“…tâm trạng của cộng đồng dân tộc. Nó giống
như những dấu hiệu của một cơn bão tố hay sóng thần.”
Dân tộc và dấu hiệu một cơn bão tố
Nguyễn
Quang Dy
Nhiều đợt biểu tình về việc cá chết hàng loạt tại
miền Trung đã nổ ra tại Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác trên cả nước
hồi tháng 5/2016
“Cuộc sống
bắt đầu khi nỗi sợ kết thúc - Life begins where fear ends” (Osho).
Gần đây, ngày
càng có nhiều dấu hiệu bất thường về tâm trạng của cộng đồng dân tộc. Nó giống
như những dấu hiệu của một cơn bão tố hay sóng thần.
Nếu đúng vậy,
thì đây là một vấn đề lớn chứ không nhỏ. Phủ nhận hay bưng bít thông tin về một
cơn bão tố hay sóng thần là dại dột như tự sát tập thể. Không phải chỉ các
chính khách hay thương gia mà cả các nhà tâm lý xã hội học cũng cần quan tâm,
vì hệ quả khôn lường của nó.
Người ta có thể
tháo ngòi một quả bom nổ chậm chứ không thể tháo ngòi một cơn bão tố hay sóng
thần. Đài Khí tượng Thủy văn (như Ban Tuyên giáo) chỉ có thể dự báo hay cảnh
báo, chứ không thể ngăn chặn hay đối phó được với thảm họa môi trường hay khủng
hoảng xã hội.
Hãy thử điểm lại
vài dấu hiệu điển hình gần đây.
Từ
đám cháy Bình Dương và Vũng Áng
Chắc nhiều người
chưa quên việc Trung cộng đem giàn khoan khổng lồ HD981 vào hải phận Việt Nam
tại Biển Đông (5/2014) đã tạo ra phản ứng dây chuyền, làm toàn dân phẫn nộ.
Sự kiện
đó không chỉ là bước ngoặt mới trong quan hệ Việt-Trung mà còn thúc đẩy xu hướng
“thoát Trung” trong tâm thức người Việt.
Tuy kinh nghiệm
lịch sử đã chứng minh, thân Tàu quá hay chống Tàu quá đều nguy hiểm, nhưng xu
hướng cực đoan khó tránh khỏi. Chỉ cần một số kẻ xấu giấu mặt xúi dục là có thể
biến cả khu công nghiệp Bình Dương hay Vũng Áng thành biển lửa chống Tàu (và
Đài Loan).
Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất của các công ty Đài
Loan, Trung cộng tại Bình Dương đã bị đốt phá trong đợt bạo loạn hồi 5/2014
Tại sao lại như vậy?
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nói một cách dễ hiểu,
tâm trạng dân chúng như đám cỏ khô.
Đối với hàng vạn công nhân làm việc trong các doanh
nghiệp nước ngoài thì chống Tàu đồng nghĩa với chống giới chủ, vì họ bị bóc lột
và đối xử bất công nhưng không được bênh vực.
Tâm trạng đó của dân chúng không phải chỉ có ở Việt
Nam mà có ở khắp nơi. Nhưng đám cỏ khô ở Việt Nam dễ cháy hơn vì vai trò công
đoàn mờ nhạt. Vì vậy, khi tham gia TPP chính phủ Việt Nam phải chấp nhận vai
trò công đoàn độc lập như một cơ chế mới.
Đến biểu tình “cá cần biển sạch,
dân cần minh bạch”
Có thể nói sự kiện lớn thứ hai sau vụ dàn khoan
HD981 là sự kiện cá chết hàng loạt tại bờ biển mấy tỉnh
miền Trung, không chỉ đánh dấu một thảm họa môi trường mà còn là một bước ngoặt
mới về tâm thức chống Tàu (hay Formosa) và bất bình với cách ứng xử loanh quanh
khó hiểu của chính quyền.
Tuy phản ứng lần này của dân chúng ôn hòa hơn nhưng
lại bị đàn áp bạo lực hơn. Đây là một chuyển biến đáng lưu ý trong diễn biến
chính trị tại Việt Nam, cần được nghiên cứu và lý giải nghiêm túc.
Thái độ phản ứng của
dân chúng đối với thảm họa môi trường làm cá chết gắn liền với thái độ độc đoán
của chính quyền đối với quyền ứng cử và bầu cử của người dân. Hai
vấn đề tưởng khác nhau, nhưng có cùng một mẫu số chung.
Thực ra, thái độ phản ứng của dân chúng hiện nay là
muốn tham gia (xây dựng) chứ không muốn chống đối (phá hoại).
Họ bất bình chẳng qua vì cuộc sống và môi trường sống
bị đe dọa, trong khi chính quyền đáp ứng quá chậm và quá ít (too little, too
late), thậm chí bị nghi ngờ là bao che cho nghi phạm (Formosa).
Tuy xu hướng giảm cực đoan trong phản ứng của dân
chúng là một dấu hiệu đáng mừng (như đang trưởng thành), nhưng xu hướng gia tăng bạo lực đàn áp của chính quyền là một dấu
hiệu đáng lo (như đổ thêm dầu vào lửa).
