MỘT TRANG THỦ BÚT CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG VỚI NHIỀU ĐIỂM ĐẶC BIỆT
VỪA ĐƯỢC TÌM THẤY
(Bản bổ sung. Thêm chi tiết cho bài đã đăng ngày 14/9/2016)
Từ Mai Trần Huy Bích
Trong rất nhiều năm trước 1975, một phần do lòng mến
mộ của độc giả, mỗi dịp Xuân đến, nhiều báo Xuân ở Sàigòn vẫn thường đăng
một bài thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương với thủ bút của chính tác giả. Nét chữ
tung hoành như được phóng bút một cách cẩu thả nhưng vẫn duyên dáng với chữ ký
đặc biệt “nghệ sĩ” của thi hào họ Vũ được nhiều người mến chuộng. Đã có lúc Vũ
Hoàng Chương nhắc tới chuyện ấy một cách vui đùa:
Báo chương mấy độ vẽ bùa
Chắt chiu cũng đủ tiền mua trăng rằm.
“Báo
chương mấy độ vẽ bùa”
Bài
thơ thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương nhân dịp Tết năm Nhâm Tý 1972
Do một cơ duyên hiếm có, trước ngày giỗ thứ 40 của
thi sĩ Vũ Hoàng Chương năm nay (1976-2016), người viết những dòng này được may
mắn trông thấy một trang thủ bút thuộc loại đặc biệt của cố thi sĩ từ trước
chưa nghe ai nói tới. Trái với thông lệ, thi nhân họ Vũ viết trang thủ bút này
một cách cẩn trọng, nghiêm túc, có chỗ nắn nót nữa, và dùng những từ trang
trọng như “Vũ Hoàng Chương bái bút.” Đó là cặp câu đối nhà thơ viết để kính điếu
khi chí sĩ ái quốc Nguyễn Thế Truyền tạ thế trong dịp Trung Thu năm
1969.
TÓM LƯỢC CUỘC ĐỜI CỤ NGUYỄN THẾ TRUYỀN
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có nhiều lý do để bày tỏ niềm
tôn kính đặc biệt đối với chí sĩ ái quốc Nguyễn Thế Truyền (1898-1969). Cụ Nguyễn
sinh từ cuối thế kỷ 19 trong một gia đình khoa bảng danh tiếng ở làng Hành Thiện,
tỉnh Nam Định. Ông nội là Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn (bị sát hại năm
1913 trong một vụ ném tạc đạn do Việt Nam Quang Phục Hội tổ chức). Thân phụ là
một vị Tri phủ, Nguyễn Duy Nhạc. Năm 1910, khi 12 tuổi, cậu Truyền được Phó
Công sứ Thái Bình là Charles Marie-Gaston Dupuy đưa sang Pháp du học. Là học
sinh xuất sắc, luôn luôn đứng đầu lớp, Nguyễn Thế Truyền được chính phủ Đông
Dương cấp học bổng. Năm 1915, ông đậu Brevet supérieur, về quê hương thăm nhà.
Ông dùng một năm ở quê để học Hán văn, rồi trở lại Pháp năm 1916 học trường Kỹ
sư và trường Đại học Khoa học ở Toulouse. Ông cũng tự học để thi bằng Tú Tài,
mong sau này có thể ghi danh học Đại học Văn khoa. Sau khi tốt nghiệp với văn bằng
Kỹ sư Hoá học và Cử nhân Lý Hóa năm 1920, ông về nước một năm nữa, học thêm Hán
văn. Trở lại Pháp tháng 8/1921 ông ghi tên theo học ban Tiến sĩ Khoa học tại Đại
học Sorbonne (Paris), chuẩn bị một luận án về khoa học vật lý nhưng chưa bảo vệ
luận án. Ông cũng ghi danh học Cử nhân Văn khoa, ban Triết, tại trường này, và
đậu Cử nhân Triết năm 1922. Khi đưa sang Pháp từ ít tuổi, chính quyền Pháp hẳn
có ý muốn đào tạo ông thành một “công dân tốt,” trung thành với mẫu quốc. Ngược
lại trong những năm ở Pháp, cậu “nghĩa tử” đã làm cho nhà cầm quyền thuộc địa lắm
lúc phải điên đầu.
