Hoa Hướng Nam
Hoa Kỳ và Cộng hòa Liên bang Đức là hai quốc gia pháp trị dân chủ (…), các vụ vi phạm pháp luật không thể che dấu công luận được và phải bị kết án. Dưới sức ép của chính trị và xã hội dân chủ, vụ ô nhiễm môi sinh do gian lận khí thải của hãng xe VW được xử lý nhanh chóng, minh bạch và văn minh… Tại CHXHCN Việt Nam chế độ độc đảng không cho phép tự do báo chí và hình thành một xã hội dân sự độc lập (…). Việc nhà máy Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh xả chất độc hại ra biển làm cá chết và hủy hoại môi sinh đã xảy ra từ lâu, nhưng cán bộ và chính quyền địa phương thờ ơ không giải quyết...
Vụ gian lận khí thải ôtô Volkswagen (VW)
Sau khi phát hiện hãng xe Volkswagen đã sử dụng
một thiết bị bất hợp pháp được gắn vào mô-đun điều khiển điện tử của các mẫu xe
chạy nhiên liệu diesel sản xuất trong giai đoạn 2008 - 2015, có tác dụng làm giảm
lượng khí thải của xe máy dầu diesel để vượt qua được quy trình kiểm định của
EPA, Cơ quan bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (Enviromental Protection Agency –EPA) đã gửi
cho Volkswagen vào ngày 18.09.2015 một Thông báo vi phạm pháp luật (Notice
of Violation) với cáo buộc VW đã lắp đặt phần mềm (Software) gian lận về tiêu
chuẩn khí thải. Thực tế khi hoạt động trong điều kiện bình thường, những xe cài
phần mềm này xả ra lượng khí thải có chứa nitrogen oxide (NOx) cao gấp chín lần
tiêu chuẩn cho phép.
Xử lý nhanh chóng, minh bạch và trách nhiệm
Cáo buộc gian lận khí thải
của VW đã làm kinh hoàng nước Đức. Các Hiệp hội kinh tế, kỹ nghệ và các
chính đảng đòi hỏi Tập đoàn VW phải có thái độ với những cáo buộc của cơ quan
EPA cũng như xử lý sự vụ một cách nhanh chóng và minh bạch.Các nhà phân tích cảnh báo cuộc khủng hoảng của hãng sản xuất xe hơi nổi tiếng và lớn nhất ở Âu Châu có thể phát triển thành mối đe dọa đối với nền kinh tế quốc gia.
Ngày 20.09.2015 Chủ tịch điều hành doanh nghiệp (CEO) M. Winterkorn thừa nhận các cáo buộc và ra lệnh đình chỉ bán các loại xe diesel ở Mỹ và Canada.
Ngày 22.09.2015 Winterkorn lên tiếng xin lỗi vì đã làm tổn thương niềm tin của công chúng và sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng để giải quyết.
Ngày 23.09.2015 Winterkorn từ chức “Ở vị trí CEO, tôi chấp nhận chịu trách nhiệm về những sai phạm này của công ty. Dù tôi không biết mình đã làm gì sai nhưng tôi quyết định từ chức vì lợi ích của công ty. Đây là cách duy nhất để lấy lại niềm tin khách hàng. Những sự kiện diễn ra vài ngày vừa qua thực sự khiến tôi bị sốc. Tôi không nghĩ rằng, hành vi dối trá ở quy mô như vậy có thể xảy ra tại Tập đoàn VW”.
Tiếp theo hàng loạt viên chức cấp cao của VW đồng loạt từ chức và bị sa thải.
VW khởi động chương trình Customer Goodwill package: thu hồi 11 triệu xe trên toàn thế giới để khắc phục sự cố, đồng thời đưa ra chỉ dẫn cài lại phần mềm khai báo khí thải cho các khách hàng.
Mỗi chủ xe động cơ diesel có lắp phần mềm gian lận khí thải có thể sẽ nhận tiền bù thiệt hại 5000USD.
Theo thông báo của EPA, với mỗi chiếc xe vi phạm tiêu chuẩn khí thải (Clean Air Act), bị phạt tối đa tới 37.500 USD và số tiền phạt cho nửa triệu chiếc xe bán ra tại Mỹ ước tính là 18 tỷ USD. Tuy nhiên, ảnh hưởng tài chính trực tiếp của vụ gian lận khí thải trên đối với VW có thể lên trên 28,6 tỷ Euro (32,2 tỷ Dollar). Ngoài ra, VW cũng chịu thiệt hại vì giá cổ phiếu giảm và phải hạ giá xe để giữ khách hàng.
Cho đến nay VW vẫn còn phải đối mặt với hàng loạt vụ điều tra của cơ quan chức năng của nhiều nước và hàng trăm vụ kiện riêng rẽ với các khách hàng từng mua xe cài đặt thiết bị gian lận.
