Nhìn
lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt
Bản
đồ Trung Hoa thời Xuân Thu chiến quốc (thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên)
Khi đọc những câu hỏi “Vì
sao đã thống trị Việt Nam hơn ngàn năm mà cuối cùng Trung cộng vẫn không thể
đồng hóa Việt Nam?”.
Hoặc “Người Việt Nam (tộc người Kinh) vì sao mà
khó đồng hóa như vậy ? (1), nhiều người nghĩ chắc là ý
kiến của những anh chàng người Việt nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa. Nhưng thật
bất ngờ, những câu hỏi này và tương tự như vậy hiện là những chủ đề nóng của
các diễn đàn tranh luận trên mạng Internet của người Trung Hoa, bằng tiếng
Trung chứ không phải của người Việt.
Họ đã chất vấn nhau, đại loại thế này: Hơn một nghìn
năm, trước khi nhà Tống lên ngôi, Giao Châu là thuộc Trung Hoa, dù chị em họ
Trưng có nổi dậy cũng chỉ mấy năm là dẹp yên. Thế mà vì sao từ đời Tống trở đi
các triều đại Trung Hoa không thể thu phục nổi Việt Nam. Hơn nữa, dân tộc Việt
Nam, người Kinh ấy, từ đâu mà ra, hình thành từ lúc nào? Người Hán chúng ta từ
cổ xưa đã có sức đồng hóa cực mạnh. Số dân tộc đã bị Hán tộc đồng hóa không đếm
xuể. Tại sao chừng ấy năm đô hộ vậy mà không đồng hóa nổi Việt Nam… Nếu An Nam
là thuộc Trung cộng từ thời đó, liệu bây giờ quần đảo Nam Sa (VN gọi là Trường
Sa) có thành vấn đề không? Việt Nam có còn chiếm được nhiều đảo ở Nam Sa như
bây giờ không?
Là người Việt Nam, chắc ai cũng muốn chính mình tìm
câu trả lời cho những câu hỏi thú vị đó. Chúng ta từng nghe nói rằng, từ xa xưa
một dải giang sơn mênh mông từ Nam sông Dương Tử trở về Nam là nơi các tộc dân
Việt sinh sống và phát triển nền văn minh lúa nước rực rỡ. Thế rồi ngày nay,
hầu hết đều trở thành lãnh thổ và giang sơn của người Hán, dùng Hán ngữ và văn
hóa Hán. Quá trình đó người ta quen gọi là Hán hóa. Vì vậy nhìn lại lịch sử
Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt là một cách ôn cố tri tân hữu ích.
Đáng tiếc là thời xa xưa đó lịch sử chủ yếu ghi chép lại bằng Hán ngữ cổ ở
Trung Hoa, không dễ tiếp cận với đa số hiện nay. Vì lẽ đó người viết bài này cố
gắng tóm tắt những gì mà sử sách cổ còn ghi lại, kết hợp với những tài liệu
khoa học đã công bố của một số học giả uy tín trên thế giới, ngõ hầu cung cấp
một vài thông tin hữu ích, nhiều chiều, kể cả còn đang tranh cãi.
Bách Việt là ai và ở đâu?
Vào thời thượng cổ, từ đời nhà Thương 商朝
(khoảng 1600-1046 TCN), trong văn tự thì chỉ có một chữ Việt 戉
(nghĩa là cái rìu), cũng là tên chung cho tộc người ở phía Nam không phải là
người Trung Hoa, do tộc người này sử dụng rìu (Việt) làm công cụ. Về sau, vào
thời Xuân Thu Chiến quốc 春秋 戰國
(722-221 TCN) bắt đầu trong văn tự có hai chữ Việt là 越 và
粤, đều chỉ bộ tộc Việt, dùng như
nhau (Sách cổ viết là 越粵互通-Việt Việt Hỗ Thông), ta hay gọi 越 là
Việt bộ tẩu 走 (đi, chạy) và Việt 粤 là
Việt bộ mễ 米-(lúa)2.
Trong Hán ngữ cận, hiện đại, hai chữ Việt này (có thể
từ sau đời Minh) thì dùng có phân biệt rõ ràng. Chữ Việt bộ tẩu 越 là
ghi tên tộc Việt của nước Việt có lãnh thổ ở vùng Bắc Triết Giang, ngày nay là
vùng Thượng Hải, Ninh Ba, Thiệu Hưng (Cối Kê 會稽
xưa). Một loại ca kịch cổ ở vùng này vẫn còn tên là Việt Kịch 越剧.
Chữ Việt bộ tẩu này cũng là tên của tộc Nam Việt (Triệu Đà) Âu Việt và Lạc Việt
(Việt Nam ngày nay), Mân Việt (Phúc Kiến), Điền Việt (Vân Nam, Quảng Tây)… Chữ
Việt 粤 bộ mễ 米
ngày nay dùng ghi tên cư dân vùng Quảng Đông, Hồng Kong, Ma Cao… những cư dân
này sử dụng ngôn ngữ gọi là tiếng Quảng Đông (Cantonese). (Ai đến Quảng Châu
đều thấy biển xe ô tô đều bắt đầu bằng chữ 粤 là
vì vậy).
Bởi vì xưa có đến hàng trăm tộc Việt, cho nên sử sách
gọi chung là Bách Việt 百越 hoặc 百粤.
Tên gọi Bách Việt xuất hiện trong văn sách lần đầu tiên trong bộ Lã thị Xuân
Thu 吕氏春秋 của Lã Bất Vi 呂不韋
(291–235 TCN) thời nhà Tần.
Trong lịch sử Trung Hoa, toàn bộ vùng đất Giang Nam
(tên gọi vùng Nam Sông Dương Tử), rộng bảy tám ngàn dặm từ Giao Chỉ đến Cối Kê,
từ trước thời Tần Hán đều là nơi cư ngụ của các tộc Bách Việt.
Thời nhà Hạ gọi là Vu Việt 于越,
đời Thương gọi là Man Việt 蛮越
hoặc Nam Việt 南越, đời Chu gọi là Dương Việt 扬越,
Kinh Việt 荆越, từ thời Chiến quốc gọi là Bách
Việt百越.