Theo nhà biên khảo Thụy Khuê, tóm lược cuốn biên khảo
công phu Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế
Truyền của Đặng Hữu Thụ (Vitry-sur-Seine, France : Trùng Dương, 1993),
thì từ 1912 trở đi, một mặt trận chống chính sách đàn áp và bóc lột, đòi thực
hiện dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam được hình thành ở Pháp và tiếp tục ở
Nam kỳ, do các nhà cách mạng theo tân học lãnh đạo. Đây là những trí thức trẻ,
học vấn xuất sắc, am hiểu văn hóa Tây phương, viết và nói tiếng Pháp một cách
thành thạo, không có mặc cảm trước người da trắng, tạo cho cuộc tranh đấu một
sinh lực mới vượt phạm vi quốc nội mà các nho sĩ lớp trước chưa thực hiện được.
Người đầu tiên phát động phong trào này là luật sư
Phan Văn Trường (1878-1933), người làng Đông Ngạc, ngoại thành Hà Nội. Phong
trào mạnh thêm khi có sự tham gia của nhà ái quốc Phan Châu Trinh (1872-1926),
kỹ sư Nguyễn Thế Truyền (1898-1969), và nhà văn, nhà báo Nguyễn An Ninh
(1900-1943). Cụ Phan Châu Trinh giới thiệu con một người bạn đậu cùng khoa Tân
Sửu 1901 với cụ vào hoạt động trong nhóm. Người bạn ấy là Phó bảng Nguyễn Sinh
Huy (cũng có tên Nguyễn Sinh Sắc) và người con là Nguyễn Tất Thành. Năm người
này được đồng hương người Việt ở Paris lúc đó gọi chung là nhóm “Ngũ Long.” Hội
“Người An Nam yêu nước” được thành lập khoảng 1916. Một bút hiệu mới,
“Nguyễn Ái Quấc/Quốc,” xuất hiện. Đây là bút hiệu chung của cả nhóm Ngũ Long,
nhưng những cây viết chính (vì Pháp văn vững hơn cả) là Phan Văn Trường, Nguyễn
Thế Truyền và Nguyễn An Ninh. Bút hiệu này thường xuất hiện trên các báo ở
Paris, đặc biệt trên tờ Le Paria, từ giữa năm 1919 đến năm
1925. Le Paria có thêm tên chữ Hán là “Lao động báo,” nhưng
thường được dịch sang tiếng Việt là Người cùng khổ, Kẻ khốn cùng … (Năm
1945, sau khi nắm được chính quyền ở Việt Nam, Nguyễn Tất Thành khoe với những
người ủng hộ rằng bút hiệu Nguyễn Ái Quốc, tác giả những bài trên Le
Paria và một số tài liệu khác nhằm mục đích tranh đấu cho đất nước xuất
hiện trong cùng khoảng thời gian ấy là của riêng ông ta. Theo tác giả Lê
Minh Quốc và nhà biên khảo Thụy Khuê thì trong giai đoạn ở Paris từ 1919 đến
1923, Nguyễn Tất Thành mới đến Pháp chưa bao lâu, vẫn học thêm tiếng Pháp với
Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền ¹).
Mùa thu năm
1922, Nguyễn An Ninh rời Paris về nước. Cuối năm 1923, ông xuất bản tờ La
Clôche Fêlée (Chuông rè) để tranh đấu ở Sàigòn.
Tháng 6 năm
1923, Nguyễn Tất Thành đi Nga không trở lại.
