““Chúng ta vô cảm.
Chúng ta hèn nhát.” …
Chúng ta là hết thảy người Việt Nam bất luận
đang sống ở đâu, sinh hoạt trong lãnh vực nào, ở vào vị thế nào, đẳng cấp nào cả
trong xã hội lẫn trong tôn giáo!”
Có ai vô can?
Lê Thiên
Hàng chục ngàn giáo dân giáo phận Vinh
tham dự thánh lễ cầu cho quốc thái dân an theo lời kêu gọi của Đức Giám mục
Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong ngày lễ Đại trào Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời,
tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài, vào sáng ngày 15.08.2016.
Chúng tôi không thỉnh cầu Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
điều gì vì tự ý thức vị thế ti tiện của mình – thứ chiên ghẻ lở, kẻ bên rìa.
Với đám cầm quyền CSVN chúng tôi chẳng cần thỉnh
nguyện gì, kiến nghị gì. Khoảng cách giữa kẻ cai trị và dân bị trị rộng lớn gấp
bội so với khoảng cách giữa tiện dân với vua chúa thời phong kiến xa xưa.
Chỉ xin phép được chia sẻ đôi ba tâm tình vụn vặt
cùng đồng bào, đồng đạo chung phận dân quèn như kẻ hèn này thôi.
Vẫn là chuyện cá chết, biển chết, người chết, môi
trường bị hủy hoại và cả lương tri con người cũng giãy chết kéo theo những hệ
quả thảm khốc khôn lường cho muôn thế hệ con cái cháu chắt của lũ dân hèn mà những
người có trách nhiệm cứ dửng dưng bỏ mặc “sống chết mặc bay, tiền thầy đầy
túi!”
Chúng ta có thật
vô can?
Cô giáo Trần Thị
Lam, tác giả bài thơ bất hủ “Đất nước mình ngộ quá…” đã lại có bài về thảm họa
biển Miền Trung: “Chúng ta không vô can!”(*) đáng
chúng ta suy ngẫm.
Trên facebook của
mình ngày 01/7/2016, Cô Lam viết: “Chúng ta tạm bằng lòng vì thủ phạm của
tội ác đã được gọi tên. Những người thiếu trách nhiệm, buông lỏng
quản lý… rồi đây phải trả lời trước công luận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.” Cô
Lam hy vọng những kẻ quyền hành hôm nay “sẽ phải trả lời trước công luận
và chịu trách nhiệm trước pháp luật.” Tôi coi đó là hy vọng hão, ảo vọng!
Nhưng câu hỏi của cô lại là câu hỏi nhức nhối, đánh thẳng vào lương tri người
Việt Nam chúng ta trong lúc này dù đang ở đẳng cấp hay niềm tin nào trong xã hội.
Cô Lam hỏi thẳng: “Còn chúng ta, chúng ta có thật
sự vô can?” Rồi cô nêu lên hàng loạt những bất cập của từng
mỗi người chúng ta:
–
Chúng ta đã thờ ơ với tình hình chính trị xã hội của đất nước khi nghĩ rằng mọi
việc đã có Đảng và chính phủ lo.
–
Chúng ta nghĩ chỉ cần chăm sóc cho cái tổ của mình là đủ, những biến động
ngoài cánh cửa không ảnh hưởng đến gia đình mình.
–
Chúng ta chỉ cần yên ổn.
–
Chúng ta dửng dưng trao vận mệnh của mình và con cháu mình vào tay của những kẻ
tham lam và năng lực quản lý yếu kém.
–
Chúng ta sợ hãi đủ thứ, sợ một từ nhạy cảm, sợ cả cái bấm like với một bài
viết bày tỏ quan điểm trên các trang facebook, sợ một tiếng nói thầm, sợ
thể hiện chính kiến.
–
Chúng ta sống câm lặng như những cái bóng hoặc phù phiếm, sặc sỡ như loài côn
trùng.
Cuối cùng, không
dằn lòng được nữa, cô giáo Trần Thị Lam
kêu lên như thét vào mặt hết thảy chúng ta:
“Chúng
ta vô cảm.
Chúng
ta hèn nhát.”
Chúng ta? Chúng
ta là ai?
Chúng ta là
chúng ta!
