„,…thực
chất chờ đợi ở quyết định dỡ bỏ cấm vận không hoàn toàn nằm ở
việc mua sắm vũ khí. Nó nhắm một mục đích cao hơn, là mở rộng cánh
cửa cho mối quan hệ hợp tác mỗi ngày một chặt chẽ gắn kết hơn, để
tiến tới một liên minh.“
Chúng
ta có quyền ăn mừng không?
Bùi
Quang Vơm
Lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã được dỡ bỏ. Tổng
thống Mỹ OBAMA đã công bố ngay ngày đầu tiên đến Hà Nội, sáng
23/05/2016. Lịch sử quan hệ Việt Mỹ có thể bắt đầu một chương mới.
Liệu có thể ăn mừng không?
Lệnh
cậm vận vũ khí của Mỹ bắt nguồn từ sự kiện vịnh Bắc bộ năm 1964. Chế độ
cộng sản Bắc Việt chính thức trở thành kẻ thù chiến tranh của Hợp
Chủng quốc Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh uỷ nhiệm giữa hai hệ thống chế
độ, đại diện hai hệ thống tư tưởng toàn cầu bắt đầu, bằng những
cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam. Thắng hay bại trong cuộc chiến này
không chỉ là thắng bại của ưu thế quân sự mà chủ yếu bị gắn vào
biểu tượng thắng bại của ý thức hệ Dân chủ và ý thức hệ Cộng sản.
Theo G.S Zach Abuza từ Học viện Chiến tranh Hoa Kỳ,
lệnh cấm vận với Việt Nam chính thức được áp dụng năm 1975, nhưng
nâng mức, khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1978, danh nghĩa tiêu
diệt Pon Pot, nhưng sau đó có mưu đồ chiếm đóng.
Lệnh cấm vận hoàn toàn đối với Việt Nam được Quốc hội
Mỹ phê chuẩn và được đưa vào luật năm 1984, Quy định Buôn bán vũ khí quốc
tế (ITAR, International
Traffic in Arms Regulations) liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia bị
cấm mua bán vũ khí với Mỹ và các đồng minh quân sự của Mỹ. Luật này
áp dụng cho các quốc gia kẻ thù của Mỹ, các chế độ được luật pháp
Mỹ coi là khủng bố, chống lại dân chủ. Dù năm 1995 hai nước đã bình thường
hóa quan hệ ngoại giao nhưng lệnh cấm vận vũ khí vẫn không được dỡ bỏ và
kéo dài tiếp hơn 20 năm qua. Dấu mốc lần này thực sự là điều mà cả hai bên cùng
mong muốn.
Như vậy, cấm vận vũ khí không phải có tuổi 41 năm (từ sau
chiến tranh năm 1975), mà là 48 năm. Gần nửa thế kỷ là kẻ thù, nay
trở thành bạn. Đúng là “Trời còn
để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Chúng ta có
quyền ăn mừng cho cuộc tan sương này.
Sự sụp đổ của ý thức hệ
– Chiến
tranh lạnh kết thúc từ sau sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới
cùng lúc với sự sụp̣ đổ và tan rã của Liên bang cộng hoà XHCN Xô
Viết năm 1991, nhưng chủ nghĩa cộng sản thế giới vẫn chưa hoàn toàn
biến mất. Đảng cộng sản vẫn còn cầm quyền ở Trung Hoa lục địa (Trung
cộng), Triều Tiên, Cuba và Việt Nam. Những nước này đương nhiên là
những nước mà luật pháp Mỹ xếp cùng phía với các quốc gia như Iran,
Triều Tiên, Libye của Kadhafi, Irak của Sadam Hussein, Alqueda, IS… là
những quốc gia hay tổ chức khủng bố, nặng hơn là kẻ thù của nhân
loại, là đối tượng phải bị tiêu diệt.
Trong số những quốc gia này, Việt Nam là nước đầu tiên và độc nhất cho tới nay được
Mỹ huỷ bỏ lệnh cấm vận. Một cách gián tiếp, Hoa kỳ không còn coi
Việt Nam là nước có khác biệt ý thức hệ. Luật pháp Mỹ quy định Mỹ chỉ được bán vũ khí cho các
quốc gia bạn. Mỹ bán vũ khí cho đồng minh và cấm các đồng minh bán
cho bên thứ ba, nếu bên thứ ba không phải là bạn. Nhật và Israel không
thể bán vũ khí cho Việt Nam, nếu Việt Nam không được coi là quốc gia
bạn. Từ nay, Việt nam có thể mua vũ khí Mỹ, vũ khí Nhật, vũ khí
Israel, của bất cứ nước nào thuộc khối NATO, vì Việt Nam là bạn của
Mỹ. Việt Nam không thuộc hệ thống tư tưởng đối kháng.
– Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này, sau khi được Quốc Hội Mỹ
thông qua, được luật hóa, sẽ mở ra một chương hoàn toàn mới cho quan
hệ hai nước. Việt Nam không bị coi là
quốc gia thù địch. Thể chế chính trị độc đảng cộng sản
của Việt Nam chính thức được luật pháp Mỹ thừa nhận, bình đẳng và có đầy đủ quyền và
pháp nhân như mọi thể chế chính trị khác mà nền dân chủ Mỹ thừa
nhận. Đây là điều mà những nhà lãnh đạo của chính quyền Hà Nội
luôn luôn yêu cầu Mỹ mỗi lần có chuyến thăm viếng, hay sự kiện phải
ra tuyên bố chung, như một bảo đảm cho an toàn của chế độ.
Cùng với việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí là sự dỡ bỏ nghi
kỵ giữa hai chế độ, đặc
biệt của nhà cầm quyền Hà nội với tâm lý lo sợ của một tư thế thấp
kém và của một chế độ mong manh. Hà Nội sẽ bạo dạn hơn, tự tin hơn
và cởi mở hơn trong các bước đi tiếp. Từ bình thường hóa quan hệ
hoàn toàn tới quan hệ bạn bè, và từ bạn bè tới đồng minh là một
quá trình, nhưng là quá trình liên kết tiệm tiến, không có phân cách
rõ ràng về chất, cũng như không có ranh giới không gian và thời gian.
– Cùng với hủy bỏ lệnh cấm vận, những căn cứ địa cuối cùng
của đối kháng ý thức hệ cũng được dỡ bỏ. Những kẻ cố thủ nhất, mù quáng nhất
trong chế độ không còn đất để bám víu. Từ nay, những kẻ rao giảng
chủ nghĩa láng giềng sẽ không còn chỗ đứng. Bốn tốt và mười sáu chữ vàng sẽ ít
xuất hiện trên đài, báo. Liên hoan thanh niên và sinh viên Việt – Trung
hàng năm sẽ không còn nội dung «liên hoan» nữa. Hội hữu nghị Việt
Trung sẽ giảm biên chế và sẽ thu gọn kinh phí hoạt động. Những cụm
từ “kẻ thù số một”, “kẻ thù trực tiếp”, “kẻ thù ngàn đời”… sẽ
tái xuất hiện trên báo chí chính thống như thời ông Lê Duẩn.
– Hội thảo Lý luận Trung Việt giữa hai cơ quan nghiên cứu
lý luận cao cấp của hai đảng, do một uỷ viên bộ chính trị phụ trách
tuyên giáo dẫn đầu, gồm 50 cán bộ nghiên cứu cao cấp của hai đảng,
được tổ chức luân phiên, một năm tại Trung cộng, một năm tại Việt Nam
là tổ chức có nguồn gốc ý thức hệ cộng sản, và có mục đích bảo
vệ, tăng cường và phát triển ý thức hệ cộng sản.
Tổ chức này do chính Nguyễn Phú Trọng, nguyên bí thư Hà
Nội kiêm chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương là đồng sáng lập với
phía Trung cộng, và trực tiếp dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội thảo lần
thứ nhất năm 2003. Hội thảo gần đ̣ây nhất là hội thảo lần thứ XI,
tổ chức ngày 17/06/2015 tại Thượng Hải, giữa Đinh Thế Huynh phía Việt
Nam và Lưu Kỳ Bảo, uỷ viện bộ chính trị, bí thư TW, kiêm Trưởng ban
Tuyên truyền TW đảng cộng sảng Trung cộng.
Hội Thảo lý luận từ lâu là công cụ mà Trung cộng sử dụng
để kiểm soát và khống chế bộ máy lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, nhân danh bảo vệ trung thành với chủ
nghĩa Mác Lênin và chủ nghĩa quốc tế cộng sản. Đặc biệt thông qua
các hiệp định trao đổi và đào tạo hàng năm số lượng lớn cán bộ
quản lý cao cấp, do đảng cộng sản Trung Hoa tổ chức tại Bắc Kinh và
đài thọ kinh phí.