Năm 1925, Phan
Văn Trường và Phan Châu Trinh về nước. Nguyễn Thế Truyền ở lại Paris tiếp tục
công việc chung, làm Chủ bút tờ Le Paria, bành trướng phong trào
yêu nước giữa những người Việt Nam ở Pháp, và vận động sự ủng hộ trong giới trí
thức dân chủ, tiến bộ bên Pháp.
Năm 1926, Nguyễn
Thế Truyền cho xuất bản ở Paris tờ Việt Nam Hồn. Báo ra mỗi
tháng một kỳ, chủ yếu bằng tiếng Việt, thỉnh thoảng có bài bằng tiếng tiếng
Pháp hay chữ Hán. Báo lấy danh nghĩa: “Tự do diễn đàn của học sinh và lao động
Việt Nam” (Tribune libre des étudiants et des travailleurs annamites).
Việt Nam Hồn in mỗi số khoảng 2000 bản, lưu hành trong
giới người Việt sống ở Pháp. Một số người kín đáo gửi về nước. Báo ra công
khai được 8 số (1/1926 - 8/1926) thì bị cấm. Từ tháng 9/1926 báo xuất hiện dưới
tên Phục Quốc nhưng được hai số lại bị cấm. Qua đầu năm 1927,
báo được tiếp tục xuất bản bằng tiếng Pháp với tên là L’Âme annamite (Hồn
nước Nam). Tới tháng 6/1927, báo đổi tên là La Nation annamite (Nước
Nam). Tờ Le Paria và những ấn bản kế tiếp củaViệt Nam Hồn mà
Nguyễn Thế Truyền thành lập và điều động đã ảnh hưởng một cách đáng kể tới
phong trào cách mạng Việt Nam. Theo nhận xét của Thụy Khuê, Nguyễn Thế Truyền
là khuôn mặt thứ hai, một con rồng lớn của nhóm “Ngũ Long,” chỉ sau người khởi
xướng là Phan Văn Trường ².
Nửa
trang đầu của Việt Nam Hồn, số
tháng 1 năm 1926
Nguyễn Thế Truyền vào đảng Xã hội, rồi đảng Cộng sản
Pháp khoảng năm 1922 khi viết cho Le Paria. Năm 1925, ông làm Phó Tổng
thư ký hội Liên hiệp Thuộc địa (Union intercoloniale) và Chủ bút của Le
Paria. Năm 1926, ông rời Le Paria để chuyên tâm
vào Việt Nam Hồn. Tháng 5 năm 1927, ông tách khỏi bộ phận thuộc địa
của đảng Cộng sản Pháp và lập đảng An Nam Độc Lập (Parti Annamite de l’Indépendance,
hay PAI). Các tờ L’ Âme annamite và La Nation
annamitetrở thành cơ quan liên lạc của đảng này.
Hoạt động của đảng An Nam Độc Lập tập trung ở một
số thành phố lớn của Pháp, nơi có nhiều người Việt cư ngụ nhưMarseilles,
Lyon, Toulouse… Trong thời gian Nguyễn Thế Truyền lãnh đạo, tuy có một
số đảng viên tin theo lý thuyết cộng sản, nhưng đảng An Nam Độc Lập không
đồng tình với đảng Cộng sản và dứt khoát không chấp nhận địa vị phụthuộc đảng
Cộng sản Pháp tuy lúc đầu được đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ. Theo Nguyễn Thế Truyền,
không nên bàn vềchủ nghĩa cộng sản (đấu tranh giai cấp) khi dân tộc còn bị nô
lệ. Ưu tiên cần được đặt vào việc vận động đoàn kết mọi tầng lớp xã hội.
