03.02.2016

Nhân dịp Tết - Hãy cẩn thận với các thức ăn uống

Nhân dịp Tết  - Hãy cẩn thận với các thức ăn uống 
Dân Việt ăn cá urê, rau dầu nhớt, uống chè phân lân...
Tưới rau bằng nhớt thải, bón lúa bằng xi măng, giữ cá cho tươi bằng đạm u rê, bảo quản chè bằng bùn, bột đá và phân lân, gà nuôi thóc trộn vàng ô,... những kiểu nuôi trồng lạ đời, phản khoa học gây hại cho sức khỏe người Việt.

2Cạnh ruộng rau muống là hàng loạt chai lọ, túi vỏ hộp đựng thuốc bón cho cây
 Rau muống “uống” nhớt thải
Thường thì, trồng rau muống chỉ cần 3 tuần là cho thu hoạch. Nhưng, nhìn những vựa rau xanh mơn mởn trên địa bàn phường Thạnh Xuân (quận 12, Sài Gòn), không ai ngờ rằng lại được tưới một thứ phân bón lạ lùng: nhớt thải.
Chất lỏng này được mua ở tiệm sửa xe, về pha cùng nước rửa chén. Người dân múc dung dịch này bằng ca nhựa, đổ thẳng vào các luống rau, với hy vọng làm vậy sẽ chống được sâu rầy.
Để rồi, phía dưới những cọng rau muống xanh non mơn mởn, váng nhớt thải còn vương lại trên mặt nước. Nhiều ruộng rau còn bốc mùi hôi thối và nồng nặc mùi hóa chất vừa phun.
Quá trình chăm bón rau muống tại đây sẽ khiến nhiều người giật mình: khi rau muống nhú 10cm, bắt đầu rải phân đạm; rau phát triển được 8-9 ngày, tiếp tục phun xịt các loại thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu và cả một số hóa chất khác không rõ nguồn gốc. Chưa kể, nhớt bẩn được tưới tắm thường xuyên.
Theo các chuyên gia, nguy cơ ung thư khi ăn phải các loại rau này là rất cao, bởi dầu nhớt đã qua sử dụng vô cùng độc hại do có chứa chì, kẽm và các kim loại nặng khác. Rau muống tưới bằng dầu nhớt thải sẽ bị ngấm những kim loại độc hại này.
Còn sâu, các nhà bảo vệ thực vật cho rằng có khi, nhúng cả con sâu vào thuốc chưa chắc đã diệt được chứ đừng nói đến nhớt thải.
Bón lúa bằng… xi măng
Một chuyện kinh ngạc khác ở Đồng Tháp: Nông dân thi nhau bón xi măng cho… lúa!
Theo Dân trí, “sáng kiến” lạ này bắt nguồn từ một hộ dân ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung khi làm nhà đã phát hiện đám rau gần chỗ thợ rửa dụng cụ xanh tốt lạ thường. Chủ nhà liền lấy xi măng thử bón lúa, lúa xanh tốt bất ngờ.

Trên thực tế, đã có tình trạng người dân dùng xác mắm để bón cây nhưng đất bị chai, không thể trồng được loại ây nào khác mà phải đào bỏ đi (ảnh minh họa – Tuổi trẻ)

Thấy vậy, một số hộ nông dân khác cũng bắt chước và đều chung nhận định: lúa, hoa màu tốt, năng suất cao.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định, dùng ximăng làm phân bón lúa về lâu dài sẽ gây hại cho đất, khiến đất không thể trồng được gì nữa. Bởi, ximăng sẽ làm gắn kết các thành phần của đất lại với nhau, phá vỡ cấu trúc, làm đất bị chai cứng và rất khó cải tạo.
“Ximăng không có chất dinh dưỡng gì giúp cây lúa có năng suất cao hay chất lượng tốt hơn, chỉ có thành phần canxi là có thể có tác dụng khử chua” các nhà khoa học kết luận.
Ướp cá bằng phân đạm cho tươi
Lênh đênh trên biển cả tháng, thậm chí vài tháng mới về, vậy làm thế nào để tôm cá đánh bắt được có thể tươi lâu trong khi các nguyên liệu để ướp (đá cây) không có nhiều?
Từ nhiều năm nay, bà con ngư dân đã nghĩ ra một cách vô cùng dễ, đó là ướp cá bằng đạm u rê, vừa tiết kiệm chi phí vận tải, vừa giữ cá không bị vi khuẩn xâm nhập nên độ tươi lâu hơn.
Cách làm dễ cho bà con lại vô cùng độc hại với sức khỏe con người. Bởi, cá ướp cả tháng cùng với phân đạm đã “ngấm kỹ”, khi lên bờ, các đầu nậu “tráng” thêm một lớp đạm u-rê khác nên mức độ độc hại sẽ tăng thêm nhiều lần.

Không dễ để có thể phân biệt được đâu là cá sạch, đâu là cá ướp urê?

Khi sử dụng đạm urê tẩm ướp, bảo quản hải sản, đạm urê sẽ ngấm trực tiếp vào cá. Sau đó, dù có được rửa đi rửa lại bao nhiêu lần vẫn không loại bỏ được hết các dẫn xuất độc hại của urê đã ngấm sâu vào thực phẩm.
Trong cơ thể người, theo các chuyên gia, nếu lượng urê quá mức có thể gây giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh… Ngoài ra, urê có thể chứa các thành phần nguy hiểm như kim loại nặng gây ngộ độc. Nhẹ là chóng mặt, đau bụng, nặng hơn sẽ nôn mửa, tiêu chảy, trường hợp cấp cứu không kịp thì tử vong.
Trộn phân lân, xi măng, bùn… vào chè
Vì hám lợi, người dân vùng chè Tuyên Quang cách đây 7-8 năm đã nghĩ ra cách làm “kinh khủng”, sẵn sàng cho các hợp chất như phân lân, bột đá, xi măng, bùn… vào chè theo đơn đặt hàng của các thương lái.