Sách Lộ Sử của La Bí (1131 – 1189) người đời Tống viết3: Việt thường, Lạc Việt, Âu Việt, Âu ngai, Thả âu,
Tây âu, Cung nhân, Mục thâm, Tồi phu, Cầm nhân, Thương ngô, Việt khu, Quế quốc,
Tổn tử, Sản lí (Tây Song Bản Nạp), Hải quý, Cửu khuẩn, Kê dư, Bắc đái, Phó
cú, Khu ngô (Cú ngô)…, gọi là Bách Việt.
Hán Hóa Bách Việt – Giai đoạn từ thượng cổ đến trước
thời Tần-Hán
Gọi Hán hóa chỉ là để cho tiện thôi, thực ra không
đúng, vì lúc này làm gì đã có nhà Hán. Hai nước Ngô – Việt là những tộc Bách
Việt được ghi chép rất sớm trong sử sách. Nước Ngô 吴国,còn
gọi là Cú Ngô 句吴, Công Ngô 工吴,攻吾…
lập quốc vào thời Chu Vũ Vương (thế kỷ 12 TCN), kinh đô ở Tô Châu 苏州
ngày nay, từ thủy tổ là Ngô Thái Bá 吳太伯
truyền đến Phù Sai夫差 thì bị diệt vong bởi nước Việt
(473 TCN). Thực ra ghi chép sớm nhất trong sử sách là Vu Việt 于越,
tiền thân của nước Việt 越 国
thời Chiến quốc. Nước Việt đã tồn tại muộn nhất cũng từ thời nhà Thương, không
tham gia vào sự kiện Vũ Vương Phạt Trụ (1046 TCN), nhưng sử có ghi là khá lâu
trước đó đã làm tân khách của Chu Thành Vương 周成王(1132
– 1083 TCN). Nước Việt đã có một văn hóa dân tộc đặc sắc, gọi là Văn hóa Mã
Kiều 馬橋文化, mà các chứng tích đã tìm thấy
khi khai quật di chỉ Thái Hồ 太湖地區.
Nước Việt định đô ở Cối Kê 會稽
(Thiệu Hưng ngày nay) truyền đến đời Câu Tiễn句踐
(496 – 464 TCN) thì bành trướng lên phía Bắc, năm 473 TCN sau khi diệt nước
Ngô, mở rộng bờ cõi Bắc chiếm Giang Tô 江蘇,
Nam đoạt Mân Đài 閩台 (tức Phúc Kiến ngày nay), Đông
giáp Đông Hải 東海, Tây đến Hoàn Nam 皖南
(phía Nam An Huy ngày nay), hùng cứ một cõi Đông Nam. Đến năm 306 TCN, nước Sở 楚國
nhân nước Việt, triều vua Vô Cương, nội loạn, bèn liên kết với nước Tề 齊國
tiến chiếm nước Việt, đổi thành quận Giang Đông, nước Việt tuyệt diệt và bị Sở
hóa từ đó. Những sự kiện này được ghi chép tỉ mỉ trong bộ sử Ngô Việt Xuân Thu 吳越春秋 do
Triệu Diệp 赵晔 thời Đông Hán soạn (~năm 25).
Các nhà khoa học thế giới ngày nay cũng đã phục dựng đầy đủ lịch sử này, ví dụ
xem Eric Henry4.
Đến đây cần nói rõ, Sở là gốc Hoa Hạ (sau này gọi là
Hán) hay là Bách Việt, hiện còn nhiều tranh cãi. Dân Hoa Hạ (chính là tộc Hán
sau này) nhận mình là con cháu của Tam Hoàng, Ngũ Đế. Tam Hoàng thì rất thần
tiên, mơ hồ, Ngũ Đế có vẻ cụ thể hơn. Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên5 thì đó là năm chi: Hoàng Đế (黃帝),
Chuyên Húc (顓頊), Đế Cốc (帝嚳),
Đế Nghiêu (帝堯), Đế Thuấn (帝舜).
Dân nước Sở tự nhận thuộc chi Chuyên Húc, họ Cao Dương 高阳
tức là tộc Hoa Hạ (Hán). Đất nước Sở nằm ở đoạn giữa sông Trường Giang, vùng
Nam Bắc Hồ Động Đình, quen gọi là vùng Kinh Sở (Hồ Bắc – Hồ Nam của Trung Hoa
ngày nay). Vùng Kinh Sở nằm chồng lấn phía Nam lưu vực sông Hoài sông Vị của
dân Trung Nguyên Hoa Hạ. Đó là vùng đất đầu tiên mà một chi của dân Hoa Hạ (chi
Chuyên Húc) thiên di xuống. Nhà thơ Khuất Nguyên (340 – 278 TCN) người nước Sở,
mở đầu bài thơ Ly Tao đã viết6: Bá Dung nhớ cha ta thuở nọ, /Vốn dòng vua về họ Cao Dương(Nhượng
Tống dịch thơ). Trước khi con cháu Cao Dương nam thiên đến đây, dân bản địa là
tộc nào? Nước Sở lập quốc vào cuối đời Thương đầu đời Chu (1042 TCN). Sách Sử
Ký – thiên Sở Thế gia viết rằng người Sở là dân Man (Sở Man), vua Sở nhận mình
là dân Man Di7. Man là chữ người Hoa Hạ gọi
dân miền Nam không phải là Trung Hoa.
Những khai quật khảo cổ ở vùng Kinh Sở
gần đây cũng cho thấy rằng thực ra cư dân tối cổ ở vùng Kinh Sở có nguồn gốc
Tam Miêu, một dân tộc thuộc nhóm Bách Việt. Đây có thể là nhóm Âu Việt ở phía
Tây nên còn gọi là tộc Tây Âu, để phân biệt với Đông Âu là tộc Âu Việt phía
Đông, tức vùng Mân – Đài (Phúc Kiến). Tộc Tây Âu, theo các nhà dân tộc học, có
thể là tổ tiên các tộc H’mông, Lào, Miến, Thái… hiện nay, ít nhiều cũng có cùng
huyết thống người Việt Nam cổ. Như vậy là quá trình Trung Hoa hóa dân Man (Miêu
tộc bản địa) đã bắt đầu từ cuối Thương đầu đời Chu rồi. Có thể tạm gọi đó là
đợt đồng hóa thứ nhất.
