Từ làng Đông Yên: Thăm lại ‘người đàn bà trong cồn cát’
Trùng
Dương
Lời giới thiệu: Tôi
viết bài này, “Thăm lại ‘Người đàn bà trong cồn cát’,” cách đây bẩy năm, viết để
ghi lại một số cảm nghĩ và hồi tưởng, và chưa hề phổ biến. Có lẽ bài này sẽ cứ
nằm trong một góc nếu tôi không có dịp được đọc chuyện
về dân làng Đông Yên trong Vùng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, cầm cự giữ làng, đêm đêm cử người ra ngủ ngoài bãi để canh
chừng tầu và người lạ, và quyết định ở lại trong những ngôi nhà xiêu vẹo, đục
thủng bởi xe ủi của chính quyền trong kế hoạch cưỡng ép trưng thu đất đai để
mang cho các công ty ngoại quốc thuê dài hạn thiết lập các nhà máy thải chất độc
giết cá giết biển giết nguồn sinh sống của họ.(*)
Cũng như tác giả Vì Dân của bài đi thăm
làng Đông Yên, tôi vô cùng xúc động và không khỏi ứa nước mắt trước những hình ảnh
được ghi nhận tại làng chài nơi khoảng 800 dân cư, cũng như cả triệu ngư dân và
gia đình ở Miền Trung, hiện đang phải đương đầu với thảm hoạ môi trường từ
tháng Tư tới nay, đó là vụ cá chết hàng loạt do chất độc thải ra từ nhà máy
thép Formosa trong vùng, giết chết nguồn và nghề sinh sống duy nhất của họ,
trong khi chính quyền cộng sản từ trung ương tới địa phương đã chọn thép thay
vì cá, đồng đứng về phe tập đòan đầu tư ngoại quốc, mặc dù phản đối của người
dân và cả dư luận trên Internet và thế giới, một hành động khinh miệt người dân
mà họ có nhiệm vụ bảo vệ, giúp đỡ.
Sự phấn đấu dù trong tuyệt vọng của Đông
Yên đã làm sống lại trong tôi câu chuyện về Người đàn bà trong cồn cát, cũng là
tựa của một trong vài ba cuốn sách đã ảnh hưởng mãnh liệt đến đời tôi, đã giúp
tôi chuyển từ thụ động sang hành động.
Cho đăng tải bài này, như một góp lời cầu
nguyện và hỗ trợ cho cuộc phấn đấu của dân làng Đông Yên nói riêng và của dân tộc
Việt trước các hiểm hoạ hiện nay, nói chung. (TD, 2016/07)
Trên, vị trí làng Đông Yên, tỉnh Hà Tĩnh, ở góc dưới sát bờ biển bên tay mặt, một vị trí thiên nhiên tuyệt đẹp đang bị nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh dòm ngó trưng thu để cho giới đầu tư ngoại quốc thuê. Phía tây bắc ở góc trái là Vịnh Vũng Áng, nơi xẩy ra vụ nhà máy thép Formosa thải chất độc xuống biển làm chết cá hàng loạt và tê liệt sinh hoạt của dân chài, du lịch và các ngành liên hệ dài suốt khoảng 200km bờ biển miền Trung. Ngoài Hà Tĩnh, các tỉnh khác gồm Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên-Huế, cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại lên tới hàng nhiều tỉ Mỹ kim. (Ảnh Google Map).
bãi biển Kỳ Lợi thuộc làng Đông Yên trước khi
xẩy ra thảm hoạ môi trường cá chết hàng loạt. (Ảnh Nguyễn Đắc Vệ, chụp 2015/01).
vài thanh niên làng Đông Yên, Hà
Tĩnh, ngủ ngoài bãi để giữ biển, giữ làng.
(Ảnh Vì Dân, Dân Làm Báo, 2016/06)
(Ảnh Vì Dân, Dân Làm Báo, 2016/06)
Thăm lại ‘Người đàn bà trong cồn cát’
Bài thơ Trần Mộng Tú viết tặng tôi, "Người đàn
bà ở biển", nhân chuyến ghé chơi vào mùa hè 2009 tại ngôi nhà ven biển,
làm thức dậy trong tôi hoài niệm về cuốn truyện "Người đàn bà trong cồn cát"
mà tôi đã dịch của nhà văn Nhật Kobo Abe
(1924-1993) cách đây bốn chục năm, từ một bản dịch tiếng Anh, không nhớ tên dịch
giả. Chỉ là một sự liên tưởng, chứ hai người đàn bà của Tú và Abe không dính
dáng gì tới nhau.
