Ngày môi trường
thế giới:
Hãy thương môi
trường
Mai Thanh Truyết
Kể từ năm 1972, hàng năm, chương trình
Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) tổ chức và vinh danh Ngày Môi trường Thế giới
(World Environment Day) vào ngày 5 tháng 6 nhằm mục tiêu nâng cao sự cảnh giác
cho dân chúng toàn cầu về những vấn đề môi trường, cũng như kêu gọi mỗi người
dân có hành động tích cực hơn trong việc bảo vệ trái đất. Và khẩu hiệu cho Ngày
Môi trường Thế giới năm 2016 là: “Tham gia cuộc đua để làm
cho thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn” (Join the race to make the world a better place). Khẩu
hiệu năm nay nói lên một thông điệp rõ ràng cho thế giới về ý nghĩa của Ngày
Môi trường là tất cả mọi người cần phải tham gia để biến thế giới thành một nơi
cư trú tốt đẹp hơn.
Thông điệp trên nhằm mục đích kêu gọi
tất cả những người quan tâm tập trung nhiều hơn về các nguy cơ mà môi trường chung phải đối mặt và động não về những
hướng giải quyết các nguy cơ hiện đang diễn ra trên thế giới.
Để tiếp nối mục tiêu của năm 2015 là:
nếp sống bền vững (sustainable lifestyles), năm nay, hành tinh của chúng ta đã
chứa trên bảy tỷ nhân khẩu với sự phân bổ tài nguyên và điều kiện sống không
đồng đều. Do đó, với khẩu hiệu Liên Hiệp Quốc là “WE ARE
ONE”, mỗi chúng ta với tư cách một công dân toàn cầu cần phải cố
gắng nhiều hơn để làm cho thế giới hài hòa hơn, công bằng hơn và có đời sống tốt đẹp hơn.
Đa số trong chúng ta, ít ai nghĩ đến vấn
đề MÔI TRƯỜNG. Với trên 7 tỷ nhân khẩu sống trong điều kiện “chật hẹp” hơn,
diện tích sống hạn chế hơn, nguồn thực phẩm vẫn còn giới hạn… nếu chúng ta tiếp
tục tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, chắc chắn các thế
hệ tương lai sẽ… thiếu ăn và thiếu nơi “nghĩ chân”!
Đó là lý do sống còn, và là lý do tại sao
chúng ta phải tiêu thụ nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu thiên nhiên có ý thức
và không phí phạm!
Đây là một tiêu đề có thể áp dụng cho
mọi người để, trong một giây phút nào đótự hỏi bất chợt rằng chúng ta
sống như thế nào và cuộc sống đó ảnh hưởng lên trái đất ra sao?
Từ đó, một chuỗi câu hỏi khác hiện ra
trong đầu trong mỗi chúng ta là:
Chúng ta ăn uống như thế nào?
Đi lại và mua sắm ra sao?
Đi du lịch và du hí… bằng phương tiện gì?
v.v…
Từ những suy nghĩ đó, chúng ta sẽ nhận thức được là nếp sống bền vững rất cần thiết và là cốt lõi
của việc bảo vệ môi trường. Theo ước tính của UNEP, vào năm 2050,
nếu mức tiêu thụ và sản xuất giữ nguyên như hiện nay, và dân số toàn cầu sẽ
tăng lên 9,6 tỷ, chúng ta cần phải có một diện tích tương đương với 3 lần trái
đất cộng lại để đạt được lối sống như hiện nay với 7 tỷ dân hiện tại.
Vì vậy, việc giữ được nguyên trạng nếp
sống như ngày hôm nay cho năm 2050 cần phải có một chiến lược thông minh để bảo
vệ một tương lai lành mạnh.
Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn
thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính
trị và hành động bảo vệ môi trường.
Còn nhớ, vào năm 2013, Ngày Môi trường
Thế giới nhấn mạnh việc phí phạm thực phẩm, điều
nầy không những cần được góp phần vào việc cứu đói mà còn là một việc làm tiêu
hao tài nguyên của trái đất nữa! Nên nhớ, thức ăn dư thừa của học
sinh tiểu và trung học tại Hoa Kỳ trong buổi trưa đủ để cung cấp thực phẩm cho
một số dân 30 triệu trong một năm!
Nên nhớ, trong giây phút đổ một miếng
hamburger dư thừa vào thùng rác, chúng ta cần nghĩ đến tình trạng trên thế giới
hiện còn trên 120 triệu con người không có gì để ăn hàng ngày. Khi chúng ta
đang đánh răng mà cứ để vòi nước tiếp tục chảy, chúng ta hãy nghĩ đến trẻ em ở
Phi Châu phải đi hàng bao cây số để hứng lấy một, hai lít nước dơ đọng trong lỗ
chân thú để uống!