Sự Trung Hoa hóa theo thế lực nước Sở, bành trướng đến
Trùng Khánh, Quý Châu, về sau sang tiếp phía Đông, trở thành một trong thất
hùng thời Chiến quốc. Đặc biệt là quý tộc Sở cổ đều có họ Hùng (熊 –
con gấu), vua Sở là Hùng Vương, phải chăng có liên hệ gì đó đến Hùng Vương ở
Việt Nam, chỉ khác chữ Hán viết 雄 –
hùng mạnh, (trong sử Trung Hoa cổ không tìm thấy ghi Hùng Vương 雄
này, có lẽ đây là do các nhà Nho Việt Nam viết lại sau này!). Tóm lại đến thời
Khuất Nguyên, rồi sau đó là lúc Sở diệt Việt phía Đông, thì Sở đã hoàn toàn
biến thành dân Trung Hoa, và quá trình Trung Hoa hóa Ngô – Việt là quá trình
đồng hóa thứ hai, tiến hành thông qua nước Sở.
Các nhà khoa học Nhật, Mỹ, đã có nhiều phát hiện,
chứng minh nền văn minh Ngô Việt sau khi nước Việt bị diệt và Trung Hoa hóa
(đúng hơn là Sở hóa), đã theo dòng người Ngô Việt chạy ra biển sang Nhật Bản
(tiếng Nhật Bản đọc Hán tự theo kiểu nước Ngô, nên gọi là ごおん-Go
On- Ngô âm 呉音). Nền văn minh đó chủ yếu theo
bộ phận tinh hoa của dân Ngô Việt chạy xuống phía Nam hợp lưu cùng Việt bản
địa, thành ra văn minh Việt kéo từ Lĩnh Nam (phía Nam dãy Ngũ Lĩnh – tức Bắc
Lưỡng Quảng ngày nay) đến Giao Chỉ. Theo phát hiện của Jerry Norman và Tsu-lin
Mei (Washington University và Cornell University) thì nhiều từ cổ của tộc Việt
nước Ngô Việt hiện vẫn thông dụng trong tiếng Việt ngày nay, ví dụ các
từ: chết; chó, đồng (trong đồng cốt), sông, khái (hổ), ngà (trong ngà
voi), con (trong con cái), ruồi, đằm (trong đằm ướt), sam (con sam), biết; bọt
, bèo…8 Điều này chứng tỏ rằng dân
Lạc Việt ít nhiều có cùng huyết thống với dân Ngô Việt xưa. (Xem bản đồ).
Hán hóa Bách Việt- Giai đoạn sau thời Tần-Hán
Cho đến trước khi Tần Thủy Hoàng diệt được sáu nước,
dẹp bỏ nhà Chu, thống nhất Trung Hoa (221 TCN) thì dân Hoa Hạ (Hán tộc) chỉ
chiếm lãnh và đồng hóa được dải đất từ Hoàng Hà xuống đến Ngũ Lĩnh9, còn từ Ngũ Lĩnh trở về Nam (Lưỡng Quảng, Giao Chỉ,
Hải Nam… gọi tắt là Lĩnh Nam) thuộc về Âu Việt (gọi chung Tây Âu và Đông Âu) và
Lạc Việt. Từ Kinh Sở trở về Tây, Tây Nam (Vân Nam) vẫn còn thuộc về Điền Việt,
Tây Âu, Đại Lý…
Vùng Bách Việt phía Tây Nam này (Vân Nam) thì mãi đến
thế kỷ 12 còn độc lập, dù người Hán có tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm
chiếm lẻ tẻ. Chỉ sau khi Mông Cổ chiếm Đại Lý (1253), Vân Nam, rồi sau đó chiếm
nốt Trung Hoa, lập ra nhà Nguyên, thì Vân Nam mới nhập vào Trung Hoa. Năm 1381,
Minh Thái Tổ mới bình định xong Vân Nam và cuộc Hán hóa hoàn tất rất nhanh.
Ngày nay hơn 61% cư dân Vân Nam là người Hán.
Vùng Lĩnh Nam chiếm làm đất Trung Hoa từ thời Tần –
Hán, nhưng quá trình Hán hóa thì khá khó khăn và cho đến nay vẫn chưa xong hết
(!). Cổ sử Trung Hoa chép thì Lĩnh Nam có nhiều bộ tộc Việt lập quốc như Tây
Âu, Lạc Việt… có nước Dạ Lang (nhưng không thấy chép Văn Lang!). Âu và Lạc10 là một tộc Việt hay là hai tộc Việt khác
nhau, cho đến tận ngày nay vẫn còn tranh cãi. Sách “Hoài Nam Tử” (139 TCN) thì
chỉ viết có Tây Âu11 không có nói đến Lạc chỗ
nào cả. Sách “Sử Ký” (94 TCN) muộn hơn một ít thì cũng có viết Âu, không tìm
thấy chữ Lạc đứng riêng một mình, mà luôn luôn chỉ có chép Âu Lạc liền nhau12. Tuy nhiên trong Lã thị Xuân Thu (291–235 TCN) sớm
nhất thì có chép” Việt Lạc-越骆”13. Việt Lạc rất có thể chính là nước Lạc Việt trong
sử sách sau này, Việt Lạc là ghi âm trực tiếp từ ngôn ngữ người Việt, theo ngữ
pháp Việt, còn sau này ghi Lạc Việt là ghi chép qua thông dịch sang Hán Ngữ,
theo ngữ pháp Hán.