Chúng ta là hết
thảy người Việt Nam bất luận đang sống ở đâu, sinh hoạt trong lãnh vực nào, ở
vào vị thế nào, đẳng cấp nào cả trong xã hội lẫn trong tôn giáo!
Tôi có vô cảm không?
Có lẽ đã đến lúc
mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình và tự trả lời: “Tôi có vô cảm không? Có hèn
nhát như Cô giáo Lam chỉ ra hay không?” Để rồi tự sám hối!
Với người Công
giáo, năm nay là Năm Thánh Lòng Thương Xót! Năm sám hối và cải hóa để thực thi
lòng thương xót, như Lòng Chúa Xót Thương! Thương Xót! Một mệnh lệnh chẳng những
của tình Bác ái mà còn là nền tảng của việc thực thi và phát huy Công Lý – Công
bằng xã hội! Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cùng hàng vạn giáo dân Giáo phận
Vinh xuống đường vì tinh thần Bác Ái và ý thức bảo vệ Công bằng xã hội ấy!
Lẽ nào chúng ta
vô cảm trước nỗi đau và sự chết chóc đang rình mò từng giây từng phút, sẵn sàng
cướp đi hàng triệu sinh linh dân nghèo vô tội ở các tỉnh Miền Trung, rồi sự độc
hại giết người sẽ lan khắp cả nước khi mà hàng triệu những con cá chết kia được
kín đáo biến thành nước mắm, biến thành phân bón cây trái, rau quả tràn lan
ngoài sự kiểm soát hay kiểm chứng!
Lẽ nào chúng ta
hèn nhát đến độ không dám mang đến những kẻ khốn cùng sự hiện diện và lời khích
lệ, an ủi họ, đặc biệt có “những chúng ta” đang khoác trên người chiếc áo mang
tên Tình Thương, là những Chủ Chăn hiện thân của Tình Thương Kitô giáo.
Hầu như người
dân chân chính của cả nước không ai không xúc động trước nghĩa cử mới nhất của
Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt khi ngài từ chốn viện tu Châu Sơn ở Phát
Diệm, vượt ra khỏi bức tường thành tu viện, mang quà tặng và tình âu yếm của
ngài đến tận những xóm làng mà người dân đang gánh chịu hậu quả trực tiếp của
thảm trạng cá chết, biển chết! Chỉ mỗi một sự có mặt của ngài thôi cũng đã vực
dậy tinh thần của những kẻ khốn cùng và mang đến họ chút tia hy vọng!
Còn chúng ta, hà
cớ gì chúng ta lại để cho lương tri mình giãy chết bằng thái độ thờ ơ trước nỗi
đau của tha nhân? Hay là chúng ta vẫn còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ?
Tại sao không đồng hành cùng người tốt cho việc tốt?
Chúng tôi từng
thấy đây đó trong nước lễ lạc tưng bừng với sự hiện diện của các Chủ Chăn mão gậy
uy nghi. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các Đấng tỏ tình liên đới với nhau, thấy
các Đấng “đồng hành” với đám đông trong những nghi lễ như vậy! Nhưng chẳng lẽ sự
“đồng hành” của các Đấng đến đó là dừng?
Đau đớn thay và
tội nghiệp thay cho hai vị Giám mục Giáo phận Vinh đi lẫn trong đoàn chiên
mình, hiên ngang phát huy tinh thần “Ngày Môi Trường!” mà không được sự đồng
hành của bất cứ đấng đồng cấp nào! Phải chăng các ngài chỉ “ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN
TỘC” theo cái nghĩa mà nhà cầm quyền CSVN truyền cho các ngài phải hiểu và áp dụng?
Còn đồng hành với những kẻ khốn cùng, những người bị ruồng bỏ, những kẻ thấp cổ
bé miệng bị đối xử bất công thì không! Than ôi! Triết lý đồng hành kiểu “sống
chết mặc bây” thời đại HCM là vậy đấy, cả trong các cơ cấu tôn giáo cũng thế
sao?
Mỗi Giáo phận
thông thường có một (hay hai) Chủ Chăn (chánh, phó)! Một sự việc xảy ra ở Giáo
phận nào, Chủ Chăn Giáo phận ấy trách nhiệm! Thảm họa ở Giáo phận Vinh, Giám mục
bản quyền ở đó phải tự xử, các vị thuộc các Giáo phận khác vô can à? Thế thì Hội
Đồng Giám Mục lập ra để làm gì? Cả một Hội Đồng, sao lại không có được tiếng
nói dù là nhẹ nhàng nhất để phan bác luận điệu tuyên truyền và những lời phỉ nhổ
mất dạy của truyền thông CSVN đánh vào Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp?