Tôi bắt gặp cuốn "Người đàn bà trong cồn cát"
trong khi la cà trong một tiệm bán sách ngoại ngữ ở Tokyo với Bert, vào khoảng
năm 1970. Thấy tôi cầm cuốn sách lật xem, Bert, lúc ấy là một phóng viên cho
CBS, bảo tôi, đó là một tác phẩm rất nổi tiếng, và đã được quay thành phim, rất
được tán thưởng. Tôi bảo Bert nếu vậy tôi phải đọc.
Và tôi đã đọc say sưa cuốn truyện, vào mấy ngày còn
lại ở Tokyo, trên chuyến bay về Sàigòn và trong những ngày sau đó, kể cả những
lúc với Bert, làm đôi lúc anh cười đùa, là anh tiếc đã giới thiệu cuốn sách với
tôi. Bert, gốc Do Thái Luthuanian, hơn tôi khoảng 10 tuổi, có một nụ cười và
ánh mắt hiền hoà. Chúng tôi quen nhau nhân một lần anh làm một cái phóng sự ngắn
trong đó có Trịnh Công Sơn, tại nhà của một chuyên viên quay phim người Việt
cho CBS. Sơn đề nghị tôi góp mặt cùng với vài ba người nữa mà tôi không còn nhớ
là những ai. Tôi nhớ hôm ấy Sơn hát bài "Xin Cho Tôi". Bert và tôi
quen nhau từ đấy.
Đọc xong cuốn truyện chất ngất không khí Kafka đó, mặc
dù thời đại văn chương hiện sinh và phi lý hồi ấy đã trở thành quá khứ, tôi vẫn
thích và quyết định dịch ra Việt ngữ, mặc dù biết là dịch từ một bản dịch Anh
ngữ như vậy không ổn, nhưng tôi không còn chọn lựa nào khác vì tôi không biết
tiếng Nhật. Cuốn truyện đã ảnh hưởng tôi rất nhiều. Và nếu biết được điều này,
có lẽ Bert sẽ tiếc thật, chứ không còn đùa, là đã giới thiệu Kobo Abe với tôi.
"Người đàn bà trong cồn cát" được xuất bản
vào năm 1961 và đem về cho tác giả Kobo Abe (1924-1993) giải văn chương danh
giá Yomiuri của Nhật, đã đưa tên tuổi của Abe lên hàng quốc tế sau khi bản dịch
Anh ngữ được phát hành. Ông là tác giả Nhật được dịch ra tiếng ngoại quốc nhiều
nhất dạo ấy. Một cuốn phim cùng tên, do chính tác giả viết truyện phim và
Hiroshi Teshigahara (1927-2001) đạo diễn, được trình chiếu vào năm 1964, cũng
đã đoạt giải Special Jury Prize tại Cannes Film Festival, 1964. Năm sau, cuốn phim đã được đề cử, nhưng không trúng,
giải Oscar cho Best Foreign Language Film Oscar và giải Oscar cho Best
Director. (**)
Đó là câu chuyện
về một anh giáo viên vô danh tiểu tốt ở Tokyo, tên Niki Jumpei, và là một tay
sưu tập côn trùng tài tử. Tuy nhiên, anh ta cũng có một tham vọng, đó là có thể
tìm được một con côn trùng nào mà chưa ai kiếm ra, để tên anh sẽ được gắn liền
với con côn trùng đó và được đi vào bách khoa tự điển. Ước vọng này đã đưa anh
đến một làng ven biển vào một dịp nghỉ. Mải mê tìm côn trùng, anh không để ý là
đã lỡ chuyến xe buýt cuối cùng về thành phố. Khi ngỏ ý với ba người đàn ông anh
gặp trên đụn cát là liệu anh có thể nghỉ qua đêm tại nhà một dân làng nào đó để
sáng mai tiếp tục đi kiếm côn trùng, họ liền tỏ ra sẵn sàng giúp và đưa anh ta
tới một căn nhà xiêu vẹo ở duới sâu trong lòng một cái hố cát, phải leo xuống bằng
thang giây. Tại căn nhà đó, một người đàn bà còn trẻ đã đón tiếp và cơm nước
cho anh. Niki không ngờ đấy là một cái bẫy mà định mệnh đã dành cho anh.
Nguyên ngôi làng
này bị nạn bão cát đe dọa chôn vùi. Ngôi nhà của người đàn bà ở bìa làng sát biển,
như một thứ tiền đồn, cần phải giữ cho đừng bị cát chôn vùi, vì nếu một khi cát
chôn căn nhà đó thì sẽ tiến tới căn nhà kế và rồi dần dà cả làng sẽ bị xoá sổ.
