Tưởng Năng Tiến
Mặc dù nhiều khi mượn áo trí
thức để làm dáng nhưng trong thực tế bản chất của lưu manh là thâm thù căm ghét
trí thức chân chính. Và họ căm thù trí tuệ nói chung. Vương Trí Nhàn
Thi sĩ Dương Tường vừa viết thư (“Gửi Bạn Ở
Cõi-Bên-Kia”) nhân ngày giỗ đầu - ngày 18 tháng 12 năm 2015 - của nhà
văn Bùi Ngọc Tấn:
“Mình đang đi
trên một con phố mới, hình như ở Hải Phòng. Lạ hoắc song lại có nét gì quen
quen mà không tài nào xác định nổi. Giống như khi ta cố nhớ ra một cái tên rất
thân quen, chắc chắn nó ở quanh quanh đâu đây trong bộ nhớ, chỉ dấn chút xíu nữa
là “bắt” được mà nó vẫn vuột mất để rồi đến một lúc thôi không cố nhớ nữa
thì nó lại bất ngờ hiện ra. À, đây rồi cái biển tên phố gắn trên một cột đèn.
Mình tiến lại và đọc thấy: BÙI NGỌC TẤN…
Thế là mình thức
giấc. Và ngồi viết thư cho Tấn đây...
Hà Nội đã có
những đường phố mang tên Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,
Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng …, những điểm son của văn học Việt
Nam. Thế còn bao giờ Nam Ðịnh có phố Trần Dần, Bắc Ninh có phố Hoàng Cầm, Thanh
Hóa có phố Hữu Loan, Yên Bái có phố Lê Ðạt, Thừa Thiên-Huế có phố Phùng
Quán? Và Hải Phòng có phố Bùi Ngọc Tấn? Một dự cảm tâm linh nói với mình:
rồi những giá trị đích thực sẽ được trả về đúng vị trí. Con đường mình vừa dạo
chơi trong mơ - đường Bùi Ngọc Tấn - rồi sẽ thực sự có trong thực tại. Và biết
đâu đấy, mình lại có dịp thả bộ trên con đường ấy, như đã thả bộ trên đường Văn
Cao dăm năm trước...”
Bức thư thượng dẫn làm tôi nhớ đến những mẩu
đối thoại (tưởng tượng) khác, cũng của người ở cõi dương với bạn
bè ở bên kia thế giới:
Tôi thỉnh thoảng dạo phố vẫn hay dừng lại nhìn lên một
tên phố mà chuyện trò lặng lẽ với con người ngồi ở trên cái bảng sắt tây dó.
Ðể nghe anh ta giãi bày. Và cũng để anh ta đừng tưởng bở.
Thí dụ Văn Cao, ngày hai lượt ra trung tâm thành phố
và về Cầu Giấy, tôi từng có lần hỏi anh: Cậu
khỏe không? ... Bây giờ ở trên cao này có thấy sao không?” Thì Văn Cao bảo
tôi: “Tao làm nhạc, làm thơ, vẽ, ai hay
nay làm diễn viên lên sân khấu đóng vai kịch ca ngợi đảng trọng hiền tài.
Mày với tao sống trong cái chăn toàn rận này, mày lạ đ. gì nữa.
Hôm
nọ thằng Dương Bích Liên nó lui lủi đi dưới kia, đầu chúi chúi, hai tay đút túi
quần. Tự nhiên nó nhìn lên hỏi, mày lại cam ra làm bù nhìn bịp cho cái chính
sách yêu vớt trí thức ư? Thế là tao rơi đánh xoáng một cái xuống.
(Trần Đĩnh. Đèn Cù II, Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Tôi thì trộm nghĩ rằng những con phố mang tên
Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu (e) chả phải là
vở kịch “đảng trọng hiền tài” hay “chính sách yêu vớt trí thức” - như
cách dụng ngữ của nhà văn Trần Ðĩnh đâu. Những
người cộng sản Việt Nam có đời nào mà tử tế dữ vậy. Họ cũng
chưa bao giờ quý trọng hay yêu thương gì giới trí thức cả, “giả trọng”
hay “yêu vớt” cũng không luôn.
Nói gần nói xa, chả qua nói thiệt, và nói
theo lối thường dân (Nam Bộ) thì đây chẳng qua chỉ là “chính sách ăn
theo” hoặc “chiến thuật dựa hơi” của Ðảng mà thôi.
Kiểu chơi láu cá chó này ai cũng biết, đâu
có xa lạ và mới mẻ gì. Tạp chí Khởi Hành số phát hành tháng 8 năm 99 - từ
California - đã có bài viết (“Khi Chính Trị Chi Phối Văn Hoá”) của Thạc Sĩ
Trần Anh Tuấn, về mấy cái mánh (lặt vặt) như thế tự lâu rồi.