Luận theo sử sách chép, có thể thời tiền Tần thì Âu và
Lạc là hai chi Việt khác nhau. Thời kỳ chiến đấu chống lại Tần thì có thể hai
chi Việt này liên minh lại với nhau thành một khối Âu Lạc. Lúc đó trung tâm là
ở Nam Trung Hoa, vùng Vũ Minh Mã đầu (Nam Ninh – Quảng Tây ngày nay). Chỉ sau
khi Hán Vũ Đế bình Nam Việt của Triệu Đà thì hai chi này mới lại phân chia ra,
và trung tâm di về vùng quanh Hà Nội ngày nay.
Đồng thời với nước Lạc Việt có nước Tây Âu hay Âu Việt
mà người đứng đầu trong sử chép là Thục Phán. Tuy nhiên Âu Việt lập quốc lúc
nào và Thục Phán từ đâu ra thì sử sách không ghi rõ. Rất nhiều ý kiến cho rằng
Thục Phán là hậu duệ của vương triều nước Thục. Quả thực sử có chép một quốc
gia tên là Thục Quốc, ở Tây Nam Trung Hoa ngày nay. Thường Cừ (347)người
đời Tấn viết trong Sách “Hoa Dương Quốc Chí”14: “Nước Thục
Đông giáp nước Ba, Nam giáp Việt, Bắc phân giới với nước Tần, Tây tựa Nga Ba”.
Vị trí địa lý như vậy nên cư dân ở đây bao gồm người Khương, người Việt, người
Hoa Hạ. Dòng họ Khai Minh làm vua nước Thục, truyền được 12 đời, đến năm 316
TCN đời Chu Thận Vương thì bị nhà Tần diệt15, hậu duệ chạy
về phương Nam. Sử chép đến đây thì đứt đoạn, không nói gì tiếp. Cho nên về sau
nói Thục Phán là hậu duệ Khai Minh thị, cha Thục Phán là Khai Minh Chế chiếm
lưu vực Diệp Du Thủy (tức thượng nguồn sông Hồng)16, xưng là An Tri
Vương vua nước Tây Âu, sau truyền ngôi cho con là Phán, cũng chỉ là một giả
thuyết, chép lại theo truyền thuyết của tộc dân Đại Y17.
Lúc này cũng là thời kỳ theo truyền thuyết là có nước
Văn Lang ở phía trung và hạ lưu sông Hồng (trong cổ sử Trung Hoa không có tên
nước Văn Lang, chỉ có tên một nước là Dạ Lang, liệu có liên quan đến Văn Lang
không?), do dòng họ Hùng làm vua. Việc Thục Phán là hậu duệ nước Thục, cũng như
nước Văn Lang có vua Hùng trị vì 18 đời trong sử An Nam là ghi lại theo truyền
thuyết. Tuy nhiên Thục Vương Tử tên Phán, Hùng Vương vua Lạc Việt, Thục diệt
Hùng Vương chiếm lãnh thổ, xưng là An Dương Vương thì có ghi trong sử cổ Trung
Hoa từ đầu Công nguyên.
Theo quyển “Việt sử lược”18, của tác giả không rõ tên, có lẽ là người Việt Nam
khắc in ở Trung Hoa vào quãng cuối Nguyên đầu đời Minh (~1360), có viết về nước
Văn Lang, vua là Đối Vương 碓王,
sau bị Thục Phán đánh đuổi, Phán xưng là An Dương Vương.
Sách cổ “Thủy kinh chú” dẫn lại lời ghi trong
“Giao
châu ngoại vực ký” rằng19 “… Thục Vương Tử dẫn binh tướng ba vạn đánh
lại Lạc Vương 雒王, Lạc hầu 雒侯, thu phục các Lạc Tướng. Rồi đó
Thục Vương Tử xưng là An Dương Vương”. Sách “Cựu Đường thư” dẫn lại “Nam Việt
chí” chép20 “Đất Giao Chỉ vô cùng màu mỡ, xưa có vua xưng là
Hùng Vương 雄王, có Lạc hầu phò tá. Thục Vương
Tử dẫn quân tướng ba vạn tiến đánh, diệt được Hùng Vương. Thục xưng làm An
Dương Vương, cai trị Giao Chỉ”.
Như vậy thì sử sách có ba tên gọi cho vua nước Lạc
Việt: Lạc Vương, Hùng Vương, Đối Vương. Có nhiều ý kiến cho rằng ba tên gọi này
là một, chính là Lạc Vương, các tên khác do về sau sao chép nhầm chữ Lạc 雒
của Hán ngữ mà thành21. Dầu sao thì cũng có hai lý
giải về truyền thuyết danh xưng Hùng Vương, một là dòng dõi họ Hùng Vương nước
Sở, hai là Lạc Vương vua của dân Lạc Việt. Dù tên tuổi đúng sai thế nào, thì
Hùng Vương không chỉ thuần túy là truyền thuyết của Việt Nam, mà cũng có ghi
trong cổ sử Trung Hoa. Nhân vật Thục Phán tuy nguồn cội chưa xác định, nhưng cũng
có thật, đánh chiếm Lạc Việt lập nên nước Âu Lạc xưng là An Dương Vương cũng là
có thật, có ghi trong chính sử không chỉ của Việt Nam22.
Tần diệt Sở, rồi đánh chiếm Lĩnh Nam, Đô Úy Triệu Đà
được Tần cắt cử quản lĩnh Quế Lâm, Tượng Quận. Nhân khi nơi nơi nổi lên chống
Tần, năm 204 TCN Triệu Đà bèn chiếm Lĩnh Nam lập nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên
Ngung (Quảng Châu) và đánh chiếm Âu Lạc. Sách “Giao Châu ngoại vực ký”
chép: “Nam Việt Vương Úy Đà cử binh đánh
An Dương Vương. An Dương Vương có thần nhân Cao Thông phù tá, chế ra nỏ thần
cho An Dương Vương, một phát giết được ba trăm mạng”23. Sách “Thái Bình Ngự Lãm” dẫn “Nhật Nam truyện” còn chép phóng đại hơn,
nỏ một phát giết ba vạn người và còn kể tỉ mỉ chuyện tình Mỵ Châu Trọng Thủy,
chuyện mất nỏ thần, dẫn đến An Dương Vương thất bại24.
Nước Âu Lạc từ đó nhập vào nước Nam Việt25.