Xúc cát là công việc hàng đêm — phải làm ban đêm vì lúc đó cát ẩm, dễ xúc vào
xô, để người ta tới kéo những xô cát này lên và đem đi bán. Ngoài sứ mệnh bảo vệ
làng, qua tinh thần "Yêu Nơi Chôn Nhau Cắt Rốn Của Mình", châm ngôn của
làng, người đàn bà được trả công bằng thực phẩm, nước và những thứ cần thiết
khác. Từ ngày chồng và con của chị ta bị bão cát chôn sống một năm về trước, chị
làm việc xúc cát một mình không xuể. Và người ta đã lừa bắt cóc Niki để điền
vào chỗ nhân sự thiếu hụt đó.
“The Woman in the Dunes,”
bìa sách, trái (Ảnh Amazon.com); “Woman in the Dunes,” bìa DVD (Ảnh Google/Images)
Khi biết ra,
Niki đã tìm mọi cách để thoát. Thoạt đầu anh ta trói người đàn bà lại làm,
không cho làm việc, để áp lực dân làng thả anh ta ra. Đáp lại, dân làng ngưng
cung cấp nước và thực phẩm cho hai người. Niki đành làm cái việc xúc cát trong
khi tiếp tục âm mưu tìm cách trốn. Một lần anh ta đã leo lên được trên miệng hố
và tìm cách thoát khỏi ngôi làng, nhưng bị bắt lại và buộc phải tiếp tục cái việc
xúc cát ban đêm để rồi ban ngày cát khô bị gió thổi tiếp tục đe dọa ngôi nhà của
người đàn bà. Như nhân vật Sisyphe trong huyền thoại Hy Lạp bị buộc làm cái việc
phi lý và vô tận: đẩy một hòn đá lên đỉnh đồi, chờ nó lăn xuống chân đồi, rồi lại
đẩy lên, cứ thế, không được ngừng.
Dù vậy, Niki
cũng vẫn chưa bỏ cuộc. Biết rằng nước là vũ khí dân làng dùng để khuất phục
anh, nếu anh không chịu ngoan ngoãn làm theo ý họ, họ sẽ cúp nước, Niki tìm
cách triết nước từ cát ẩm. Cũng trong thời gian âm thầm nghiên cứu việc này,
Niki và người đàn bà, như lửa gần rơm lâu ngày phải bén, trở nên gần gũi hơn, sống
với nhau như vợ chồng. Khi người đàn bà mang bầu và khám phá ra là đã mang thai
ngoài dạ con, dân làng phải thòng cái thang giây xuống để kéo chị ta lên đưa đi
nhà thương cấp cứu. Niki ở lại cái hố. Anh ta đã không tin ở mắt mình khi thấy
dân làng sau khi đưa ngưòi đàn bà đi nhà thương đã không rút cái thang lên. Anh
mon men lại bên cái thang, rồi leo lên mà không gặp một trở ngại nào. Lần đầu từ
khi bị bắt cóc bỏ xuống hố cát, anh ta nhìn thấy biển. Niki đi lang thang trên
miệng hố, rồi lại leo trở xuống hố cát. Anh xem xét công trình triết nước và thấy
nước uống được giữ lại trong thùng chứa, như vậy dự án triết và trữ nước của
anh đã thành công. Anh ta không cảm thấy có nhu cầu phải thoát thân ngay. Anh
nghĩ anh sẽ ở lại để cho dân làng biết về việc này.
Cuốn truyện kết
thúc bằng một án lệnh của tòa tuyên bố người đàn ông đã chết sau bẩy năm có tên
trên danh sách người bị mất tích, để lại cho người đọc một câu hỏi "tại
sao Niki chọn ở lại" to lớn, và những nhà nghiên cứu về tác giả và tác phẩm
mặc sức lý giải tại sao. Riêng tôi hồi ấy rất thích thú với việc Niki chọn ở lại
và, tôi lý luận, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời anh có được sự tự do chọn
lựa, và anh ta đã chọn ở lại, một phần cũng vì anh ta cảm thấy mình có thể có
ích đối với dân làng do việc khám phá ra cách trữ nước ngọt. Biết đâu anh ta
cũng sẽ thuyết phục được dân làng là cách hay nhất để ngăn làng khỏi bị cát
chôn vùi là trồng cây ven biển mà anh ta đã đề cập tới với người đàn bà. Ngoài
ra, một khi tạo được uy tín với dân làng, biết đâu anh chẳng thuyết phục được họ
chấm dứt trò bất hợp pháp, đó là đem cát có lẫn muối bán cho những hãng xây cất,
như anh đã được người đàn bà cho biết và anh đã phản đối. Hồi ấy vốn lý tưởng,
nên tôi nghĩ có thể Niki cũng lãng mạn như vậy, nên đã chọn ở lại.