Nguyễn
Thế Truyền hồi hoạt động, tranh đấu ở Pháp
Cuối năm 1927, Nguyễn Thế Truyền và gia đình về
nước, trao ngọn đuốc tranh đấu bên Pháp lại cho nhóm Tạ Thu Thâu (1906-1945),
Phan Văn Hùm (1902-1946), Hồ Hữu Tường (1910-1980), những trí thức tân học trẻ
hơn ông ít tuổi và có liên hệ mật thiết với Nguyễn An Ninh, chí hữu của ông
trong nhóm Ngũ Long. Tạ Thu Thâu thay Nguyễn Thế Truyền lãnh đạo đảng An Nam Độc
Lập. Năm 1934 Nguyễn Thế Truyền sang Pháp trở lại, hoạt động đến hết năm 1938.
Khi tình hình thế giới căng thẳng, thế chiến thứ 2 sắp bùng nổ, ông lại về nước.
Năm 1941, ông bị Pháp bắt cùng với em trai là Nguyễn Thế Song, bị đầy đi
Madagascar, mãi đến tháng 6/1946 mới được phóng thích. Khi ông về tới Việt Nam
năm 1947 thì một người “chí hữu” khác (ít nhất trên danh nghĩa) trong nhóm Ngũ
Long trước là Nguyễn Tất Thành đã cướp được chính quyền, trở nên Hồ Chí Minh,
và đã thủ tiêu xong những người từng hoạt động bên Pháp với Nguyễn Thế Truyền
như các ông Bùi Quang Chiêu (1872-1945), Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm… Nguyễn Thế
Truyền tuyên bố “không hoạt động chính trị” nữa. Ông viết báo, trình bày
những khó khăn trước thời cuộc, và đề nghị với những người nắm chính
quyền những cải cách cần thiết để độc lập của quốc gia và tự do
dân chủ được vững bền.
Khi đất nước chia đôi năm 1954 ông đang ở Hà Nội.
Theo bài viết của một tác giả cùng quê làng Hành Thiện là Nguyễn Duy Tiễu, đăng
trên báo Thanh Niên số ra ngày 19/3/2004, được đăng lại
trên Việt Báo (quốc nội) Online cùng ngày,
thì ông Hồ Chí Minh cử một người đưa thư tới ông, nhắc đến “tình bạn trên 30
năm trước” để khuyên ông đừng di cư vào Nam, và mời ông ở lại để “góp sức
xây dựng lại đất nước”³. Nhưng ông vẫn ra đi. Khi vào Nam ông tiếp tục viết
báo, rồi ra tranh cử trong cuộc bầu Tổng thống năm 1961, liên danh với một nhân
sĩ miền Nam là Hồ Nhựt Tân nhưng bị thua trước vị Tổng thống đương nhiệm Ngô
Đình Diệm.
Bích
chương tranh cử trong cuộc bầu Tổng thống tại Nam Việt Nam năm 1961
Liên
danh 1: Ngô Đình Diệm & Nguyễn Ngọc Thơ
Liên
danh 2: Nguyễn Đình Quát & Nguyễn Thành Phương
Liên
danh 3: Hồ Nhựt Tân & Nguyễn Thế Truyền
Ông mất ngày 19 tháng 9 năm 1969 (tức ngày 8 tháng 8
năm Kỷ Dậu) ở Sàigòn trong hoàn cảnh vô cùng thanh bạch, hưởng thọ 71 tuổi.
Vũ Hoàng Chương ít khi làm câu đối, nhất là viết câu
đối thủ bút, để “kính điếu” ai. Sáu năm trước, tháng 7/1963, mới thấy ông làm một
đôi câu đối để ai điếu Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sau khi nhà văn sáng lập Tự Lực
Văn Đoàn uống thuốc độc tự tử đúng vào ngày Song Thất:
Sổ thập niên bút mặc thành danh, nhất khả
đoạn, nhị khả tuyệt, nhi tam bất hủ
Song thất dạ vân tiêu lạc phượng, tiên Phong
Hóa, hậu Văn Hóa, ư trung lập ngôn.
Đứng về phương diện văn học cũng như phương diện lịch
sử, cặp câu đối Vũ Hoàng Chương “kính điếu chí sĩ Nguyễn Thế Truyền” tháng 9
năm 1969 nên được coi là một tài liệu hiếm quý.