Tiếng chuông thức tỉnh
Thái độ này của
HĐGMVN khiến người CGVN không thể quên một thời Đức TGM Ngô Quang Kiệt cũng bị
đẩy vào tình thế tương tự. Hồi đó, ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt “đụng độ” với
nhà cầm quyền CS Hà Nội, HĐGMVN không có một lời bênh vực hay hỗ trợ tinh thần
cho ngài, mà chỉ tâu với nhà cầm quyền CSVN rằng “Đức Cha Kiệt không làm điều
gì sai Giáo Luật!” Sau đó điều gì đã đến với ĐC Kiệt, có lẽ ai cũng thấy và
cũng hiểu!
E số phận của ĐC
Hợp cũng sẽ vậy thôi! Trong khi đó, nơi nào cần đến bước chân uy nghi của các
ngài, ở đó có mặt các ngài trong phẩm phục sáng chói. Thảo nào Đức Thánh Cha
Phanxicô có lần đã phải khuyến cáo: “Giáo Hội không cần quan, những kẻ quan
liêu nhưng cần các những sứ giả đầy nhiệt huyết. Nếu không có ngọn lửa này,
Giáo hội có nguy cơ trở thành một Giáo Hội nguội lạnh hoặc chỉ đơn thuần là một
Giáo Hội hờ hững, tạo nên những Kitô hữu lạnh nhạt và thờ ơ”.
Những kẻ
quan liêu trong Giáo
hội mà Đức Phanxicô nhắm đến là ai, có lẽ ai cũng biết, chỉ trừ chính những kẻ
quan liêu, ích kỷ cố tình tự bịt tai, bịt mắt! “Sống câm lặng như những
cái bóng hoặc phù phiếm, sặc sỡ như loài côn trùng.” Câu nói của cô
giáo Trần Thị Lam nghe hơi nặng đấy, nhưng không hề là quá đáng khi áp dụng vào
trường hợp này!
Một tác giả viết: “Các
phương tiện truyền thông đang cảnh báo về bóng ma thần chết lởn vởn trên Biển
Đông. Một số người băn khoăn suy tư để có thái độ, một số tìm cách chạy trốn…” Bóng
ma thần chết không phải chỉ lởn vởn trên Biển Đông mà còn cả trên khắp vùng ven
biển Việt Nam và cả trên đất liền của quê hương VN, cụ thể là thảm họa biển chết,
cá chết ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên của Miền Trung Việt
Nam, thảm họa bauxite ở Tây Nguyên và thảm họa chất độc trong thực phẩm trên cả
nước.
Ai đang là những
kẻ chạy trốn trước tiên và giờ vẫn còn tiếp tục trốn chạy khỏi trách nhiệm liên
đới của mình mà lý lẽ biện minh đơn giản là: “đó không phải là phần vụ của
tôi”?
Jos. Ngô
văn Kha, C.Ss.R., ngày
09-08-2016 đã viết trên bài “Chẳng lẽ chúng ta đang ở
trong cuộc chiến, chiến ‘nhân dân?” (trang web DCCT VN): “Ngày
môi trường 7/8/2016 do Ban Công lý – Hòa bình Giáo phận Vinh phát động đã nên
như tiếng chuông thức tỉnh những ai còn đang ngủ mê…”
Chúng ta, trong
đó có các đấng bậc trong Hội Thánh CG tại VN lẽ nào cứ mãi an phận ngủ mê để
không nghe tiếng chuông thức tỉnh?
Ngô văn Kha đã không ngại cảnh báo: “Đây
không còn là mối lo cho vận nước, mệnh dân tộc của một người, nhưng là của một
cộng đồng, và cộng đồng ấy muốn trở nên là ‘lời hiệu triệu’ thức tỉnh, lay động
tâm trí và tâm hồn những ai còn nặng lòng với đất nước với quê hương, với sự tồn
vong của dân tộc.” Mong “lời hiệu triệu” ấy vang vọng vào tận
tim óc của mọi thành phần dân Việt và dân Chúa tại Việt Nam.
Tiếng chuông… lay động và thức tỉnh mọi người.