Cơ chế Hội Thảo lý luận hàng năm được cả hai đảng coi là
nền tảng bảo vệ chế độ hai nước. Nó được coi như một loại Hiệp ước An ninh, cho phép quân
đội hai nước, đều do đảng lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp, có thể
được huy động, và can thiệp, trong trường hợp chế độ của nước này
hay nước kia bị đe dọa. Hơn thế, những nhà lãnh đạo cả hai đảng đều
có tham vọng là lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế, ôm mộng
khôi phục và lập lại được Quốc tế cộng sản. Đó là chiếc bình sứ
mà Thường Vạn Toàn, bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng tặng cho Phùng
Quang Thanh tại Giao lưu biên giới Trung – Việt năm 2015, là «Đại cục»
mà Tập Cận Bình răn đe giới tinh hoa Việt ngay tại hội trường Diên
Hồng, Quốc Hội Việt Nam, tháng 11/2015.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là một khẳng định, rằng lợi ích quốc gia mới là thứ vĩnh
viễn, ý thức hệ chỉ là thứ phù du. Rồi chúng ta sẽ chứng kiến sự biến mất không cờ không
trống của cơ chế «Hội Thảo lý luận Trung Việt”, mặc dù có thể không
ngay lập tức. Ông Đinh Thế Huynh sẽ không cần kiêm chức Chủ tịch Hội
đồng lý luận TW nữa. Trưởng ban tuyên giáo trẻ tuổi Võ Văn Thưởng sẽ
mất cơ hội được đào tạo chuyên sâu về chủ nghĩa Mác tại các trường
Đảng tại Bắc Kinh, và tránh được nhiễm máu Trung cộng. Cây măng mà ông
Nguyễn Phú Trọng hy vọng có lẽ không lớn lên thành loại tre giống ông
và Đinh Thế Huynh. Lý luận Mác Lê sẽ chết cùng với lệnh cấm vận,
vưà vì cổ hủ, vừa vì đảng không còn người, không còn người bị lưà.
– Chính Thời báo Hoàn cầu cũng thấy «…hiện tại với việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn
cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, một quốc gia theo thể chế xã hội chủ
nghĩa, có thể thấy chiến lược ngoại giao của Mỹ không còn bị “ý thức hệ hóa”
như trước khiến người ta phải xem xét lại, nghiên cứu kỹ.
Cử chỉ này của ông Obama vừa nhằm mục đích để lại di sản ngoại
giao trước khi rời Nhà Trắng, đồng thời còn tính toán đến chiến lược thúc đẩy
chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương. Khi Mỹ cần gấp rút bao vây Trung
cộng trên Biển Đông, bất luận là ý thức hệ hay nhân quyền đều có thể nới lỏng
hơn một chút.”
– Dù lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam muốn hay không, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không
thể che đậy mục tiêu là nhằm chống lại Trung cộng, nói một cách khác, khái niệm bạn thù, í́t nhất trên lĩnh
vực chủ quyền quốc gia, đã công khai xác định ai là bạn, ai là thù. Việt Nam đã hoàn toàn đoạn tuyệt sự
trói buộc và chi phối của Trung cộng, thậm chí chính thức lựa chọn
đối đầu với Trung cộng, dù chỉ trên vấn đề biển đảo. Lãnh đạo đảng
cộng sản không muốn, có thể còn lo sợ, nhưng nhân dân Việt Nam thì
mừng.
An ninh Quốc phòng và Biển Đông
–
Ông Obama nói
«việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là kết
quả sự phát triển của quan hệ hai nước, không liên quan tới Trung cộng
và biển Đông», nhưng trên thực tế, không một ai không biết, động cơ chủ yếu dẫn hai nước Việt Mỹ
tới sự tin cậy hôm nay là ý chí và nguyện vọng bảo vệ chủ quyền
biển đảo của Việt Nam và chiến lược chuyển trục của Mỹ nhằm ngăn
chặn âm mưu bành trướng của Trung cộng. Đây là sự gặp gỡ của lợi ích quốc gia. Khi nói «không có bạn hay kẻ thù vĩnh viễn,
chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn», thì cũng có thể hiểu
rằng mối quan hệ này có độ bền không thể ngắn, vì chủ quyền biển
đảo là lợi ích vĩnh viễn của Việt Nam, và lợi ích gắn với tự do
hàng hải quốc tế là lợi ích vĩnh viễn không chỉ của Mỹ, mà của tất
cả các nước, trước hết là các siêu cường có trách nhiệm trên thế
giới. Trong tình thế hiện tại, không một quốc gia nào có vai trò và
sức mạnh thích hợp hơn Mỹ.
– Lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ cho phép Việt Nam có
cơ hội hiện đại hoá trang bị vũ khí tự vệ. Mỹ sẽ cung cấp ngay cho Việt Nam 18 tàu
tuần tra Metal Shark, Hải quân Việt nam có thể được trang bị máy bay
trinh sát săn ngầm P-3C Orion. Sau đó là máy bay vận tải hạng nặng C-130
Hercules. Việt Nam có thể sẽ mua chiến đấu cơ hiện đạ̣i F-16. Hãng
thông tấn Sputnik dẫn lời Jim Jatras- cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết,
“tàu chiến ven bờ LCS và chiến đấu cơ F/A-18 nhiều khả năng sẽ là hai
cái tên đứng đầu trong danh sách vũ khí mà Việt Nam có thể mua từ Mỹ sau khi Tổng
thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài 50 năm đối với
Hà Nội”. CH-47F
là ứng viên để trang bị cho Lực lượng Đổ bộ đường không mới thành lập của Việt
Nam.
Vũ khí sát thương được hiểu là loại vũ khí nhằm mục đích tối quan
trọng là trực tiếp tiêu diệt nhanh chóng kẻ địch. Những vũ khí sát thương có uy
lực lớn, sức công phá khủng khiếp và gây chấn thương nghiêm trọng hoặc thiệt mạng
ngay tức khắc.
Trong chiến tranh thông thường, vũ khí sát thương là một con bài
quan trọng để áp chế lực lượng đối phương và tung ra đòn quyết định giành chiến
thắng cuối cùng. Việt Nam rất cần cho tình
huống phải đối phó với chiến tranh xâm lược của Trung cộng như tình huống xẩy ra tại các vùng biên
giới phía Bắc năm 1979, hoặc như trận Gạc Ma.
Trước đây hồi tháng 8.2015, Nigeria từng được Mỹ dỡ một phần lệnh
cấm vận vũ khí sau khi tổ chức khủng bố Boko Haram hoành hành quá mạnh ở quốc
gia châu Phi này. Khi lệnh cấm được tháo bỏ, vũ khí Mỹ đã giúp Nigeria
ngăn chặn Boko Haram phát triển quá mức.
Ai Cập cũng từng được Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm mua vũ khí sau khi tổ chức
khủng bố IS tăng cường “chân rết” khiến tình hình vô cùng nguy cấp. Sau cuộc điện
thoại giữa ông Obama và người đồng cấp Sisi, Ai Cập đã được mua 12 chiến đấu cơ
F-16, 20 tên lửa Harpoon và 124 tên lửa M1A1 Abrams hạng nặng nhằm tiễu trừ khủng
bố.
– Theo New York Times, nếu chiến hạm Mỹ được phép vào Cam Ranh (nằm ở
phía Tây của biển Đông), cùng với căn cứ ở Phi Luật Tân (nằm ở rìa Đông), Mỹ sẽ
tạo được thế gọng kìm trên Biển Đông, bao vây các căn cứ quân sự Trung cộng dựng lên phi pháp. Giáo sư
Alexander L.Vuving, Trung tâm nghiên
cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định: “Nếu xảy ra sự cố trên Biển Đông, Mỹ cần nhiều thời gian hơn để hiện diện
trong khu vực so với Trung cộng. Việc chiến hạm Mỹ thường xuyên ra vào Vịnh Cam
Ranh rất thuận lợi cho Washington trong việc duy trì cân bằng quyền lực với Bắc
Kinh”.
Dỡ bỏ lệnh cấm vận cho phép Mỹ tận dụng cơ hội khai
thác Cam Ranh trong khi Nga đang còn “cân
nhắc”. Cam Ranh sẽ không trở thành căn cứ quân sự của riêng Mỹ, nhưng
với ưu thế vũ khí và kinh phí, trong sự lúng túng do khó khăn kinh
tế của Nga, Mỹ dễ dàng chiếm thế thượng phong. Hiện đã có Hiệp
định lưu giữ thiết bị Mỹ tại Đà Nẵng. Sẽ không có từ “Căn cứ quân
sự”, nhưng thực chất là gì, và cách gọi như thế nào, chưa bao giờ
là chuyện khó khăn đối với Hà Nội.
