"Trong ba mươi năm cuộc đời mình, tôi chưa từng thấy sợ hãi như thế. Cái chết đang lù lù tiến đến..."
VIỆT NAM: CHƯA BAO GIỜ NHƯ LÚC NÀY!
VIỆT NAM: CHƯA BAO GIỜ NHƯ LÚC NÀY!
Huỳnh
Thục Vy
Lâu nay, đối với các hành động xâm chiếm biển đảo
trên Trường Sa và Hoàng Sa; những lần lén lút dời cột mốc ở biên giới phía Bắc
nước ta của Trung Cộng, tôi thực tình ít quan tâm và không mấy xúc động. Tất
nhiên tôi đồng ý rằng những hành động xâm lấn này làm tổn thất lớn cho quyền lợi
quốc gia Việt Nam; xét về lâu dài, chính là tổn hại đến lợi ích cụ thể về tài
nguyên và địa chính trị cho nhiều thế hệ người Việt Nam.
Chỉ vậy thôi, tôi thường cố tránh cho mình sự lún
sâu vào tinh thần cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi nhìn nhận các sự kiện
này, với tư cách là một người bảo vệ nhân quyền. Nhân quyền không có biên giới,
kể cả cái biên giới dân tộc mà chủ nghĩa quốc gia dân tộc cố tình dựng nên.
Thế nhưng đối với mạng sống của con người thì tôi có
thái độ đặc biệt khác. Tôi thực sự phẫn nộ đến độ muốn cái chính quyền hèn
nhát, bẩn thỉu này ngay lập tức sụp đổ để dân tôi không phải chết trên chính
vùng biển cha ông họ bao đời nay vẫn đánh bắt cá. Chưa bao giờ sinh mệnh ngư
dân Việt Nam lại thê thảm như trong chế độ độc tài cộng sản này.
Đối với tôi, ngàn mét đất ngoài đảo hay vùng biên giới
dù quý đến đâu cũng không bằng một mạng người. Đất, đảo, biển có thể lấy lại một
ngày nào đó khi Việt Nam có một chính quyền dân chủ, có một vị thế đáng nể trọng
trên trường quốc tế. Còn mạng sống của ngư dân và những nỗi đau để lại cho gia
đình họ là thứ không thể lấy lại được. Nhân phẩm và tự do của con người đã bị tổn
thương sẽ khó bù đắp.
Bởi vậy, hơn bảy mươi ngày trước đây, khi sự cố
Formosa xảy ra, tôi bàng hoàng và thấy mọi thứ như sụp đổ trước mắt. Có thể cơn
trầm cảm thai kỳ khiến cảm xúc của tôi về sự cố chết người này thêm trầm trọng.
Nhưng có thể nói rằng, chưa bao giờ có sự kiện nào xảy ra cho Việt Nam mà tôi từng
chứng kiến khiến tôi hoang mang và đau đớn như thế.
Tôi lên tiếng cho dân chủ và đấu tranh cho nhân quyền
là vì lẽ gì, nếu không phải là hy vọng một Việt Nam tốt đẹp hơn, đáng sống hơn
cho con cháu mình? Tôi có thể chạy trốn sang một quốc gia khác để tìm cuộc sống
tốt đẹp, đó không nhất thiết là Úc, Anh, Hoa Kỳ...ngay cả Thái Lan, Cambodia,
Miến Điện bây giờ còn đáng sống hơn Việt Nam cả chục lần. Nhưng có hạnh phúc
nào hơn cho người Việt Nam là được sống sung túc và tự do trên chính mảnh đất
mình sinh ra?
Tôi ước ao xây dựng một gia đình hạnh phúc ở ngay
trên xứ sở mà chúng tôi bị đàn áp mấy chục năm nay. Để chứng minh cho điều gì?
Để chứng minh: những ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi. Tôi tin con cháu mình
sẽ được nhìn thấy một Việt Nam tự do. Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ
quá lớn mà một sự thay đổi chậm trễ có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn, thậm
chí là diệt vọng. Nhưng chính lòng tự tôn, danh dự và niềm hy vọng giữ cho tôi
luôn đứng thẳng trước cường quyền, giữ cho ngọn lửa hy vọng vẫn cháy trong tôi.
