14.07.2016

Tù nhân lương tâm và Nhân quyền tại Việt Nam

Tù Nhân Lương Tâm và Nhân Quyền tại Việt Nam
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam chấm dứt tra tấn tù nhân lương tâm

Tù nhân Lương tâm tại Việt Nam năm 2011.  Courtesy of Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ

Ân xá Quốc tế, một tổ chức nhân quyền có trụ sở chính ở Luân Đôn, vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt mọi hình thức tra tấn và đối xử vô nhân đạo với các tù nhân lương tâm.
Trong báo cáo phổ biến hôm thứ ba 12/7, Ân xá Quốc tế cho rằng tù nhân lương tâm ở Việt Nam bị hành hạ bằng các hình thức như bị biệt giam kéo dài, tra tấn đánh đập và không được điều trị y tế.

Bản Báo cáo dựa trên các cuộc phỏng vấn với 18 cựu tù nhân lương tâm và được nghiên cứu trong thời gian một năm.
Theo Ân xá Quốc tế, 5 tù nhân lương tâm cho biết họ từng bị biệt giam ở các xà lim tối tăm và trong những khoảng thời gian dài. Một số tù nhân lương tâm thường xuyên bị đánh đập.
Rafendi Djamin, Giám đốc Ân xá Quốc tế khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương kêu gọi Việt Nam, qua việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, đã đến lúc chính quyền cần thực hiện tốt các cam kết quốc tế, truy cứu những người có trách nhiệm tra tấn, hành hạ tù nhân lương tâm và bảo đảm những hành động này sẽ không còn tái diễn.
Bộ ngoại giao Việt Nam không lập tức phản hồi, khi được yêu cầu bình luận về báo cáo của Ân xá Quốc tế.
Chế độ Hà Nội luôn nói rằng, Việt Nam không có tù nhân chính trị, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật bị giam giữ.

Tình hình nhân quyền tại Việt Nam
Ông Phil Robertson nhận xét: Nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ. RFA

Nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ là nhận xét của ông Phil Robertson, phó giám đốc tổ chức theo dõi nhân quyền khu vực Á Châu, khi ông có mặt trong cuộc phỏng vấn của đài RFA (Chân Như) tại thủ đô Washington vào hôm 12 tháng 7.
Trả lời câu hỏi về tình hình nhân quyền tại Việt Nam sau chuyến công du của TT Obama, Phil Robertson cho biết:
Chúng tôi rất lo ngại vì tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ, không có tốt hơn. Chúng tôi thấy thêm nhiều người bị đánh, trong nhiều trường hợp, những côn đồ, theo chúng tôi nghĩ, có quan hệ với chính quyền ra tay hành hung những nhà hoạt động dân chủ. Điều này làm chúng tôi rất lo ngại vì nó có vẻ như là một chiến dịch mới, vô kỷ luật được chính quyền hậu thuẫn nhắm tới những nhà hoạt động dân chủ.
Chúng tôi đã thấy một chính quyền mà liên tục tạo thêm luật lệ để sẵn trong túi họ hầu mang ra để trị dân khi họ cần đến để nhằm hạn chế quyền của người dân. Nhưng giờ đây chúng ta lại thấy cách làm khác, đó là hành hung và hăm dọa, trước đó chỉ là hăm dọa hoặc quấy nhiễu bằng cách công an ở nơi đó mời người dân đi “café” để nói chuyện hoặc áp lực lên công ty họ đang làm việc, áp lực lên chủ nhà, áp lực ngay đến những người thân của họ trong gia đình để hầu buộc người đó từ bỏ con đường đấu tranh. Giờ thì chúng ta lại thấy cách mới của chính phủ đó là hành hung, hoặc ném chất dơ bẩn vào nhà của họ hoặc kích động một nhóm những cựu quân nhân đến gào thét trước cửa nhà họ kiểu sử dụng luật giang hồ để cản trở các nhà dân chủ trong khi những nhà đấu tranh này chỉ muốn nói lên những điều tốt muốn đất nước được tốt đẹp hơn thôi.“

Tin RFA