Triệu Đà lập nước Nam Việt năm 203 TCN, giữ độc lập
với nhà Hán được 92 năm, truyền 5 đời vua, đến đời Triệu Kiến Đức và thừa tướng
Lữ Gia26 thì mất nước vào tay Hán Vũ Đế năm 111 TCN.
Một dải Lĩnh Nam và Đông Hải bị Hán chiếm và Hán hóa kéo dài hơn ngàn năm,
ngoại trừ Lạc Việt, còn lại hoàn toàn trở thành Hán. Lạc Việt, sau hơn 1000 năm
nô lệ và Hán hóa, vẫn giữ được bản sắc và nền văn minh Việt, cuối cùng thì
giành được độc lập và trở thành Đại Cồ Việt, Đại Việt, Nam Việt và Việt Nam đến
tận ngày nay. Đó là một trường hợp duy nhất mà Trung Hoa không thể Hán hóa được.
Vì sao Đại Việt không bị Hán hóa?
Đồng hóa dân tộc (national assimilation) gồm:
1 – Đồng hóa tự nhiên: đây là một xu hướng tự nhiên
trong tiến trình lịch sử loài người.
2 – Đồng hóa cưỡng chế: sự cưỡng bức một dân tộc bị
trị chấp nhận ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán của dân tộc thống trị;
đây là một tội ác.27
Người Hán đã thực hiện cả hai biện pháp đồng hóa này
hơn một ngàn năm mà Đại Việt vẫn không bị đồng hóa, người Trung Hoa ngày nay
tìm mọi lý lẽ để biện minh nhưng chính họ cũng không thấy thuyết phục lắm.
Chẳng hạn:
§ Việt
Nam ở xa Trung Nguyên, núi sông cách trở không tiện đồng hóa. Phản bác lại: Tại
sao Vân Nam cũng xa, núi sông cách trở hơn nhiều mà chỉ trong mấy trăm năm đã
bị đồng hóa hoàn toàn.
§ Việt
Nam ở phương Nam, nóng ẩm, người Hán không ở được. Thế tại sao Hải Nam cũng như
vậy mà lại ở được, đồng hóa xong rồi.
§ Tại
vì số lượng người Hán di dân xuống Việt Nam ít. Thực ra, không có bằng chứng
nào là ít hơn Hải Nam, Vân Nam cả. Chỉ riêng số quan lại cai trị và số quân
chiếm đóng trong hơn một ngàn năm, cũng không ít hơn số dân bản địa. Chỉ có thể
hiểu người Hán ở đây đã bị Việt hóa. Cũng có ý kiến cực đoan bênh vực, nói rằng
thực ra đã Hán hóa dân Việt rồi nhưng từ sau năm 1945, Việt Nam đã thanh lọc
lại hết!
Cũng có một số kiến giải của người Trung Hoa bình
thường ngày nay, xem ra cũng ít nhiều có lý, ví như:
§ Người
Kinh có ba nguồn gốc: Người Lạc Việt, Người Thục, Người Hán. Do vậy người Kinh
hấp thụ được tinh hoa của ba chủng tộc nên trở thành một tộc người ưu tú.
§ Người
Hán ở Việt Nam kể cả các tầng lớp cai trị không đồng hóa được người Kinh, trái
lại bị đồng hóa ngược trở thành người Việt. Người Kinh là một tộc người có năng
lực đồng hóa mạnh, bằng nếu không nói là còn hơn người Hán. Hãy xem họ mở rộng
về phía Nam thì rõ.
Nhưng đó chỉ là những lý do bề ngoài mà những người
bình thường có thể nhận thấy được. Thực ra, theo các nhà chuyên môn, đồng hóa
dân tộc là một vấn đề khoa học lớn, rất nhạy cảm và vẫn chưa có được một lý
thuyết nào đứng vững cả, vì vậy tạm thời không bàn đến lý luận trong bài này.
Thông thường đồng hóa dân tộc là một sự tổng hòa gồm:
§ Đồng
hóa chủng tộc, thường được thực hiện bằng một cuộc chinh phục và kẻ chinh phục
hoặc diệt chủng dân bị chinh phục, hoặc xua đuổi dân bị chinh phục để thay thế
bằng cư dân của phía chinh phục, hoặc pha loãng huyết thống.
§ Đồng
hóa về văn hóa, tín ngưỡng.
§ Đồng
hóa về tổ chức cộng đồng, xã hội.
(Về vấn đề Văn
Hóa, Ngôn Ngữ, Tín Ngưỡng, đều là những yếu tố bảo tồn dân tộc Việt, xin dành
cho bài sau).
Sự
đồng hóa dân tộc sẽ khó được thực hiện.
1.
Nếu một dân tộc có sức sống sinh học và xã hội mãnh
liệt thì sự đồng hóa chủng tộc khó thành công, ví dụ điển hình là dân tộc Do
Thái.
2.
Đồng hóa về văn hóa, tín ngưỡng phụ thuộc vào trình độ
văn minh của dân tộc. Một dân tộc mạnh về chinh chiến, có thể chiến thắng trong
cuộc chinh phục, nhưng nếu trình độ văn minh thấp hơn thì sẽ bị kẻ bại trận
đồng hóa, điển hình như tộc Hung Nô, Nữ Chân, Mãn Châu… đều chiến thắng người
Hán nhưng lại bị Hán hóa.
3.
Khi một cộng đồng dân tộc có tổ chức tốt, cố kết các
thành viên bền chặt, thì dân tộc đó rất khó bị đồng hóa.
Nhìn lại thì thấy người Việt (người Kinh) có đủ cả ba
yếu tố 1,2,3: Người
Kinh hiện nay là nơi tập hợp các thành phần ưu tú nhất của Bách Việt,
bởi lẽ khi Bách Việt bị Hán hóa, các thành phần ưu tú, tinh hoa trong xã hội
Việt là mục tiêu tàn sát của người Hán, do đó các thành phần này phải tháo
chạy, và nơi dung nạp họ là mảnh đất cuối trời Bách Việt, tức Việt Nam ngày
nay. Hãy xem thí dụ về ngôn ngữ Ngô Việt còn lưu lại trong tiếng Việt (như đã
nói ở trên), đó là một bằng chứng cho sự dịch chuyển của người Ngô-Việt xuống
đây. Vì vậy tộc người Kinh có sức sống mãnh liệt.