THỬ TÌM HIỂU Ý NGHĨA CẶP CÂU ĐỐI CỦA VŨ HOÀNG CHƯƠNG
“Cách mạng sử còn ghi”:
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương xác định: cặp câu đối của ông
không phải để viếng một người bình thường nhưng một nhân vật của lịch sử, có những
hành động được lịch sử cách mạng ghi chép.
“Mấy độ xông pha”:
Vũ Hoàng Chương nhắc lại quãng đời đầy hoạt động của
Nguyễn Thế Truyền: là một nhân vật quan trọng trong nhóm Ngũ Long (cùng với những
người như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành),
một người dùng tiếng Pháp để tranh đấu, vạch ra những sai trái và vô nhân đạo của
chủ nghĩa thực dân Pháp ngay trên đất Pháp, từng đứng làm Chủ bút của tờ Le
Paria, từng sáng lập và làm Chủ bút tờ Việt Nam Hồn. Trên tờ Le
Paria, ông từng viết bài bênh vực cụ Phan Bội Châu, đả kích Toàn quyền
Albert Sarraut đầu độc dân tộc Việt Nam bằng rượu và thuốc phiện… Các học giả
ngoại quốc như William J. Duiker và Sophie Quinn-Judge, khi nghiên cứu cuộc đời
của Hồ Chí Minh, cũng nhắc tới những hoạt động của Nguyễn Thế Truyền, nhất là
những giúp đỡ ông đã dành cho Hồ lúc còn là Nguyễn Tất Thành ⁴. Theo học giả
Hoàng Văn Chí trong cuốn Từ Thực Dân đến Cộng Sản, Nguyễn
Thế Truyền còn là người đưa Nguyễn Tất Thành, mới tới Pháp sau 5 năm làm phụ bếp
(1914-1919) tại khách sạn Carlton ở London, tới gặp những chính khách Pháp ở
Paris lúc ấy như các ông Léon Blum, Marcel Cachin, Marius Moutet ⁵… Trở lại Pháp
trong những năm 1934-1938, ông vận động các tổ chức nhân quyền, các ủy ban đòi
ân xá chính trị phạm, bênh vực Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu … đang bị gìam ở
Sàigòn.
Vũ Hoàng Chương có thể cũng muốn nhắc tới những
hi sinh đáng kính phục của Nguyễn Thế Truyền: sau khi đậu Kỹ sư, thêm hai bằng
Cử nhân Lý Hóa và Cử nhân Triết, rất giỏi Pháp văn, về nước được chính quyền
thuộc địa dành cho nhiều ưu đãi nhưng ông từ chối mọi đề nghị cộng tác. Theo
nhiều tài liệu, người Pháp đề nghị dành cho Nguyễn Thế Truyền một chức quan, hoặc
chức Giám đốc một nhà máy, hoặc một ngạch trật cao nếu muốn đi dạy học, hoặc
1,000 hectares đồn điền nếu muốn khai khẩn, nhưng ông đều khước từ. Ông về
làng, sau lên thành phố Nam Định sống một cách giản dị với chút lợi tức nhỏ từ
phần ruộng của gia đình. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có thể cũng muốn nhắc tới
quãng đời làm báo của Nguyễn Thế Truyền sau khi được phóng thích từ Madagascar
về: trình bày những khó khăn của đất nước trong thế giới mới, đưa ra những đề nghị về
những cải cách cần được thực hiện để độc lập của quốc gia và tự do,
dân chủ được vững bền.