Giáo sư Nguyễn
Khắc Mai, một trí thức nổi danh tại Việt Nam, trong bài “Hoan nghênh
Ngày Môi Trường của Giáo phận Vinh” đăng tải trên Bauxite VN ngày
07/8/2016 đã lên tiếng: “Giết biển, giết cá, giết chết sông ngòi, giết bầu
không khí, giết cả đất đai hiền hòa (người xưa nói ‘hiền như đất’)… chính là tội
ác phản nhân loại, tội ác có ý nghĩa như tội diệt chủng.”
Vị Giáo sư ca tụng: “Lành
thay, ơn ích thay, đẹp đẽ thay, thánh thiện thay hành động ‘Bảo vệ Môi trường’
của bà con Giáo phận Vinh”.
Ông cam kết: “Tôi
tiếp nhận tin lành này và cũng sẽ đồng hành làm những việc ơn ích. Tôi mong tiếng
chuông rung lên từ những Xứ Đạo sẽ vang xa, lay động và thức tỉnh mọi người!”
“Tiếng
chuông rung lên từ những Xứ Đạo” lẽ nào không thấu đến tai các Đấng Mục Tử trong HĐGMVN. Chỉ cần ở
các ngài một cử chỉ Đồng Hành cùng Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, đồng hành cùng Giáo
sĩ, tu sĩ và giáo dân Giáo phận Vinh, thì việc các ngài hô hào “Đồng hành cùng
Dân tộc” sẽ có ý nghĩa tích cực và đàn chiên ắt sẽ hân hoan theo chân Chủ Chăn.
Nếu không, khẩu hiệu “Đồng hành cùng dân tộc” vẫn mãi là khẩu hiệu tuyên truyền
của Đảng, phục vụ cho ý đồ chia rẽ tôn giáo của CS.
Biện minh cho sự vô cảm, ích kỷ và lương tâm chai cứng
Trên
VietCatholic News ngày 18/8/2016 có bài viết của Giuse Thẩm Nguyễn nhan đề “Vô
cảm: Một bệnh quái ác của thời đại” với cái ý na ná như bài của cô
giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh đã dẫn trên.
Thẩm Nguyễn viết: “Bệnh vô cảm
biến con người trở thành ích kỷ, chỉ lo cho mình. Đôi khi nó còn làm cho người
ta hoang tưởng, tự an ủi lương tâm chai cứng của mình. Khi tôi không còn
cảm thông với nỗi đau của đồng loại, không còn bất bình với cái ác của xã hội
thì tình yêu trong tôi cạn kiệt dần và giới răn mến Chúa Yêu Người sẽ không có
chỗ trong tâm hồn tôi.”
Rồi người ta viện
đủ lý lẽ để biện minh cho sự vô cảm, ích kỷ và lương tâm chai cứng của mình, lại
còn lên án những kẻ dấn thân, những người dám nói thật… là bọn làm chính trị,
thức chính trị CCCC! Đến nỗi Thẩm Nguyễn nhận xét: “Một số người cố ý
hay lầm tưởng rằng người Công Giáo không được phép làm chính trị để thoái thác
mọi trách nhiệm công dân của mình.” Có lẽ không nhiều người lầm tưởng
như thế đâu! Mà chính là vì nhiều người, nhất là tại Việt Nam, được dạy bảo chớ
xen vào chính trị, đừng làm chính trị! Họ lý luận: Làm chính trị là nguyên nhân
tạo cớ cho nhà cầm quyền ngăn cản sự lớn mạnh rầm rộ của đạo!
Cái tội làm
chính trị ghê gớm thế! Thế nên, từ cái nhìn lệch lạc trên đây, không ít kẻ bề
trên rao bảo, ngăn chặn người đồng đạo tham gia các việc chính trị chống bạo
quyền áp bức dân lành, xâm phạm quyền sống cùng các quyền tự do chính đáng của
con người.
