Thanh Trúc (RFA)
Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 22, hôm 11 tháng
5 năm 2016 được tổ chức tại tòa nhà Thượng Viện Hart Senate Office Building
trong khuôn viên điện Capitol. RFA
Thứ Tư ngày 11 tháng 5 vừa qua là lần thứ 22 Ngày Nhân
quyền cho Việt Nam, diễn ra tại tòa nhà Thượng Viện Hart Senate Office Building
trong khuôn viên điện Capitol.
Thể theo nghị quyết chung SJ-130 của Quốc Hội Mỹ và
theo Công Luật số 103-258 do Tổng thống Bill Clinton ký ban hành từ Năm 1994,
chỉ định ngày 11 tháng Năm là Ngày Nhân quyền cho
Việt Nam.
Đàn áp nhân quyền gia
tăng
Năm nay là năm thứ 22 Ngày Nhân quyền cho Việt Nam,
diễn ra tại quốc hội Mỹ dưới sự bảo trợ của Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine tiểu bang
Virginia, bên cạnh sự đồng bảo trợ của một số vị đại diện dân cử lưỡng viện
quốc hội Hoa Kỳ.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, một trong những người thường
đứng ra điều động và tổ chức Ngày Nhân quyền cho Việt Nam hàng năm ở quốc hội,
cho biết:
“Năm nay Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam rất khởi sắc vì
có những vấn đề như tổng thống Mỹ sắp sửa đi thăm Việt Nam, vấn đề đàn áp nhân
quyền gia tăng, nhà cầm quyền cộng sản đang cố tranh đấu để được vào TPP, xin
bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương.
Ngoài ra thì cũng có tin rất phấn khởi là bác sĩ
Nguyễn Đan Quế đã được giải thưởng Wangju chỉ một tuần lễ trước Ngày Nhân
Quyền. Thành ra năm nay mọi người sốt sắng về tham dự, có những phái đoàn từ Âu
Châu, từ Canada, các tiểu bang xa như California, Florida, Texas đều về đây để
mà sát cánh cùng đồng bào trong nước đòi tự do dân chủ là mục đích cuối cùng
cho dân tộc Việt Nam.“
„Tôi là cựu dân biểu Leslie Burn, hãnh diện trở lại đây hôm nay bởi vì chúng tôi có quá
nhiều chuyện để làm nên phải tiếp tục trở lại mỗi năm là vậy.
Tôi nghĩ chúng ta cần phải áp lực để nhà cầm quyền
Việt Nam tôn trọng nhân quyền, trong đó bao gồm cả vấn đề môi trường.
Hiện tượng cá chết hàng loạt là thảm họa môi trường chúng ta đang nhìn thấy ở
Việt Nam mà nguyên nhân của nó là vì nhà cầm quyền không quan tâm đến người
dân. Đó cũng là một vấn đề của nhân quyền mà chúng ta phải cố gắng thúc đẩy và
áp lực để người dân Việt Nam có được nhân quyền thực sự.”
Đối với nữ Dân biểu Barbara Comstock, nói về nhân quyền ở Việt Nam thì bên ngoài này
còn quá nhiều việc phải làm cùng với một cộng đồng Mỹ gốc Việt đang lớn mạnh mà
bà hãnh diện là tiếng nói đại biểu cho họ trong quốc hội:
Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 22, hôm 11 tháng
5 năm 2016 được tổ chức tại tòa nhà Thượng Viện Hart Senate Office Building
trong khuôn viên điện Capitol. RFA PHOTO.
“Tôi muốn tiếp tục công việc đó và muốn trở
thành tiếng nói thay cho những người không thể cất tiếng. Những
người đó cần hiểu chúng ta ở đây có thể vận dụng mọi phương tiện và kỹ thuật
hầu có thể đến với họ, tranh đấu cùng với họ đồng thời tranh đấu cho những
quyền căn bản đáng lẽ phải được tôn trọng như tự do báo chí, tự do tín ngưỡng,
tự do ứng cử, tự do đầu phiếu.
Tôi cũng tin rằng những tiếng nói như Đài Á Châu Tự Do
phải được lắng nghe, chúng ta cũng phải vận dụng mọi kỹ thuật để tiếng nói đó
có thể chọc thủng màng thông tin đang bị bưng bít. Điều quan trọng là chúng ta
phải chứng minh được rằng tiếng nói của Đài Á Châu Tự Do có thể đến tai những
người bị áp bức, nuôi sống niềm hy vọng của họ, đó là sứ mạng của một cơ quan
truyền thông như Đài Á Châu Tự Do.”
Mỹ nên thúc đẩy cải thiện
quyền con người cho Việt Nam
Đặc biệt của Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 22
năm nay ngoài sự kiện tổng thống Obama sắp công du Việt Nam, người ta còn ghi
nhận sự hiện diện của Bà Vũ Minh Khánh, là vợ luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài,
đang bị cầm tù bên Việt Nam vì tội gọi là vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình Sư .
Lần lượt những vị dân cử và nghị sĩ quan tâm đến cộng
đồng Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ đã ghé đến và lên tiếng phát biểu như Dân biểu Chris
Smith, Thượng nghị sĩ John McCain.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do sau bài diễn văn ngán của
mình, Dân biểu Gerald Connally nói:
“Rằng chính phủ Mỹ nên vận dụng uy tín và giá trị sẵn
có của mình để thúc đẩy và cải thiện quyền con người cho Việt Nam trong mọi
lãnh vực từ báo chí, tín ngưỡng, chính trị, hội họp vân vân... bởi vì cơ bản đó
là những giá trị phổ quát mà chính quyền Việt Nam không thể nào không tôn
trọng. Theo tôi thì mọi người chúng ta nên kiên trì tạo áp lực để buộc
chính phủ Việt Nam phải phát huy và bảo vệ nhân quyền.”
Dưới mắt Ông T.
Kumar, giám đốc phân bang quốc tế của Amnesty International Ân Xá Quốc Tế,
không gì có thể so sánh được với một phong trào vận động và tranh đấu ôn hòa mà
mọi người cùng đồng hành với nhau như Ngày Nhân quyền cho Việt Nam tại quốc hội
ngày hôm nay:
“Đây là chuyện không phải cộng đồng nào cũng thực hiện
được trong tầm cỡ và mức độ như thế này và điều ấy khiến tác động đến tôi rất
mạnh. Tình
hình nhân quyền ở Việt Nam quả rất là bất ổn làm chúng tôi phải đặc biệt quan
ngại.”
Ngày Nhân quyền cho Việt Nam năm nay còn được sự bảo
trợ của Tổng Liên Đoàn Lao Công Hoa Kỳ AFL-CIO. Ngoài ra còn có phái đoàn đại
diện các cộng đồng bạn Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Mông Cổ, Tây Tạng.
Cuộc vận động nhân quyền cho Việt Nam sẽ tiếp diễn hôm
nay, thứ Năm ngày 12 giờ địa phương tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nhằm đề đạt
nguyện vọng của người Mỹ gốc Việt trước chuyến công du Việt Nam của Tổng thống
Barack Obama ngày 22 tới đây.
Thanh Trúc tường trình từ Quốc hội Hoa Kỳ.