Tinh
hoa của văn minh Bách Việt được cô đọng lại ở người Kinh, chắc chắn không kém
nền văn minh Hoa Hạ. Người Việt dù không có văn tự riêng (hay có mà bị
xóa sạch sau ngàn năm nô lệ) nhưng vẫn phát triển và bảo tồn được ngôn ngữ dân
tộc, dù phải mượn Hán Ngữ để ghi chép, thì thật là một kỳ tích, chẳng kém gì
người Do Thái vẫn giữ được tiếng Do Thái dù bị diệt chủng và xua đuổi hai ngàn
năm.
Tổ
chức xã hội của tộc Việt, điển hình là làng xã đã cố kết cộng đồng rất chặt. Tổ
chức nhà nước cũng có rất sớm, từ thời Chiến quốc, do đó rất khó phá
vỡ, nó tồn tại dấu tích sau khi khi đã độc lập. Hãy nhớ đến Hội Nghị Diên Hồng
thời Trần để thấy tinh thần của tổ chức xã hội gắn kết người dân với triều đình
chặt chẽ đến mức nào. Ngay cả một vương triều thất thế, bị truy đuổi như Triều
Mạc, cũng không bán rẻ đất nước cho ngoại bang. Năm 1594, Mạc Ngọc Liễn chiếm
giữ Vạn Ninh, trước khi chết để di chúc cho Mạc Kính Cung: “Nay vận khí nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục
hưng, đó là số trời, dân ta vô tội mà để phải mắc nợ binh đao, sao lại nỡ thế…
Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau
khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”28.
Quân Minh đầu TK 15 cũng khó mà có thể chiếm được Đại
Việt làm quận huyện nếu không có những nhóm quý tộc như nhóm Mạc Thúy, vì quyền
lợi riêng bán rẻ dân tộc cho người Minh. Nên biết Mạc Thúy là hậu duệ của danh
nhân Mạc Đĩnh Chi, một đại thần nhà Trần… Nhà Thanh không thể chiếm Thăng Long
nếu không có vua quan bán nước Lê Chiêu Thống, tiếc thay y lại là dòng dõi của
anh hùng dân tộc Lê Lợi…
Than ôi! truyền thống thì hào hùng rực rỡ, tổ tiên
phải đổ bao mồ hôi, xương máu mới có, nhưng bán rẻ nó đi thì thật dễ dàng. May
sao tự ngàn xưa số những kẻ bán rẻ dân tộc như vậy là vô cùng nhỏ trong cộng
đồng người Việt.
Người viết bài này xin bày tỏ lời cảm ơn
nhà Hán học, dịch giả Trần Đình Hiến về những thảo luận, góp ý quý giá cho phần
dịch các đoạn trích trong các sách sử cổ viết bằng văn ngôn trên đây.
———————-
CHÚ DẪN
CHÚ DẪN
1.
为什么经历了一千多年的统治,中国始终不能同化越南?“Vì
sao đã thống trị Việt Nam hơn ngàn năm mà cuối cùng Trung cộng vẫn không thể
đồng hóa Việt Nam?”. http://bbs.tianya.cn/post-no05-226522-1.shtml 越南人(京族)为何难以同化 “
Người Việt Nam (tộc người Kinh) vì sao mà khó đồng hóa như vây?” http://lt.cjdby.net/thread-1440161-1-1.html
2.
Có học giả Việt đương thời theo tự dạng vội suy đoán
rằng viết như vậy có lẽ chỉ tộc người vác rìu đi (chạy) săn và tộc người
trồng lúa trong ruộng. Chứng tỏ thời bấy giờ tộc Việt thuộc văn minh săn bắn và
trồng trọt. Có lẽ không phải đơn giản như vậy. Khảo sát lịch sử văn tự thì thấy
rằng Việt 越 và Việt粵
âm đọc giống nhau, “Sử ký” viết là 越,
“Hán thư” viết là 粤. Âm đọc 粤 là
từ âm đọc của chữ Vu 于, người cổ đọc 越 là于.
Vu 于 viết theo lối chữ triện 篆 là
亏, hài thanh là chữ vũ 雨-mưa,
viết lên trên thành 雩. Trong “Hán Thư” còn tồn nhiều
chữ cổ, nên chữ Việt 越 đều cải viết thành雩,
sau theo lối chữ lệ 隶, chữ khải 楷
mới viết thành ra 粤, tức biến hóa hình chữ vũ 雨
đặt trên chữ Vu亏.
3.
“路史” 罗泌
(1131—1189) 宋朝 : 越裳, 雒越, 瓯越瓯皑,
且瓯, 西瓯, 供人, 目深, 摧夫, 禽人, 苍梧, 越区, 桂国, 损子, 产里(西双版纳), 海癸, 九菌, 稽余, 北带,仆句, 区吴(句吳), 是谓百越。
4. http://www.sino-platonic.org/complete/spp176_history_of_yue.html The
Submerged History of Yuè. By Eric Henry, University of North Carolina
5.
史記-司馬遷
(145 – 86 TCN)
6.
屈原在《离骚: 帝高阳之苗裔兮,朕皇考曰伯庸-
Ðế Cao Dương chi miêu duệ hề, Trẫm hoàng khảo viết Bá Dung.
7.
《史记.楚世家》记载: “封熊绎于楚蛮-
phong Hùng Dịch ư Sở Man “, “ 熊渠曰: 我蛮夷也不与中国之号谥-
Hùng Cừ nói: Ta là dân man di, không cùng hiệu, thụy của Trung cộng. Hùng Dịch
(~1006 TCN) là vua lập ra nước Sở, Hùng Cừ (~877 TCN) là vua Sở về sau. Sở Man
là tên nhà Thương, Chu gọi dân Kinh Sở bản địa, Man tức là Man Việt, tên tộc
Việt thời nhà Thương.
