(biểu tình ngày Chủ Nhật, 31 tháng 7 năm 2016.)
Hãy đồng lòng, đoàn kết đứng lên bảo vệ
môi trường, đòi hỏi Formosa rời khỏi Việt Nam và truy tố những thành phần có
trách nhiệm.
Thảm họa môi trường do Công ty TNHH gang thép Hưng
Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây ra đã tạo nên những hệ luỵ nghiêm trọng, ảnh
hưởng tai hại lâu dài đến môi trường, sức khỏe, đời sống của người dân và kinh
tế quốc gia mà trực tiếp nhất là ngư dân bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,
Thừa Thiên-Huế. Quan trọng hơn, đời sống, truyền thống văn hóa - ngư nghiệp
hàng trăm năm tạo dựng đứng trước nguy cơ bị hủy diệt.
Tình trạng cá chết hàng loạt, biển bị nhiễm độc sẽ làm
biển Đông của đất nước vắng bóng ngư dân và tạo thêm điều kiện cho Bắc Kinh đẩy
mạnh âm mưu xâm lược bằng những sinh hoạt của người Trung Quốc trên vùng biển
thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị bỏ trống.
Do đó cá chết ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung không những
chỉ là một thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Việt Nam mà còn
là một cơn khủng hoảng to lớn về mặt xã hội, chính trị, ảnh hưởng sâu xa đến sự
sống còn, độc lập của đất nước Việt Nam.
Trước cơn khủng hoảng này, nếu không dấn thân để
cùng nhau góp phần giải quyết, chúng ta đang tự viết bản án tử cho đất nước
thân yêu của chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta không thể nào giải trừ tai họa bằng
những nỗ lực riêng lẻ, ngắn hạn, không đồng nhất, khó tạo được tác động thay đổi
lớn.
1. Đặt Tổ quốc trên hết,
hãy đồng hành cùng nhau:
Các tổ chức, đảng phái, đoàn thể, hội, nhóm chính trị,
xã hội dân sự, những người hoạt động trong mọi lãnh vực Dân sinh, Nhân quyền,
Dân chủ trong và ngoài nước, các bạn bè, anh chị em đã từng cùng nhau chia sẻ
những đắng cay, ngọt bùi của những ngày xuống đường bày tỏ lòng yêu nước... hãy
cùng nhau gạt qua những khác biệt để cùng nắm tay nhau, đoàn kết, đồng lòng và
đồng hành cùng nhau tranh đấu cho một mục tiêu chung: Đòi hỏi đảng và nhà nước
Việt Nam phải giải quyết tận gốc những hệ luỵ tai hại do Formosa gây ra; truy tố
thủ phạm, xét xử những cán bộ có trách nhiệm và chấm dứt hoạt động của Formosa
tại Việt Nam.
2. Đừng giao phó trách nhiệm
và vận mạng đất nước cho một nhóm thiểu số:
MLBVN tha thiết kêu gọi quý bác, cô, chú, quý tu sĩ,
các thầy cô giáo kính mến, các bậc trí thức, các bạn trẻ sinh viên học sinh
thân thương hãy góp một bàn tay, đồng hành với những công dân đã và đang tranh
đấu vì chính vận mạng của đất nước để bảo vệ những giá trị Việt Nam, bảo vệ
chính ngư dân và môi trường biển Việt Nam.
3. Hãy kiên trì đấu tranh
không ngừng nghỉ:
Mỗi ngày, hóa chất độc hại vẫn luân lưu trên biển cả,
mỗi người dân ở bốn tỉnh miền Trung vẫn nhìn về tương lai trong đen tối, và người
thân của chúng ta vẫn đối diện với nguy cơ bị hủy diệt bởi môi trường, thức ăn
bị ngộ độc.
Mỗi ngày, không những Formosa mà còn nhiều nhà máy
khác vẫn đang thải hóa chất độc hại ra môi trường. Mỗi ngày, biển Đông bị bỏ trống,
vắng bóng ngư dân.
Do đó, từng ngày, từng giờ chúng ta phải không ngừng
tranh đấu, không để mọi sự chìm vào quên lãng như số phận của những con cá chết.
Từ những điều mong mỏi trên, MLBVN xin
phép được góp phần gợi ý cho những phương hướng hoạt động dựa vào 3 tinh thần
trên: đoàn kết, tất cả cùng tham gia và kiên trì:
I. Tất cả cùng nhau khởi động
và tiến hành một phong trào tranh đấu khôi phục và bảo vệ môi trường, chấm dứt
những thảm họa tương tự trong tương lai bằng
một cuộc biểu tình rộng khắp, trải dài từ
trong nước ra đến hải ngoại vào
ngày Chủ Nhật, 31 tháng 7 năm 2016.
Đây là bước khởi đầu của chiến dịch với những đối tượng
và mục tiêu sau:
1. Đối với Formosa:
a. Đòi hỏi phải giám định lại những thiệt hại đối với
môi trường, đời sống người dân; phải được thực hiện bởi những chuyên gia thẩm định
chuyên môn, độc lập để việc bồi thường được thực hiện công bằng, thỏa đáng;
b. Truy tố những cá nhân có trách nhiệm liên đới ra
trước tòa án hình sự;
c. Chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH gang thép
Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Việt Nam.
