01.04.2016

Vùng nhận dạng phòng không, ADIZ, ở Biển Đông

Vùng nhận dạng phòng không, ADIZ, ở Biển Đông

Hoa Kỳ lưu ý Bắc Kinh : Sẽ không thừa nhận vùng «cấm» ở Biển Đông
Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN 71) tại eo biển Malacca đang trên đường đến Singapore 23/10/2015.AFP PHOTO / ROSLAN RAHMAN

Vào lúc Bắc Kinh không ngớt có những hành vi cản trở quyền tự do lưu thông trên Biển Đông, Một viên chức cao cấp của Mỹ ngày 30/03/2016 đã nhắc lại lập trường nhất quán của Hoa Kỳ : Không thừa nhận một vùng « cấm » tàu thuyền hay máy bay tại Biển Đông. Theo nguồn tin trên, Washington đã chuyển thẳng thông điệp đó cho Bắc Kinh.
Theo hãng tin Anh Reuters, chính thứ trưởng bộ Quốc Phòng Mỹ Robert Work đã tiết lộ tin trên nhân một buổi nói chuyện do nhật báo Mỹ The Washington Post tổ chức.


Đối với thứ trưởng bộ Quốc Phòng Mỹ, các vùng kiểm soát nói trên không dựa vào luật pháp quốc tế, do đó Mỹ sẽ « tiếp tục đưa tàu thuyền và máy bay đến hoạt động tại bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép ».

Theo Reuters, các quan chức Mỹ đang lo ngại rằng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye sắp tới đây về Biển Đông sẽ bất lợi cho Trung cộng và Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh tốc độ thành lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Tuyên bố của ông Robert Work được đưa ra trong bối cảnh chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình chuẩn bị đến Mỹ tham dự Thượng Đỉnh Hạt Nhân, và dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương với tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó hồ sơ Biển Đông được cho là sẽ được hai bên đề cập tới.

Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung cộng gây gia tăng căng thẳng trên Biển Đông qua hàng loạt các động thái đơn phương như bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai tên lửa. Washington cũng từng bác bỏ vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố tại biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.

Trọng Nghĩa (RFI)

TC đáp trả thông tin sắp lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông

Bản đồ hình lưỡi bò do Trung cộng tự công bố nhằm chiếm trọn biển Đông.  AFP

Hoa Kỳ và một số quốc gia gần đây đã bày tỏ quan ngại là phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vài tuần nữa về vụ kiện của Phi Luật Tân đối với các tuyên bố đòi chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông có thể dẫn đến việc Trung cộng tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không, ADIZ, ở Biển Đông, như họ đã làm ở Biển Hoa Đông năm 2013.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung cộng Dương Vũ Quân nói rằng các nước khác không cần phải mạnh mẽ lên tiếng về vấn đề này. Ông cũng nói việc một nước thiết lập vùng nhận dạng phòng không hay không còn phụ thuộc vào mối đe dọa trên không và mức độ của mối đe dọa đó thế nào. Vì vậy điều này cần phải được cân nhắc rất kỹ.

Ông Dương Vũ Quân nói thêm là bất cứ nước có chủ quyền nào cũng có quyền lập ra ADIZ. “Về vấn đề này, các nước khác không cần phải làm rùm beng lên”.
Bộ Quốc phòng Trung cộng hôm nay cũng lên tiếng cáo buộc Nhật bản là đạo đức giả khi mở một trạm radar quan sát mới trên đảo Yonaguni gần với Đài Loan và nằm ở phía nam quần đảo Senkaku thuộc biển Hoa Đông. Đây là quần đảo Nhật bản đang tranh chấp với Trung cộng.

Trạm radar này cho phép Nhật bản thu thập các thông tin tình báo lâu dài tại một khu vực chiến lược.