Đừng im tiếng mà hãy lên tiếng
Từ suy nghĩ
trên, Giuse Thẩm Nguyễn viết, “Thay vì suy ngẫm cầu nguyện cho Công lý
và Hòa bình ở Việt Nam hay cộng tác bằng nhiều hình thức để góp phần vào công
việc cứu nguy sơn hà, người ta lại rất coi thường, thản nhiên như không có gì
đang xảy ra. Không có giờ để đọc, nghe và xem những tin tức liên quan đến cuộc đấu
tranh chung của dân tộc, không có giờ cho những tin tức Công Giáo, bài nguyện gẫm,
bài giảng trên mạng nhưng lại có rất nhiều giờ cho những phim truyện nhảm nhí,
chuyện đời tư của đám “vô loài” đang đua nhau về Việt Nam hát hò…”
Tội lỗi này thuộc
về ai? Giáo dục Công giáo ở đâu? Học thuyết xã hội Công giáo đi đâu mất rồi? Chủ
Chiên chăn dắt đàn chiên mình bằng cách nào? Hay đẩy chiên mình vào mồm lang
sói?
Từ những cái
nhìn và suy nghĩ trên đây, chúng tôi van xin hết thảy các thành phần người Công
Giáo Việt Nam trong nước lẫn hải ngoại hãy đồng lòng cùng nhau thảo ra một “tâm
thư” gửi lên HĐGMVN, khẩn cầu các đấng gấp rút bày tỏ một thái độ, một tiếng
nói và một hành động cụ thể!
Thay vì đồng ca
điệp khúc “đồng hành cùng dân tộc,” xin các Đấng hãy lên đường, dấn thân đồng
tình, đồng cảm, đồng tâm, đồng thanh và đồng hành với Đấng bản Quyền Giáo
phận Vinh cũng như với đàn chiên của ngài!
Đã đến
lúc các ngài trong HĐGMVN “ĐỪNG IM TIẾNG MÀ HÃY LÊN TIẾNG” bênh vực những kẻ khốn
cùng, lên tiếng chống lại sự gian trá, bất chính, bất công trong xã hội.
Xin các ngài đừng
đóng kín cửa nữa, mà hãy mở toang cánh cửa lòng mình, Giáo phận mình, mà bước
đi ra bên ngoài, thay vì uy nghi trong các lễ hội “hoành tráng” hay tung tăng ở
hải ngoại, các ngài hãy gia nhập vào đoàn người khốn khổ vì bị bức hiếp, lên tiếng
thay cho họ, hành động cụ thể để an ủi, khích lệ họ! Xin các ngài hãy chấm dứt
đi những hoạt cảnh “Núi Cúi” ồn ào náo nhiệt thuở nào (lễ đặt viên đá đầu
tiên xây dựng Trung Tâm Đức Mẹ Núi Cúi thuộc Giáo Phận Xuân Lộc, vào ngày 18
tháng 9 năm 2015) để hòa nhập với dòng người đang thất thểu… đi tìm
Tình Thương và Công Lý!
Sao không phát huy những điểm son?
Trong bài giảng
ngày 14/8/2016, Lm Vĩnh Sang đã nêu ra những điểm sáng của HĐGMVN trong các năm
qua, như:
- Năm 2002, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ( HĐGMVN )
đã có thư cho Nhà Nước Việt Nam, nêu quan điểm đòi hỏi bức thiết xóa bỏ cơ
chế bất công tha hóa con người.
- Năm 2008 trong văn bản có tên Quan Điểm, HĐGMVN
nói về đất đai khiếu kiện kéo dài, không được giải quyết thỏa đáng, đề cập
đến quyền tư hữu phải có, cũng trong văn bản này, Hội Thánh đề cập đến sự
gian dối và bạo lực có mặt ở khắp nơi, tàn phá xã hội.
- Năm 2013, trong thư góp ý sửa đổi Hiến Pháp,
HĐGMVN đã nói về những quyền căn bản của con người, quyền làm chủ của nhân
dân, đã đề nghị bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái nào, nhấn mạnh đến quyền
tối cao của Quốc Hội do dân bầu ra, xác định nguyên tắc “Tam Quyền phân lập”.
- Năm
2014, trong văn bản Nhận Định về Biển Đông, Chủ tịch HĐGMVN đã chỉ ra Tàu
Cộng với những hoạt động trái phép ở Biển Đông có nguy cơ gây ra chiến
tranh, những hiệp ước giữa hai đảng Cộng Sản ký kết không mang lại lợi ích
gì, ngược lại, đẩy Việt Nam vào tình trạng lâm nguy.
