04.02.2016

"Hàng Không Mẫu Hạm TPP" sắp được hạ thủy với Trung cộng trong tầm ngắm

"Hàng Không Mẫu Hạm TPP" sắp được hạ thủy với Trung cộng trong tầm ngắm
Ngày 18/11/2015, nhân diễn đàn kinh tế APEC tại Manila, tổng thống Mỹ chụp ảnh chung với lãnh đạo các nước tham gia TPP.AFP
Ngày 04/02/2015, bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP sẽ tề tựu về thành phố Auckland ở Tân Tây Lan để chính thức hạ bút ký vào bản thỏa thuận tự do mậu dịch đã phải mất hơn 7 năm đàm phán mới được hoàn tất. Điểm đáng nói là ý nghĩa chiến lược rất to lớn bản hiệp định này đối với Mỹ, quốc gia đã thúc đẩy mạnh mẽ việc đúc kết thỏa thuận. Ý nghĩa này từng được bộ trưởng quốc phòng Mỹ nêu bật khi ông so sánh TPP với một "hàng không mẫu hạm " mới của Mỹ tại vùng Thái Bình Dương.

Dĩ nhiên là ký kết hiệp định chỉ là một bước trung gian trong cả một tiến trình, vì sau khi đã ký, 12 nước trong khối TTP (Canada, Mỹ, Mêhicô,  Peru, Chi Lê, Úc, Tân Tây Lan, Nhật Bản, Brunei, Mã Lai, Tân Gia Ba và Việt Nam) sẽ bắt đầu việc đưa ra nghị viện để phê chuẩn văn kiện này trong thời hạn hai năm trước khi thoả thuận có hiệu lực.

Tiến trình phê chuẩn không phải là hoàn toàn suông sẻ, vì ở nhiều nước, vẫn còn những dư luận chống đối hiệp định, như tại Mã Lai, đã có hàng ngàn người biểu tình phản đối hôm 23/01 vừa qua, hay tại Gia Nã Đại, nơi mà tân chính phủ vừa lên cầm quyền đã tỏ thái độ dè dặt, không muốn đề nghị phê chuẩn nhanh chóng hiệp định này.

Ngay cả tại Hoa Kỳ, nước chủ xướng TPP, do cuộc vận động tranh cử quốc hội và tổng thống đang diễn ra gay gắt, hiệp định này được cho là sẽ khó có thể được Quốc Hội phê chuẩn trước cuối năm nay, một sự chậm trễ mà theo Đại Diện Thương Mại Mỹ Michael Froman có thể gây thiệt hại khoảng 100 tỷ đô la cho nước Mỹ.

Phát biểu trước lúc lên đường đi Tân Tây Lan ký kết Hiệp Định TPP, người có chức vụ tương đương với bộ trưởng Ngoại Thương của Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ thiệt hại vật chất nói trên, đồng thời nhắc lại tầm quan trọng chiến lược của hiệp định này trong cuộc cạnh tranh với Trung cộng tại địa bàn châu Á-Thái Bình Dương.

Một thành tố chủ chốt của chiến lược xoay trục chống Trung cộng 

Ông Froman không hề che giấu thực tế là TPP là một thành tố quan trọng trong chiến lược xoay trục của Mỹ qua châu Á, nhằm đối phó với đà bành trướng của Trung cộng : « Hiệp định này cũng có lợi ích địa chính trị quan trọng. Hoa Kỳ đang là và từng là một cường quốc Thái Bình Dương, và TPP chính là một biểu hiện cụ thể của chiến lược tái cân bằng của Mỹ qua châu Á ».

Ý nghĩa chiến lược của TPP đã từng được chính bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nêu bật vào tháng Tư năm ngoái, khi ông đề cập đến giai đoạn kế tiếp của chiến lược xoay trục. Đối với ông Carter, ngoài những lợi ích kinh tế thương mại đối với Mỹ, TPP còn góp phần gắn chặt khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào Mỹ, và tăng cường hiệu năng hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực.

Và vị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã không ngần ngại cho rằng « TPP cũng quan trọng không kém một hàng không mẫu hạm mới », được phái đến vùng Thái Bình Dương.

Theo các nhà quan sát, với các tiêu chuẩn cực cao của mình trong mọi mặt, TPP sẽ quy định các chuẩn mực mới cho nền thương mại và đầu tư quốc tế trong thế kỷ 21 này, và buộc Trung cộng phải thích ứng các quy tắc về mậu dịch, đầu tư và luật thương mại của riêng họ, sao cho tương thích với các tiêu chuẩn của TPP.

Tháng 10 vừa qua, ngay sau khi đàm phán về TPP kết thúc, hai nhật báo lớn của Mỹ là Wall Street Journal và New York Times đã thẳng thừng nêu bật mục tiêu kiềm chế Trung cộng của hiệp định này.

Theo New York Times chẳng hạn : « Hiệp định được cho là một cách nêu cao thách thức đối với cường quốc đang lên của châu Á... đã bị gạt ra bên ngoài thỏa thuận ». Đối với tờ báo, việc TPP ra đời là « một chiến thắng của Hoa Kỳ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở châu Á  với Trung cộng ».