Khi Bert hết hạn
công tác phải trở về Mỹ, tôi đang dịch những trang cuối cùng của cuốn sách. Bị
lôi cuốn vào không khí mê hoặc của cuốn truyện, tôi tiễn anh nhưng không buồn lắm.
Vả lại, giữa Bert và tôi có những khác biệt, đặc biệt về cái nhìn đối với cuộc
chiến lúc bấy giờ. Bert thuộc lớp người chống lại việc Mỹ tham chiến ở Việt
Nam. Còn tôi nhìn Nam Việt Nam như mảnh đất tự do cuối cùng phải bảo vệ bằng mọi
cách, và cần Hoa Kỳ tiếp sức hỗ trợ. Mặc dù theo cha mẹ di cư vào Nam lánh nạn
cộng sản từ hồi còn bé, chưa thể có một ý niệm chính trị gì, nhưng tôi lớn lên ở
Miền Nam tương đối có ít nhiều tự do. Ngoài những sách vở, tranh nghệ thuật và
phim ảnh Âu Mỹ, đặc biệt là những tác phẩm hiện sinh (***) mà tôi đã có dịp làm
quen, tôi cũng còn được tự do ngụp lặn trong kho tàng văn học cổ xưa cũng như
những sách báo của thời tiền chiến, muốn nghĩ gì và cảm ra sao về những cái
mình đã đọc đã xem thì nghĩ thì cảm, và không ai bảo tôi phải nghĩ theo chiều
hướng, đường lối hay chủ trương nào mới là đúng.
Hồi ấy tôi cũng
đặc biệt chịu ảnh hưởng của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc vào giữa
thập niên 1950, đã được học giả Hoàng Văn Chí ghi nhận và biên soạn thành cuốn
"Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc" (Sàigòn, 1959). Nếu phải nói cuốn sách
nào ảnh hưởng tới việc cầm bút của tôi nhất, tôi sẽ không ngần ngại nói đó là
cuốn "Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc".
Nói tới ảnh hưởng
của cuốn "Trăm Hoa" tức là nói tới ảnh hưởng của những người đã đóng
góp vào phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi ít nhớ thơ, đặc biệt thơ tình nói
chung và tiền chiến nói riêng, nhưng tôi nhớ những câu thơ của Trần Dần qua bài
"Nhất Định Thắng" — Tôi bước đi / không thấy phố / không thấy
nhà / chỉ thấy mưa sa / trên mầu cờ đỏ … Hoặc của Phùng Quán, qua
"Lời Mẹ Dặn" — Tôi muốn làm nhà văn chân thật / chân thật trọn
đời / Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi / Sét nổ trên đầu không
xô tôi ngã / Bút giấy tôi ai cướp giật đi / Tôi sẽ dùng dao viết văn lên
đá … Những câu thơ đó đến trong tôi hơn chục năm sau đó trong thời kỳ
tranh đấu cho quyền tự do báo chí (song song với việc chống tham nhũng trong
chính quyền và quân đội) vào những năm 1972-75 ở Miền Nam, mà nhiều người tưởng
lầm là tôi và các bạn hữu cùng lý tưởng của tôi hồi ấy chống chế độ Sàigòn. Hồi
mới 18, 20 tuổi, tôi đã biết đọc say sưa những bài lý luận của những Phan Khôi,
Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường trong “Trăm Hoa” (có lẽ đấy là một trong những
lý do tôi theo học Luật một dạo). Ý niệm về thể chế cộng sản đối nghịch với thể
chế tự do của bên quốc gia cũng thành hình trong tôi từ đó.