“Không bại dẫu không thành”:
Thi nhân họ Vũ nhìn nhận rằng chí sĩ họ Nguyễn đã
không thành công. Tuy lập chí từ rất sớm và rất thông minh, học một lúc hai trường,
đậu một lúc hai, ba bằng cấp Đại học, lúc trẻ tuổi được nhiều người kỳ
vọng, lại yêu nước một cách thành thật và bôn ba, phấn đấu nhiều, chí sĩ họ
Nguyễn đã không thành công, nếu ta hiểu “thành công” là đem lại được độc lập
cho đất nước hay nắm được chính quyền. Phải bỏ quê hương chạy vào Nam năm 1954
để tránh người “chí hữu” cũ trong nhóm Ngũ Long, người từng được mình giúp đỡ
và dạy kèm tiếng Pháp trong thời gian ở Paris. Ở miền Nam không làm được
chuyện gì đáng kể, ra ứng cử Tổng thống cũng thất bại. Cuộc đời Nguyễn Thế Truyền
đúng là một chuỗi những việc “không thành.” Nhưng Vũ Hoàng Chương an ủi rằng
Nguyễn Thế Truyền đã không thất bại. Những cố gắng ấy (chẳng hạn việc kêu gọi
lòng yêu nước của người Việt sống ở Pháp) cũng đã gây được một số tiếng
vang, sự từ khước những đặc quyền đặc lợi người Pháp dành cho đã khiến chí sĩ họ
Nguyễn được nhiều người kính trọng, trong đó có thi nhân họ Vũ.
“Chỉ chịu bó thân về với đất”
Theo người thư ký riêng thân tín của cụ Nguyễn là
ông Nguyễn Hữu Đĩnh thì khi cụ đau nặng, gia cảnh thanh bạch đến độ sau khi được
biết giá một cỗ áo quan, cụ đã nói, “Thôi, để bó chiếu!” Câu “chỉ chịu bó thân
về với đất” của Vũ Hoàng Chương còn ngụ ý: chẳng thà chịu bó chiếu chôn xuống đất
chứ cụ Nguyễn không chịu “bó thân” về với một thứ khác.“Thứ khác” ở đây có thể
hiểu là “triều đình” như trong câu “Bó thân về với triều đình” Nguyễn Du
dùng để mô tả thái độ của Từ Hải không muốn về hàng Hồ Tôn Hiến. Trước
1945, từng được học ở Pháp, hấp thụ lý tưởng Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái do cuộc
Cách mạng Pháp năm 1789 nêu ra, Nguyễn Thế Truyền không chịu “bó thân” phục vụ
chính quyền thuộc địa đang đàn áp những người yêu nước ở Việt Nam.
Trong giai đoạn đất nước chia đôi, tuy có tình nghĩa cũ, cụ không chịu “về với
triều đình” ở miền Bắc (chưa chắc toàn tính mạng), nhưng cũng không muốn “về với
triều đình” ở miền Nam (bằng cách ra tranh cử với vị Tổng thống đang nắm quyền).
Chúng ta không có đủ tài liệu để có thể biết rõ nếu
liên danh của Nguyễn Thế Truyền đắc cử Tổng thống và Phó Tổng thống năm
1961, cụ có sẽ hành động khác với vị Tổng thống đương nhiệm ở miền Nam lúc ấy
hay không. Nhưng qua sự kiện cụ ra ứng cử chung với một nhân sĩ miền Nam là Hồ
Nhựt Tân (quê ở Sa Đéc), qua tình thân của cụ với hai trí thức miền Nam là Nguyễn
An Ninh và Tạ Thu Thâu như trên đã nói, qua sự kiện tang lễ của cụ được một
nhân sĩ uy tín của miền Nam là cụ Phan Khắc Sửu đứng ra tổ chức, qua sự kiện cụ
được an táng tại nghĩa trang của Hội Gò Công Tương Tế, ta có thể phỏng đoán:
tuy sinh ra ở miền Bắc, một chính quyền Nam Việt Nam do Nguyễn Thế Truyền thiết
lập nhiều phần sẽ gần gũi với chính giới, nhân sĩ của miền Nam, và do đó có thể
sẽ ít bị cô lập hơn.
