Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng
(ngày 20.08.2016)
Nam Dương loan báo đổi tên một phần Biển Đông thành
Biển Natuna
Tổng thống Nam Dương Joko Widodo
thăm vùng biển nằm trong khu vực xung quanh quần đảo Natuna, ngày 23/6/2016.
Nam Dương có kế hoạch đổi tên khu vực xung quanh quần
đảo Natuna, nằm ở phía tây bắc của khu vực Borneo, thuộc vùng đặc quyền kinh tế
200 hải lý của Nam Dương, thành Biển Natuna, trong một nỗ lực nhằm khẳng định
chủ quyền của nước này trong khu vực.
Ông Ahmad Santosa, Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 115, cơ
quan chống đánh bắt cá bất hợp pháp của Nam Dương, cho biết hôm 17/8 rằng đề
xuất này sẽ “được gửi tới Liên Hiệp Quốc", và nói thêm rằng “nếu không có sự phản đối nào... thì Biển
Natuna sẽ chính thức được công nhận”.
Thị trưởng quần đảo Natuna, ông Hamid Rizal, cho biết
việc đổi tên nhằm giúp mọi người nhận thức là khu vực biển này thuộc về Nam
Dương, và cũng là để giúp chống đánh bắt cá trái phép và không theo quy định
trong vùng biển của Nam Dương.
Trung cộng cũng tuyên bố khu vực xung quanh quần đảo
Natura là ngư trường truyền thống của mình.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Hàng hải, bà Susi
Pudjiastuti, cho biết: “Với vai trò bộ
trưởng chuyên trách về các nguồn tài nguyên cá và biển. Tôi không nói về chủ
quyền lãnh thổ chính trị. Tôi đang nói về chủ quyền đối với nguồn tài nguyên cá
và biển. Miễn là cá đang bơi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nam Dương,
thì chúng là cá Nam Dương. Nếu ai khác đánh bắt chúng, đó là bất hợp pháp”.
Bà Susi nói thêm rằng Nam Dương chỉ có một thỏa thuận
về quyền đánh cá với Mã Lai ở eo biển Malacca. Bà nhấn mạnh rằng Nam Dương
không công nhận bất kỳ ngư trường truyền thống nào, với ý đề cập đến tuyên bố
của Trung cộng tại khu vực quanh đảo Natuna.
Kể từ tháng 12/2014, bộ của bà Susi đã đánh chìm tổng
cộng 236 tàu cá nước ngoài, trong đó có nhiều tàu của ngư dân Việt Nam, với lý
do “đánh bắt bất hợp pháp”.
Theo PNA/Kyodo, scmp.com
Hàng không mẫu hạm Trung cộng đóng sắp hoàn tất
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis của
Hoa Kỳ ở vùng biển Phi Luật Tân hôm 18/6/2016.
AFP photo
Bài viết của tác giả Kyle Mizokami trên Mạng Popular
Mechanic vào ngày 18 tháng 8 cho biết như vừa nêu. Tác giả nêu rõ không ảnh cho
thấy hầu hết hạng mục chính của hàng không mẫu hạm do Trung cộng chế tạo đã
xong. Tuy nhiên vẫn còn nhiều phần phải thực hiện và ít nhất đến năm 2020 hàng
không mẫu hạm đó mới có thể hoạt động.
Giới quan sát cho biết chiếc hàng không mẫu hạm đầu
tiên của Trung cộng đóng thuộc lớp Type 001A và được giới này gọi là CV17. Chiếc
hàng không mẫu hạm của Trung cộng hiện nay có tên Liêu Ninh được gọi là CV16.
Chiếc Liêu Ninh đóng từ thời Soviet được Trung cộng
mua lại như phế liệu vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và nói chuyển thành
một sòng bài.
Tuy nhiên hải quân Trung cộng dành ra cả chục năm cải
tiến thành hàng không mẫu hạm đầu tiên của Hoa Lục và đưa vào hoạt động vào năm
2012.
Không lực Mỹ biểu dương « pháo đài bay » tại Biển Đông
Oanh tạc cơ chiến lược B1 của Không quân Hoa
Kỳ
Ngày 17/08 vừa qua,
lần đâu tiên ba oanh tạc cơ chiến lược B1, B2 và B52, đồng loạt xuất
phát từ đảo Guam tham gia một cuộc biểu dương sức mạnh tại Biển Đông và Hoa
Đông. Hành động này được xem là để đáp trả ý đồ của Trung cộng thiết lập vùng «
nhận dạng phòng không » khống chế khu vực.