Hành động bưng bít thông tin, trì hoãn kết
luận, tăng cường đàn áp bằng bạo lực, từ chối quốc tế (Mỹ) giúp đỡ, làm cho
chính quyền ngày càng bị cô lập và mất lòng dân. Nếu không kịp
thời tháo gỡ tình trạng bế tắc đó (như “standoff”) thì một cơn bão tố hay sóng
thần có thể ập tới.
Hiện tượng Tạ Bích Loan và Tôn
Nữ Thị Ninh
- Tại sao MC Tạ Bích Loan lại bị “ném đá”?
Đây không chỉ đơn giản là “tại nạn nghề nghiệp” vì
người làm chương trình chủ quan không chuẩn bị kỹ hay kinh nghiệm truyền thông
còn non kém, mà chủ yếu là do thái độ (vô ý hay chủ ý) như châm lửa vào một đám
cỏ khô chứa chất tâm trạng bức xúc như bột lưu huỳnh.
Format chương trình “60 phút mở” không tồi (bắt chước
“60 Minutes” của CBS News), nhưng thái độ của MC Tạ Bích Loan và người phụ họa
đã biến nó thành một chương trình “60 phút đóng” (như “đấu tố” MC Phan Anh) làm
công chúng bất bình. Với tâm trạng bức xúc, công chúng sẵn sàng “ném đá” bất cứ
ai hoặc cái gì làm cho họ cảm thấy bị coi thường hay xúc phạm, như một dám cỏ
khô dễ cháy.
- Tiếp theo Tạ Bích Loan là Tôn Nữ Thị Ninh.
Cả hai đều là “người của công chúng” (celebrity) nên
khi làm công chúng thất vọng, họ càng dễ bị “ném đá”.
Có lẽ vấn đề của hai vị này
không phải là trình độ mà là thái độ: Không nên coi thường công chúng!
Chương trình '60 phút mở: Động cơ đằng sau mỗi chia
sẻ trên mạng xã hội là gì?” của VTV và MC Tạ Bích Loan đã gây phản ứng dữ dội
trên mạng xã hội
Cần lưu ý dư luận phản ứng hai bài của bà Ninh không
phải là công chúng bình dân, mà hầu hết là trí thức (cả hai phía). Thái độ phản
ứng của họ khác với phản ứng của dân chúng đã từng đốt các doanh nghiệp Trung cộng
(hay Đài Loan) tại Bình Dương và Vũng Áng trước đây. Với tâm trạng đầy bức xúc,
người ta có thể biến “Tôn Nữ” thành “Thị Ninh” (như một “coup de grace”)…
Và những chuyện lạ khác…
Không biết do bức xúc hay vì lý do gì khác mà nhân
“ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, tổng biên tập báo Petro Times đã đăng một
bài với cái tít gây sốc, “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy”
(Nguyễn Như Phong, Petro Times,
10/6/2016).
Ông Phong kết luận, “chó muốn giỏi thì cũng phải nuôi dạy và phóng viên muốn giỏi thì ngoài
năng khiếu trời cho, cũng phải được dạy dỗ, rèn luyện tử tế. Và chó khôn nhờ chủ,
muốn có phóng viên giỏi cũng phải nhờ chủ”.
Không biết đọc xong bài này có bao nhiêu phóng viên
muốn trả thẻ nhà báo?
Trong chương trình truyền hình trực tiếp của VTV2 (tối
11/6/2016) về lễ trao giải cuộc thi “những tấm gương bình dị mà cao quý” của
báo Quân đội Nhân dân, người ta thấy xuất hiện trên nền phông sân khấu bức
tranh cổ động “học tập trước tác Mao Trạch Đông”. Tuy chưa biết sự cố này là do
vô ý hay cố ý, nhưng nó lập tức lan truyền trên mạng và gây phản ứng mạnh, do
tâm trạng bức xúc của công chúng, như đám cỏ khô dễ bắt lửa.
Cùng ngày 11/6/2016, báo chí “lề phải” và “lề trái”
đồng loạt đưa tin “TBT Nguyễn Phú Trọng đã giao Ủy ban Kiểm tra TƯ chủ trì, phối
hợp với Ban Nội chính TƯ, Ban Tổ chức TƯ, Bộ Công an, Ban Cán sự Đảng bộ Công
thương, bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ban Thi đua Khen thưởng TƯ, tỉnh ủy Hậu
Giang và Tập đoàn Dầu khí VN khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội
dung mà báo chí đã nêu đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch Hậu Giang”…
Những nội dung TBT yêu cầu kiểm tra không chỉ là việc
ông Thanh đi xe Lexus cá nhân biển trắng đổi thành biển xanh mà còn là quá
trình bổ nhiệm ông Thanh. Sau Đại hội Đảng, phải chăng đây là phát súng khởi đầu
cho chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” kiểu Việt Nam, mà điểm dừng hay hệ quả của nó
chưa biết trước sẽ ra sao?
