Vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam
Liên Hiệp Quốc: Người dân Việt Nam ngày càng phải chịu đựng tham
nhũng
Ảnh minh họa chụp tại Thanh Oai, ngoại
thành Hà Nội hôm 18/3/2015. AFP
Người dân Việt Nam ngày càng có mức độ chịu đựng
tham nhũng cao hơn. Đây là nhận định được đưa ra trong kết quả khảo sát của Cơ
quan Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP về vấn đề cải thiện chỉ số PAPI, tức chỉ số
hiệu quả quản trị và hành chánh công cấp tỉnh tại Việt Nam.
Kết quả này được công bố vào hôm 10 tháng 8 vừa qua.
Khảo sát này của UNDP được tiến hành từ năm 2009 đến
năm ngoái qua gần 75 ngàn người dân ở 63 tỉnh, thành trên cả nước Việt Nam. Một
số liệu được đưa ra là hồi năm 2011 tại Sài Gòn nếu số tiền hối hộ trung bình
5,8 triệu đồng thì người trong cuộc lên tiếng tố cáo; thế nhưng năm ngoái số tiền
này phải gấp gần 6 lần thì người bị đòi tiền mới dám tố cáo.
Hầu hết số tiền tham nhũng không thể thu hồi được
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống
tham nhũng. Ảnh chụp ngày 5 tháng 5 năm 2014. Courtesy of TTXVN
Chỉ có 7,8% số tiền tham nhũng được trả về lại cho
ngân sách nhà nước, còn gần 92% số tài sản gồm tiền mặt và đất đai tham nhũng
đã bị tẩu tán và không thể thu hồi được.
Phúc trình tổng kết 10 năm thực hiện luật phòng chống
tham nhũng vừa được Thanh tra chính phủ hoàn tất và báo cáo nêu ra con số vừa
nói.
Phúc trình nêu rõ nguyên do của việc thu hồi tài sản
tham nhũng thấp như thế là vì những khó khăn gặp phải trong quá trình điều tra
án, như thời gian hạn hẹp, có những trường hợp tham nhũng xảy ra đã lâu nên khó
tìm ra chứng cứ, hoặc tài sản tham nhũng đã được hợp thức hóa, trong đó có cả
đưa tài sản ra nước ngoài.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khác được đưa ra là
các cơ quan chức năng chưa xử lý hoặc chưa có kế hoạch xử lý triệt để trong quá
trình điều tra xét xử, tố tụng, đặc biệt là đối với những vụ án tham nhũng có
quy mô lớn.
Trong bản phúc trình có kiến nghị sửa đổi Luật phòng
chống tham nhũng để việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng được hiệu quả
hơn.