Theo AP, ngày thứ
tư 17/08/2016, Hoa Kỳ cho phô diễn chiến thuật phối hợp hành động giữa ba loại
oanh tạc cơ chiến lược có khả năng mang bom nguyên tử. Hai chiếc B1 và B2 được
đưa đến vùng hành quân để tiếp sức cho pháo đài bay B52 đã có mặt tại căn cứ
không quân Andersen tại đảo Guam, trong khuôn khổ chiến dịch mang tên Hiện Diện
Liên Tục.
Theo AP, mục đích của
Bộ tư lệnh chiến lược STRATCOM là bố trí các pháo đài bay chiến lược túc trực
trong vùng Thái Bình Dương là để khuyến cáo mọi ý định gây hấn tại châu Á.
Nhưng trong thời gian gần đây, lực lượng oanh tạc cơ có khả năng mang bom hạt
nhân được tăng cường họat động. B52 được B1 và B2 hỗ trợ trong bối cảnh Trung cộng
càng ngày càng hung hăng khiêu khích các quốc gia láng giềng trong vùng Biển
Hoa Đông và biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải.
Chuẩn tướng Douglas
Cox, chỉ huy trưởng phi đoàn 36 nhận định cuộc tập dợt ngày hôm qua như sau :
"Phi vụ này chứng tỏ Hoa Kỳ cam kết yểm trợ an ninh thế giới và khả năng của
Mỹ huy động lực lượng phòng vệ đáng tin cậy".
Đưa hoả tiễn ra Trường Sa : Động thái bạo dạn của Việt Nam
Người biểu tình Phi Luật Tân phản đối Trung cộng
triển khai hỏa tiễn ở Trường Sa ngày 25/02/2016.
Ngày 10/08/2016,
hãng tin Anh Reuters tiết lộ : Việt Nam đã kín đáo đưa giàn phóng hỏa tiễn cơ động
ra một số căn cứ tại vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông đang bị Trung cộng
tranh chấp. Loại vũ khí mới này có khả năng tấn công các cơ sở quân sự của Trung
cộng đặt trên các đảo nhân tạo trong khu vực. Thông tin này đã được giới phân
tích ngoại quốc bình luận rộng rãi.
Bản tin của Reuters
ghi nhận là Việt Nam đã cho chuyển các giàn phóng hỏa tiễn EXTRA (còn được gọi
là pháo phản lực) ra năm căn cứ tại Trường Sa « trong những tháng gần đây..., được giấu kín để khỏi bị phát hiện từ
trên không và cho tới nay chưa được nạp hỏa tiễn hay đạn pháo, nhưng có thể sẵn
sàng tác chiến trong vòng 2-3 ngày ».
Trong bài « Giàn
phóng hỏa tiễn : Động thái bạo dạn của Việt Nam trên Biển Đông », đăng
trên báo mạng Hồng Kông Asia Times và được tạp chí Mỹ The National Interest
ngày 16/08 đăng lại, nhà nghiên cứu Harry J. Kazianis, chuyên gia về chính sách
quốc phòng tại trung tâm nghiên cứu Mỹ The Center for the National Interest, đã
cho rằng đây là một phản ứng dễ hiểu của Việt Nam trước các hành vi hung hăng của
Trung cộng trong khu vực.
Theo Kazianis thì
hành động của Việt Nam là một điều tất yếu :
« Đây là điều không thể tránh khỏi : Các quốc
gia trong vùng Biển Đông có tranh chấp với Trung cộng đang bắt đầu phản công –
và lần này không phải bằng chiến tranh pháp lý (lawfare), hay kiểu chiến tranh
bêu xấu (shamefare) mà tôi rất thích – mà bằng cách tăng cường năng lực quân sự
của mình ».
Các chuyên gia Mỹ phải
tự hỏi là tại sao Hà Nội lại không làm những việc này sớm hơn, khi đã biết rõ
hơn thiệt, và đã lường trước được các hành động hung hăng của Trung cộng ở Biển
Đông?
Trong tất cả các nước
vùng Biển Đông, rõ ràng Việt Nam là nước có nhiều khả năng hơn cả để chống lại
xu hướng bắt nạt của Trung cộng, trong đó có những phương cách ngoại giao đặc
thù.
