04.09.2016

Giàu sang và văn hóa - Đỗ Duy Ngọc

Giàu sang và văn hóa
 Đỗ Duy Ngọc

 - Nhân việc một hành khách đi máy bay hạng thương gia tát sưng má cô tiếp viên hãng Vietnam Airlines vì không tìm thấy cái điện thoại của mình,nghĩ thêm về những kẻ được gọi là đại gia trong xã hội hôm nay.

Đi máy bay là phải có tiền, đi hạng thương gia chắc chắn là kẻ có nhiều tiền, có địa vị xã hội vì thông thường vé hạng thương gia thường đắt gấp đôi gấp ba giá vé thường. Thế nhưng, kẻ được gọi là đại gia đó có thể có nhiều tiền nhưng thiếu văn hoá trầm trọng. Xã hội phát triển sinh ra một tầng lớp kiếm tiền quá dễ dàng, kẻ thì nhờ có chức quyền mà có, kẻ thì do chụp giật mà nên, người thì lợi dụng được thời cơ, kẻ thì nhờ mua gian bán lận, làm những trò trái đạo lý lương tri mà tạo được sự nghiệp. Sự giàu có đến nhanh quá, văn hoá không theo kịp sinh ra một lớp người trưởng giả học làm sang, cư xử thiếu văn minh, hành xử vô văn hoá.


Tiếng Việt có chữ giàu sang. Giàu đi với sang. Giàu là có nhiều tiền bạc, vật chất dồi dào. Sang là cách thể hiện, là cách sống là cốt cách. Có nhiều người rất giàu nhưng không sang, bởi cốt cách và cách xử thế hèn mạt, vô lương và mất dạy. Người Pháp cho rằng muốn trở thành giai cấp quý tộc, phải mất ba đời.

Phải học ăn, học nói, học đi, học đứng, học khóc, học cười, học nhiều thứ trong đời sống để tạo nên một cốt cách. Văn hoá là một giai đoạn, không thể ngày một ngày hai mà có được. Không thể từ một tay cố nông một bước lên thành kẻ giàu mà có cách xử thế của người quý tộc. Nhiều kẻ có tiền suốt ngày lê la trong những nhà hàng sang trọng đắt tiền, ngồi trên những tiện nghi quý giá nhưng không hề biết những phép tắc sơ đẳng khi ăn lúc uống, không biết cả đến cách thức, vị trí ngồi xe, không biết đến cách chào, cách hỏi với người đối diện. Họ đến đó chỉ để khoe tiền, để được thể hiện quyền lực bằng tiền bạc, để chứng tỏ mình là kẻ biết chơi, nhưng là kẻ chơi không biết luật lệ của trò chơi.

Hiện nay ở Việt Nam, từ Nam chí Bắc, mọc lên những ngôi nhà nguy nga đồ sộ của tầng lớp cán bộ khắp nơi chẳng khác gì những lâu đài của các lãnh chúa Châu Âu. Bê-tông cốt sắt có, gỗ quý hàng trăm tấn có. Thế nhưng bên trong bày biện giống nhau một cách lạ kỳ. Toàn đồ gỗ chạm trổ cầu kỳ bằng các loại gỗ thượng hạng, rồi ngà voi, sừng tê, đầu bò, da cọp...Thế kỷ XXI rồi mà nhìn như dinh của vua chúa. Thế giới đang ra sức bảo vệ rừng xanh, lá phổi của trái đất. Thế giới cũng đang nỗ lực để bảo về động vật đang dần diệt vong, thế mà những người lãnh đạo lại đi ngược với những vấn đề nóng bỏng của loài người. Giải thích điều này cũng chẳng mấy khó khăn. Đa số đều xuất thân từ nông dân. Mà từ ngàn đời nay, người nông dân luôn choáng ngợp với cách sống, cách bày biện, ăn chơi của tầng lớp vua quan, địa chủ. Đó là ước mơ của họ, là khát vọng sống, là mục đích của họ dù họ luôn chống lại giai cấp thống trị đó. Cho nên khi có điều kiện, họ thoả mãn những khát khao và ước vọng muôn đời. Vì vậy dù mang danh là tên quan cộng sản, nhưng lối sống và tư duy về cuộc sống chẳng khác gì giai cấp phong kiến ngàn xưa.

Đồng tiền kiếm quá dễ, quá nhanh làm cho họ xem thường mọi người, cứ nghĩ bỏ đồng tiền ra, mọi người sẽ trở thành nô lệ của mình. Từ suy nghĩ đó, họ mang cách xử trí của ông chủ đối với người làm thuê, họ cho rằng nén bạc sẽ đâm toạc tờ giấy. Trí thức kém, văn hoá nghèo nàn lại thêm thói kiêu ngạo của kẻ có tiền, có quyền nên nảy sinh ra những lối cư xử man dã. Vào quán thì hạch sách, nạt nộ người phục vụ. Đi máy bay thì xem những nhân viên của chuyến bay là người giúp việc của mình, ra đường thì xem mình là kẻ thống trị, mọi người phải nhường đường.

Ở xã hội văn minh, những vật chất bên ngoài như nhà cửa, xe cộ, máy móc, dụng cụ là những tiện nghi phục vụ đời sống. Người ta đánh giá giá trị con người qua trí óc, tài năng, cách cư xử với mọi người, là sự cống hiến cho cộng đồng. Chúng ta thì ngược lại, tạo ra một lớp người rỗng tuếch, xem vật chất làm thước đo, mọi giá trị của trí óc bị xem thường.

Xã hội Việt Nam bây giờ là xã hội kim tiền, đồng tiền có sức mạnh vạn năng, họ có tiền nên nghĩ họ có quyền và từ đó họ xem thường luật lệ, luật pháp và họ cho rằng họ sẽ điều khiển được luật pháp. Kẻ có tiền cấu kết với kẻ có quyền nên họ sống trên luật pháp, bất chấp văn minh, coi thường văn hoá.

Chúng ta thường cho ta là quốc gia đang phát triển nhưng thực chất càng ngày chúng ta càng đi lùi về một xã hội mọi rợ, thiếu văn minh. Đó là một lối phát triển không bền vững đưa đến sự tha hoá cùng cực của giai cấp có quyền và có tiền.

Đỗ Duy Ngọc