30.09.2016

Tây Tiến Vào Trung Á - Hùng Tâm

Tây Tiến Vào Trung Á

Cuộc Vạn Lý Trường Chinh Của Bắc Kinh Qua Con Đường Tơ Lụa….

Hùng Tâm (Hồ Sơ Người-Việt)

* Trung Á giữa các đại cường * 

Hôm Thứ Hai 26 vừa qua, Bắc Kinh thông báo kế hoạch xây dựng một loạt tiền đồn cho Cộng hòa Tajikistan trên vùng biên giới giữa xứ này với Afghanistan. Kế hoạch này khai triển cuộc “vạn lý trường chinh” của Bắc Kinh vào Trung Á: đầu năm nay, Trung cộng hoàn tất tiền trạm quân sự cho Chính quyền Tajik và nói tới việc thành lập một trung tâm chống khủng bố tại thủ đô Dushanbe và sau nhiều cuộc thao dượt quân sự với Kyrgyzstan, Tháng Tám vừa qua đã hoàn tất quy chế hợp tác tay tư với ba nước Trung Á là Afghanistan, Pakistan và Tajikistan.

Hồ Sơ Người-Việt tìm hiểu về động thái mới của Bắc Kinh vào một khu vực hiểm trở còn xa xôi hơn vùng đất xưa kia họ gọi là Tây Vực….


TRUNG Á GIỮA NGA TẦU

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, khu vực Trung Á rộng bốn triệu cây số vuông – gần bằng cả Liên Âu ngày nay - ở biên giới miền Tây của Trung cộng là vùng biên vực mới. Nơi đây có nhiều tài nguyên khoáng sản mà cũng là một thị trường hơn 60 triệu dân cho kinh tế Trung cộng. Nhưng dù có ham muốn tiềm năng kinh tế, Bắc Kinh chưa có thực lực quân sự để bảo vệ và không thể quên vai trò lịch sử của Đế quốc Nga trên khu vực này.

Vì vậy, Trung cộng thận trọng tiến hành chiến lược hợp tác kinh tế và quân sự với năm nước Cộng hòa Trung Á là Kazahkstan, Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan và Kyrgyzstan. Chữ “stan” có nghĩa là “đất của”: Kazahkstan là đất của dân Kazahk, Uzbekistan là đất của dân Uzbek v.v…. Dù bị suy yếu sau khi giành lại độc lập, năm xứ này vẫn giữ quan hệ an ninh với Liên bang Nga, là cường quốc kế thừa di sản Liên Xô. Họ không muốn là chư hầu, mà cũng chẳng muốn gây mâu thuẫn với Moscow, cho nên hợp tác với Bắc Kinh trong tinh thần cân bằng và cẩn trọng.

Chúng ta không nên quên khung cảnh tay ba, giữa Nga, Tầu và các nước Trung Á, trong một khu vực hoang vu bát ngát mà thật ra còn lạc hậu vì chưa được khai thác ở giữa đại lục Âu-Á.

Nhìn vào địa dư Trung cộng, cái xứ rộng lớn tới 10 triệu cây số vuông có một nhược điểm tiền định. Miền Đông gần biển của họ tương đối trù phú đã phát triển mạnh nhờ kỹ nghệ chế biến và ngày càng muốn hướng ra ngoài. Miền Tây rộng gấp ba, với dân số chừng phân nửa, là vùng đất bị khóa trong lục địa, khó thông thuơng ra ngoài, bị khiếm khai và lạc hậu. Đã vậy, khu vực nội địa này còn trùm lên đất Tân Cương và Tây Tạng mà Hán tộc đã chiếm đoạt của người Hồi, người Tạng, nên cũng có những bất ổn nội tại, trong ruột gan.

Đặc biệt là đất Tân Cương của sắc tộc Đột Quyết theo Hồi giáo (hay Duy Ngô Nhĩ theo cách gọi mới, phiên âm từ Uighur) còn tiềm ẩn nguy cơ khủng bố Hồi giáo và là trung tâm xuất phát các đợt bạo động và tấn công nhắm vào khu vực sinh hoạt của Hán tộc ở bên ngoài, từ thủ đô Bắc Kinh tới thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam. Vì vậy, chiến lược “Tây Tiến” của Bắc Kinh vào Trung Á, cũng hoang vu hiểm trở như khu vực nội địa nghèo nàn của Trung cộng, còn có mục tiêu an ninh: kiểm soát được Trung Á là ngăn ngừa khủng bố xâm nhập Tân Cương.

Và nhìn toàn cảnh toàn cầu từ quan điểm của Bắc Kinh, việc khống chế được Trung Á còn có thể cân bằng được kế hoạch be bờ chặn cửa của Hoa Kỳ và Nhật Bản tại biển Đông. Nhưng Trung Á cũng là sân sau của nước Nga. Vào không khéo thì sẽ xảy ra mâu thuẫn Nga-Hoa!