Hệ quả không định trước
Một điều nữa cần lưu ý là các cuộc biểu
tình tại Hà Nội và Sài Gòn gần đây cho thấy tầng lớp trung lưu và trí thức (gồm
cả quan chức) không còn ngồi yên hay đứng ngoài cuộc mà đã bắt đầu tham gia và
xuống đường.
Có lẽ vấn đề bảo vệ môi trường và quyền bầu cử - ứng
cử của công dân đã dẫn đến phân hóa xã hội sâu sắc, bao gồm cả các tầng lớp
trên. Không thể dễ dàng chụp mũ nói rằng họ bị thế lực thù địch nào đó xúi dục.
Đàn áp bằng bạo lực là một sai lầm lớn, có thể dẫn đến một bước ngoặt mới (game
changer).
Công chúng nghèo (công nhân và nông dân) có thể
không biết hoặc ít sự lựa chọn, nên dễ chấp nhận và cam chịu số phận.
Nhưng tầng lớp trung lưu và trí thức thì khác. Nếu
quá bất bình và bất an, họ có thể bỏ ra nước ngoài, đem theo tài sản. Con cái họ
du học có thể không về nước.
|
Chuyên gia kinh tế Phạm
Chi Lan
|
Chuyên gia kinh
tế Phạm Chi Lan có lần thốt lên, “... lấy ai xây dựng đất nước đây?”
Nhưng chính con cháu hầu hết các quan chức lãnh đạo các cấp đều ở nước ngoài. Mặc
dù họ có thể thân Tàu hay “chống Mỹ”, nhưng chẳng quan chức nào cho gia đình
sang Trung cộng cư trú mà chỉ đi Mỹ, Canada, Australia hoặc Tây Âu…
Thực tế phong trào di cư như “bỏ phiếu bằng
chân” (và bằng tiền) đã và đang âm thầm diễn ra.
Theo thống kê, dòng người và dòng tiền từ Việt Nam
(cũng như Trung cộng) đang ra đi ồ ạt.
64% người giàu Trung cộng (có trên 1,6 triệu USD) đã
hoặc định di cư ra nước ngoài. Trong 10 năm qua, 14.000 tỷ USD đã chạy khỏi Trung
cộng (riêng năm 2015 là 1.000 tỷ USD).
Còn
Việt Nam thì sao?
Năm 2015, riêng
loại visa EB-5 (dành cho các doanh nhân muốn đầu tư và định cư ở Mỹ) đã tăng vọt
lên 17.662 suất (so với 6.418 suất năm 2014). Người ta nói đồng tiền không những
“biết nói” (money talks) mà còn “biết đi” (it walks). Theo tiến sĩ Vũ Quang Việt,
trong 6 năm (2008-2013) 33 tỷ USD đã chạy khỏi Việt
Nam bất hợp pháp.
Hai
năm qua xu hướng này càng tăng nhanh, như một nghịch lý đầy bi kịch của đất nước này.
Trong bối cảnh
ngân sách quốc gia đang bị thâm hụt và khủng hoảng thiếu do bội chi ngân sách
và nợ công quá nhiều, trong khi nguồn vay ODA cạn kiệt, thì xu hướng này có thể
là một thảm họa.
Nhưng không ai
ngăn cản được người dân ra đi khi thực thẩm và nước uống không an toàn, khi không
khí bị ô nhiễm, khi các dòng sông và nước biển bị nhiễm độc làm tôm cá chết và
các quyền cơ bản của người dân trong hiến pháp bị tước đoạt.
'Đổi
mới thể chế hay là chết'
Bối cảnh trong
nước và quốc tế đang thay đổi, với tam giác Mỹ-Trung-Việt đang chuyển động, từ
khi Việt Nam quyết định gia nhập TPP sau Đại hội Đảng XII, nhất là sau chuyến
thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng (7/2015) và chuyến thăm Việt Nam của TT
Barack Obama (5/2016) với triển vọng đối tác chiến lược Việt-Mỹ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là muốn hay không Việt Nam buộc phải đổi mới thể chế và tăng cường hợp tác với
Mỹ, vì sự sống còn của nền kinh tế (nguy cơ vỡ nợ) cũng như an ninh quốc gia
(nguy cơ mất hết chủ quyền biển đảo).
Trong khi đó kinh tế Trung cộng đang khủng hoảng và
suy tàn, có thể suy sụp nhanh hơn dự kiến.
Một dấu hiệu mới là tỷ phú George Soros đang “tái xuất
giang hồ” sau khi dự đoán Trung cộng sẽ "hạ cánh cứng”
(hard landing).
Thực ra Mỹ không sợ Trung cộng quá mạnh, mà lại sợ Trung
cộng khủng hoảng và sụp đổ, vì họ được lợi lộc nhiều hơn là thiệt hại khi kinh
tế Trung cộng phát triển. Trung cộng khủng hoảng sẽ đe dọa kinh tế Mỹ cũng như
kinh tế toàn cầu, với “cái bẫy phụ thuộc lẫn nhau” (economic co-dependency
trap).
Trong bối cảnh đó, Việt Nam làm gì và đi về đâu, hay
cứ đứng ngẩn ngơ tại ngã ba đường?
Nguyễn
Quang Dy