Di tích bãi cọc Bạch Đằng
Nằm trên đường trục đường giao thông từ Hà Nội về
thành phố Hạ Long, bãi cọc Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên thuộc khu di tích lịch
sử chiến thắng Bạch Đằng là điểm dừng chân không thể bỏ qua. Từ ngã tư thị xã
Quảng Yên đi về hướng Phà Rừng khoảng 2 km, rẽ trái khoảng 500 m, du khách sẽ đến
với bãi cọc Yên Giang, một phần của trận địa cọc Bạch Đằng năm xưa.
Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng
Biển chỉ dẫn vào bãi cọc Yên Giang, thuộc thị xã Quảng
Yên, Quảng Ninh.
Dấu tích còn sót lại của một cây cọc tại di tích chiến
thắng Bạch Đằng ở bãi cọc Yên Giang.
Những dấu tích trong trận đồ năm xưa khi nước cạn.
Ngoài dấu tích bãi cọc ở Yên Giang còn có bãi cọc Đồng
Vạn Muối được giới khảo cổ học nghiên cứu năm 2009.
Khoan thăm dò lấy mẫu năm 2013 tại Đồng Má Ngựa, dấu
tích bãi cọc Bạch Đằng thứ ba.
Hai cây lim cổ thụ giếng rừng trên 700 tuổi là dẫn
tích của một cánh rừng cổ ở khu vực gần sông Bạch Đằng (phường Yên Giang), nơi
cung cấp cọc gỗ cho những trận đánh nổi
tiếng năm xưa.
Miếu Vua Bà phường
Yên Giang. Tương truyền rằng trong chuyến đi thị sát địa hình chuẩn bị chiến
trường, Trần Hưng Đạo qua bến đò gặp một cụ bà bán nước đã hỏi thăm vùng đất
này. Bà cụ đã cung cấp cho ông lịch triều con nước, địa thế dòng sông và còn
bày cho chiến thuật hoả công để đánh giặc. Sau khi thắng trận, Trần Hưng Đạo đã
quay lại bến đò tìm bà cụ bán hàng nước thì không thấy nữa, ông đã xin vua Trần
phong sắc cho bà là “Vua Bà” và lập đền thờ tại đây.
Di tích bãi cọc
Yên Giang nằm ở cửa sông Chanh có hình chữ nhật dài khoảng 120 m, chiều rộng
khoảng 20 m. Sau lần khai quật đầu tiên vào năm 1958 và nhiều lần sau đó vào
các năm 1969, 1976, 1984, 1988... cho thấy cọc ở đây chủ yếu là gỗ lim, táu dài
2,6 - 2,8 m, đường kính 20 - 30 cm. Phần cọc được đẽo nhọn dài 0,5 - 1m để cắm
thẳng xuống sông với khoảng cách trung bình 1 m.
Bãi cọc Bạch Đằng
thuộc phường Yên Giang.
Tuy ngày nay đa
phần các đầu cọc đã bị mục gẫy, du khách vẫn có thể hiểu thêm về lịch sử của
bãi cọc cũng như nghệ thuật quân sự tài tình của Trần Hưng Đạo qua tấm bia đá dựng
ngay gần đó. Trên bia ghi rõ: "Dựa vào địa thế sông Bạch Đằng (thế kỷ thứ
XIII), lòng sông có nhiều bãi bồi và dải đá ngầm, Trần Hưng Đạo đã cho đóng những
bãi cọc ở vị trí hợp lý tạo thành một trận địa cọc chặn đánh đường rút chạy của
giặc Nguyên Mông".
Cách bãi cọc Yên
Giang vài km là bãi cọc đồng Vạn Muối, nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hòa
được nhân dân Quảng Yên phát hiện trong quá trình canh tác, đào ao. Sau lần khảo
sát và khai quật năm 2005, cho thấy những cọc gỗ cắm đứng và cắm xiên trong khu
vực đồng Vạn Muối thuộc nhiều loại gỗ được sử dụng cả thân và cành. Đường kính
mỗi cọc từ 7 - 10 cm, phần được vạt nhọn chỉ khoảng 25 - 30 cm. Tuy nhiên, mật
độ cọc ở đây được cắm rất dày, phổ biến cách nhau từ 40 - 60 cm, một số cọc chỉ
cách nhau từ 10 - 30cm.
Theo các nhà
nghiên cứu, đây là nửa phía Nam của trận địa cọc Bạch Đằng, còn nửa phía Bắc là
bãi cọc Yên Giang. Do giữa hai bãi cọc có một dải cồn đá cao, khi nước triều xuống
thuyền không qua được buộc phải đi vào sát bờ. Vì vậy, Trần Hưng Đạo đã chọn vị
trí cắm cọc ở hai bên cồn đá tạo thành một phòng tuyến hình chữ V bịt chặt lấy
họng sông Bạch Đằng để chặn đường rút lui của quân địch tạo nên chiến thắng vẻ
vang của trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Khai quật bãi cọc
đồng Má Ngựa năm 2010.
Cũng trong địa phận phường Nam Hòa, thị xã Quảng
Yên, bãi cọc đồng Má Ngựa đã được phát hiện và tiến hành khảo sát, khai quật
vào năm 2010. Đây là bãi cọc thứ ba thuộc bãi cọc Bạch Đằng nằm ở cửa sông
Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng Nam. Bãi cọc có chiều dài
70 m, rộng 30 m, cắm cọc thuộc nhiều loại gỗ có đường kính từ 6 - 22 cm dày đặc
thành dải như một lớp tường thành.
Ba bãi bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má
Ngựa đã làm thành những bãi chông ngầm lớn, phức tạp, kín đáo dưới mặt nước
khóa chặt đường tháo lui ra biển, giúp tiêu diệt và bắt sống 600 chiến thuyền với
4 vạn binh tướng quân Nguyên – Mông trong lần thứ ba chúng xâm lược nước ta năm
1288.
Để khám phá các giá trị lịch sử, khoa học và quân sự
của chiến thắng lịch sử năm 1288, du khách ngoài tham quan, tìm hiểu bãi cọc Bạch
Đằng, có thể ghé thăm các di tích khác như đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến
Đò Rừng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc, đình Trung Bản thuộc thị xã Quảng Yên
và đình Đền Công - miếu Cu Linh thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã được
xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.