26.03.2016

Ứng cử viên độc lập tranh ghế Quốc hội ở nước Việt Nam độc đảng - Mike Ives

Ứng cử viên độc lập tranh ghế Quốc hội ở nước Việt Nam độc đảng

Mike Ives (New York Times) 

Sài Gòn, Việt Nam - Lên sân khấu ở đây vào thứ Sáu, ca, nhạc sĩ Mai Khôi bắt đầu bài hát được hâm mộ của cô “Việt Nam”, một ca khúc lạc quan về cảnh vật và con người Việt Nam. Nhưng phần còn lại của danh sách bao gồm các bài hát, chẳng hạn như một bài gọi là “Gông cùm trong Tự do”? (Cuffed in Freedom), nói lên các vấn đề xã hội nóng bỏng như tham nhũng, bất bình đẳng nam nữ và các hạn chế chính thức về trình bày nghệ thuật. Mai Khôi, 32 tuổi, trong nhóm khoảng hai chục nhà hoạt động và là những người nổi tiếng ở Việt Nam đang đứng ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập vào Quốc hội chỉ có vai trò đóng dấu cho nhà nước độc tài trong tháng này — và thách thức Đảng Cộng sản cầm quyền dám không đưa tên họ vào phiếu bầu. Các nhà phân tích cho biết, đây là lần đầu tiên có hơn hai hoặc ba nhà hoạt động đứng ra tranh cử. Mai Khôi nói rằng, việc cô quan tâm ngày càng nhiều các vấn đề công bằng xã hội và thanh niên — thể hiện qua các bài hát của cô — sẽ làm cho cô thành một ứng cử viên hấp dẫn đối với nhiều người Việt trẻ, những người có thể không quan tâm đến chính trị. Cô đã có hàng ngàn người ủng hộ, cô nói sau buổi hòa nhạc giữa làn khói thuốc lá, “bởi vì họ đã nhìn thấy những gì tôi đang làm trong âm nhạc”.


Theo một phân tích của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, lần đầu tiên Việt Nam cho phép có ứng cử viên độc lập là vào năm 2002, và chỉ 7 trong vài trăm người giành được ghế trong Quốc hội ở 3 kỳ bầu cử từ đó đến nay. Những ứng cử viên độc lập thường là các doanh nhân hay các học giả vốn là đảng viên hoặc có quan hệ sâu với chính phủ, và hầu hết đã bị loại ra trước khi việc bỏ phiếu bắt đầu bởi một quá trình sàng lọc phức tạp, dưới sư kiểm soát của đảng, các nhà phân tích cho biết. Mai Khôi, giống như nhiều ứng viên độc lập khác trong năm nay, không phải là đảng viên.

Các ứng cử viên là nhà hoạt động trong năm nay chủ yếu từ thủ đô Hà Nội và thành phố Sài Gòn, trung tâm thương mại của đất nước, gồm các nhà văn, luật sư, nhà giáo dục và thậm chí có cả một diễn viên hài đối kháng. “
Trước đây, Quốc hội không choán phần quá nhiều trong ý thức dân tộc”, nhưng số lượng ứng viên độc lập năm nay có thành phần xã hội đa dạng hơn" , Edmund J. Malesky, một chuyên gia Việt Nam và là giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Duke nói. Giáo sư Malesky nói rằng, các ứng viên độc lập trẻ hơn trước và nhiều người thảo luận về chỗ đứng của mình với một mức độ cởi mở hiếm có trong nhà nước độc đảng. Ông nói, các tranh luận tại Quốc hội đã trở nên sống động trong những năm gần đây và sự gia tăng của các ứng cử viên không truyền thống như Mai Khôi có thể phản ánh một sự quan tâm, của những người Việt Nam bình thường, ngày càng tăng về chính trị trong nước.

Các ứng viên không có một ý thức hệ chính trị chung. Một số, như Mai Khôi, không tự coi mình là nhà bất đồng chính kiến. Những người khác, như Nguyễn Trang Nhung, mô tả việc ứng cử như là một thách thức trực tiếp đối với một chính phủ vốn thường phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề từ các tổ chức nhân quyền quốc tế đối với việc bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến. Cô Nhung, 34 tuổi, một doanh nhân và là nhà hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi sống trong chế độ độc đảng. Tôi muốn có chế độ đa đảng. Nếu chúng tôi có nhiều đảng, chúng tôi có thể chọn đảng nào làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn”.