Sự có mặt thường xuyên và chiếm ưu thế của Mỹ tại Cam
Ranh, (dù trên danh nghĩa chỉ do
Mỹ không có khó khăn tài chính) sẽ biến âm mưu độc chiếm biển Đông bằng sức mạnh quân sự
của Trung cộng thành ảo tưởng. Trung cộng đã rất tốn kém, cả tiền bạc lẫn uy tín quốc
tế, chỉ để kiểm soát được biển Đông, biến đường lưỡi bò thành thực
tại. Nhưng với sự có mặt của hải quân Mỹ tại căn cứ Subic Philippines
và Cam ranh Việt Nam, quyền tự do hàng hải trên toàn bộ biển Đông là
thực tế bất khả kháng.Tất cả những khí tài, những đầu tư tốn kém
của Trung cộng tại Hoàng Sa, đặc biệt tại Trường Sa sẽ trở thành vô
dụng. Chiến tranh Trung Việt sẽ không bao giờ còn khả năng xảy ra.
– Tờ Hoàn Cầu Thời báo bằng tiếng Hoa có trụ sở tại Bắc Kinh chạy
bài với tiêu đề “Obama không quên ‘quây
lưới’ quanh Trung cộng trước khi rời nhiệm sở”.
“Các cựu thù không được châm
ngòi mồi lửa trong khu vực” là tiêu đề của bài báo đăng trên tờ Trung Hoa
Nhật báo ở Bắc Kinh.
Bài báo bình luận rằng “Mỹ
đang sử dụng Việt Nam để đối trọng với sức mạnh ngày càng lớn của Trung cộng,
đặc biệt sau những căng thẳng gia tăng ở Nam Hải vì các tuyên bố chủ quyền của
các nước này. Điều đó, nếu đúng, báo hiệu xấu cho hòa bình và ổn định khu vực,
vì nó sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở Nam Hải, và có nguy cơ biến khu vực này
thành một mồi lửa xung đột…»
Nếu Hoàn Cầu Thời báo là phát ngôn của nhà cầm quyền Trung
cộng, thì một sự thật không che đậy, có thể xác định được, đó là đối với đảng cộng sản Trung cộng, đảng
cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã đứng về phía Mỹ, đối đầu
và chống lại Trung cộng, có thể chưa là đồng minh của Mỹ, nhưng với Trung
cộng thì đã là kẻ thù.
Và nếu là kẻ thù của Trung cộng, thì khó thoát khỏi bị trừng trị
và nhận thêm bài học mới. Việt Nam đối diện với một cuộc chiến
tranh, cứng trong một cơ hội có thể, nhưng mềm thì luôn có, lúc nào
cũng có, và mức độ hiểm độc chỉ ngày càng tăng.
– Tuy vậy, không thể bỏ qua khả năng một thủ đoạn xấu chơi
được hiển hiện dưới sự hoan hỉ hầu như chỉ từ phía công chúng này.
Có thể thấy khuôn mặt lạnh lùng của Trần Đại Quang bên cạnh OBAMA.
Có thể thấy báo chí rất ít lời ca ngợi. Không thấy một vị lãnh
đạo cao cấp nào có phát ngôn, và biểu thị tình cảm.
Trước chuyến thăm của Tổng thống OBAMA, sáng 16-5, thủ
tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Nga và hội đàm với
bộ trưởng quốc phòng Nga. Chuyên gia Nga Dmitry Mosyakov nói “Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận liên quan đến
chính sách của Mỹ nhằm kéo Việt Nam về phía mình, để tái trang bị quân đội
Việt Nam với vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng, chuyến thăm
này có ảnh hưởng gì đó đến đường lối đối ngoại của Hà Nội và chính
sách tái vũ trang quân đội Việt Nam. Kết quả cuộc hội đàm của Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc với Tổng thống Nga và Thủ tướng Nga cho thấy rằng, mối quan hệ Việt-Nga
có triển vọng rất lớn, kể cả trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự”. (http://vn.sputniknews.com/vietnam/20160523/1782257.html)
Một thực tế là từ năm 2008, Việt Nam và Nga đã thiết lập cơ
chế đối thoại chiến lược ngoại giao-quốc phòng-an ninh thường niên cấp Thứ trưởng
thường trực Ngoại giao; năm 2013 thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược cấp Thứ
trưởng Quốc phòng.
Đây rõ ràng là một trở ngại khó vượt qua. Nga thuộc danh
sách bị cấm buôn bán vũ khí với Mỹ và đồng minh của Mỹ, trong khi
gần 90% trang thiết bị quân sự trong quân đội Việt Nam là của Nga, quan
hệ mua bán vũ khí giưã Việt Nam và Nga có một lịch sử phát triển
từ lâu và đã ở mức rất sâu. Làm thế nào để vưà mua được vũ khí
của Mỹ, vừa phải đảm bảo vũ khí đó không lọt vào tay Nga, và từ
Nga, qua Trung cộng. Chưa kể nhân quyền, chỉ điều này cũng biến việc
dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Mỹ khó để trở thành khả thi.