8. Jerry Norman and Tsu-lin Mei,
Monumenta Serica, Vol. 32 (1976), pp.274-301, Published by: Taylor &
Francis, Ltd.
9. 五岭 Ngũ Lĩnh-dãy núi phía Nam
Trung Hoa chạy qua biên giới các tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông,
có năm đỉnh cao (Ngũ lĩnh) là 越城 (Việt Thành)、都庞 (Đô Lung), 萌渚 (Manh Chử), 骑田 (Kỵ Điền), 大庾(Đại Dữu).
10.
Chữ Lạc có nhiều cách viết, đều đọc là Lạc. Hai chữ 雒,骆 thường dùng như nhau để chép
Lạc Việt trong sách cổ. Tiếng Bắc Kinh đọc là Luo, Quảng Đông đọc lok, Đời
Đường đọc lak. Nhiều học giả cho rằng nguồn gốc chữ Lạc là do người Hán ghi âm
chữ Lúa, Ló của người Việt, người Mường mà ra. Người Việt là tộc người có nền
văn minh lúa nước.
11.
《淮南子·人间训:“(秦皇)又以卒凿渠而通粮道,以与越人战,杀西呕君译吁宋。Hoài
Nam Tử. Nhân gia huấn: (Tần Hoàng) cho quân đào kênh thông đường vận lương, rồi
đánh người Việt, giết được vua Tây Âu là Dịch Hu Tống”.
12.
《史记·南越列传》赵佗上呈汉文帝的“谢罪书”:“且南方卑湿,蛮夷中间,其东闽越千人众号称王,其西瓯骆裸国亦称王。”
Triệu Đà dâng thư tạ tội với Hán Văn Đế: “ đất phương Nam thấp, ẩm ướt. Trong
các tộc man di ở đây, (chỉ dám) xưng vương phía Đông với dân Đông Âu vài ngàn
khẩu, phía Tây với nước Âu Lạc khỏa thân (ý nói đóng khố cởi trần).
13.
《吕氏春秋·孝行览·本味篇》:“和之美者:阳朴之姜,招摇之桂,越骆之菌。”高诱注:“越骆,国名。菌,竹笋。”
Lã thị Xuân Thu-Hiếu hạnh lãm, bản vị thiên:” Những thứ hoàn mỹ là
gừng Dương Phác, quế Chiêu Diêu, Khuẩn (Măng) Việt Lạc” Cao Dụ chú giải:” Việt
Lạc là tên nước, Khuẩn là măng tre”.
14.
常璩(347)华阳国志-(卷三蜀志):
Thường Cừ, “Hoa Dương Quốc Chí” (quyển 3-Thục Chí): “历夏、商、周,武王伐纣,蜀与焉。其地东接于巴,南接于越,北与秦分,西奄峨嶓。”
Trải qua Hạ, Thương, Chu,Vũ Vương phạt Trụ, cùng có nước Thục. Nước đó đông
giáp nước Ba, nam giáp nước Việt, bắc phân giới với Tần, Tây dựa Nga Ba” (vì
vậy cư dân ở đây có thể là người Khương, Hoa Hạ và Việt-TGN).
15.
“华阳国志·蜀志:“周慎王五年秋,秦大夫张仪、司马错、都尉墨等从石牛道伐蜀,蜀王自于葭萌拒之,败绩。王遁走,至武阳为秦军所害,其相、傅及太子退至逢乡,死于白鹿山。开明氏遂亡,凡王蜀十二世
““Hoa Dương Quốc Chí, thiên Thục Chí”: “Mùa thu đời Chu Thận Vương thứ năm, các
Đại Phu nhà Tần là Trương Nghi, Tư Mã Thác, Đô úy Mặc v.v theo đường Thạch Ngưu
tiến phạt Thục. Thục Vương thân cùng Gia Mạnh cự địch, bị thất bại. Vương tháo
chạy đến Vũ Dương thì bị quân Tần hại, Thái tử thoái lui về và chết tại núi
Bạch Lộc. Dòng họ Khai Minh, truyền được 12 đời, đến đây bị diệt”. Vũ Dương nay
là huyện Bành Sơn,Tứ Xuyên.
16.
叶榆水
17.
岱依人
18.
《越史略》卷一载:“周庄王时嘉宁部有异人焉,能以幻术服诸部落,自称碓王,都于文郎,号文郎国。以淳质为俗,结绳为政,传十八世,皆称碓王。越勾践尝遣使来谕,碓王拒之。周末为蜀王子泮所逐而代之。泮筑城于越裳,号安阳王,竟不与周通。”
.: Việt sử lược: “thời chu Trang Vương, ở Gia Ninh bộ có người tài, dùng xảo
thuật thu phục được các bộ lạc, tự xưng là Đối Vương, đô ở Văn Lang, nước là
Văn Lang. Tục lệ thuần hậu, chính sự nghiêm chỉnh, truyền 18 đời, đều xưng là
Đối Vương. Việt Vương Câu Tiễn đã từng đến dụ, Vương đều từ chối. Vào cuối đời
nhà Chu bị Thục Vương Tử tên là Phán đánh đuổi, thay thế trị vì. Phán xây
thành Việt Thường, hiệu là An Dương Vương, tuyệt giao với nhà Chu”.
19.
《水经·叶榆水注》中注引《交州外域记》云:“交趾昔未有郡县之时,土地有雒田,其田从潮水上,民垦食其田,因名为雒民。设雒王、雒侯主诸郡县。??后蜀王子将兵三万来讨雒王、雒侯,服诸雒将。蜀王子因称为安阳王。Sách
“Thủy Kinh.Diệp Du Thủy chú”, dẫn theo “Giao Châu Ngoại Vực Ký” viết rằng: Giao
Chỉ thời chưa có quận huyện, đất đai thì có Lạc điền, nước ruộng lên xuống theo
triều, dân làm ruộng sinh sống, nên gọi là Lạc dân. Thiết đặt Lạc Vương, Lạc
hầu cai quản các quận huyện. ?? về sau Thục vương tử xua quân tướng ba van đánh
Lạc Vương, Lạc Hầu, thu phục các Lạc Tướng. Thục vương tử xưng là An Dương
Vương.