Một phần của bài viết, Trần Anh Tuấn dùng để điểm cuốn
Lịch Sử Và Văn Hóa Việt Nam, Những Gương Mặt Trí Thức, tập Một - do Dương Trung
Quốc, Nguyễn Quang Ân và Tạ Ngọc Liễn sưu tầm và biên tập - nhà xuất bản Văn
Hóa Thông Tin Hà Nội xuất bản năm 1998. Nội dung cuốn sách được ghi nhận và
phân tích như sau:
“Với hơn 700 trang, các tác
giả đã chọn ra 71 nhân vật mà họ vinh danh là những trí thức Việt Nam tiêu biểu
trải qua 770 năm lịch sử, với 9 thời đại và thời kỳ (Trần, Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn,
Tây Sơn, Nguyễn, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa
V.N.)”.
Đại
lộ Phạm Hùng.
NGUỒN TOITHICHDOC.BLOGSPOT.COM
“Nhưng nhìn vào danh sách là
chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách: trong suốt 720 năm
(1225 -1945) họ chỉ chấm có 38 nhân vật tức 53%. Ðó là Trần Thái Tông, Lê Văn
Hưu, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng,
Nguyễn Trãi, Triệu Thái, Lê Thánh Tông, Lê Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc
Khoan, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Lê Quí Ðôn, Lê Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy
Ích, Trần Văn Kỷ, Võ Trường Toản, Phan Huy Chú, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Ðình Chiểu,
Phạm Thuật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Quang Bích, Lương
Văn Can, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh,
Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn An Ninh, và Phạm Tuấn
Tài.”
“Trong 50 năm sau cùng (1945
-1995), họ đưa ra một số lượng khổng lồ là 33 người, tức 47%. Trong số 33 tên,
chỉ trừ giáo sư Hoàng Xuân Hãn sống ở Pháp, còn lại 32 tên không ai khác hơn là
những đảng viên cao cấp của Ðảng Cộng
Sản Việt Nam và những người phục vụ
chế độ cộng sản. Ðó là Hồ Chí Minh,
Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Khánh Toàn, Ðặng
Thái Mai, Trần Huy Liệu, Phạm Huy Thông, Tôn Thất Tùng, Hồ Ðắc Di, Phạm Ngọc Thạch,
Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Giáp, Tôn Quang Phiệt,
Hải Triều, Ngụy Như Kon Tum, Dương Ðức Hiền, Ðặng Văn Ngữ, Hoài Thanh, Nam
Trân, Nguyễn Khắc Viện, Lê Văn Thiêm, Từ Chi, Nguyễn Ðổng Chi, Cao Xuân Hy, Trần
Ðức Thảo, Hoàng Thúc Trâm, Ðào Duy Anh, và Hoàng Xuân Hãn.”
Nhà nước CSVN chả có lòng “yêu vội” hay “yêu
vớt” gì Trần Ðức Thảo, Ðào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn... cả. Họ chỉ “dựa
hơi” những nhân vật trí thức này để mở đường cho cái đám thất phu (cỡ
như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Truờng Chinh ...) được dịp “quá giang” hay “đi
ké” vào lịch sử - như những gương mặt trí thức - thôi.
Tương tự, những con đường mang tên Nguyễn Chí
Thanh, Xuân Thủy, Phạm Văn Ðồng, Mai Chí Thọ, Phạm Hùng, Trần Quốc
Hoàn... sẽ bớt dơ dáng và dị hợm (phần nào) khi được
đặt cùng với mấy tên phố tử tế và đàng hoàng khác: Nguyễn
Tuân, Văn Cao, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... Làm thế coi cho đỡ
chướng, và ngó cũng dễ “nuốt” hơn. Trông cũng giống như mấy lát mì
cõng cơm (ăn độn) vậy mà!
Tôi còn sợ rằng giấc mơ của Dương Tường (dám)
lại là ác mộng của Bùi Ngọc Tấn nữa chớ. Thuở sinh thời, đã biết
bao lần nhà văn của chúng ta từng phải sống qua những ngày tháng hốt
hoảng và tuyệt vọng:
... bàng
hoàng khi biết mình có ‘đuôi’…. Anh như ngửi thấy cái mùi của nhà tù… Ðó là đòn
đánh ngang đầu. Là đất sụt nơi mình đứng. Là cuộc đời bỗng nhiên không còn là
cuộc đời nữa... có cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng lồng lộn nhưng
không sao thoát được. Thì ra họ có toàn quyền làm những việc họ thích. Họ huy động
cả guồng máy khổng lồ để hại mình.” (Bùi
Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).
- “Tôi thấy
rợn hết cả người khi nghĩ đã có mấy thế hệ theo dõi tôi, săn đuổi tôi, vu cáo
tôi. Họ đã già đi. Ðã về nghỉ, hưu trí an nhàn. Nhiều người đã chết. Một thế hệ
khác tiếp tục việc theo dõi. Rồi một thế hệ tiếp theo nữa. Ðời này sang đời
khác.” (Bùi Ngọc Tấn. Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Tiếng
Quê Hương. Fallchurch, VA: 2014).
