19.08.2016

GHOST FLEET: Tiểu thuyết về chiến tranh Mỹ-Trung thành cẩm nang

GHOST FLEET: Tiểu thuyết về chiến tranh Mỹ-Trung thành cẩm nang
Mai Vân 
Bìa tiểu thuyết Ghost Fleet của P. W. Singer và August Cole.

Trang mạng slate.fr ngày 06/08/2016 đã giới thiệu một sự kiện kỳ thú : Một tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung cộng đã trở thành một quyển sách gối đầu giường của giới lãnh đạo Lầu Năm Góc Hoa Kỳ. Đó là quyển « Ghost Fleet - Hạm đội ma » của hai tác giả P. W. Singer and August Cole, xuất bản lần đầu tiên vào năm 2015, nhưng vừa được tái bản.


Tác giả bài báo Dan de Luce trước hết đã ghi nhận sức hút to lớn của quyển tiểu thuyết đối với các sĩ quan quân đội Mỹ ở mọi cấp bực, họ đã đọc Ghost Fleet "để chuẩn bị cho các cuộc chiến lớn thời đại kỹ thuật số". Quyển sách đã nằm trên bàn làm việc của các tướng lãnh 4 sao cũng như của các trung úy Hải Quân, và chiếm vị trí quan trọng trong thư mục sách cần đọc cho mọi binh chủng thuộc quân đội Mỹ.

«Ghost Fleet», mô tả một cuộc chiến tranh thế giới tương lai với Trung cộng và Nga đối đầu với Mỹ, vốn đã ngủ quên quá lâu trên nhành dương liễu của mình. Quyển tiểu thuyết giờ đây đã trở thành một tài liệu tham khảo cho các semina và những khóa đào tạo, huấn luyện lính Mỹ. Ở Nhà Trắng thì «Ghost Fleet» cũng thường được nhắc đến trong các cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.

Tác giả bài viết đã thử tìm hiểu tại sao cuốn «Ghost Fleet» lại thu hút chú ý giới lãnh đạo quốc phòng Mỹ như thế, và nhận thấy trước tiên là trong thời kỳ mà lãnh đạo quân đội và tình báo Mỹ đang lo ngại trước nguy cơ Hoa Kỳ bị các nước khác qua mặt về công nghệ học – như báo cáo thường niên vừa qua của bộ Quốc Phòng Mỹ về Trung cộng đã cho thấy - thì cuốn tiểu thuyết này đã đến rất đúng lúc.

Tại sao thế ? Đó là vì sau 15 năm phải dấn thân vào những cuộc chiến tranh kỳ quái mà kẻ địch là các thành phần nổi dậy khó bắt, mình mang đầy bom tự tạo, quân đội Mỹ đang nôn nóng tìm lại cội rễ của mình trong những cuộc chiến lớn theo kiểu xưa, nhưng đồng thời cũng tự hỏi làm thế nào để thắng những đối thủ cũ với những công cụ high tech tối tân.

Nga và Trung cộng trong tầm nhắm

Về nội dung, Ghost Fleet đã mô phỏng theo các tiểu thuyết ly kỳ hồi hộp, gọi chung là thriller, rất được ưa chuộng của Tom Clancy, trong những năm 1980-1990, nhưng với những nét của thế kỷ XXI. Câu chuyện được kể trong tiểu thuyết trải rộng trong cả không gian thực, với việc Bắc Kinh vô hiệu hóa thành công vệ tinh của Mỹ, lẫn trong không gian ảo khi các chiến binh kỹ thuật số của Trung cộng thâm nhập được vào bên trong các hệ thống mạng cực kỳ nhạy cảm của Mỹ, nghe trôm, ăn cắp dữ liệu từ điện thoại của một người làm vườn của cơ quan quân báo Mỹ DIA, trong lúc tại Nhật Bản, máy bay không người lái và chiến đấu cơ tấn công căn cứ Mỹ ở Okinawa, không khác gì trận Trân Châu Cảng Pearl Harbor trước đây.

Những tiền đề địa chính trị của câu chuyện được phơi bày một cách thô sơ, nhưng trọng tâm của tiểu thuyết, và lý do tại sao mà quân nhân Mỹ ở mọi cấp không thể rời quyển sách lại ở chỗ khác.

