HOÀNH SƠN NHẤT ĐÁI VẠN ĐẠI TAN HOANG
Huỳnh Ngọc Chênh
Nguồn ảnh: Nguyễn Thúy Hạnh/ Nguyễn Kim
Ngay sau khi bộ trưởng Trần Hồng Hà tắm biển và ăn
cá tại Quảng Trị thì chúng tôi đến thăm dải biển miền Trung, nơi Formosa giáng
thảm họa kinh hoàng từ mấy tháng nay.
Môi trường cả một dải vùng biển dài 300 km từ Hà
Tĩnh xuống đến Thừa Thiên Huế bị hủy hoại nặng nề, kéo theo sự suy sụp kinh tế
của hàng triệu cư dân liên quan.
Những hàng quán, chợ búa, khu du lịch, khách sạn…
nơi chúng tôi đi qua đều vắng lặng. Nhà hàng ăn trên quốc lộ ngay cạnh khu
Formosa, nơi chúng tôi ghé vào ăn trưa, chỉ có duy nhất một nhóm thực khách là
chúng tôi. Các hàng quán quanh đó đều im ắng.
Sâu vào vùng dân cư ven biển huyện Kỳ Anh giáp với
tường rào Formosa là một vùng xơ xác tiêu điều với hàng ngàn ngôi nhà dân bị đập
bỏ tan hoang. Người ta lùa những làng xã ngư dân bám biển đi để lấy đất xây dựng
một “trung tâm hủy diệt biển” vĩ đại, và bên trong trung tâm ấy còn chưa biết
chứa đựng âm mưu gì.
Vượt qua Hoành Sơn, xuôi về nam, chúng tôi ghé đến
ngôi chợ vốn sầm uất của xã Cảnh Dương, một xã toàn dân sống vào nghề cá của
huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, vào buổi sáng trời nắng đẹp. Ngôi chợ im ắng
chỉ thấy người bán mà không thấy người mua. Cá bắt lên bán không ai mua đã đành
mà các hàng hóa tiêu dùng khác cũng không có người mua. Một chị bán hàng nhựa
dân dụng cho biết, nếu trước đây bán mỗi ngày một trăm thì từ 4 tháng nay, bán
chỉ còn chưa đến hai mươi. Ngư dân không bán được cá thì lấy tiền đâu mà mua sắm.
Các cửa hàng dịch vụ nghề cá quanh đó cũng đóng cửa
im ỉm, vài cửa hàng mở cửa nhưng không thấy ai ra vào.
Chúng tôi ghé vào nhà của một ngư dân gần đó. Người
chồng làm nghề đánh cá ven bờ thất nghiệp, ngồi tựa cửa ngắm trông ra biển. Chị
vợ làm nghề buôn cá thở dài sườn sượt khi được nghe chúng tôi hỏi về tình hình
đời sống của gia đình sau đại thảm họa. Chị cho biết, hiện đang sống dựa vào tiền
con cái đi lao động ở xa gởi về. Từ khi cá chết hai vợ chồng ở không như bao
người dân khác trong xã:
“Mới đây, ngư
dân mới rục rịch đi đánh bắt trở lại – chị nói – cá gần bờ, mang về bán dân tại
đây không dám ăn, nhưng vẫn có dân buôn mua lại giá rẻ mang đi bán nơi đâu
không biết. Biết dân mình ăn cá ấy vào là bị nhiễm độc, nhưng đói quá cũng phải
đi đánh bắt, với lại không thấy nhà nước cấm đoán nên cứ làm”.
Rồi chị thở
dài đầy vẻ bất nhẫn:
“Phải chi họ cấm hẳn,
chớ để ri thì tội cho dân mình quá!”
Một ngư dân khác cho biết, 90% ngư dân đã phải vay vốn
ngân hàng lên đến bạc tỷ để đầu tư tầu thuyền và ngư cụ đánh cá. Vậy mà nay…
thuyền bỏ đó.
Ghé qua một công ty buôn hải sản tọa lạc ngay bên cảng
cá, thấy bốn, năm công nhân đang phân loại và đóng gói ghẹ vào thùng xốp, tôi hỏi:
–
Ghẹ nầy liệu có ăn được?
Tất cả lặng thinh, rồi một chị nói:
–
Cũng được, thi thoảng tui cũng ăn…
–
Chừ đóng thùng đưa đi bán ở mô?
Một chị trả lời:
–
Bán đi xa…
Một chị khác cướp lời:
–
Bán qua Trung Quốc cho chúng nó ăn chết cha hết chúng nó, bọn khốn nạn.
Tôi biết các chị công nhân đã nói dối. Các thùng ghẹ
ấy có khi lại trở thành thực đơn trong các nhà hàng đặc sản ở Hà Nội, Đà Nẵng…
Cũng các chị công nhân ấy cho biết, công ty hải sản
nầy mỗi ngày thu mua được trên vài tấn cá, nhưng hiện nay không còn con cá nào
cả phải chuyển qua mua ghẹ, tuy nhiên mỗi ngày cũng chỉ được vài trăm ký. Một
nhà báo uy tín ở địa phương cho tôi biết, ghẹ là một trong những loại hải sản sống
ở tầng sâu nên bị nhiễm độc nặng, không ăn được.
Cũng nhà báo ấy, người đã lăn lộn với ngư dân từ những
ngày đầu tháng tư đến nay, cho biết, Formosa đặt ở Hà Tỉnh nhưng là huyện cuối
tỉnh tiếp giáp với Quảng Bình, mà dòng hải lưu lúc đó chảy vào nên các tỉnh
phía nam Vũng Áng hứng trọn thảm họa, trong đó nghiêm trọng nhất là Quảng Bình.
“Hoành Sơn nhất đới vạn đại dung thân”, lời khuyên đắt
giá của Trạng Trình cho chàng công tử Nguyễn Hoàng đã trở thành đường lối chiến
lược đúng đắn giúp chàng trai trẻ mạnh dạn dẫn dân vượt qua Hoành Sơn tiến vào
mở rộng phương Nam, không chỉ dung được bản thân mà còn dung được dân tộc Việt
đến tận bây giờ.
Và hình như điều đó sắp sửa chấm dứt.
Buổi chiều đứng trên đỉnh đèo Ngang của dãy Hoành
Sơn đâm ngang ra biển, ranh giới phân chia Hà Tĩnh và Quảng Bình, nhìn về
phương Nam, lòng tôi không khỏi dâng lên một cảm xúc chua xót…
Ôi Hoành Sơn nhất đái, vạn đại tan hoang.
Tội ác của những tên bán nước nào?