Cũng vào năm 2013, thế giới nhấn mạnh
đến nhiều khía cạnh bảo vệ môi trường bằng “Giáo dục Môi trường và Nhận
thức” (Environmental Education & Awareness-raising), trong đó
nhấn mạnh vai trò của nhà giáo trên thế giới. Từ đó, chúng ta thấy rằng, vấn đề
thực phẩm luôn luôn được nhắc nhở và được lập đi lập lại hàng năm nhằm kêu gọi
mỗi công dân toàn cầu cần ý thức rõ ràng nguồn thực phẩm và nguồn nước sạch là nhu cầu cốt lõi của sự sinh tồn của nhân loại.
Chúng ta phải làm gì
cho Ngày Môi trường Thế giới?
Những việc làm nho nhỏ liệt kê dưới đây
thể hiện mối quan tâm của mỗi người trong chúng ta đối với Ngày Môi trường Thế
giới:
- Cùng bón phân hữu cơ và nhổ cỏ dại trong sân nhà và
nếu có thể trong các nơi công cộng như vườn chơi trẻ em, công viên;
- Ăn thực phẩm “sạch” (organic food)
được nuôi dưỡng hay trồng trọt trong vùng để tránh sự chuyên chở tạo thêm xả
thải khí carbonic vào không khí;
- Tuyệt đối tránh xả rác bừa bãi nơi
công cộng và giúp đỡ dọn dẹp rác rến ở các nơi nầy;
- Cùng nhau tiết kiệm năng lượng bằng
cách hạn chế sự phí phạm và mức tiêu thụ điện và nước trong nhà;
- Về phương diện thành phố, kết nghĩa
“chị em” (sister city) để cùng nhau nâng cao ý thức về “sức khỏe môi trường”
(environmental health) ở những nơi khác nhau;
- Tổ chức và thành lập các diễn đàn môi
trường để phổ biến và cập nhật một số thông tin mới về việc bảo vệ môi trường
sống;
- Hạn chế xử dụng xe và dùng xe
đạp nếu có thể;
- Về vấn đề phế thải, cần lưu ý đến các
phế thải độc hại như bình điện, thùng sơn nhà cửa, các máy móc điện tử cũ không
xài nữa, v.v… cần phải mang đến những trung tâm thu hồi có ở những thành phố
lớn;
- Đặc biệt, cần nên biết ủ (composting)
phế thải hữu cơ như cỏ, nhánh cây, v.v… là một nguồn phân bón hữu cơ cho cây cỏ
trong vườn, thay vì đem đổ trong thùng rác rồi đổ vào các bãi rác, chiếm thêm
một diện tích không nhỏ của trái đất;
- Và, mỗi chúng ta cố gắng làm thế
nào để sống một đời sống thân thiện với môi trường.
Còn Việt Nam ứng xử
như thế nào trước Ngày Môi trường Thế giới năm nay?
Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Môi
trường thế giới từ năm 1982. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với
các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể ngày lễ
này ở tất cả các tỉnh thành trên phạm vi cả nước và cũng chọn một địa phương
làm nơi tổ chức các hoạt động quy mô cấp quốc gia hưởng ứng sự kiện này.
Chủ đề năm nay của Việt Nam được dựa
trên cuộc chiến chống buôn bán trái phép động vật hoang dã,
trong đó làm hủy hoại đa dạng sinh học quý hiếm và đe dọa sự sống còn của loài
vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng như voi, tê giác và hổ, cũng như các sinh
vật khác quý hiếm khác.
Theo đánh giá của UNEP, hệ sinh thái trên
trái đất đang dần tiến tới mức suy thoái hoặc bị biến đổi, nguyên nhân là do sự
gia tăng dân số và phát triển kinh tế.
Ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển trên thế
giới, việc tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo
chiều rộng (số lượng), chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu (phẩm chất).
Sản xuất công nghiệp với công nghệ lạc hậu làm tăng mức tiêu hao nguyên liệu,
năng lượng cần thiết rất lớn kéo theo tỷ suất phát thải chất ô nhiễm cao, cộng
với nhu cầu phát triển cấp bách làm cho các nền kinh tế không đồng
bộ, nhu cầu tiêu dùng tăng và với nhiều thói quen tiêu cực do phong tục,
tập quán. Tất cả đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp
hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô
nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái.
Thay lời kết
Trở về các khẩu hiệu và mục tiêu từ ngày
thành lập Ngày Môi trường Thế giới, LHQ qua Chương trình Môi trường LHQ (UNEP)
đã đưa ra một khái niệm duy nhứt là nhắm vào thế hệ tương lai.