“Việt Nam hồn chợt lắng, một trời hiu hắt”:
Vũ Hoàng Chương muốn nói: đây là một tang lễ khiến
linh hồn của đất nước phải lắng xuống vì nỗi u buồn. Một người xuất chúng, đa
tài, và yêu nước như Nguyễn Thế Truyền đã phải chịu một cuộc sống quá gian nan.
Sau khi đưa gia đình về nước năm 1927, do từ khước cộng tác với chế độ cai trị,
Nguyễn Thế Truyền gặp rất nhiều khó khăn, thân quyến bị trù giập. Hai người
con gái, Nguyễn Trưng Trắc và Nguyễn Trưng Nhị, tuy học rất giỏi, bị bác hồ sơ xin
học bổng vì bị coi là “những con rắn nhỏ,” lớn lên sẽ đánh Pháp như hai bà
Trưng từng đánh Tàu trước kia. Bà Nguyễn Thế Truyền là một người Pháp, theo chồng
về Việt Nam, nhưng bà và các con bị nhóm thực dân Pháp ở Nam Định kỳ thị,
đối xử tệ bạc. Tháng 3 năm 1937, bà nhận làm y tá (nghề cũ từ khi ở bên Pháp)
cho trường Yersin ở Đà Lạt và đem các con vào đó. Khi bà mất giữa năm 1940,
Nguyễn Thế Truyền không được biết: các con viết báo tin nhưng nhà cầm quyền chặn
thư. Sau khi biết tin, Nguyễn Thế Truyền xin vào Đà Lạt thăm mộ vợ và thăm các
con còn nhỏ nhưng người Pháp lấy cớ “đang ở tình trạng bị quản thúc,”
không cho. Các con ông sau được các linh mục tại trường Yersin giúp, đưa ra ngoại
quốc, người ở Pháp, người ở Đức, người ở Anh. Từ khi ở Pháp về nước năm 1938,
Nguyễn Thế Truyền không được gặp vợ con. Sau khi bị quản thúc từ Madagascar về
nước lần cuối năm 1947, Nguyễn Thế Truyền không còn gia đình. Trong những năm
cuối của cuộc đời, nhà chí sĩ ái quốc sống cô đơn và chết trong cảnh rất nghèo.
“Nửa mê chiều nửa tỉnh, kìa ai trút tiếng
gọi vào đêm”:
Lời ngậm ngùi, than thở của Vũ Hoàng Chương. Trong
niềm xúc động mãnh liệt, nửa như mê, nửa như tỉnh, dù có trút hết tiếng để gọi
cũng chỉ là gọi vào bóng đêm, không có hồi thanh. Với Nguyễn Thế Truyền, Vũ Hoàng
Chương vừa có lòng kính ngưỡng, vừa có niềm thương cảm xót xa. Lòng thương
cảm thi nhân họ Vũ dành cho nhà ái quốc họ Nguyễn vô cùng sâu đậm.
Chí
sĩ Nguyễn Thế Truyền năm 1967, hai năm trước khi tạ thế
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có nhiều bài thơ bày tỏ niềm
kính ngưỡng đối với các nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Quang
Trung, Phạm Hồng Thái …, có nhiều bài thơ về Nguyễn Du, một bài thơ ca ngợi hòa
thượng Thích Quảng Đức, một cặp câu đối và một bài văn tế dành cho văn hào Nhất
Linh Nguyễn Tường Tam. Nhưng hình như ông không làm bài nào cho các nhân vật lịch
sử trong khoảng 100 năm trở lại đây, kể cả những nhân vật được nhiều người tung
hô. Lòng kính trọng và thương tiếc ông dành cho chí sĩ Nguyễn Thế Truyền là một
tình cảm sâu đậm hiếm thấy.