Dịch xong cuốn
truyện "Người đàn bà trong cồn cát" và trao cho nhà xuất bản An Tiêm
in và phát hành, tôi được nhật báo Thần Phong — không nhớ do ai đề nghị — mời
viết cho một cái feuilleton. Hồi ấy, tuy đã có tên tuổi trong làng văn nghệ qua
một số truyện ngắn đăng phần lớn trên những tạp chí văn học, như Bách Khoa,
Văn, Thời Tập, rồi sau xuất bản thành sách (như tập truyện "Vừa đi vừa ngước
nhìn", "Mưa không ướt đất", "Chung cư", vv.), nhưng
tôi không viết feuilleton đăng báo hàng ngày như các bạn đồng nghiệp thuộc phái
nữ, trong đó có Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhã Ca và Nguyễn thị Hoàng. Có
người, như Túy Hồng, bỏ nghề dậy học để chỉ viết feuilleton, kiếm sống khá. Phải
nói là tôi không dám viết feuilleton thì đúng hơn, vì không ghép mình được vào
thứ kỷ luật của việc viết truyện cho báo hàng ngày: không muốn, hay đau ốm,
cũng phải viết — chỉ nghĩ tới đó thôi là tôi đã muốn phát sốt rồi. Vả lại, tôi
đã để … "bị mang tiếng" một lần, với chủ bút tạp chí Văn hồi ấy là Trần
Phong Giao, khi bỏ dở chừng truyện dài "Bầy kên kên" mới đăng được có
vài kỳ. Có đời thủa nhà ai mà ông chủ bút phải xách xe mô-bi-lết … đi tìm tác
giả, dụ viết tỉếp. Tôi vẫn còn nhớ lời anh ấy bảo tôi, "Chị nên chú trọng
vào động tác, đừng đào sâu vào tâm tình, dễ bị thất lạc." Tôi ậm ậm ừ ừ, rồi
vẫn tiếp tục… lặn kỹ, làm anh chủ bút Văn cuối cùng đành bỏ cuộc và cáo lỗi với
độc giả, không biết dùng lý do gì, và tôi cũng chẳng dám hỏi tới.
Vậy mà tôi nhận
lời viết feuilleton cho Thần Phong. Và lạ một điều là tôi viết xong cái
feuilleton — đầu tiên và cuối cùng — đó, không nhớ là trong bao lâu. Tên của
truyện dài đó là "Thành trì cuối cùng" (****), lồng trong đó là cái
liên hệ giữa tôi và Bert, mang cái kết cục giống như trong "Người đàn bà
trong cồn cát": nhân vật nữ chính có cơ hội để dời khỏi một đất nước chiến
tranh loạn lạc theo người yêu đi lập nghiệp ở nước ngoài, nhưng nàng từ chối và
ở lại, vân vân. Thực ra tôi hơi “tiểu thuyết hoá” một chút, vì hồi ấy Bert đã
có vợ nhưng không hạnh phúc. Anh lên đường về Mỹ, nói sẽ giữ liên lạc, nhưng
không dám hứa hẹn gì, vì đã có một đôi lần xin ly dị nhưng bà vợ không chịu.
Vào đầu năm
1973, Bert có trở lại Saigon, nhờ người đi tìm tôi, lúc ấy đang làm tờ Sóng Thần
và vừa chôn người chồng tử sĩ xong. Tôi chỉ nhắn với chị bạn đến gặp tôi là cho
tôi gửi lời hỏi thăm và cám ơn thiện chí của Bert, là tôi không thể gặp anh được.
Khi đang nằm trong trại tị nạn Camp Pendleton, Nam California, vào giữa năm
1975, tôi được tin Bert đã lập gia đình lại và đã có hai con nhỏ với người vợ
sau này. (TD, 12/2009, 07/2016)
______________
Ghi chú:
(*) “Dân làng
Đông Yên: tấm gương về những anh hùng cảm tử vì dân tộc Việt Nam,”
(**) “Woman in
the Dunes” (phim), http://youtu.be/qa_xg0suuzc; “The woman in the Dunes” (book),https://www.amazon.com/Woman-Dunes-Kobo-Abe/dp/0679733787
(***) Chủ nghĩa
hiện sinh, khác với định kiến cho đó là một lối sống phóng đãng, mục đích để hưởng
thụ, thực ra là một triết lý liên quan tới việc cá nhân tự khám phá ra chính
mình và ý nghĩa của cuộc hiện sinh qua những hành động tự ý, tự chọn và tự
trách nhiệm, không đổ tại ai khác. Đó là một tin tưởng cho rằng mỗi người tự
tìm kiếm xem mình là ai, cái gì dài theo cả cuộc đời qua những lựa chọn dựa vào
kinh nghiệm, các niềm tin và triển vọng. (www.allaboutphilosophy.org/existentialism.htm)
(****) Bản thảo
"Thành trì cuối cùng" đã thất lạc. Tuy nhiên, trọn bộ báo Thần Phong
hiện được lưu giữ dưới dạng microfilm tại thư viện Kroch Asia thuộc Đại học
Cornell, New York.