Một trong những ứng cử viên độc lập nổi tiếng nhất là ông Nguyễn Quang A, một doanh nhân và là nhà hoạt động ở Hà Nội từng cố gắng và thất bại trong việc thành lập viện nghiên cứu độc lập đầu tiên của Việt Nam hồi năm 2007. Ông cho biết, trong những tuần gần đây ông đã thu thập được 5.000 chữ ký từ một nhóm những người ủng hộ đa dạng, có cả các quan chức chính phủ, mặc dù về mặt kỹ thuật điều đó không cần thiết. Ông Quang A, 69 tuổi, cho biết, Việt Nam mới đây đã bước nhiều bước quan trọng tiến tới hội nhập quốc tế, như tham gia Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại do Mỹ dẫn đầu, đã đạt được thỏa thuận hồi tháng 2, đang chờ Quốc hội phê duyệt. Ông nói, một sự thay đổi như vậy đã tạo ra sân chơi cho các nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam hoạt động. “Chúng tôi cũng đang cố gắng mở rộng không gian của chúng tôi”, ông nói về các ứng cử viên là nhà hoạt động. Tuy nhiên, ông Quang A thừa nhận rằng việc tranh cử của chính ông gần như không có cơ hội thành công. “
Hệ thống bầu cử được thiết lập để cho đảng kiểm soát”, ông nói. Tiếp xúc được qua điện thoại hôm thứ Sáu, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó tổng thư ký Quốc hội, cho biết, ông không có ý kiến bình luận.

Việt Nam bước đầu cho phép các ứng cử viên độc lập như là một phần của những thay đổi rộng lớn hơn, phần nào vốn có ý cho phép Đảng Cộng sản kiềm chế quyền lực của thủ tướng, ông Paul Schuler, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Arizona, là người đang viết một cuốn sách về quốc hội, cho biết. Giáo sư Schuler nói rằng, sẽ rất thú vị để xem các ứng cử viên này xoay xở thế nào và nếu ông Quang A thắng cử thì điều đó sẽ đánh dấu một sự “đột phá khỏi quá khứ” đáng chú ý. Nhưng ông nói thêm rằng
các ứng cử viên độc lập không phải là một thách thức cơ bản đối với hệ thống chính trị của Việt Nam vì quá trình sàng lọc ứng cử viên của Đảng Cộng sản vẫn còn cho các quan chức cao cấp quyền lực đáng kể trong việc quyết định ai có thể tranh cử. “Nếu họ không kiểm soát quá trình này thì không còn là chế độ độc đảng, và tôi nghĩ rằng họ đang ý thức rõ điều đó”, ông nói.

Nguyễn Danh Quý, tổng biên tập các ấn bản tiếng Việt của tạp chí Elle, nói rằng, với tư cách là một ca sĩ nhạc pop, Mai Khôi đã nổi tiếng là thẳng thắn và suy nghĩ phóng khoáng, và rằng trong những năm qua, các nhà phê bình đã buộc tội cô là “quá cố chấp”. Cô ấy là một người ủng hộ mạnh mẽ đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới và là người chỉ trích bạo hành gia đình, còn các trang web xã hội xầm xì bàn tán về trang phục hở hang của cô. Mai Khôi không biện hộ về cá tính và khát vọng chính trị của mình. Nhưng cô đã cẩn thận chơi theo luật chơi của chính phủ khi cô muốn tranh lấy một ghế trong Quốc hội. Luật pháp ngăn cô tổ chức các sự kiện chính trị, chẳng hạn, buổi ra mắt chiến dịch của cô, nếu có thể gọi như thế, chỉ là một cuộc họp tĩnh lặng với một nhúm bạn nhà báo. Và trọng tâm hình ảnh trong chiến dịch của cô là một bảng quảng cáo do kỹ thuật số tạo ra, gồm có khuôn mặt và khẩu hiệu của cô mà cô đã đăng trên Facebook. (Phiên bản thật duy nhất treo trên tường trong căn hộ của cô ở thành phố Sài Gòn, ngay trên cây đàn piano của cô). Hôm Thứ Năm, cuộc chạy đua vào Quốc hội của Mai Khôi đã qua được một rào cản đầu tiên về thủ tục, cô nói. Thử thách tiếp theo sẽ là cuộc họp với một nhóm các cử tri do Đảng Cộng sản phê duyệt tại quê hương cô, thành phố Cam Ranh. Cô cũng sẽ cần sự chấp thuận của Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức quyền lực của Đảng Cộng sản, để tranh cử vào tháng 5. Nhưng Mai Khôi nói rằng,
chiến dịch tranh cử của cô, chính thức bắt đầu vào ngày 11 tháng 3, có ý nghĩa là để lôi kéo giới trẻ vào tiến trình chính trị và rằng cô sẽ coi đó là thành công ngay cả khi cô không trúng cử. “Tôi chỉ muốn làm cho chính trị được công chúng quan tâm hơn,” cô nói. Đám đông khán giả tại buổi diễn của cô vào tối thứ Sáu, tại Saigon Outcast, bao gồm những người ủng hộ chiến dịch còn non trẻ của cô.

Huỳnh Thanh Nguyệt Ánh, 24 tuổi, một nhân viên tiếp tân của một đại lý xe hơi Porsche ở đây, nói rằng cô ấy sẽ bỏ phiếu cho Mai Khôi, nếu cô ca sĩ này được phép tranh cử và đó sẽ là lần bỏ phiếu đầu tiên trong đời cô. “Phải là một người nào đó mà tôi có thể tin cậy” cô nói.

(Song Phan dịch)