Thế rồi, thảm hoạ biển chết xảy ra khắp các tỉnh
vùng Bắc và Trung Trung Bộ khiến cá chết ngập các bãi biển, nghề biển phá sản,
du lịch đình đốn, chưa có con số chính xác về con số người chết và ngộ độc do
ăn cá nhiễm độc. Chính quyền Việt Nam vẫn né tránh câu trả lời nghiêm túc bằng
những lời lẽ ngu xuẩn nhất, từ chối sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, lừa
phỉnh dân chúng tiếp tục ăn hải sản có độc tố chết người...
Trong ba mươi năm cuộc đời mình, tôi chưa từng thấy
sợ hãi như thế. Cái chết đang lù lù tiến đến. Nhưng không giống với súng đạn,
chúng ta có thể nghe tiếng nổ và nhìn khói lửa mà chạy. Đằng này, chúng ta
không biết được chúng ta ăn phải cái gì, di truyền lại cho con cháu những đoạn
DNA khuyết tật nào và khi nào chúng ta sẽ chết vì ung thư và con cháu nhiều thế
hệ sau sẽ bị thiểu năng trí tuệ hay mang những mầm mống bệnh tật khác . Cái chết
bay lơ lửng trên đầu hàng chục triệu người và theo gót chúng ta, nó tiến về
tương lai mà không gì ngăn cản được.
Trời đất ơi! Đó chính là cái chết, thưa các bạn,
không phải chỉ là vài cơn nôn ói khiến chúng ta phải nhập viện đâu, mà là biến
đổi gen cho chính chúng ta và truyền khuyết tật lại cho con cháu chúng ta. Các
bạn có thể hờ hững: vậy thì không ăn cá nữa là được. Ừ, thì không ăn hải sản nữa,
nhưng làm sao nhịn ăn muối , mắm và nhiều chế phẩm có muối khác? Và ai biết số
cá chết đó đã đi đâu, ai biết muối chúng ta mua được mang từ đâu tới, với cái
kiểu quản lý thực phẩm đểu cáng như hiện nay ở Việt Nam?
Ừ thì rừng vàng biển bạc chẳng còn, chúng ta im lặng.
Hạn hán, lũ lụt do chính quyền cộng sản và thân tộc đốn phá rừng làm giàu; bùn
đỏ bauxite tàn phá đất trồng và khu dân cư, chúng ta im lặng. Nhưng đến từng hạt
muối thấm vào huyết quản hằng ngày mà còn chứa đầy kim loại nặng thì chúng ta
còn sống nổi nữa không? Chúng ta hèn nhát vì sợ nhà tù cộng sản. Nhưng sao
chúng ta lại không sợ cái chết ung thư đang lù lù tiến đến trong từng bữa ăn?
Những người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền dấn
thân, ngồi tù, thậm chí đã mất mạng vì niềm hy vọng một Việt Nam tốt đẹp hơn.
Nhưng Việt Nam có thể nào tốt đẹp được, Việt Nam còn có tương lai gì với những
đứa trẻ dị tật, thiểu năng từ trong bụng mẹ?! Đau đớn quá thể! Tôi đánh mất cả
sự tỉnh táo và nhiều lần nói sảng khi nghĩ đến viễn cảnh đó. Hai tháng rồi, tôi
mới đủ tỉnh táo để viết những dòng này.
Không kinh hoàng sao được, khi bữa ăn cho sinh viên,
cho thế hệ rường cột nước nhà trong tương lai lại có cá mang giòi? Ai dám chắc
cá đó không phải là cá chết vì độc tố được vớt lên ngoài biển chết? Các bữa ăn
của trẻ con trong các nhà trẻ và trường học nội trú thì sao? Cá nhiễm độc sẽ chỉ
lòng vòng trong các bữa ăn của dân nghèo Việt Nam thôi. Rồi sau đó nó sẽ lòng
vòng trong nhiễm sắc thế dân Việt Nam đến trăm năm sau. Lúc đó ai dám tự hào:
dân Việt "thông minh", khi ngay cả lành lặn bình thường còn chưa được?
Có những nỗi đau nếu chúng ta không phẫn nộ thì chúng ta không còn là con người
đúng nghĩa, thưa các bạn.