Trong những năm gần
đây, Hà Nội đã mua của Matxcơva một số tàu ngầm quy ước thuộc loại tiên tiến nhất
trên thế giới, cũng như những chiến đấu cơ hiện đại. Cho dù về quân số và vũ
khí, Trung cộng vẫn hơn xa Việt Nam, nhưng các loại vũ khí mà Việt Nam đã mua
ít ra là sẽ có thể cầm chân Trung cộng trong trường hợp xẩy ra đụng độ quân sự.
Trong khi động thái
của Việt Nam chỉ là một phản ứng trước việc Trung cộng quân sự hóa các đảo mới
của họ trên Biển Đông với quy mô to lớn hơn rất nhiều, Bắc Kinh được cho là rất
có thể sẽ viện cớ hành động của Việt Nam để phản ứng - và thậm chí có thể đẩy mạnh
việc quân sự hóa khu vực một cách đáng kể so với các đối thủ.
Biển Đông : Trung cộng tung hỏa mù với ASEAN ?
Một tàu tuần duyên Trung cộng gần giàn khoan
Hải Dương Thạch Du 981 mà Bắc Kinh cho kéo đến vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam
ngày 13/06/2014.
Ngày 16/08/2016,
báo chí chính thức của Trung cộng loan tin là Bắc Kinh và ASEAN đã có nhiều «
bước đột phá » trên vấn đề Biển Đông sau các cuộc họp ở vùng Nội Mông giữa các
quan chức cao cấp của Trung cộng và các nước Đông Nam Á. Nhưng phải chăng những
« bước đột phá » được loan báo chỉ là một lớp hỏa mù mà Bắc Kinh tung ra, chứ
hai bên chưa thật sự đạt những tiến bộ đáng kể trên hồ sơ này ?
Theo nhật báo Anh
ngữ China Daily, trong cuộc họp giữa các quan chức cao cấp về việc thực hiện
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Trung cộng và ASEAN đã đồng ý
về việc lập một đường dây điện thoại nóng giữa hai bên để xử lý những tình huống
khẩn cấp trên biển, đồng thời thiết lập một bộ quy tắc hành xử cho các cuộc chạm
trán ngoài dự tính trên Biển Đông, để tránh xảy ra đụng độ. Tờ báo nói trên còn
loan tin là Trung cộng và ASEAN sẽ hoàn tất một dự thảo khung cho Bộ Quy tắc ứng
xử trên Biển Đông (COC) vào giữa năm tới.
Nhưng theo khuyến
cáo của nhà phân tích Prashanth Parameswaran đăng trên trang mạng The Diplomat
ngày 17/08/2016, cách hành xử của Trung cộng trong những năm qua khiến chúng ta
cần phải thận trọng trước những « bước đột phá » được loan báo. Thực tế những
năm qua cho thấy là sau mỗi đợt ve vãn các nước láng giềng Đông Nam Á, Trung cộng
lại có những hành động cứng rắn trên Biển Đông nhằm áp đặt chủ quyền trên vùng
biển này. Chẳng hạn như chỉ 7 tháng sau khi công bố một chiến lược mới cho quan
hệ ASEAN-Trung cộng, Bắc Kinh lại điều giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam vào mùa hè năm 2014, gây căng thẳng chưa từng có với
Hà Nội.
Sang năm 2015, mà Bắc
Kinh tuyên bố là « Năm hợp tác hàng hải ASEAN-Trung cộng », nước này lại đẩy mạnh
việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông và tiếp tục đưa tàu xâm nhập vùng
biển của các nước Đông Nam Á.
Thứ hai, như nhận
xét của nhà phân tích Prashanth Parameswaran, sau phán quyết bất lợi cho Trung
cộng, Bắc Kinh loan báo những « bước đột phá » như trên có lẽ nhằm chứng tỏ với
cộng đồng quốc tế rằng họ hoàn toàn có khả năng làm giảm căng thẳng ở Biển Đông
mà không cần sự can thiệp của các nước ngoài khu vực như Hoa Kỳ.
Trung cộng cũng
đang cố làm dịu tạm thời tình hình Biển Đông vào lúc nước này chuẩn bị đón tiếp
hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở Hàng Châu vào đầu tháng 9.