Theo Ghost Fleet, trong một tương lai không xa lắm, đảng Cộng Sản Trung cộng bị truất phế sau một cuộc đàn áp đẫm máu công nhân ở thành thị nổi dậy. Một « Hội Đồng Chỉ Huy » được thành lập bao gồm giới quân đội và tài phiệt, với sự hổ trợ của Nga, đã ra lệnh tấn công phủ đầu vùng Hawai của Mỹ để chiếm một mỏ khí đốt tại Fosse des Maiannes tận cùng đáy Thái Bình Dương. Các đơn vị Mỹ bị bỏ rơi tại một vùng Hawai bị chiếm đóng đã sử dụng lại những phương thức chiến đấu của đối thủ cũ ở Afghanistan và Irak, và tổ chức một phong trào nổi dậy : trên những chiếc xe đa địa hình VTT, lính Mỹ đã tránh được những cuộc tấn công của trực thăng, ném chất nổ liền tay và dẫn dụ được kẻ thù vào những nơi có phục kích.

Một viễn cảnh tương lai

Sở dĩ quyển Ghost Fleet đánh trúng điểm nhạy cảm nơi các quân nhân, các gián điệp hay giới đại học Mỹ và các thành phần khác, đó là do cách pha lẫn các loại vũ khí cũ và mới, cách cho thấy phản ứng các loại vũ khí này gây ra nơi các binh lính và khả năng cách mạng hóa nghệ thuật chiến tranh. Quan trọng hơn nữa, là câu chuyện cho thấy là những sáng chế quân sự mới nhất của Mỹ, dù tinh vi nhất, phức tạp nhất, nhưng trong thực tế lại có thể làm Mỹ yếu đi trước những kẻ thù ngày càng già dặn, biết đáp trả.

Tướng Robert Neller, tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và fan của Ghost Fleet đã giải thích là quyển sách minh họa cho « những chỗ yếu có thể có trong cách suy nghĩ hiện nay chúng ta về quân đội và chúng ta phải ý thức được điều này. »

Đối với tướng Neller, với những cảnh mô tả binh lính ngốn thuốc kích thích để tăng thể lực và sức chịu đựng, hay đeo kính video như kiểu Google Glass, Ghost Fleet đã mở ra những viễn cảnh mới về cách chuyển biến của chiến tranh, và trong một tương lai rất gần.

« Nếu chưa nghĩ đến, thì cuốn truyện này cho thấy trước tương lai và cho người ta ý thức là tương lai đó thực ra đã sờ sờ ở trước mắt chúng ta. Quyển sách không hề mô tả một cái gì diễn ra trong 5 năm hay 15 năm tới. »

Các tiền lệ về tiểu thuyết hư cấu trở thành cẩm nang chiến lược

Đây không phải lần đầu tiên mà một quyển sách hư cấu về chiến tranh lại trở thành một yếu tố ‘không thể thiếu’ cho các chiến lược gia, những người quyết định ở Washington. Vào thời tranh luận gay gắt nhất về cách tiến hành chiến tranh tại Afghanistan trong nội bộ chính quyền Obama, những người phản đối việc tăng quân đã nêu ví dụ trong quyển Lessons in Disaster của Gordon Goldstein, để chứng minh cho lập luận của họ.

Trong lúc Mỹ còn ở Irak, tướng David Petraeus và những người bảo vệ việc xem xét lại học thuyết chống nổi dậy, đã lấy cảm hứng từ Les Centurions, tiểu thuyết của Jean Larteguy, xuất bản năm 1960, với cốt chuyện vào thời chiến tranh Algeri và Đông Dương.

Một công trình nghiên cứu tỉ mỉ

Ghost Fleet - ra mắt đọc giả năm 2015 - là tác phẩm của 2 chuyên gia : Peter W. Singer, nhà phân tích quân sự và August Cole, nguyên là nhà báo và chuyên gia về các vấn đề quốc phòng cho nhật báo nổi tiếng Wall Street Journal. Điều đáng chú ý : tuy là một tiểu thuyết, nhưng quyển truyện có đến gần 400 ghi chú tỉ mỉ về xuất xứ thật của các trận đánh giả.

Singer đã giải thích : « Đây là một câu chuyện hư cấu, nhưng dựa trên những nghiên cứu thật sự. Quy tắc của chúng tôi là đưa vào tác phẩm tất cả các công nghệ học, các khuynh hướng được mô tả trong thế giới thật. »

Theo tác giả bài giới thiệu, khi mô tả việc các vệ tinh và hệ thống tin học Mỹ bị tê liệt, virut phá hoại hệ thống hậu cần quân đội Mỹ, Trung cộng bắn tên lửa tầm rất xa – và những robot phối hợp hoạt động cùng với chiến hạm hay phi cơ do người điều khiển, cuốn sách đã điểm đúng vào mối quan ngại và những ưu tiên rất là thật của bộ Quốc Phòng Mỹ.