2. Đối với các quan chức trong
chính phủ Việt Nam:
a. Đòi hỏi phải cách chức những nhân sự sau:
- Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
Trường vì đã không có những quyết định ngay từ đầu để cảnh giác người dân về
tình trạng hiểm nghèo do biển, cá bị nhiễm độc;
- Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường đã lừa dối người dân về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết khi ông
ta tuyên bố tảo nở hoa và thủy triều đỏ là thủ phạm;
- Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và
Truyền thông đã mị dân bằng hệ thống truyền thông đưa tin, bài vở đánh lừa dư
luận, cộng với hành động mời nhiều nhà báo đi ăn cá biển tại nhà hàng Hải Yến để
"minh chứng" cho sự an toàn của thực phẩm và nước biển;
b. Đòi hỏi nhà nước phải minh bạch số lượng hóa chất
độc hại đã bị Formosa thải ra biển; đồng thời công bố nguyên nhân thật sự dẫn đến
tình trạng cá chết trên nhiều sông, hồ xảy ra ở khắp 3 miền đất nước sau khi thảm
trạng cá chết tại Vũng Áng xảy ra.
c. Đòi hỏi phải công bố minh bạch nguyên nhân tử
vong của người thợ lặn Lê Văn Ngày vào ngày 24/04/2016 sau khi lặn làm việc gần
khu vực xả thải của nhà máy thép Formosa cũng như số phận của nhiều thợ lặn
khác.
II. Tiếp nối bằng nhiều cuộc
biểu tình và nhiều hoạt động đa dạng tự phát:
1. Đề nghị sử dụng và phổ biến khẩu hiệu: "Cá
muốn sống, chúng tôi muốn sống" / "Fish want to live, we want to
live" ở khắp mọi nơi, trên áo, trên mạng, trên đường phố để duy
trì ngọn lửa của phong trào.
2. Mang nơ vàng trên ngực áo (nơ vàng cũng mang hình
dạng của cá) để thể hiện tinh thần nhớ đến thảm họa cá chết, biển bị hủy diệt.
3. Thực hiện những cuộc thả tờ rơi bất ngờ, không
công bố; tổ chức những lần xuống đường nhanh gọn, dưới nhiều hình thức đa dạng,
bởi các nhóm nhỏ tại nhiều địa điểm khác nhau; tiến hành những cuộc trao tài liệu
tóm tắt về tác hại môi trường cho sinh viên học sinh tại các trường đại học,
cho đồng bào tại các phố chợ đông người.
4. Tổ chức những cuộc họp mặt liên kết giữa các hội,
nhóm xã hội dân sự, nhân quyền, tôn giáo trong nước; các đảng phải, tổ chức, cộng
đồng tại hải ngoại để cùng nhau hợp tác, lập ra những liên minh tranh đấu, biến
tinh thần đoàn kết thành hiện thực.
5. Từ những nỗ lực liên kết, cùng nhau tổ chức những
buổi hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia về môi trường để nâng cao nhận
thức của người dân về thảm họa Formosa.
6. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các NGO, tổ chức bảo vệ môi
trường trên thế giới, đặc biệt là Chương trình về Môi trường của Liên Hiệp Quốc
(UNEP) cho một dự án về môi trường, trong đó có một nghiên cứu về những tác hại
môi trường mà tập đoàn Formosa đã gây ra tại nhiều nơi trên thế giới.
7. Kêu gọi và vận động những chuyên gia, trí thức Việt
Nam trong và ngoài nước thành lập một tổ chức chuyên môn, độc lập về nghiên cứu
môi trường tại Việt Nam.
8. Tổ chức những buổi ca nhạc tranh đấu với chủ đề về
Biển và Thân phận Ngư Dân, thực hiện những kịch bản, những video clip, những
chương trình nghệ thuật để vừa thể hiện tội ác của Formosa, vừa tạo sự tham gia
của giới văn nghệ sĩ.
9. Tổ chức những cuộc đi thăm, trao đổi với đồng bào
ngư dân miền Trung, thực hiện phóng sự để ngư dân cất tiếng nói đến toàn thế giới.
Thực hiện những chương trình từ thiện để hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt là các em nhỏ.
10. Tiếp tục gia tăng hoạt động truyền thông mạng
cho chủ đề bảo vệ môi trường, vạch trần những sai trái của Formosa, những kẻ đứng
đằng sau và những người đã tiếp tay cho Formosa để tạo nên một hệ thống sai
trái và lộng hành.
Kính thưa quý vị, cô bác, các anh chị em
và bạn bè quý mến,
Tất cả những gì trình bày ở trên chỉ là những gợi ý
ban đầu, xuất phát từ mong mỏi tất cả chúng ta có thể cùng nhau ngồi lại, nắm
tay nhau và cùng đứng lên biến những suy tư, thao thức thành hành động.
Điều mong ước của MLBVN là được nhìn thấy các bạn
tranh đấu cho nhân quyền, các anh chị bảo vệ cây xanh, các bác các chú trong
các đảng phái, những văn nghệ sĩ, trí thức, và quan trọng hơn hết, rất nhiều,
hàng ngàn, hàng chục ngàn những khuôn mặt rất mới sẽ nắm tay nhau làm nên một
biểu tượng Diên Hồng cho phong trào tranh đấu khôi phục và bảo vệ môi trường, bảo
vệ ngư nghiệp, chủ quyền biển Đông và bảo đảm rằng con cháu chúng ta có được một
cuộc sống an toàn, lành mạnh và tự do trong mọi lãnh vực.