Đại họa Vũng Án (VA) vì chất thải công nghiệp
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần
khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này
sau đó lan dọc hơn 200km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên -
Huế). Thống kê đến ngày 25.4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn
cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa
Thiên - Huế có tới 35 tấn cá nuôi bị chết.Tỉnh Quảng Bình nặng nhất, tới ngày 29.4, thu gom được trên 100 tấn cá chết. Hàng chục ngàn ngư dân không dám ra biển, riêng Quảng Bình có 18 xã với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động nghề biển. Ngư dân đánh bắt vùng biển xa, cập bến, các đầu mối tiêu thụ quen từ chối mua, bởi ai cũng sợ nhiễm độc.
Vụ nước biển miền Trung bị nhiễm độc nặng nề, đã gây ra sự phẫn nộ ở mọi tầng lớp nhân dân. Dựa vào nhiều bằng chứng, nhân dân địa phương đã nêu ra nghi phạm của vụ đầu độc biển Vũng Áng: Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan đóng tại Vũng Áng-Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã xả số lượng lớn chất cực độc ra biển trong quá trình súc rửa đường ống xả thải.
Một phóng sự của báo Tuổi Trẻ, cho biết, có hàng trăm tấn hoá chất cực độc phục vụ súc xả đường ống đã được Công ty Formosa nhập khẩu và sử dụng mà không hề thông báo cho cơ quan quản lý tại địa phương theo luật định. Công ty Formosa thừa nhận nhưng giải thích ngắn gọn là không thông báo vì không biết đến quy định đó. Ngoài ra người phát ngôn Công ty cho biết thêm đã thải khoảng 12 nghìn thước khối nước ra biển mỗi ngày thời gian qua, và khẳng định rằng mọi mẫu nước thải do họ tự kiểm nghiệm đều đạt chuẩn. Theo một ước tính khác, với quy mô của đường ống xả thải chôn ngầm 1,5 km dưới đáy biển, có khả năng thải ra môi trường tối đa 300 nghìn thước khối nước thải mỗi ngày. Nếu chứa độc chất, thì tuỳ từng loại nhưng dễ dàng gây thảm hoạ huỷ diệt một vùng biển rộng nếu độc tính cao.
Cá
chết ở biển Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Đây là một đại họa cho môi trường sinh thái. Trước mắt là cá và các loài thủy hải sản chết hàng loạt, và đã có người chết; sau đó sẽ gây ra bệnh tật nguy hiểm cho con người và các vật nuôi cùng nhiều hệ lụy chưa thể lường hết được.
Trước sự kiện này, dân chúng đã đòi hỏi chính quyền trung ương, địa phương cũng như Tập đoàn Công ty Formosa-Hà Tĩnh phải cấp thời điều tra và giải quyết sự vụ.
Nhà nước CHXHCN xử lý chậm chạp, dối trá, thiếu trách nhiệm
Sau gần một tháng diễn ra sự việc cá chết
hàng loạt ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, sau đó xuống Thừa Thiên-Huế và cả Đà Nẵng, gần
như các bộ, ban ngành có liên quan chưa có hành động cụ thể nào để tìm ra
nguyên nhân chính xác cũng như biện pháp giải quyết. Thay vào đó, các lãnh đạo
của Thành phố Đà Nẵng và một số lãnh đạo khác rủ nhau tắm biển Mỹ Khê và ăn nhậu
hải sản ngay tại bãi biển. Tương tự giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng
các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng thực hiện việc tắm biển Thiên Cầm, huyện Cẩm
Xuyên.Ngày 22.04.2016 Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng CSVN thăm viếng khu công nghiệp Formosa thay vì đến ủy lạo các gia đình ngư dân đang lâm nạn phá sản và chết đói vì không ra khơi đánh cá được.
Ngày 25.4, báo Tuổi Trẻ phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Ông Phàm trả lời thách thức: “Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”.
Ngày 27.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung. Theo đó, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa được khoanh vùng. Liên quan đến việc cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định đây là thảm họa môi trường lớn, hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam và nhìn nhận các cơ quan chức năng đã lúng túng, xử lý chậm, và không có kinh nghiệm ứng phó sự cố có tính chất thảm hoạ.
Nhân dân phản ứng
Ngày 28.04.2016 nhiều cuộc biểu tình tự phát diễn ra tại
nhiều xã huyện Quảng Trạch, Quảng Bình để phản đối Formosa. Ngư dân đánh bắt cá
về không bán được đổ hết ra đường quốc lộ.Ngày 1.5.2016 dân chúng tại các thành phố Sải Gòn, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình, Nghệ An, hưởng ứng lời kêu gọi của nhóm vì môi trường Việt Nam đã xuống đường biểu tình.
Ngày 8.5.2016 học sinh, sinh viên và nhiều người dân đã biểu tình ôn hòa tại Sài Gòn, đòi hỏi Đảng Cộng sản và chính quyền CHXHCN xử lý nhanh chóng và minh bạch thảm họa môi trường biển miền Trung.
Nhiều nhân sĩ, trí thức, cán bộ, văn nghệ sĩ… công bố Bản tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung (trích):
Trước đại nạn biển miền Trung nhiễm độc và những hệ lụy của nó, chúng tôi, những người tha thiết với vận mệnh đất nước, yêu cầu nhà cầm quyền:
1/ Thi hành mọi biện pháp hỗ trợ người dân ven biển miền Trung nạn nhân vụ biển bị nhiễm độc khôi phục sự sống cả trước mắt và lâu dài.Tạm đình chỉ ngay việc sử dụng đường ống xả thải này trước khi các cơ quan chức năng bảo đảm được công tác kiểm tra an toàn nước thải do nó xả ra biển.