Rất có khả năng, với Hà Nội, “Dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương” sẽ chỉ gói gọn trong phạm vi hàng hải
nhằm chống Trung cộng trên biển, giúp chế độ thoát khỏi thế trên đe dưới búa của dân. Ở mọi
chỗ khác, việc khác, tất cả đều như cũ. Mục đích chính, mục đích
căn bản của “Dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương”, chỉ là một đảm bảo
cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước, nghĩa là chế độ độc đảng
được thừa nhận trong pháp luật Mỹ, không còn nguy cơ là đối tượng
lật đổ của chính phủ Mỹ. Rất có thể Hà Nội vẫn chủ trương “tách
khỏi Trung cộng nhưng không cách xa, tiếp cận Mỹ nhưng không quá gần”.
Ở Việt nam mới có một loại định nghĩa mới về khái niệm bạn và thù. “Người
giúp giữ chủ quyền là bạn, ngược lại thì là thù”. Định nghĩa này mới hoàn toàn. Trước
đây, chỉ có tư sản, địa chủ là kẻ thù giai cấp vô sản, tư bản chủ
nghĩa là kẻ thù của xã hội chủ nghĩa, không có bạn và kẻ thù
chung chung, chung chung là xét lại, là phản động. Phải rồi, không còn
ý thức hệ nữa. Khác về tư tưởng không còn là kẻ thù. Mỹ giúp giữ
chủ quyền, Mỹ là bạn. Ngược lại, Trung cộng cướp chiếm biển đảo, Trung
cộng là thù. Nếu đúng là chủ quyền trên hết, thì Trung cộng là kẻ
thù số một, Mỹ là bạn hơn tất cả mọi bạn.
Nhưng nếu “chế
độ” thay vào chỗ “chủ quyền” thì cái định nghĩa vưà rồi sẽ phải viết“người
giúp giữ chế độ là bạn, ngược lại là thù”. Trung cộng giúp giữ nguyên chế độ độc
tài độc đảng, Trung cộng là bạn, và Mỹ giúp cho dân chủ hóa đất
nước, Mỹ thành kẻ thù. Nếu ổn định của chế độ độc đảng quan trọng
hơn chủ quyền quốc gia, thì bạn là Trung cộng, là đảng cộng sản Trung
cộng, và Mỹ, nền tự do dân chủ Mỹ trở thành kẻ thù, kẻ thù của
đảng cộng sản.
Như vậy, chỉ cần biết Đảng cộng sản
Việt Nam hiện đang yêu cái gì, Tổ quốc hay chế độ, lập tức biết
được ngay, Mỹ hay Trung cộng là bạn.
Nhân quyền và dân chủ
– Nhân quyền đã bị gạt sang một bên nhường chỗ cho việc
dỡ bỏ lệnh cấm vận. Trần
Huỳnh Duy Thức thay vì được thả vô điều kiện, lại bị truy bức tới
mức phải tuyên bố tuyệt thực vô thời hạn. Nancy Nguyễn và Nguyễn
Viết Dũng bị bắt cóc trước khi tổng thống Mỹ đến. Khách mời cuộc
gặp mặt dân sự với Tổng thống Obama, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người
dẫn đầu phong trào xã hội dân sự Việt Nam hiện nay, bị bắt cóc ngay
khi ra khỏi nhà, chở đi Hưng Yên và “buộc phải đi thăm chùa và ăn canh
cá rô”. Ông chỉ được đưa về nhà vào lúc 13h30, khi cuộc họp với Tổng
thống Mỹ đã kết thúc. Nhà báo Đoan Trang, luật sư Hà Huy Sơn và blogger
Thảo Teresa bị ngăn cản và câu lưu. Tất cả các diễn văn, nội dung các
cuộc trò truyện của Tổng thống OBAM đều bị cắt xén… cho thấy lãnh
đạo đảng cộng sản Việt Nam không hề nhượng bộ Mỹ về các đòi hỏi
nhân quyền, cũng có nghĩa là Mỹ đã bị cộng sản Việt Nam lợi dụng. Lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ mà
không được trả giá bằng nhân quyền, chỉ đơn thuần là “kết quả sự gặp gỡ của lợi ích quốc
gia”, như nhận xét của nhiều
nhà quan sát. Đó là cuộc gặp “đồng sàng, nhưng dị mộng”, của “kẻ
cướp và bà già”. Chủ nghĩa thực dụng đã chiến thắng ý thức hệ.