- Năm
2015, trong nhận định và góp ý Dự Thảo 4 luật Tín Ngưỡng, HĐGMVN cho rằng
Dự Thảo đi ngược Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, là một bước thụt lùi so với
quá khứ và mạnh mẽ đề nghị soạn lại theo xu hướng tự do, dân chủ và tiến bộ.
Nhưng, như thế đã đủ chưa khi nhà cầm quyền Cộng Sản
Việt Nam chưa dừng lại, chưa từ bỏ thế độc tôn, độc quyền và độc lợi của họ
trên sự thống khổ, đau thương và chết chóc của dân Việt do bạo lực, gian trá
hoành hành mà chính họ, nhà cầm quyền CSVN là tác nhân?
Các thức giả Công giáo nghĩ sao cũng được về những lời
van xin khẩn thiết trên đây của chúng tôi! Nhưng xin quý vị đừng phũ phàng với
thân phận bọt bèo của người đồng đạo, đồng bào nơi quê nhà mình, mà thái độ, tiếng
nói cùng hành động cụ thể của HĐGMVN lúc này là cái phao cuối cùng của những
con người bất hạnh trên quê hương yêu dấu!
Cho nên, một kiến nghị, một thỉnh
nguyện thư của toàn thể Cộng đồng Dân Chúa người Việt Nam trong nước
cũng như hải ngoại thỉnh cầu HĐGMVN thể hiện thái độ dứt
khoát, một hành động cụ thể là một việc làm khẩn cấp. Hội Đồng Liên
Tôn có lẽ cũng cần mở ra một cuộc vận động rộng lớn nơi các tôn
giáo hành động mạnh mẽ như vậy.
(*) Bài viết của cô giáo Trần Thị Lam:
Chúng ta không vô can!
Vậy là sau bao
nhiêu ngày chờ đợi, cuối cùng dù đau đớn, ta cũng phải chấp nhận một sự thật là
biển đã bị đầu độc.
Chúng ta tạm bằng lòng vì thủ phạm của tội ác đã được
gọi tên.
Những người thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý… rồi
đây phải trả lời trước công luận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhưng còn chúng ta, chúng ta có thật sự vô can?
Chúng ta đã thờ ơ với tình hình chính trị xã hội của
đất nước khi nghĩ rằng mọi việc đã có Đảng và chính phủ lo.
Chúng ta nghĩ chỉ cần chăm sóc cho cái tổ của mình
là đủ, những biến động ngoài cánh cửa không ảnh hưởng đến gia đình mình.
Chúng ta chỉ cần yên ổn.
Chúng ta dửng dưng trao vận mệnh của mình và con
cháu mình vào tay của những kẻ tham lam và năng lực quản lý yếu kém.
Chúng ta sợ hãi đủ thứ, sợ một từ nhạy cảm, sợ cả
cái bấm like với một bài viết bày tỏ quan điểm trên các trang facebook,
sợ một tiếng nói thầm, sợ thể hiện chính kiến.
Chúng ta sống câm lặng như những cái bóng hoặc phù
phiếm, sặc sỡ như loài côn trùng.
Chúng ta vô cảm.
Chúng ta hèn nhát.
Cho đến một ngày chúng ta hoảng sợ nhận ra rằng, mâm
cơm nhà mình đã thiếu khuyết đi món ăn từ biển, hạt muối ta ăn không biết có an
toàn, món rau không thể không chấm nước mắm… mùa hè ta đến biển chỉ để đứng
trên bờ ngắm nhìn những con sóng.
Tai hoạ đã gõ cửa nhà tất cả chúng ta, không trừ một
ai.
Chúng ta nơm nớp lo sợ cho tương lai.
Chúng ta sống trong môi trường xã hội nhưng quên mất
một điều chúng ta được mẹ thiên nhiên bao bọc và nuôi dưỡng.
Khi mẹ thiên nhiên nổi giận thì không có biệt lệ
cho bất kỳ ai.
Sự hèn nhát, sự sợ hãi, sự dửng dửng, vô cảm đã biến
chúng ta thành những kẻ đồng loã với cái ác.
Chúng ta đã phản bội thiên nhiên, phản bội quê hương
và cái giá chúng ta phải trả là môi trường sống của chính mình bị đầu độc, là sức
khoẻ, sinh mạng, sự tồn vong của nòi giống.
Để xảy ra thảm cảnh môi trường như ngày
hôm nay, tôi, bạn, tất cả chúng ta đều không vô can.