2/ Sử dụng mọi quyền lực nhà nước và biện pháp cần thiết, huy động mọi lực lượng xã hội như giới khoa học kỹ thuật, luật gia, nhà báo độc lập, nếu cần thì mời cả chuyên gia quốc tế, để nhanh chóng đưa thủ phạm vụ đầu độc biển miền Trung ra trước pháp luật; trừng trị nghiêm khắc, đích đáng, bắt chúng bồi thường mọi thiệt hại về người và của cho người dân bị liên lụy, cho những tác hại môi sinh của nước nhà.
3/ Gấp rút điều tra để trả lời câu hỏi: Vì sao Formosa, một công ty sản xuất thép với công nghệ lạc hậu và những thành tích bất hảo phá hoại môi sinh ở nhiều nước, như gần đây đã bộc lộ, lại được hưởng những ưu đãi chưa từng có, vi phạm chủ quyền quốc gia như thế?
4/ Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không để Formosa thi hành việc xả thải gây ô nhiễm từ từ thay vì gây độc cấp tính như vừa qua, làm công luận phẫn uất. Hậu quả của biện pháp đối phó này sẽ là cá, người và biển chết từ từ.
5/ Sẵn sàng xoá bỏ dự án Formosa, nếu những nguy hiểm tiềm tàng mà dự án gây ra không thể triệt tiêu được.
6/ Kỷ luật các quan chức trung ương và địa phương vô trách nhiệm và có thể có tham nhũng, tiêu cực trong việc xử lý vụ đầu độc biển miền Trung.
Đây là giọt nước tràn ly sau quá nhiều tai hoạ do các dự án từ khai khoáng (như bauxite Tây Nguyên) đến thủy điện, nhiệt điện, chế biến… tràn lan khắp đất nước bất chấp những cảnh báo tâm huyết của trí thức và nhân dân. Đã đến lúc nhà cầm quyền phải nghiêm túc rà soát, điều chỉnh, nếu cần thì hủy bỏ các dự án bất lợi cho sự phát triển bền vững, cho an ninh quốc phòng, nhất là các dự án của China, không để tiếp tục xảy ra những tai hoạ về môi sinh cũng như về các mặt khác.
Người dân Việt Nam quyết không chọn con đường tăng trưởng kinh tế với cái giá hi sinh môi sinh của đất nước, hi sinh quyền lợi của dân nghèo, hi sinh chủ quyền quốc gia; Người dân Việt Nam quyết không chấp nhận những kẻ cầm quyền ngu dốt, tham lam, bán rẻ dân tộc vì lợi lộc, tham vọng cá nhân và phe đảng;
Người dân Việt Nam quyết không chịu chết thảm như những con cá nhiễm độc ở Biển Đông!
Nhận xét
Hoa Kỳ và Cộng hòa Liên bang Đức là hai quốc
gia pháp trị dân chủ. Ngoài tam quyền phân lập, sự tư do báo chí và hoạt động
giám sát của xã hội dân sự đều được tôn trọng và đề cao. Vì vậy các vụ vi phạm
pháp luật không thể che dấu công luận được và phải bị kết án. Dưới sức ép của
chính trị và xã hội dân chủ, vụ ô nhiễm môi sinh do gian lận khí thải của
hãng xe VW được xử lý nhanh chóng, minh bạch và văn minh. Đặc biệt
tinh thần tôn trọng pháp luật và ý thức trách nhiệm của những người lãnh đạo
doanh nghiệp đặt danh dự quốc gia và quyền lợi đất nước trên quyền lợi kinh tế
và lợi nhuận cũng đã góp phần giải quyết sự vụ. Tại CHXHCN Việt Nam chế độ độc
đảng không cho phép tự do báo chí và hình thành một xã hội dân sự độc lập có khả
năng giám sát sinh hoạt chính trị và kinh tế của Đảng Cộng sản. Các vi phạm
pháp luật như lạm dụng quyền hành, tham nhũng, cướp đất, tài sản của nhân dân
luôn được Đảng và chính quyền bao che. Việc nhà máy Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh xả
chất độc hại ra biển làm cá chết và hủy hoại môi sinh đã xảy ra từ lâu, nhưng cán
bộ và chính quyền địa phương thờ ơ không giải quyết. Đứng trước sự kiện
này, dân chúng phải phản ứng tự vệ bằng cách xuống đường phản đối và nhiều người
đã bị công an “nhân dân” đánh đập thô bạo. Cách hành xử này cho thấy, thay
vì lắng nghe tiếng nói và đáp ứng những yêu cầu hợp lý của người dân thì Đảng
và Nhà nước đã ứng xử vụ khủng hoảng môi trường Vũng Áng một cách mờ ám và man
rợ.H.H.N.
Tác giả gửi BVN.
http://boxitvn.blogspot.de/2016/05/nhin-cach-xu-ly-trong-hai-vu-o-nhiem.html#more