04.02.2016

Tin tổng hợp liên quan đế Biển Đông và Trung cộng (ngày 04.02.2016)

Tin tổng hợp liên quan đế Biển Đông và Trung cộng
(ngày 04.02.2016)
Không quân Úc thường xuyên bị Trung cộng thách thức tại Biển Đông
Thụy My (RFI)
Không quân Hoàng gia Úc . Ảnh chụp ngày 11/09/2015AFP
Theo báo mạng Úc WAToday hôm nay 03/02/2016, Không quân Úc bay tuần tra trên Biển Đông giờ đây thường xuyên bị quân đội Trung cộng thách thức. Đây là dấu hiệu cho thấy sự lấn lướt ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh tại vùng biển chiến lược này.

Tư lệnh Không quân Úc, đại tướng Leo Davies hôm nay cho biết, các chuyến bay tuần tra của Úc tại điểm nóng trong khu vực đã tăng lên đôi chút, và Không quân Hoàng gia Úc sẽ tiếp tục công việc giám sát theo đúng luật lệ quốc tế.
Riêng tại Biển Đông, đại tướng Leo Davies nói rằng các đảo nhân tạo do Bắc Kinh tự xây dựng lên đồng nghĩa với sự hiện diện của quân đội Trung cộng ngày càng lớn hơn trong khu vực. Điều này được các phi cơ Úc của lực lượng Operation Gateway phụ trách Đông Nam Á tuần tra trong vùng cảm nhận rất rõ.
Ông Davies tuyên bố : « Do đã bồi đắp thêm các đảo trên Biển Đông, nên sự hiện diện của Trung cộng ngày càng lớn hơn. Những gì chúng tôi phát hiện dĩ nhiên là rất nhiều điểm tiền tiêu, giờ đây có người ở. Bay đến bất kỳ đâu trong khuôn khổ những chuyến tuần tra bình thường, chúng tôi đều phát giác thêm nhiều địa điểm ẩn chứa những thách thức ».
Thách thức xảy đến dưới dạng các chương trình phát thanh cảnh báo máy bay Úc rằng họ đang đến gần lãnh thổ Trung cộng và cần phải tránh xa. Đại tướng Davies nhấn mạnh, đây là hành động bình thường của nhiều nước, tuy nhiên « hầu như tất cả các chuyến bay » giờ đây đều bị cảnh cáo – một điều chưa từng xảy ra trong quá khứ.
Tình hình này cho thấy Trung cộng đang nỗ lực xác quyết chủ quyền bao trùm lên Biển Đông, gây e ngại ngày càng lớn cho các lãnh đạo quốc phòng Hoa Kỳ, Úc cũng như các quốc gia khác trong khu vực.  

Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra ở Biển Đông – Đề nghị tuần tra chung của Phi Luật Tân 
Đại sứ Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân Philip Goldberg trả lời các phóng viên trong diễn đàn truyền thông tại Quezon, đông bắc thủ đô Manila, ngày 3/2/2016.

Đại sứ Mỹ tại Phi Luật Tân ngày 03/02/2016 xác nhận : Chính quyền Manila đã ngỏ ý muốn tham gia các cuộc tuần tra trên Biển Đông cùng với Hải Quân Hoa Kỳ và Washington hiện đang xem xét đề nghị này. Trong khi chờ đợi, Mỹ vẫn sẽ tiến hành các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.
Hoa Kỳ vẫn khẳng định quyền tự do qua lại trên Biển Đông, và đã nhấn mạnh quyền này bằng cách điều tàu vào và máy bay bay ngang qua các vùng biển mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền.
Đại sứ Goldberg: “Tôi sẽ không loan báo trước chúng tôi sẽ làm gì để bảo vệ quyền tự do hàng hải, mà chỉ cần khẳng định: Hoa Kỳ sẽ tuân thủ luật quốc tế và sẽ tiếp tục thực thi các quyền của mình theo luật quốc tế. Đó là đi ngang qua các vùng biển quốc tế, và bay ngang qua không phận trên vùng biển này”.
Phát biểu với một số phóng viên báo chí, ông Philip Goldberg, đại sứ Mỹ tại Phi Luật Tân xác nhận Mỹ và Phi Luật Tân đều có quyền lợi rộng lớn nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải: « Chúng tôi đã thảo luận về nguyên tắc cùng tuần tra với với Phi Luật Tân, và chúng tôi không loại trừ khả năng đó ».

Tuy nhiên, đại sứ Mỹ cho rằng không cần phải loan báo trước về việc Phi Luật Tân cùng tham gia tuần tra. Lý do, theo ông Goldberg, đó là vì Mỹ quan niệm rằng dựa theo luật quốc tế, Mỹ có đầy đủ quyền hạn trong việc hành xử quyền tự do hàng hải trên Biển Đông và sẽ tiếp tục hành xử quyền này.
 