Thông thường, 100 kg chè tươi chỉ cho ra được 18-19 kg chè khô thành phẩm nhưng với cách trộn phân lân cùng ximăng vào thì chỉ cần 25 kg chè tươi là đã có 19 kg chè khô thành phẩm.

Theo báo NLĐ, thương lái đã “xui” họ, trong quá trình chế biến chè nên cho ít phân kali, xi măng để chè xanh mượt, muốn chè vàng thì cho ít bùn.
Để làm chè bẩn, không cần quá nhiều vốn đầu tư, chỉ cần một máy vò và trộn chè, một máy quay tổng cộng hết khoảng 5 triệu đồng. Mỗi bộ máy như thế có công suất tầm 2 tạ chè/ngày, có thể lãi đến 2 triệu đồng.
Cách chế biến chè không giật mình bằng việc chứng kiến những cốc chè được pha ra từ loại chè bẩn này. Chè bẩn có mùi tanh ngai ngái và cho ra thứ nước màu đen như nước cống khi pha với nước sôi.

Uống loại chè có trộn các chất như phân lân, bột đá, xi măng rất nguy hiểm cho người sử dụng khi uống. Tùy từng nồng độ pha chế các chất đó với chè là bao nhiêu thì tác động đến cơ thể khác nhau. Các chất đó khi đi vào cơ thể có thể gây bệnh đường ruột, ảnh hưởng đến thận và hệ thống tim mạch.
Thức ăn nuôi gà trộn bột nhuộm vải
“Chỉ cần hòa một chút bột bằng đầu ngón tay này vào nước sôi cho mau tan rồi để nguội cũng đủ biến hàng nghìn con gà thịt thành da vàng óng, nhìn rất bắt mắt”.
Cái chất mà ông chủ cửa hàng trên phố Hàng Hòm (Hà Nội), mời mọc còn được gọi là vàng ô – loại chất màu chuyên dùng làm ve quét tường trong xây dựng hoặc sử dụng để nhuộm màu vải. Chất này còn được công ty chăn nuôi sử dụng để pha trộn vào các loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm.

Những gói vàng ô và vàng sắt dễ dàng mua được trên phố Hàng Hòm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – ảnh giadinh.net



Biết đâu những con gà này đã được nuôi bằng thức ăn có trộn chất vàng ô?

Năm 2015, chất vàng ô gây xôn xao dư luận khi cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện, thu giữ hàng chục tấn vàng ô cất trong kho các công ty chăn nuôi, chứng tỏ nó đã được sử dụng từ lâu và thường xuyên.
Trong khi đó, đây là một loại chất cấm tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, dù liều lượng ở mức ít hay thậm chí là cực ít, bởi nó có tính chất cực độc, có khả năng gây ung thư cực cao ở động vật và đặc biệt là ở con người.
Biến heo nái thành thịt bò bằng hóa chất ở cửa hàng bán thịt sạch
Cơ sở làm giả thịt bò bị phát hiện – Ảnh: Mã Phong
Sáng 3.2, Chi cục Thú y sài Gòn phối hợp với cơ quan chức năng Q.3 bất ngờ kiểm tra cửa hàng buôn bán thịt sạch thuộc Công ty TNHH Bính Hạnh (số 209/14 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3) phát hiện các nhân viên tại đây đang có hành vi sơ chế thịt heo nái thành thịt bò.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện có 2.045kg thịt heo nái đựng trong tủ đông và bên ngoài chuẩn bị sơ chế. Cụ thể có 1.180 kg thịt heo chưa ngâm, 110 kg thịt đang ngâm trong các thau hóa chất hòa lẫn với huyết bò và hơn 755kg “thịt bò” thành phẩm chia thành từng túi nhỏ để chuẩn bị bán ra thị trường.
Tất cả số thịt trên đều không giấy tờ liên quan. Ngoài ra đoàn phát hiện 1,7kg hóa chất màu trắng không rõ nguồn gốc.


Thịt heo nái được ngâm trong các thau huyết bò + hóa chất biến thành thịt bò  – Ảnh: Mã Phong
Ông Nguyễn Xuân Bính (chủ cửa hàng Bính Hạnh) thừa nhận, nhập heo nái từ Đồng Nai về sơ chế rồi ngâm vào huyết bò hòa lẫn với hóa chất để biến thành thịt bò đem đi bỏ ra thịt trường với giá 130 – 150.00/kg. Hóa chất được ông Bính mua từ chợ Kim Biên với giá 25.000 đồng/kg.
Được biết hóa chất dùng để biến thịt heo nái thành thịt bò có tên Metabisulfite. Loại hóa chất này có tác dụng làm thịt săn chắc, khử mùi hôi, tăng được thời gian bảo quản và bị cấm trong việc chế biến bảo quản các loại thịt.
Theo một chuyên gia về thực phẩm, thì hóa chất Metabisulfite được dùng trong việc tẩy uế, chống oxy hóa và chất bảo quản, được cho phép dùng trong xử lý, chế biến các lọai nước uống hoặc bia rượu với liều lượng nhất định. Metabisulfite nếu được dùng trong việc chế biến thịt heo nái thành thịt bò thì cực kỳ nguy hiểm. Metabisulfite bị cấm dùng trong việc bảo quản, chế biến thịt, người ăn phải loại thịt giả bò được ngâm Metabisulfite sẽ ảnh hưởng lớn đến đường hô hấp.