Cả cộng sản Việt Nam và Mỹ không ai kém thực dụng hơn ai, và cả hai
đã cùng thắng.
Thượng nghị sĩ Mỹ, ông Cornyn đề nghị Quốc hội Mỹ sửa luật để
trừng phạt ngay chính quyền cộng sản Hà Nội, “Ngay
cả tại thời điểm Tổng thống Obama đến Việt Nam, điều quan trọng là phải nhớ rằng
Việt Nam là một chế độ cộng sản nghiêm khắc, tiếp tục từ bỏ các quyền con người
cơ bản”. Sửa đổi đề xuất biện pháp trừng phạt và hạn chế nhập cảnh vào Mỹ
đối với những công dân Việt Nam, theo quan điểm của Hoa Kỳ, có các hành vi vi
phạm nhân quyền. (http://vn.sputniknews.com/politics/20160524/1782980.html)
– Nhân quyền phải tự giành lấy, không ai cho, không thể trông
chờ người khác đem lại. Đúng
như vậy, người ta đang chơi trò chơi nhân quyền. Nhưng mọi sự nôn nóng
và cực đoan, tuyệt đối hoá vận động tự thân, cách ly phong trào với
mọi nguồn xung lực không phải là giải pháp cần và đủ để đưa lại
kết quả như mong đợi.
Đấu tranh dân chủ, trong đó bắt đầu bằng cuộc đấu tranh cho những quyền cơ
bản của con người, là một cuộc đấu tranh dẫn đến sự thay đổi về
chất của một thể chế chính trị, phải là một quá trình bắt đầu bằng chuyển đổi nhận
thức.
Lật đổ một chế độ bằng bạo lực, kể cả bằng bạo lực
tinh thần số đông, cũng không tạo ra sự thay đổi thực chất và bền
vững nếu chưa có đủ sự chuyển đổi nhận thức. Chưa hiểu một cách đầy đủ hình hài của
một chế độ xã hội phải được hình thành sau lật đổ, thì dân chủ
thực sự chưa đến,
thậm chí có thể có một nguy cơ còn tệ hại hơn, đó là sự rối loạn
đảng phái vô chính phủ dẫn đến sự ra đời của chế độ phát xít, tàn
bạo hơn độc tài nhiều lần.
Vì vậy, sự
thay đổi từng bước,
hình thành từng phần của mô hình, từ bên trong chế độ hiện hữu, là
quá trình hình thành sự chuyển biến có tính cập nhật của nhận
thức, cùng một lúc với sự hình thành từng bước, từng bộ phận cơ
sở hạ tầng của một xã hội tương lai trong lòng thực tiễn xã hội
hiện tại. Từng bước, tập quán sinh
hoạt xã hội mới sẽ được thiết lập tự thân. Đó là con đường ôn hoà và phù hợp với thực tế của Việt
Nam.
– Sau cấm vận, Mỹ có triển vọng thành nhà đầu tư số một,
không
phải chỉ có ý nghĩa kinh tế. Trước hết là sự chiếm chỗ trong không gian. Không gian có
hạn, sự chiếm chỗ của Mỹ sẽ đẩy Trung cộng ra ngoài. Đầu tư của Mỹ sẽ pha loãng ảnh hưởng của
Trung cộng, giảm tỷ lệ phụ thuộc vào Trung cộng của nền kinh tế Việt
Nam. Ưu thế công nghệ và văn
hoá quản trị hiện đại sẽ làm lộ rõ chân tướng lạc hậu và gian dối
của doanh nghiệp Trung cộng và bộ mặt tham nhũng của quan chức Việt Nam.
Quan hệ mở rộng có nghĩa là giao lưu mở rộng, sự gắn kết và tuỳ thuộc
lẫn nhau, đòi hỏi sự tương thích hai chiều, sẽ tạo dần sự đồng nhất
hóa. Đầu tiên là thói
quen sinh hoạt thay đổi, sau đó sẽ là cấu trúc xã hội, và tiếp đến
là thể chế chính trị, mô thức của chính quyền. Người Việt Nam có câu ngạn ngữ «đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc
áo giấy». Xét trên thang phát triển tổng thể, đặc biệt về tư duy
nhân văn, thì Trung cộng còn cách xa Mỹ có thể cả nửa thế kỷ, thậm
chí hơn.
