07.03.2016

Lương và cuộc sống của công nhân

Lương và cuộc sống của công nhân
Hoàng Dung (RFA) 
Việt Nam được coi là một nước đang phát triển, với một lực lượng lao động trẻ, dồi dào và có nhiều tiềm năng, tuy nhiên lương của công nhân Việt Nam đang ở mức thấp và cuộc sống của công nhân gặp nhiều khó khăn.
   Các công nhân nữ trong một xưởng may.   AFP PHOTO
Thu nhập của công nhân
Theo nghị định 122/2015/NĐ-CP ban hành ngày 14 tháng 11 năm 2015 có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 01 năm 2016 quy định mức lương tính theo vùng, với mức lương tối thiểu, cụ thể: Đối với vùng 1 mức lương là 3.500.000đ/tháng, vùng 2 mức lương 3.100.000đ/tháng, vùng 3 – 2.700.000đ/tháng, vùng 4 – 2.400.000đ/tháng. Đây là mức lương tối thiểu mà khi doanh nghiệp phải thỏa thuận để trả cho các công nhân không bao gồm các khoản trợ cấp cũng như phụ cấp thêm hay là thời gian làm thêm giờ của công nhân.

So với các nước cùng khu vực thì mức lương tối thiểu của công nhân Việt Nam là thấp nhất.
Đó là quy định của chính phủ với mức lương tối thiểu cho công nhân, tuy nhiên thực tế thì không như vậy, có nhiều doanh nghiệp không trả lương cho công nhân theo quy định đó, có công ty lại bớt chỗ này để bù vào chỗ kia.
Anh Trần Văn Điển một công nhân làm ở công ty sản xuất giấy An Hòa, tỉnh Tuyên Quang cho biết, lương cơ bản của anh là 2.500.000đ/tháng, cộng tất cả các khoản trợ cấp và phụ cấp thì anh được 3.700.00đ/tháng, ngoài ra anh không được hỗ trợ nào thêm, dù làm việc trong môi trường rất ô nhiễm về chất hóa học.
Nhưng theo nghị định của chính phủ về việc tính lương theo vùng thì 1 tháng anh phải được 3.100.000đ/tháng không bao gồm các khoản phụ cấp và trợ cấp.
Anh Điển tiếp lời:
Lương làm của em là 2.500.000 ngàn đồng, cộng thêm các vào là 3.700.000, không có hỗ trợ gì nữa, tiền lương 3.700.000 là quá ít so với mặt bằng chung ở các tỉnh thành.
Chị Nguyễn Thị Yến, một công nhân quê ở Nghệ An làm tại khu công nghiệp Nam Cấm ở Nghệ An cũng cho biết.
“Lương cơ bản của em là 2.850.000, nếu tăng ca đều đều 1 tháng 48h thì 1 tháng được khoảng 4.500.000.”
Trong khi những tỉnh thành khác thì lương cơ bản khá thấp thì các khu công nghiệp trên địa bàn Tp Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… cao hơn nhiều.
Chị Huệ làm trong công ty Sprinta ở Bình Dương cho biết:
“Lương cơ bản được 4.100.000, kể cả làm thêm giờ 1 tháng em được 6.000.000.”
Làm thêm giờ
Làm việc trong công ty sản xuất giấy An Hòa, anh Điển cho biết đây là công ty sản xuất theo dây chuyền nên không có tăng ca, thêm giờ, nên 1 tháng tất cả các công nhân chỉ nhận được 3.700.000đ, nhưng theo anh với mức tiền này công nhân họ chỉ đủ sống qua ngày, nhất là đối với những người không phải dân bản xứ phải đến thuê ở trọ, chứ chưa tính đến việc ốm đau hay là trợ giúp thêm cho gia đình. Còn anh Điển là dân bản xứ mọi sinh hoạt cùng với gia đình, ngoài ra mỗi khi làm ở công ty về anh còn kiếm việc để làm thêm nên thu nhập có khả hơn.
Một lao động Việt Nam của nhà máy phát điện tuabin đứng kế các thành phần tuabin gió bên trong một dây chuyền lắp ráp tại thành phố ven biển phía Bắc của Hải Phòng.
Anh Điển tiếp lời:
“Một ngày em có thể làm được 15, 16 tiếng, có khi em làm thêm, phụ thêm để đủ ăn mà thôi. Chứ còn như những người nào mà đến đây ở trọ mà để làm ăn thì với mức lương 3.700.000 thì chỉ gọi là ăn cho qua ngày thôi vì nó quá thấp. Còn chưa nói đến chuyện ốm đau hay là bệnh tật, hay là gia đình còn có ai ốm đau nữa thì chắc là không đủ sinh sống.”
Trong khi anh Điển ngoài thời gian làm việc ở công ty thì anh phải tìm thêm cho mình một công việc khác để tăng thu nhập cho cho mình thì phần lớn các công nhân làm việc trong các khu công nghiệp thì họ phải làm tăng ca để có thêm thu nhập cho cuộc sống, vì theo nhiều công nhân cho biết, lương cơ bản của họ thì chỉ để giúp họ chi trả cho cuộc sống trong tháng đó, nếu tháng đó không có ốm đau, không có đám cưới… thì như thể họ mới đủ. Còn tiền làm tăng ca thì đó mới là tiền để họ trợ giúp cho gia đình, vì khi ra đi làm thì gánh nặng gia đình, nuôi các em ăn học… đè nặng trên vai họ.
Theo quy định của công ty thì lương cơ bản của công nhân là một ngày làm việc 8 tiếng, nhưng vì gánh nặng gia đình nên nhiều công nhân làm việc mỗi ngày 10 tiếng, 12 tiếng, có những công nhân thậm chí làm đến 14 tiếng, 16 tiếng 1 ngày.
Chị Huệ làm công nhân ở công ty Sprinta (Bình Dương) cho biết, mỗi ngày chị phải làm tăng ca đến 14 tiếng, như vậy mỗi tháng chị mới đủ dư 2.000.000 để phụ giúp cho gia đình, đó là đối với những người tiết kiệm.
“Trước thì có 9 – 10 tiếng, nhưng giờ chỉ có 8 tiếng thôi, tùy theo từng người, nhưng mỗi tháng em có dư 2.000.000.”
Có nhiều công ty ngoài các khoản trợ cấp và phụ cấp, họ còn hỗ trợ cho các công nhân thêm nhiều khoản khác nữa như hỗ trợ thêm tiền xăng xe cho các công nhân người địa phương mà không thể ở trọ, hỗ trợ tiền sinh đẻ cho các công nhân nữ…
Chị Yến ở Nghệ An chia sẻ:
“Xăng xe khu vực là 400.000, tăng ca 1 tiếng được 15.000, phụ nữ sinh vẫn có bảo hiểm, nhưng khi sinh sau đi làm 6 tháng họ mới nhận được bảo hiểm.”
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 15.605 lao động, chưa kể đến số lao động đi làm ở các nước mà không qua dịch vụ.
Việt Nam được là một nước có nguồn lao động trẻ, theo một báo cáo mỗi năm có khoảng 1,1 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động, tuy nhiên vì ở trong nước không tìm được việc làm cũng như tiền lương ít ỏi nên nhiều công nhân Việt Nam phải tìm cách đi xuất khẩu lao động. Trong thời gian gần đây thị trường mà nhiều lao động Việt Nam tìm tới là Lào, Camphuchia và đặc biệt là Thái Lan.