Người viết những dòng này xin thành thật cám ơn ông
bạn Nguyễn Hữu Đĩnh đã chia sẻ một tài liệu hiếm quý, một trang thủ bút có giá
trị văn học và lịch sử được trân trọng gìn giữ suốt gần 50 năm qua, kể cả trong
chuyến vượt biên gian nan khỏi Việt Nam năm 1993. Cũng xin cám ơn người bạn trẻ
Nguyễn Vũ đã bỏ nhiều công phu chụp lại một trang giấy khổ lớn, bị nhàu nát vì
quá nhiều nếp gấp, thành một trang thủ bút đẹp, phẳng, và ngay ngắn, được đưa
ra phía trên. Xin được phổ biến trang thủ bút với nhiều điểm đặc biệt, ít ai biết
tới này nhân dịp Trung Thu năm 2016, để kỷ niệm kỳ giỗ năm thứ 47 của chí sĩ ái
quốc Nguyễn Thế Truyền, và năm thứ 40 của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Từ
Mai Trần Huy Bích
GHI CHÚ:
1. “Nguyễn An
Ninh” theo Wikipedia, dẫn tài liệu từ Lê Minh Quốc. Nguyễn
An Ninh : dấu ấn để lại (Hà Nội : Văn Học, 1997).
Thụy Khuê. Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn
Ái Quốc (Falls Church, VA : Tiếng Quê Hương, 2012), trang 458-478.
2. Thụy Khuê, sách
đã dẫn, trang 443-447.
3. Nguyễn Duy Tiễu.
“Cuộc đời bất đắc chí của Nguyễn Thế Truyền và mối quan hệ của ông với lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc,” Thanh Niên (nhật báo, số ra ngày 19/3/2004),
đăng lại trên Việt Báo (quốc nội) Online, cùng
ngày:
http://vietbao.vn/Xa-hoi/Cuoc-doi-bat-dac-chi-cua-Nguyen-The-Truyen-va-moi-quan-he-cua-ong-voi-lang-tu-Nguyen-Ai-Quoc-tiep-theo/45110225/157/
http://vietbao.vn/Xa-hoi/Cuoc-doi-bat-dac-chi-cua-Nguyen-The-Truyen-va-moi-quan-he-cua-ong-voi-lang-tu-Nguyen-Ai-Quoc-tiep-theo/45110225/157/
4. William
J. Duiker. Ho Chi Minh (New York : Hyperion, 2000), trang 78,
85, 157.
Sophie
Quinn-Judge. Ho Chi Minh : The Missing Years (Berkeley : Univ.
of California Press, 2002), trang 39, 40, 41, 42, 118, 151, 190, 322, 329.
5. Hoàng
Văn Chí. Từ Thực Dân đến Cộng Sản (S.l. : Chân Trời Mới,
1985), trang 63-64.
Trích
thư Bác Từ Mai Trần Huy
Bích:
Ít
hôm trước, nhân được coi cặp câu đối thi sĩ Vũ Hoàng Chương viết để kính điếu
chí sĩ ái quốc Nguyễn Thế Truyền, tôi viết vội một bài để giới thiệu cặp câu đối
ấy. Vì viết vội để đưa ra kịp ngày giỗ thi sĩ Vũ Hoàng Chương, phần về cụ Nguyễn
Thế Truyền còn sơ lược, thiếu sót nhiều. Với một người thật tâm yêu nước như cụ
Nguyễn Thế Truyền, thiết nghĩ cần được trình bày một cách xứng đáng, đầy đủ
hơn.
Hôm
nay tôi coi lại tài liệu của học giả Hoàng Văn Chí cũng như sách của một số tác
giả ngoại quốc (như William J. Duiker, Sophie Quinn-Judge …) để bổ sung cho bài
viết được đầy đủ hơn. Xin kính gửi (trong Attachment) để chia sẻ với quý Bác, quý Anh Chị.
Tôi
cũng xin gửi theo một trạm nối để có thể đọc bài ấy từ trang blog của tôi:
….
Trần
Huy Bích