20.
《旧唐书·地理志》则引《南越志》云:“交趾之地,最为膏腴,旧有君长曰雄王,其佐曰雄侯。后蜀王将兵三万讨雄王,灭之。蜀以其子为安阳王,治交趾。Sách
“Cựu Đường Thư” dẫn lại “Nam Việt Chí” viết rằng: Đất Giao Chỉ rất mầu mỡ, xưa
có vua gọi là Hùng Vương, phò tá là các Hùng Hầu. Về sau ba van quân tướng của
Thục vương đánh bại Hùng Vương. Con của Thục Vương xưng là An Dương Vương, cai
trị Giao Chỉ.
21.
So sánh các sách thì “Giao Châu ngoại vực ký” là
cổ nhất, ít nhất là trước đời Ngụy Tấn (TK3), “Nam Việt Chí” soạn sau thời Bắc
Ngụy, còn “Việt sử lược” có lẽ soạn thời Hồng Vũ (~1358) nhà Minh sau này. Quân
Vương của nước Lạc Việt theo sách cổ nhất (“Giao châu ngoại vực
ký”) ghi là Lạc Vương 雒王, sách về sau (Việt sử lược, Nam
Việt chí) thì ghi là Đối Vương 碓王,
Hùng Vương 雄王. Một số học giả Trung Hoa và
Quốc tế ngờ rằng ba chữ 碓, 雄, 雒
(bộ thủ “chuy 隹 “) nguyên chỉ là chữ 雒
(Lạc) do mấy trăm năm sau sao chép nhầm phần các chữ ghép (chữ các 各thành
chữ thạch 石 hay chữ quăng 厷)
mà ra. Tuy nhiên nhiều học giả Viêt Nam không nhất trí, vì cho rằng các nhà Nho
Việt Nam ngày xưa đều rất uyên thâm, khó mà lầm lẫn được. Ai cũng có lý cả!
22.
Các sách của Việt Nam có nói đến Hùng Vương, An Dương
Vương cổ nhất như Lĩnh Nam Chích Quái 嶺南摭怪,
Việt Điện U Linh Tập 粵甸幽靈集 hay Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書
thì cũng soạn vào thời Trần, muộn hơn nhiều so với các sách của Trung Hoa như
Giao Châu Ngoại Vực Ký 交州外域记, Thái Bình Ngự Lãm 太平御览.
Cho nên các sự tích và tên tuổi như Hùng Vương, An Dương Vương… chắc là chép
lại từ sách Trung Hoa, vì Việt lúc đó không có chữ viết… Tất nhiên, cũng không
loại trừ có những ý kiến khác.
23.
《交州外域记: “南越王尉佗举众攻安阳王。安阳王有神人皋通,下辅佐,为安阳王治神弩一张,一发杀三百人”:
Nam Việt Vương Úy Đà cử binh đánh An Dương Vương. An Dương Vương có thần nhân
Cao Thông xuống phù tá, chế ra nỏ thần cho An Dương Vương, một phát giết được
ba trăm mạng”.
24.
《太平御览》卷348:《日南傳》曰:一發萬人死,三發殺三萬人。佗退,遣太子始降安陽。安陽不知通神人,遇無道理,通去。始有姿容端美,安陽王女眉珠悅其貌而通之。始與珠入庫盜鋸截神弩,亡歸報佗。佗出其非意。安陽王弩折兵挫,浮海奔竄:
“Thái Bình Ngự Lãm, quyển 348 dẫn “Nhật Nam Truyện” viết:.. một phát giết vạn
người, ba phát giết ba vạn người. Đà lui, sai thái tử Thủy hàng An Dương. An
Dương không biết Thông là thần nhân, thấy (vua) không hiểu đạo lý, Cao Thông
bèn bỏ đi. Thủy có tư dung đoan mỹ, con gái An Dương Vương là Mỵ Châu vì thích
y đẹp mà xiêu lòng. Thủy sai Châu vào kho cưa đứt nỏ thần rồi về nước báo tin.
Đà liền xuất kỳ bất ý (tiến đánh). An Dương Vương nỏ gãy binh tan, trốn chạy ra
biển. (Thái Bình Ngự Lãm là sách soạn vào thời Bắc Tống (977 -984), trích dẫn
“Nhật Nam Truyện” thì chắc là còn cũ hơn. “Nhật Nam Truyện” hình như đã thất
truyền, chỉ thấy trích dẫn lại ở sách này-TGN).
25.
Người viết bài này đã đến thăm và khảo sát khá kỹ Bảo
Tàng Nam Việt Vương ở Quảng Châu. Bảo tàng xây trên khu lăng mộ của Triệu Mô,
vua kế vị Triệu Đà (Thủy chết sớm, Mô là con Thủy thay). Ngôi mộ được phát hiện
năm 1983, hầu như còn nguyên vẹn, đồ tạo tác rất kỳ vĩ, tinh xảo chứng tỏ trình
độ văn minh của người Việt lúc đó khá cao, nếu không nói là hơn hẳn người Hán.
Xem bảo tàng thấy các cổ vật trưng bày như thạp đồng, trống đồng, vũ khí… giống
in và còn phong phú hơn nhiều so với Bảo Tàng Lịch Sử quốc gia Việt Nam giai
đoạn lịch sử đó.
26.
Lữ Gia, Thừa tướng nắm quyền hành của nước Nam Việt,
chống lại nhà Hán, thua trận bị chém chết. Lữ Gia và người ở Quận Cửu
Chân (Thanh Hóa ngày nay), lăng mộ và đền thờ hiện còn ở Ân Thi, Hưng Yên
27.
Nguyễn Hải Hoành: Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa
sau 1.000 năm Bắc thuộc? – http://nghiencuuquocte.org/2015/09/07/viet-nam-khong-bi-dong-hoa-1000-nam-bac-thuoc/#sthash.0FZriY2F.dpuf.
28.
Đại Việt sử ký toàn thư – NXB VHTT năm 2000, tập 3,
trang 294.
Nguồn: