Trọng Nghĩa (RFI)
Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia
Malmstrom.Reuters/Francois Lenoir
Kể
từ ngày 01/02/2016, toàn văn bản hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu –
Việt Nam đã được Ủy Ban Châu Âu công bố trên mạng để cho mọi người tham khảo.
Giải thích về sự kiện này, ủy viên thương mại châu Âu cho biết việc công khai
hóa văn kiện thể hiện quyết tâm minh bạch hóa các hoạt động của Liên Hiệp Châu
Âu.
Quá
trình đàm phán hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam đã được đúc
kết vào tháng 12/2015 và theo đúng cam kết, Ủy Ban Châu Âu đã cho công khai hóa
văn bản của hiệp định ngay sau khi đàm phán kết thúc.
Văn kiện này tuy nhiên
chưa có hiệu lực ngay và còn phải chờ Hội Đồng Châu Âu cũng như Nghị Viện Châu
Âu phê chuẩn.
Phát
biểu nhân dịp hiệp định được công bố trên mạng, bà Cecilia Malmstrom, ủy viên
thương mại châu Âu khẳng định « Tôi vui mừng là chúng tôi đã công bố
thỏa thuận này, phù hợp với các cam kết mạnh mẽ của chúng tôi về một chính sách
thương mại minh bạch ».
Dĩ
nhiên là nhân vật đứng đầu nền thương mại Liên Hiệp Châu Âu này đã nêu bật
những lợi ích to lớn của hiệp định ký kết với Việt Nam, được coi là chìa khóa
mở ra « một thị trường có tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp Liên
Hiệp Châu Âu ».
Bà
Cecilia Malmstrom giải thích thêm : « Việt Nam là một nền kinh tế phát
triển nhanh chóng với hơn 90 triệu người tiêu dùng, một tầng lớp trung lưu đang
phát triển và một lực lượng lao động trẻ và năng động. Thị trường Việt Nam cung
cấp nhiều cơ hội cho nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ xuất khẩu của Liên
Hiệp Châu Âu. »
Việc
Liên Hiệp Châu Âu công khai hóa nội dung hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam
sẽ có một lợi ích rất thực tế. Đó là cho phép mọi bên quan tâm làm quen với các
nội dung, ngay cả trước khi văn kiện được hoàn chỉnh và phê duyệt.
Bên
cạnh toàn văn bản hiệp định, Ủy Ban Châu Âu cũng công bố một bài phân tích về
văn kiện này, nêu bật các giải pháp nhằm xử lý những tác động tiềm tàng của
hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam trên vấn đề nhân quyền và
phát triển bền vững tại Việt Nam.
Trong
thông báo, Ủy Ban Châu Âu cam kết sẽ tiếp tục củng cố cách tiếp cận vấn đề nhân
quyền trong đối thoại với Việt Nam, được nêu trong khuôn khổ chung của hiệp
định tự do mậu dịch.