Thế mạnh của Bắc Kinh là kinh tế.

Từ năm 2008, lượng giao dịch giữa Trung cộng với năm nước Trung Á đã vượt qua lượng giao dịch của Liên bang Nga với các chư hầu cũ. Lượng giao dịch đó gồm có ngoại thương lẫn đầu tư. Từ năm 2013, khi Bắc Kinh thông báo kế hoạch xây dựng “Con Đường Tơ Lụa Mới” gồm có nhất đới nhất lộ thì “nhất đới” là vành đai kinh tế trên lục địa, nối liền các tỉnh bên trong với Trung Á để sẽ trổ tới Trung Đông và Âu Châu… Vành đai ấy gồm có xa lộ, thiết lộ, và các ống dẫn dầu dẫn khí sẽ do Bắc Kinh thực hiện. Trong khi đó, cường quốc kia là Liên bang Nga lại thua sút về kinh tế, đầu tư ít hơn vào Trung Á và lượng “hối khoản” (“remittance” mà người Việt ta dịch sai thành Kiều hối) của dân Trung Á lao động tại Nga hàng năm vẫn gửi về nhà cũng sút giảm.

Đấy là bối cảnh về chiến lược Tây Tiến của Bắc Kinh, đang thành hình trước sự thơ ơ của nước Mỹ, nhưng là mối quan tâm của Liên bang Nga và… Ấn Độ: Qua năm nước Trung Á, Bắc Kinh có thể bắt tay với Pakistan và Afghanistan! 

HIỂM LỘ TRUNG Á 

Sau khi nhắc lại mục tiêu và thành tích của Bắc Kinh tại Trung Á, chúng ta nên nhìn xa hơn, vào mặt trái của cuộc “Vạn lý Trường chinh” vào Con Đường Tơ Lụa.

Con Đường Tơ Lụa của Bắc Kinh có sáu hành lang giao thương, mà họ gọi là “tẩu lang”, cái chữ tiền định! Sáu tẩu lang ngoài biển và trên đất liền lại có sáu trở ngại.

Ngoài biển là nạn hải tặc trên vùng biển Đông Nam Á từ Thái Bình Dương qua các eo biển thật ra vẫn do Hoa Kỳ kiểm soát để tiến tới Ấn Độ Dương. Ngoài nạn hải tặc, đóng chốt ở hai đầu chính là Hoa Kỳ và Ấn Độ, chưa nói gì tới Hải quân Nhật Bản, cường quốc đã hai lần khuất phục Trung cộng (1894 và 1931). Thời sự quốc tế chỉ nói đến sự bành trướng trên biển Hoa Đông và Hoa Nam của Bắc Kinh, nhưng lãnh đạo Bắc Kinh có những trăn trở khác.

Họ trăn trở vì ngày 30 Tháng Tám vừa qua, sứ quán Trung cộng tại thủ đô Bishkek của Cộng hòa Kyrgyzstan đã bị khủng bố tự sát tấn công. Ít ai chú ý đến biến cố đó nên ít ai nhắc tới năm trở ngại kia, nằm trên đất liền, của Con Đường Tơ Lụa.  

Tại Miến Điện, Bắc Kinh có thể o bế các tướng lãnh và vuốt ve tự ái cũa lãnh tụ mới nổi là bà Aung San Suu Kyi, nhưng không thể quên những vụ nổi dậy của các sắc tộc đòi ly khai trong vùng biên vực Miến-Hoa. Xưa kia, Bắc Kinh có thể yểm trợ sách động các sắc tộc thiểu số này để khuynh đảo Miến Điện, nhưng khi các nhóm võ trang tấn công doanh nghiệp và dự án của Bắc Kinh trên đường khai thông các tỉnh nội địa của Trung cộng với Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương thì Con Đường Tơ Lụa có thể bị phá từ đầu nguồn.

Vòng theo chiều kim đồng hồ, trở ngại thứ ba chính là các nhóm võ trang ủa người thiểu số, các thị tộc sống tại biên giới giữa Pakistan với Afghanistan, trên tuyến đường của các dự án Trung cộng. Kế đó mới là trở ngại thứ tư: các lực lượng dân quân Hồi giáo có võ trang tại vùng biên giới giữa Afghanistan với Trung cộng. Họ có thể áp dụng phương pháp khủng bố, hoặc yểm trợ các nhóm Hồi giáo ly khai của sắc tộc Đột Quyết, từ Trung Á tiến vào Tân Cương. Người ta thường cho rằng Hoa Kỳ hao tốn sinh mệnh và tiền bạc tại Afghanistan để Bắc Kinh nhảy vào hưởng lợi theo kiểu ngồi mát ăn bát vàng với các dự án đầu tư ở xứ này. Thật ra, chưa chắc đã có bát vàng và chắc chắn là không ngồi mát tại Afghanistan!