Một điều nữa khiến tôi đau đớn: thảm hoạ môi trường
này sẽ đẩy những ưu tiên nhân quyền (ưu tiên hoạt động của tôi bao lâu nay)
thành thứ yếu. Ai còn quan tâm đến những tù nhân bị ngược đãi trong tù, những
phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, những cộng đồng tôn giáo thiểu
số ở vùng sâu vùng xa bị trấn áp... Khi mạng sống chúng ta bị đe doạ, khi bệnh
tật dày vò cuộc sống hằng ngày của gia đình chúng ta, khi chúng ta bị đói ăn,
khi chúng ta khổ sở chạy ăn từng bữa vì nguồn thực phẩm và thu nhập từ biển bị
huỷ hoại hoàn toàn...thì các quyền tự do chính trị và dân sự, xã hội dân sự, chế
độ pháp trị, nền dân chủ sẽ trở thành những điều xả xỉ nực cười. Người dân Việt
Nam, đặc biệt là dân nghèo và ở nông thôn vốn đã thờ ơ với các giá trị và định
chế nói trên, nay họ càng lãnh cảm với tự do và nhân quyền. Có thể nói không
ngoa, thảm hoạ môi trường Vũng Áng và các sự cố môi trường diễn ra trên khắp cả
nước đã đẩy Việt Nam trở về thời trung cổ, về mặt nhận thức. Nên nhớ, không bắt
đầu từ nhận thức, không sự thay đổi nào diễn ra cả.
Trung cộng không cần một viên đạn đã nắm gọn Việt
Nam trong tay, từ đầu não chính trị, kinh tế, biển đảo...bây giờ là vấn đề môi
sinh. Không khó nhận ra, đây chính là nỗ lực níu giữ không cho Việt Nam tiến về
thế giới dân chủ tự do, bởi họ không muốn một Việt Nam dân chủ sát nách mình.
Lưu ý rằng, với một chính quyền độc tài sắt máu ở trung ương, các tập đoàn và
công ty đa quốc gia của Trung cộng đồng thời cũng nhận lãnh nhiệm vụ tình báo
và vai trò chính trị được đảng Cộng sản Trung Hoa giao phó.
Về phần người dân Việt Nam, lên tiếng hay là chết?
Chúng ta đã chịu đựng quá lâu và quá đủ rồi. Có thể các bạn chưa hiểu dân chủ,
minh bạch, nhân quyền, pháp trị...là gì. Nhưng nói ngắn lại, dân chủ, minh bạch,
nhân quyền, pháp trị...chính là việc chính quyền phải trả lời chính xác về
nguyên nhân và hậu quả của các thảm hoạ mà đất nước phải đối mặt, phải nghiêm
túc khắc phục hậu quả, mạng sống của người dân phải được bảo vệ, sinh kế của
người dân phải được ưu tiên, tiền cứu trợ nạn nhân không vào tay quan chức chính
quyền, lãnh đạo nhà nước không dùng lời lẽ ngu xuẩn để lừa gạt người dân, việc
kiểm soát thực phẩm độc hại được tuân thủ...
Đối diện với một tiền đồ đen tối cho cả đất nước, mỗi
người dân đều có nhiệm vụ lên tiếng cho sự thay đổi theo cách của mình. Các nhà
hoạt động nhân quyền và dân chủ quá ít ỏi so với dân số hơn chín mươi triệu dân
Việt Nam. Chính chúng tôi đôi lúc cảm thấy cô đơn giữa rừng người im lặng.
Chúng tôi vẫn biết rằng nhiều người yêu mến chúng tôi và không ưa gì cái chính
quyền thối nát này. Nhưng cái sự yêu mến và không ưa đó không mang lại sự thay
đổi thiết thực nào cho Việt Nam, cũng chính là cho tương lai con cháu chúng ta
cả. Trách nhiệm cứu lấy Việt Nam thuộc về toàn dân Việt Nam, bằng những hành động
cụ thể hơn. Hoặc chúng ta lên tiếng cho một sự thay đổi triệt để, hoặc chúng ta
và con cháu mình sẽ chết từ từ dưới cái ách độc tài và nô lệ Trung cộng. Chúng
ta phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình!
Huỳnh Thục Vy
Buôn Hô 17/6/2016