Tin RFA

Kịch bản về phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế
Chiến đấu cơ J-11 của Trung cộng bay ngang bầu trời phía đông đảo Hải Nam.
Về vụ khiếu nại của Phi Luật Tân, Phó Thẩm phán Cao cấp Tòa án Tối cao Phi Luật Tân Antonio Carpio hôm thứ Năm nêu ra 3 kịch bản tại một diễn đàn bàn về phán quyết trọng tài và các khả năng về địa chính trị, với sự tham dự của giới quân đội, Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán nước ngoài.
Theo Phó Thẩm phán Carpio, kịch bản xấu nhất là Tòa Trọng tài Quốc tế không phán quyết về tính pháp lý của đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, tuyên bố rằng đảo Itu Aba - tức đảo Ba Bình - có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và bãi cạn Scarborough (hay Hoàng Nham) chỉ có vùng lãnh hải, và không phán quyết về các vấn đề khác.
Nếu điều này xảy ra, ông Carpio nói Phi Luật Tân và các nước tuyên bố chủ quyền khác sẽ phải “mua chiến hạm, chiến đấu cơ và hỏa tiễn chống hạm” để bảo vệ vùng biển của mình.
Với kịch bản này, Trung cộng sẽ thực thi đường lưỡi bò, chặn đường và quấy rối các nước Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai khi họ tiếp tế các đảo do họ kiểm soát, và tranh chấp pháp lý tiếp tục diễn ra.
Vị phó thẩm phán nói Phi Luật Tân cần phối hợp với Việt Nam, Mã Lai và Brunei để ra tuyên bố rằng không đảo nào hoặc bãi cạn nào ở Trường Sa có vùng EEZ cả.
Tuy nhiên ông cho rằng kịch bản này khó xảy ra.
Kịch bản thứ hai, theo ông, đó là “phán quyết lưng chừng”, theo đó, tòa tuyên bố đường lưỡi bò vô giá trị, bãi Scarborough chỉ có hải phận là ngư trường truyền thống của Phi Luật Tân, và không phán quyết về các vấn đề khác. Phán quyết này sẽ giảm vùng tranh chấp pháp lý giữa Phi Luật Tân và Trung cộng từ 531.000 kilomet vuông xuống cón 23.000 kilomet vuông, tự do hàng không, hàng hải bên ngoài vùng lãnh hải và không phận ở Biển Đông được công nhận.
Nhưng vị phó thẩm phán hy vọng nhất về kịch bản tốt nhất, theo đó tòa phán quyết đường lưỡi bò vô giá trị, đảo Ba Bình không có vùng đặc quyền kinh tế EEZ, xác nhận các bãi cạn mà Phi Luật Tân nêu ra, bãi Scarborough chỉ có hải phận và là ngư trường truyền thống của ngư dân Phi Luật Tân.
Nếu có phán quyết này, vùng tranh chấp của Phi Luật Tân với Trung cộng chỉ còn 1.551 kilomet vuông.
“Tôi rất lạc quan về kịch bản tốt nhất này”, ông Carpio nói với các phóng viên.
Theo Reuters, Dailymail.

Biển Đông : Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift cảnh báo tình hình căng thẳng ở Biển Đông, 06/10/2015.REUTERS/David Gray/Files

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung cộng trên vấn đề Biển Đông gia tăng qua những tuyên bố mới nhất của các lãnh đạo và viên chức hai nước. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp gỡ hôm qua, 31/03/2016, bên lề cuộc họp thượng đỉnh thế giới tại Washington về an ninh hạt nhân, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố với tổng thống Barack Obama rằng Bắc Kinh sẽ « kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền có liên hệ của Trung cộng »trên vùng biển này.

Mặc dù nói rằng Bắc Kinh « tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không » ở Biển Đông, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung cộng sẽ không chấp nhận việc lấy cớ tự do hàng hải « để xâm phạm chủ quyền và các lợi ích an ninh quốc gia của Trung cộng ».

Chủ tịch Trung cộng tuyên bố như trên với tổng thống Obama vào lúc hải quân Hoa Kỳ gia tăng các cuộc tuần tra ở vùng biển Đông nhằm bảo vệ « tự do hàng hải », nhất là ở khu vực gần các đảo đang tranh chấp, những đảo mà Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp. Đáp lại hành động của Mỹ, gần đây Trung cộng đã khai triển phi đạn phòng không trên đảo Phú Lâm, đảo lớn của quần đảo Hoàng Sa mà Trung cộng đã đánh chiếm từ năm 1974, nhưng bị Việt Nam và một số nước khác tranh chấp chủ quyền.

Các viên chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại là những hành động của Trung cộng ở Biển Đông không đúng với lời cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái tại Tòa Bạch Ốc rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự vùng biển mang tính chiến lược này. Đây cũng là điều mà ông Ben Rhodes, cố vấn cao cấp của tổng thống Obama về chính sách ngoại giao, nhắc lại trước cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo Mỹ Trung.

Nhưng cũng trong ngày hôm qua, một phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung cộng đã lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ là nên « thận trọng » trên vấn đề Biển Đông, tiếp theo sau tuyên bố của thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work là Washington sẽ không tôn trọng một vùng nhận dạng phòng không mà Trung cộng đơn phương thiết lập ở vùng biển đang tranh chấp này.

Hôm nay, 01/04, đến lượt phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung cộng Hồng Lỗi chỉ trích tuyên bố của ông Robert Work, khẳng định việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông không có liên hệ gì đến các tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này. Ông Hồng Lỗi cũng bác bỏ tuyên bố của thứ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông là không có cơ sở về mặt luật pháp quốc tế. Phát ngôn bộ Ngoại giao Trung cộng đặt câu hỏi : « Khi thiết lập vùng nhận dạng phòng không, Hoa Kỳ đã dựa trên cơ sở nào về luật quốc tế ? ».

Các cuộc đấu khẩu nói trên giữa lãnh đạo và quan chức hai nước Mỹ Trung cho thấy Biển Đông là vấn đề gây bất đồng ngày càng khó giải tỏa giữa hai siêu cường quốc này. Bắc Kinh thì kiên quyết bảo vệ « chủ quyền », còn Washington thì dứt khoát bảo vệ « tự do hàng hải », hai khái niệm ngày càng đối chọi, làm gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ giữa hai bên ở vùng biển chiến lược này.


Thanh Phương (RFI)