Trên hiện trường Biển Đông, trước các yêu sách quá đáng và trái luật quốc tế của Bắc Kinh, từ hồi tháng 10 năm 2015, Hoa Kỳ đã hai lần tiến hành chiến dịch được mệnh danh là bảo vệ quyền tự do hàng hải, nhằm chống lại việc Trung cộng cản trở các quyền tự do lưu thông trên biển và trên không trong vùng.
 
Chiến hạm BRP Ramon Alcaraz vào vịnh Subic.Reuters

Ngoại Trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario tuần trước nói rằng các giới chức hai bên đã thảo luận về khả năng thực hiện các cuộc tuần tra hỗn hợp trên Biển Đông, và hai nước đang cân nhắc một vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.
Theo hãng tin AAP và Reuters, Phi Luật Tân đã đề xuất ý muốn cùng với Mỹ tuần tra khu vực Biển Đông sau khi Trung cộng bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm đến Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), một trong ba hòn đảo nhân tạo ở vùng quần đảo Trường Sa, bên trên có sân bay mà Trung cộng đã xây dựng.

Trung cộng: 'Việt Nam đừng chính trị hóa' bản đồ hàng không
BBC
Image copyright XINHUA    Image caption  Trung cộng cho tiến hành một số chuyến bay thử nghiệm đáp xuống phi trường ở đảo bồi đắp nhân tạo trên đá Chữ Thập trên biển Đông
Bộ Ngoại giao Trung cộng nói rằng tuyên bố của Việt Nam về việc Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã chỉnh sửa bản đồ hàng không theo yêu cầu của Việt Nam là "không đúng sự thực", Tân Hoa Xã tường thuật.
Hãng thông tấn Trung cộng dẫn lời phát ngôn viên Lục Khảng hôm thứ Ba 2/2/2016 "mong Việt Nam chớ chính trị hóa về bản đồ hàng không vùng thông báo bay (FIR)" ở biển Đông tại khu vực mà Trung cộng gọi là Tam Á và Việt Nam xác định là thuộc FIR Hồ Chí Minh do Việt Nam có quyền kiểm soát.
Ông Lục tại cuộc họp báo định kỳ nói rằng việc đánh dấu trên bản đồ nhằm giúp điều khiển không lưu, hỗ trợ điều hướng, đảm bảo an ninh và trật tự giao thông vận tải hàng không dân dụng quốc tế.
Ông nói: 'Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể giữ việc này nằm ngoài chính trị.'
Trước đó, truyền thông Việt Nam đưa tin ICAO tiến hành điều chỉnh FIR sau khi Việt Nam phản đối việc đưa tên 'Thành phố Tam Sa - Trung cộng' vào bản đồ.
Tại nơi Việt Nam gọi là bãi đá Chữ Thập còn Trung cộng gọi là bãi Vĩnh Thử và nơi Trung cộng đã tiến hành bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng một sân bay trong thời gian vài năm qua, ICAO cũng đã để ký hiệu sân bay và dòng chữ tiếng Anh có nội dung 'Sân bay Vĩnh Thử - Tam Sa'.
Việt Nam từng lên tiếng quan ngại về việc Trung cộng tiến hành các chuyến bay thử ra đá Chữ Thập, nói đó là hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm nghiêm trọng các quy định và an toàn bay trong khu vực FIR do Việt Nam quản lý.
Việt Nam đã trao công hàm phản đối cho ICAO hồi trung tuần tháng Giêng, sau đó cử đại diện tới gặp các lãnh đạo cao cấp của ICAO, và đã nhận được phản hồi của Chủ tịch Hội đồng ICAO hôm 27/1.
Cục Đại diện Hàng không Việt Nam nói bản đồ FIR Tam Á sau đó đã được điều chỉnh "theo yêu cầu của phía Việt Nam".
Theo quy định của ICAO, 'vùng thông báo bay' (FIR) là một vùng trời được xác định cụ thể dựa trên những vấn đề kỹ thuật thuần túy, không mang ý nghĩa chủ quyền lãnh thổ.
ICAO cũng xác định FIR có thể gồm cả vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời không thuộc chủ quyền quốc gia, tuy nhiên quốc gia quản lý điều hành FIR có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ và quản lý tất cả các hoạt động bay trong phạm vi FIR đó, đồng thời được quyền thu phí dịch vụ.
Do đó, quyền quản lý điều hành FIR liên quan chặt chẽ và có tầm quan trọng chiến lược đối với vấn đề kinh tế và quốc phòng.
Hiện Việt Nam kiểm soát hai vùng thông báo bay, gồm FIR Hồ Chí Minh và FIR Hà Nội.
FIR Hô Chí Minh, là vùng trời thuộc FIR Sài Gòn trước kia, từng được tạm chia cắt cho bốn quốc gia và vùng lãnh thổ điều hành, trong đó Việt Nam chỉ đảm nhận phần vùng trời trên đất liền ở miền nam Việt Nam từ 1975.
Việc quản lý phần trời phía trên biển Đông trong thời gian này được trao cho ba trung tâm kiểm soát đường dài Hong Kong, Bangkok và Singapore cho tới cuối 1994 mới chuyển lại cho Việt Nam.