12.03.2016

Trung cộng lần đầu tiên đề nghị 'hợp tác tại Biển Ðông'

Trung cộng lần đầu tiên đề nghị 'hợp tác tại Biển Ðông' 
Ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung cộng, vừa tuyên bố Trung cộng đang “nghiên cứu cơ chế hợp tác tại Biển Ðông” và sẽ sớm giới thiệu cặn kẽ về cơ chế này.

Ðây là lần đầu tiên Trung cộng đề cập đến chuyện “hợp tác tại Biển Ðông” với tất cả các quốc gia đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Ðông: Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Ðài Loan, gần đây có thêm Nam Dương.

Giàn khoan 981 được điều động đến thăm dò-khai thác dầu khí ở quần đảo Hoàng Sa sau khi Trung cộng cam kết cùng Việt Nam “hợp tác khai thác Biển Ðông.” (Hình: Internet)


Cũng vì vậy, “sáng kiến” vừa kể khiến người ta nghi ngại. Cho dù ngoại trưởng Trung cộng nhấn mạnh, “sáng kiến” này nhằm tạo điều kiện để “các quốc gia có liên quan cùng phối hợp với nhau nhằm duy duy trì và xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta là Biển Ðông.

“Sáng kiến” của Trung cộng được giới thiệu sau khi các ngoại trưởng ASEAN, bao gồm cả Cam Bốt - quốc gia trước nay vẫn tìm mọi cách ngăn cản ASEAN đạt được sự đồng thuận trong việc tìm kiếm một giải pháp chung đối với Trung cộng - đã cùng ký tên vào một tuyên bố bày tỏ sự lo ngại đặc biệt trước những diễn biến gần đây tại Biển Ðông.

Hồi cuối tháng 2 vừa qua, lần đầu tiên, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ra một tuyên bố chung nhấn mạnh, các hoạt động của Trung cộng tại Biển Ðông đang xói mòn niềm tin, khiến căng thẳng gia tăng và có thể phá hoại hòa bình, cũng như sự ổn định trong khu vực. Cũng vì vậy, ASEAN phải hành động để sớm có một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) tại Biển Ðông.

Nếu ASEAN có thể thông qua một COC tại Biển Ðông cùng với Trung cộng, các tranh chấp trên Biển Ðông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế.

“Sáng kiến” vừa kể của Trung cộng xuất hiện sau khi, Ðô Ðốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ, chính thức nêu đề nghị thành lập một liên minh bao gồm Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Ấn để cùng tổ chức tuần tra, bảo vệ quyền tư do lưu thông và an ninh tại Biển Ðông.
Theo Ðô Ðốc Harris, một liên minh như vừa kể sẽ giúp ngăn chặn những cường quốc khác lợi dụng ưu thế vì là cường quốc, hăm dọa, chèn ép những quốc gia nhỏ hơn.

Tờ South China Morning Post nhận định, có thể Trung cộng sẽ giới thiệu cơ chế “hợp tác tại Biển Ðông” ở buổi kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung cộng và ASEAN.

Ông Xu Liping, một chuyên gia của Trung cộng về Ðông Nam Á, cho rằng, sở dĩ Trung cộng “nghiên cứu” cơ chế “hợp tác tại Biển Ðông” là vì Trung cộng tự thấy cần phải có giải pháp giảm thiểu căng thẳng cả với những quốc gia đang có tranh chấp với Trung cộng về chủ quyền tại Biển Ðông lẫn ASEAN.

Ông Xu phán đoán, cơ chế mà Trung cộng đang “nghiên cứu” có thể tương tự những thỏa thuận về nghiên cứu, phát triển, bảo vệ an ninh hàng hải mà Trung cộng từng ký với các quốc gia thành viên ASEAN. Cơ chế đó sẽ không mâu thuẫn hoặc nhằm thay thế những thỏa thuận đã đạt được trước đó.

Ông Li Mingjiang, một giảng viên làm việc tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSiS) ở Singapore thì cho rằng, cơ chế mà Trung cộng đang “nghiên cứu” và sắp giới thiệu sẽ chỉ xoay quanh việc hợp tác để... bảo vệ môi trường chứ không nhằm hợp tác để giải quyết vấn đề cốt lõi là chủ quyền tại Biển Ðông.

Có lẽ cũng cần nhắc lại, trước đây, Trung cộng từng nhiều lần cam kết cùng Việt Nam “hợp tác khai thác Biển Ðông.” Sau đó, Trung cộng đưa giàn khoan 981 đến thăm dò-khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Săn đuổi-tấn công các tàu đánh cá của Việt Nam, bắt giữ ngư dân Việt Nam vì “xâm phạm chủ quyền của Trung cộng.” Bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo, biến chuỗi đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự, bày bố hỏa tiễn, radar giám sát cả trên biển lẫn trên không, điều động chiến đấu cơ đến các đảo ở Biển Ðông,... rồi khẳng định sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào về chủ quyền tại Biển Ðông bởi đó là di sản mà tổ tiên người Trung Hoa để lại.