Phi Luật Tân sẽ không nêu tranh chấp Biển Đông tại thượng đỉnh
ASEAN
Tổng thống Phi Luật Tân Duterte, lúc đọc diễn
văn trước Quốc hội ở Manila, ngày 25/07/2016.
Tổng thống Phi Luật
Tân Rodrigo Duterte hôm qua 17/08/2016 tuyên bố là tại cuộc họp thượng đỉnh
ASEAN ở Lào vào đầu tháng tới ông sẽ không nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển
Đông với Trung cộng, vì muốn thảo luận riêng với các lãnh đạo Trung cộng về vấn
đề này.
Theo hãng tin AP,
đêm hôm qua, 17/08/2016, tổng thống Duterte đã nói với các phóng viên rằng ông
chỉ muốn nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông trong các cuộc thảo luận riêng với các
lãnh đạo Trung cộng, vì theo ông, làm ầm ĩ chuyện này chỉ khiến Trung cộng thêm
thù nghịch.
Dưới thời tổng thống
Benigno Aquino, Phi Luật Tân, đã kiện Trung cộng ra Tòa Trọng tài Thường Trực
La Haye và tháng 7 vừa qua, tòa án này đã ra phán quyết bác bỏ hầu hết những
đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tổng thống Duterte lại chủ trương một
đường lối hòa dịu hơn với Trung cộng. Ông cho biết là đặc phái viên của Phi Luật
Tân ở Trung cộng, cựu tổng thống Fidel Ramos đã bày tỏ mong muốn thảo luận với
Bắc Kinh về một giải pháp ôn hòa cho vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Tại Hồng Kông vào
tuần trước, ông Ramos đã gặp chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung cộng Phó
Oánh ( Fu Ying ) và hai người đã đồng ý là Phi Luật Tân và Trung cộng cần làm giảm
căng thẳng thông qua đối thoại.
Trung cộng khó mà ngăn Ấn Độ nói về Biển Đông tại G20
Biển Đông có sẽ được nêu lên tại thượng đỉnh
G20,Hàng Châu, Trung cộng?
Là chủ nhà của Hội
Nghị Thượng Đỉnh G20 mở ra tại Hàng Châu vào đầu tháng 9/2016, Trung cộng không
muốn hồ sơ Biển Đông được nêu lên, nhất là khi các hành động của Bắc Kinh có thể
bị chỉ trích sau khi một tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách
chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển này.
Do vậy Trung cộng
đã cố gắng vận động để loại hồ sơ này ra khỏi hội nghị. Ngoài việc kêu gọi
chung là hội nghị nên tập trung trên các vấn đề khác quan trọng hơn, Bắc Kinh
còn tìm cách thuyết phục các nước lớn, đặc biệt Ấn Độ, một nước nặng ký trong
nhóm, để đảm bảo sao cho New Delhi im lặng trên hồ sơ Biển Đông nhân hội nghị sắp
tới.
Trong một bài viết
đề ngày hôm nay, 17/08/2016, tờ báo mạng The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản, đã
cho rằng mới đây, ngoại trưởng Trung cộng đã dùng chính sách cây gậy và củ cà rốt
để gây sức ép trên Ấn Độ về vấn đề Biển Đông nhân chuyến công du ba ngày kết
thúc hôm 14/08. Có điều là chính sách đó khó có thể thành công.
Phải nói là trong
thời gian gần đây, nhất là từ khi thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền, Ấn Độ
đã có chủ trương can dự mạnh mẽ hơn vào hồ sơ Biển Đông. New Delhi luôn luôn khẳng
định sự cần thiết phải bảo vệ quyền tự do hàng hải và tự do thương mại ở Biển
Đông, một quan điểm mà New Delhi chia sẻ với Washington. Hơn thế nữa, Ấn Độ còn
giúp đỡ Việt Nam tăng cường năng lực Hải Quân, thậm chí còn hợp tác với Việt
Nam trong việc thăm dò dầu khí trong vùng mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Theo báo The
Diplomat, trong chuyến thăm Ấn Độ, ngoại trưởng Trung cộng đã hàm ý đưa ra một
số lời đe dọa, như liên kết hội nghị thượng đỉnh G20 do Trung cộng tổ chức với
hội nghị thượng đỉnh khối BRICS do Ấn Độ đăng cai. Bắc Kinh có thể áp dụng hình
thức trả đũa đối với New Delhi : Nếu Ấn Độ nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị
thượng đỉnh G20, Trung cộng sẽ "trả thù" Ấn Độ trong hội nghị thượng
đỉnh BRICS. Ngược lại, nếu Ấn Độ tránh đề cập đến vấn đề Biển Đông tại hội nghị
G20, thì Trung cộng sẽ hỗ trợ Ấn Độ trong việc gia nhập nhóm các quốc gia cung ứng
nhiên liệu hạt nhân NSG.