Mối nguy thứ năm, xuất phát từ Tân Cương, chính là các lực lượng Hồi giáo ly khai. Họ muốn tái lập nước Đông Thổ (East-Turkistan) trên đất Tân Cương của họ, sẵn sàng áp dụng phương pháp khủng bố và đã có tiếp xúc với lực lượng khủng bố xưng danh Thánh Chiến là Nhà nước Hồi giáo ISIL. Các thành phần đấu tranh ôn hòa hơn thì được một cường quốc ở xa yểm trợ, là Cộng hòa Turkey, hay Thổ Nhị Kỳ, và có nhiều cơ sở rãi rác trong các nước Trung Á. Con Đường Tơ Lụa muốn nối liền Tân Cương với Trung Á có thể bị phá từ đầu.

Sau cùng, người ta không thể quên rằng trong lịch sử, Con Đường Tơ Lụa của Trung cộng từ các đời Đường là nơi trưng thu kinh tế của những đơn vị thiện chiến nhất trong khu vực. Là dân Tây Tạng! Từ đỉnh cao đổ xuống đòn thương nhân buôn bán ở dưới, các chiến binh Tây Tạng đã từng đòi tiền mãi lộ và quan quân nhà Đường không thể chống nổi. Tây Tạng ngày nay đã bị Trung cộng thống trị và dân chúng vẫn còn theo đức Đạt Lai Lạt Ma mà đấu tranh chỉ để xin được tự thị hầu bảo tồn văn hóa và đạo pháp. 

Nhưng khi bị đàn áp dã man và bị phân tán qua các tỉnh khác, từ Cam Túc tới Tứ Xuyên và Vân Nam – các tẩu lang của con đường tơ lụa mới – thanh niên Tây Tạng có thể nghĩ tới hình thái đấu tranh khác.  Và đấy là trở ngại thứ sáu của Con Đường Tơ Lụa!

Vì vậy, khu vực Trung Á cũng có đầy hiểm lộ, chứ chẳng là vùng đất không người cho Bắc Kinh tha hồ vờn vẽ! 


TIỀN ĐỒN TẦU VÀ HẬU PHƯƠNG NGA

Trong một hồ sơ về bối cảnh - ý nghĩa chính của cột báo “hồ sơ” trên một nhật báo – chúng ta khó trình bày hết ngần ấy khía cạnh của vấn đề. Nhưng vài ba yếu tố sau đây cần được chú ý:

Nỗ lực bành trướng của Trung cộng vào Trung Á vẫn đi sau thế lực của Liên bang Nga. Bắc Kinh chưa có căn cứ quân sự tại Trung Á như nước Nga – mà cũng chẳng dám nói đến việc thành lập các căn cứ này. Việc Bắc Kinh thăm dò Chính quyền Bishkek về một căn cứ quân sự tại miền Nam Kyrgyzstan không có kết quả và bị cả hai nước cùng phủ nhận.

Trong các dự án tại Trung Á, Bắc Kinh thấy ra nhu cầu bảo vệ kiều dân mình – xưa kia ta gọi là Hoa kiều – bằng lực lượng võ trang nhưng chẳng thể đạt kết quả. Liên bang Nga có căn cứ quân sự và nhân lực tại Trung Á từ lâu. Đã vậy, các lãnh tụ Trung Á không ngây thơ tin vào thiện chí của Thiên triều mà giới quân sự của họ thì hiểu ra những khác biệt kỹ thuật của võ khí Nga-Tàu sẽ phải mua. Ở dưới, và đã có dịp tiếp cận với làn sóng Hoa kiều của Bắc Kinh, người dân Trung Á cũng chẳng tin vào Tầu hay các trung tâm nghiên cứu mang danh viện Khổng Tử, và có ác cảm với đám Hoa kiều vừa xấc láo vừa dơ bẩn.

Vì vậy, giấc mơ “vạn lý trường chinh” vào Trung Á chỉ là chuyện bán võ khí và lời đường mật của Bắc Kinh!
--- 


Kết luận ở đây là gì?
Sau khi lãnh tụ Uzbekistan là Islam Karimov qua đời vào đầu Tháng Chín, bất ổn tại Trung Á sẽ là thời sự. Đấy là lúc ta nhìn vào Trung cộng và cuộc vạn lý trường chinh vào khu vực này. Không dễ gì đâu!

Hùng Tâm (Hồ Sơ Người-Việt)