15.06.2016

Đến ông Trời cũng phải kêu trời… - Mai Tú Ân

„Không minh bạch, bưng bít thông tin, và che giấu mọi sự thật như thế thì bây giờ mà có hỏi ông Trời thì ông ấy cũng nói rằng, từ xưa đến giờ chính quyền Việt Nam dở hơi như thế bởi có quyết được việc gì lớn đâu.“

Đến ông Trời cũng phải kêu trời…

Mai Tú Ân

Chính quyền Việt Nam có phải là chính quyền của dân, do dân và vì dân hay không qua việc đối phó với vụ khủng hoảng cá chết ở miền Trung vừa rồi khi chính quyền đã tỏ thái độ coi thường người dân của mình một cách không hiểu nổi, không thể giải thích nổi? Bằng hàng loạt hành động khó hiểu, những lời nói mâu thuẫn, đối chọi với nhau cùng với việc im lặng lạ lùng trước những việc cần phải nói ra cùng với việc bưng bít thông tin, bắt báo chí im lặng và trấn áp người dân biểu tình ôn hòa về vụ cá chết thì câu trả lời là Không, KhôngKhông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói câu “có dân là có tất cả” trong khi hầu như bất động trong vụ cá chết ở miền Trung, cũng như che giấu người dân mọi thông tin về vụ việc. Đặc biệt là không hề cho người dân biết về việc nước Mỹ đã chủ động muốn giúp đỡ Việt Nam về vụ cá chết nhưng Việt Nam đã thẳng thừng từ chối. Đây là một việc khó hiểu, quanh co và có gì đó mờ ám của chính quyền đối với người dân của mình trong cuộc khủng hoảng này. Một sự đổ vỡ niềm tin vào cái nơi lẽ ra phải tạo dựng niềm tin khi cùng nhau vượt qua khó khăn. Thế giới mà chúng ta đang sống luôn không hoàn hảo, có nhiều điều sẽ xảy ra, chính quyền có thể giải quyết vấn đề chưa tốt nhưng không thể để người dân mất đi lòng tin vào mình, không để cho nỗi nghi ngờ của người dân càng lúc càng lớn bởi sự thiếu minh bạch của mình.
Sự việc cá chết kéo dài gây thảm họa cho người dân miền Trung và gây khủng hoảng niềm tin của người dân cả nước đối với chính quyền qua những việc làm bất cập, thiếu kịp thời cùng sự lúng túng ngày càng thấy rõ của các quan chức chính quyền. Tứ trụ triều đình lặn mất tăm và không ai có một lời về vụ cá chết đang gây xôn xao dư luận. Chỉ thấy có ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuất hiện trên TV nói vài lời là sẽ kiên quyết, sẽ quyết liệt điều tra, rồi thôi cũng lặn mất tăm. Người dân cũng không hiểu ông nói cái gì, ai muốn hiểu sao thì hiểu nhưng qua thời gian thì ai cũng hiểu là cuối cùng chẳng ai hiểu cái gì cả qua lời nói của người đứng đầu chính quyền. Các quan chức chính quyền cấp dưới thì vô tích sự, không biết làm gì để hạ hỏa lòng dân mà lại như đổ dầu vào lửa, với các phát biểu thiếu nhất quán, đối chọi nhau. Nhưng đa phần là chơi chiêu Giả Dại Qua Ải, ỳ ra, hay im lặng quăng ra cục lơ to tướng vào mặt người dân.
Mỗi lần các ông tổ chức họp báo về vụ việc thì chỉ càng rối thêm. Qua nhiều cuộc họp báo, phát ngôn của nhiều cơ quan ban ngành của nhiều cấp bộ, thứ trưởng thì vấn đề mà người dân đang lo sốt vó thì chẳng nhận được câu trả lời. Vấn đề lại càng chỉ rối tinh thêm và mờ mịt thêm với các cuộc họp báo đầu voi đuôi chuột này. Người dân gặp nạn chỉ có thể tự lo cho mình trước, và nhờ cậy được chính quyền luôn là giải pháp sau cùng.
Báo chí quốc doanh trong luồng cũng bị khóa miệng triệt để không hề nói gì đến vụ cá chết, và rồi đến khi được nói thì cũng lại nói theo kiểu loa phường ngày trước. Nó về các cuộc xuống đường của người dân vì bức xúc chuyện cá chết là phản động, là do Việt Tân xúi giục. Một truyền thống cũ kỹ của ngành công an thời cũ kỹ xa xưa lại được lôi lên từ dưới nhà mồ của thời gian và được dùng trở lại khi chính quyền có quá nhiều quyền lực công an, người của công an nhưng lại lúng túng chẳng biết làm gì để đối phó với khủng hoảng. Một đối sách cũ xưa được đưa ra để với mục đích đánh lạc hướng dư luận nhưng cũng bất thành bởi chẳng có chứng cứ nào người dân là phản động, hay Việt Tân xúi giục cả. Người dân bình thường không có trình độ, không có hồ sơ mật nào cả nên họ có thể nói đúng, có thể nói sai nhưng chính quyền có đủ thứ trình độ, có đủ thứ tài liệu, có người để điều tra tìm hiểu nên không thể nói sai, nói bừa những tin tức thiết thực cho người dân và cho đất nước.
Đàn áp người xuống đường thẳng tay cho thấy thời công an, mật thám lên ngôi. Dối trá và vu khống được đưa vào như muốn hình sự hóa mọi việc của một nhà nước đã phân chia luật pháp để quản lý đất nước: có luật công khai và có luật ngầm, rừng rú. Đó không phải là và không bao giờ là biện pháp tốt để làm công cụ dẫn dắt người dân. Nó chỉ làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền mà thôi.
Và cuối cùng là cái kết “đẹp” cho cho bức tranh u ám của một chính quyền vô tích sự và chẳng làm gì để cứu dân là trong lúc vụ việc cá chết đang hồi cao trào trong lòng dân, trong khi chính quyền Việt Nam cũng đang bế tắc chưa điều tra ra thì tại sao lại từ chối, không chấp nhận sự giúp đỡ của nước Mỹ để điều tra về vụ cá chết? Và tại sao không cho dân biết lý do tại sao lại im tiếng?
Nước Mỹ là một đất nước của bảo vệ môi trường, có nhiều khả năng chuyên môn và đa dạng, nhiều máy móc và các nhà khoa học tài giỏi để làm công việc điều tra này. Họ lại còn có cả sự nhiệt tình nữa khi đến để “xin” được giúp đỡ. Ngoài ra các kết luận của họ, nếu có, thì người dân Việt Nam cũng tin tưởng hơn. Vậy tai sao lại tạt cho họ gáo nước lạnh khi thẳng tay từ chối thiện chí của họ? Tại sao cũng giấu luôn cả vụ việc này, và người dân cũng chỉ biết đến khi đối tác nói ra. Người dân có quyền được biết về những vấn để liên quan đến đời sống, đến môi trường xung quanh cũng như đến an toàn sức khỏe của họ lắm chứ?
Không minh bạch, bưng bít thông tin, và che giấu mọi sự thật như thế thì bây giờ mà có hỏi ông Trời thì ông ấy cũng nói rằng, từ xưa đến giờ chính quyền Việt Nam dở hơi như thế bởi có quyết được việc gì lớn đâu. Đừng nói tới thằng Mỹ, ngay cả thằng Trời tao đây mà có tới xin giúp thì cũng bị từ chối thẳng thừng. Có khi còn bị bắt nữa…
Rồi ông Trời ấy ngửa cổ lên trời mà kêu trời ơi…
M. T. A.
Tác giả gửi BVN.