Tuy nhiên, theo The
Diplomat, chính sách « cây gậy và củ cà rốt » của Trung cộng có thể không có hiệu
quả. Trên thực tế, Trung cộng không có phương tiện hiệu quả để gây sức ép trên Ấn
Độ. Mặc dù Ấn Độ cần sự giúp đỡ của Trung cộng trong quan hệ với Pakistan,
nhưng Bắc Kinh lại cần đến New Delhi nhiều hơn trong các lĩnh vực khác nhau :
Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương...
Mặt khác, « củ cà rốt
» của Trung cộng đối với Ấn Độ cũng có vẻ hấp dẫn. Ấn Độ muốn gia nhập câu lạc
bộ các nhà cung cấp hạt nhân, nhưng vẫn lo ngại trước sự bành trướng của Trung
cộng. Trên vấn đề Biển Đông, yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh không được nhiều hậu
thuẫn quốc tế lắm, do đó rất có khả năng là Ấn Độ sẽ lên tiếng về Biển Đông một
khi đề tài này được Mỹ hay các nước khác nêu lên.
Bắc Kinh đòi Singapore đứng ngoài tranh chấp Biển Đông
Các viên chức ngoại giao ASEAN và Trung cộng
trong cuộc họp ở Singapore ngày 27/04/2016 bàn việc thực hiện Tuyên bố ứng xử tại
Biển Đông.
Nhân cuộc họp với
ASEAN tại Mãn Châu Lý vùng Nội Mông, để bàn về những biện pháp phòng ngừa xung
đột trên biển, ngày 16/08/2016, đại diện Trung cộng đã gián tiếp chỉ trích lập
trường Biển Đông của Singapore khi yêu cầu quốc gia Đông Nam Á này đừng can thiệp
vào vấn đề Biển Đông. Đòi hỏi của Trung cộng đã bị phía Singapore bác bỏ, dĩ
nhiên là với những lời lẽ rất ngoại giao.
Theo các nguồn tin
báo chí, nhân cuộc họp báo chung sau hội nghị, đại diện Trung cộng là thứ trưởng
Ngoại Giao Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) đã nêu bật vai trò điều phối đối thoại giữa
ASEAN và Trung cộng của Singapore, để chỉ trích lập trường hiện tại của
Singapore trên hồ sơ Biển Đông:
« Do việc Singapore không phải là một bên
tranh chấp ở Biển Đông, chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Singapore, với điều kiện
là không can thiệp vào vấn đề Biển Đông, sẽ tích cực phát huy quan hệ hợp tác
giữa Trung cộng và các nước ASEAN ».
Tờ Hoàn Cầu Thời
Báo Trung cộng, số ra hôm nay, đã trích lại tuyên bố trên của thứ trưởng ngoại
giao Trung cộng và nói thẳng thừng là ông đã « thúc giục Singapore không can dự vào tranh chấp Biển Đông».
Theo các nhà phân
tích, tuyên bố của ông Lưu Chấn Dân còn đồng nghĩa với một lời cảnh cáo
Singapore về quan điểm ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye,
vốn bị Bắc Kinh phủ nhận.
Nhân chuyến công du
Hoa Kỳ đầu tháng 8, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhận định rằng phán quyết
Biển Đông của Tòa Trọng Tài La Haye tốt hơn nhiều so với việc « có súng là mạnh
hơn ». Thủ tướng Singapore đồng thời hoan nghênh Mỹ dấn thân vào khu vực.
Phản ứng trước thái
độ chỉ trích của Trung cộng, ông Chee Wee Kiong, thư ký thường trực của Bộ Ngoại
giao Singapore, đã nhắc lại mối quan ngại của Singapore về tình hình căng thẳng
leo thang tại về Biển Đông khi kêu gọi tất cả các bên tự kiềm chế.
Theo tin RFA, RFI, BBC, VOA