Như các chủ đề cho những năm đầu tiên là:
- “Phát triển nhưng không Hủy hoại” (Development
without Destruction) cho năm 1978;
- Năm 1979: “Chỉ có một Tương lai cho Con cháu chúng ta”
(Only one Future for Our Children);
- Năm 1980: "Một thách thức mới cho Thập
niên mới” (A new Challenge for the New Decade);
- Năm 1981: "Mạch Nước ngầm, Hóa chất độc
hại trong dây chuyền Thực phẩm của con người" (Ground
water, Toxic chemicals in Human Food chains).
Từ đó, chúng ta thấy rằng vấn đề môi
trường chung trên thế giới là vấn đề sống còn của nhân loại, trong đó nước và
thực phẩm là hai yếu tố quan trọng nhứt.
Nhìn chung, tình trạng nước và môi
trường nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam không được sáng sủa. Do đó hàng
năm, nhân Ngày Môi trường Thế Giới, LHQ luôn luôn cảnh giác tất cả các quốc gia
nhất là những nước đang phát triển cần phải chú trọng hơn nữa việc mang lại nguồn nước sinh hoạt sạch cho người dân, cùng hệ
thống vệ sinh phóng uế cũng như những phương hướng bảo vệ sức khỏe bằng cách
gìn giữ vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa ô nhiễm.
Riêng về tình trạng thực phẩm ở Việt
Nam, có thể nói, hơn bao giờ hết, nguồn thực phẩm “hoàn toàn” bị ô nhiễm vì
những hóa chất kích thích tố tăng trưởng, hóa chất tăng trọng, trừ nấm mốc, hóa
chất bảo quản dùng cho kỹ nghệ, hóa chất làm ngọt, “thúc” cho trái cây mau
“chín”, làm thực phẩm có mùi thơm, làm cho có màu bắt mắt… Mà kết quả là, hiện
nay, Việt Nam có tỷ lệ bịnh ung thư đủ loại cũng như số tử vong cao
nhứt thế giới, và tình trạng nầy ngày càng tăng.
Thủ phạm không ai khác hơn là Trung Cộng
với sự tiếp tay của Thái thú CS Bắc Việt, mà Chợ Kim Biên ở Chợ Lớn là một thí dụ
điển hình.
Nếu không thực hiện việc thay đổi chính
sách và quyết tâm bảo vệ môi trường ngay từ bây giờ, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp
tục gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt của chính sách phát triển quốc gia trong
những ngày sắp tới.
Thế giới đã bước qua gần hai thập niên
đầu của thế kỷ 21, thế mà con thuyền CS Bắc Việt vẫn còn lẻo đẽo co cụm trên
những dòng sông không còn sinh khí vì đã biến thành dòng sông đen do ô nhiễm
hóa chất từ các nhà máy sản xuất, cũng như não trạng sơ cứng với cơ chế chuyên
chính vô sản… làm sao CS Bắc Việt có thể lái con
thuyền CHẾT đó ra biển khơi được!
Vì vậy, một câu hỏi thiết yếu được đặt
ra là, mỗi người trong chúng ta, trong và ngoài nước cần phải làm gì để giải quyết những vấn nạn trước
mắt của tổ quốc, của dân tộc để tránh làm nô lệ cho Trung Cộng, tránh nạn bị
đầu độc môi trường, biển đông, thực phẩm, để rồi từ đó, có thể sống còn và
ngưỡng mặt với năm châu?
Câu hỏi nầy cần mỗi người trong chúng ta
phải động não để đi tìm một tương lai cho Việt Nam.
Và tương lai cho Việt Nam, chắc chắn
không nằm trong tay của Tàu cộng phong kiến,
cũng không nằm trong tay của Anh Hai Tư bản Hoa Kỳ,
và càng không nằm trong tay của CS Bắc Việt.
Mà tương lai cho Việt Nam chính là nằm trong tay của 92 triệu người con Việt, hay nói đúng
hơn là nằm trong tay của 65% Tuổi Trẻ Việt Nam.
Đã đến giờ Tuổi Trẻ Việt Nam đứng lên
đáp lời sông núi.
*
Bổ túc: Trích lời
của Cố Tổng Thống Ronald Reagan: "Chính phủ chúng ta không
có quyền lực gì trừ những quyền lực mà nhân dân đã giao cho họ."
Chúng ta, “những người dân” cho chính phủ biết họ nên làm gì, họ không không
có quyền làm ngược lại.
Chúng ta là người lái, chính phủ là chiếc xe. Và chúng ta sẽ quyết
định chiếc xe đó sẽ đi về đâu, bằng đường nào, với tốc độ bao nhiêu. Hầu hết
tất cả các hiến pháp trên thế giới đều viết với khái niệm chính phủ sẽ cho nhân
dân biết quyền lợi của họ là gì. Hiến pháp của chúng ta được viết với khái
niệm: "Chúng ta" sẽ cho chính phủ biết quyền lợi của họ là gì.
“Chúng ta, những người dân” đang tự do.
Mai Thanh Truyết
Hội KH&KT Việt Nam (VAST)
Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2016