưỡng,” Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo
viết trong bản tường trình.
Hơn 35 tổ chức xã hội dân sự đã tham gia trong một
tuyên bố chung kêu gọi CSVN sửa đổi để dự thảo luật phù hợp với luật nhân quyền
quốc tế, đồng thời cần tham khảo ý kiến của cả các cộng đồng tôn giáo hay tín
ngưỡng độc lập lẫn được công nhận ở Việt Nam, cũng như tham khảo các chuyên gia
như các báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, ông
Heiner Bielefeldt.
Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo kêu gọi nhà cầm quyền“Thực
hiện đúng những gì Hiến Pháp quy định về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng
thời, tôn trọng những điều đã ký khi Việt Nam đã là thành viên của Hội Đồng
Nhân Quyền Liên Hợp Quốc.” (TN)