– TPP đòi hỏi đồng nhất hoá
nhận thức các khái niệm về giá trị và tập quán quốc tế, điều
chỉnh tiến tới đồng nhất hoá luật
pháp, bắt đầu từ những quy
định luật pháp liên quan tới hoạt động kinh doanh. Nhu cầu tăng cường
khả năng cạnh tranh quốc gia và mục tiêu lợi nhuận, ép buộc hệ thống
luật pháp quốc gia phải điều chỉnh dần theo hướng đồng nhất hoá với
hệ thống luật của các nước thành viên, các nước này, trong TPP đều
là các quộ́c gia dân chủ mà hệ thống pháp luật có căn cứ chủ yếu
trên nguyên tắc Tam quyền phân lập,
tự do cá nhân và sở hữu tư nhân. Chế độ lương tối thiểu và quyền
được có công đoàn độc lập, quyền
tự vệ của người lao động là xuất phát từ những yêu cầu đồng
nhất hoá luật lao động phổ biến ở tất cả các nước công nghiệp phát
triển.
Ông OBAMA nói, “Gỡ bỏ cấm vận
vũ khí nhằm mục đích thay đổi bản chất mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tất
nhiên là chúng tôi cũng còn có nhiều quan điểm chưa thực sự thống nhất. Chúng
tôi quan tâm đến các cam kết của Việt Nam trong TTP như cải cách luật pháp, cải
thiện tiêu chuẩn lao động..”.
Như vậy, suy cho cùng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận tạo ra các xung lực từ bên
trong, cùng với áp lực của phong trào xã hội dân sự, hình thành thế
trận “nội công, ngoại kích”.
Liên minh là tất yếu
– Nếu chỉ thấy ở việc dỡ bỏ lệnh cấm vận liên quan tới
việc cho phép Việt Nam mua vũ khí Mỹ để đối phó với Trung cộng thì
có phần ảo tưởng. Mua gì, mua bao nhiêu thì khả dĩ đối phó được với
Trung cộng. Không, nếu vẫn đơn độc một mình thì chỉ khi sở hữu vũ
khí hạt nhân, Việt Nam mới tránh được một cuộc chiến tranh tiêu diệt.
Chỉ chạy đua vũ khí thông thường, thì dẫu VN giành toàn bộ GDP cũng
chỉ bằng kinh phí giành cho quân sự hàng năm của Trung cộng.
Tiến sĩ Trần Công Trực báo GDVN: «Mặt khác về mặt kỹ thuật, nhiều chuyên gia trong và ngoài
nước cũng đã cho rằng, hơn 90% vũ khí trong biên chế Quân đội Nhân dân
Việt Nam hiện nay là của Nga, nên ý nghĩa giao dịch thương mại của
việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam
không nhiều.
Còn một khi độc lập, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ của Việt Nam bị đe dọa, người Việt sẽ làm mọi việc
để chống lại các thế lực xâm lược, và đến lúc đó liên minh chống
xâm lược tự nó sẽ hình thành. Lịch sử chiến tranh cận hiện đại đã
cho thấy rõ điều này nên thiết nghĩ không cần đặt vấn đề đồng minh, liên
kết».
Trung tướng Lê văn Cương Cần nói thẳng chơi bài ngửa với Trung cộng : “VN không liên minh với Mỹ để chống TC, nhưng
Việt Nam cần sức mạnh của Mỹ để răn đe mọi thế lực ngoại bang muốn xâm lược
VN.”
Cho nên, thực
chất chờ đợi ở quyết định dỡ bỏ cấm vận không hoàn toàn nằm ở
việc mua sắm vũ khí. Nó nhắm một mục đích cao hơn, là mở rộng cánh
cửa cho mối quan hệ hợp tác mỗi ngày một chặt chẽ gắn kết hơn, để
tiến tới một liên minh.
Trong một khả năng xảy ra chiến tranh, tức là trong tình
huống Việt Nam gặp nguy cơ đe dọa an ninh chủ quyền, thì hợp tác an
ninh hàng hải ở mức hiện tại giữa hai nước, chỉ dừng ở mức tuần
tra chung, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố hay các tình huống an ninh
phi truyền thống… không đủ để đáp ứng đòi hỏi của Việt Nam. Một Hiệp
định an ninh chung phải được ký kết ràng buộc trách nhiệm bảo vệ an
ninh cho mỗi bên. Hiệp ước như vậy sẽ có thể là một bước tiếp của
“Hiệp định khung hoà bình” Việt Mỹ đã được ký trong chuyến đi này,
ngay sáng ngày 24/05/2016 tại Hà Nội.
Dù thế nào, thì lịch sử Việt Nam cũng đã đi lên một
bước, về hướng bình minh. Có thể vì thế mà chúng ta có quyền tự
cho phép mình ăn mừng.