Tiểu
lộ Nguyễn Thị Nhỏ.
ẢNH: DÂN VIỆT
Cho mãi đến khi từ giã cõi đời, Bùi Ngọc
Tấn mới hết bị “theo dõi” và mới hoàn toàn thoát khỏi “cái cảm
giác như một con thú bị nhốt trong chuồng.” Nếu cái “con thú” này bất
ngờ được lên tên đường, và cận kề với toàn danh nhân (của ngành công
an) những nhân vật “toàn quyền làm những việc họ thích” và có thể “huy
động cả guồng máy khổng lồ để hại” người cỡ như Trần Quốc
Hoàn, Mai Chí Thọ, Phạm Hùng... thì rõ ràng là một chuyện rất...
hãi hùng - một cơn ác mộng - chớ còn gì nữa? Không khéo Bùi Ngọc
Tấn lại “rơi đánh xoáng một cái” như không!
Tương tự, tôi e rằng Văn Cao cũng không cảm
thấy vinh dự hay hạnh phúc gì cho lắm - sau một kiếp “sống trong một cái chăn toàn rận” - khi ông bị đặt nằm
giữa những con phố đầy rẫy bất trắc và tệ đoan xã hội:
- “Quét Gái Mãi Dâm Trên
Đường Nguyễn Chí Thanh” - báo An Ninh Thủ Đô
- “Đột Nhập Động Mãi
Dâm Trên Đường Phạm Văn Đồng” - báo Người Đưa Tin
- “Bắt Kẻ Giao Hàng Trắng
Dọc Đường Trường Chinh” - báo An Ninh Thủ Đô
- “Trộm Vàng Táo Tợn Trên
Đường Xuân Thủy” - báo VietNamNet
- “Phóng Viên Truy
Đuổi Đối Tượng Trộm Cắp Trên Đường Phạm
Hùng” - báo An Ninh Thủ Đô
- “Dàn Cảnh Cướp Xe Trên
Đường Hồ Chí Minh” - báo Dân Trí
-“Xe Buýt Lại Tông Người
Trên Đường Lê Duẩn” - báo Người Lao Động
- “Xuất Hiện Hố Tử
Thần Trên Đường Trần Quốc Hoàn” - báo Lao Động
-“Tảng Đá Chục Tấn Rơi
Trên Đại Lộ Nguyễn Tất Thành” - Báo Mới
- “Ôtô Điên Trên Đường Tôn Đức Thắng” - Báo Mới
-“Đột Kích Hàng Loạt
Tụ Điểm Mát Xa Kích Dục Trên Đường Nguyễn
Duy Trinh” - Báo Vnexpress.
Sau 83 năm đô hộ Việt Nam - ngoài những tội ác vô
phương chối cãi - người Pháp cũng đã để lại cho xứ sở này những thành quả
hiển nhiên, thuộc nền văn minh chung của toàn thể nhân loại: hệ thống cầu cống,
giao thông, y tế, giáo dục, ngân hàng, bưu điện, bệnh viện, thư viện, kiến
trúc… Nói theo bác Nguyễn Gia Kiểng là “Pháp đã còng tay Việt Nam và dẫn vào thời
đại mới.”
Sau đó, dân Việt bị còng
tay (chặt hơn) bởi những người cộng sản rồi buộc phải… đi lùi! Ðó là lý do tại sao trước khi được “vinh hạnh” mang
tên “những vị anh hùng cách mạng,” phố phường Hà Nội (nói riêng) và của cả nước
(nói chung) sạch sẽ và an lành hơn hiện cảnh rất nhiều.
Đường
Mai Chí Thọ.
NGUỒN
Ðiều phiền phức và rắc rối hiện
nay là dân Việt không còn chỗ để có thể lùi được nữa. Họ đã bị đẩy đến tận
chân tường rồi. Bởi thế, những người cộng sản khó mà có
thể tiếp tục giữ được quyền bính trong những ngày tháng tới.
Khác với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cộng sản khi sụp đổ không để lại nơi phần đất mà nó
cai trị bất cứ một thứ thành quả nào – ngoài bạo lực, nghèo đói, dốt nát, dối
trá, và vô số những con đường (cũng như những ngôi trường, những cơ quan, dinh
thự …) buộc phải thay tên!
Ðến lúc đó, có lẽ, vẫn chưa muộn để “Nam Ðịnh có phố Trần Dần, Bắc Ninh có phố Hoàng Cầm, Thanh
Hóa có phố Hữu Loan, Yên Bái có phố Lê Ðạt, Thừa Thiên-Huế có phố Phùng Quán
... Và Hải Phòng có phố Bùi Ngọc Tấn” - như giấc mơ của
Dương Tường.