09.09.2016

Thép Cà Ná: “Họ hứa bậy một cách vô ý thức vì nghĩ… mua tiên cũng được”

Thép Cà Ná: “Họ hứa bậy một cách vô ý thức vì nghĩ… mua tiên cũng được”
Lao Động
                                      Ô nhiễm môi trường. Ảnh: báo Lao Động

93% bạn đọc báo Lao động đã nói không với Cà Ná, nói không với “Formosa version Hoa Sen” cho dù “Đại gia” Lê Phước Vũ đã hứa: Tuyệt đối không để một giọt nước thải nào chảy ra biển, đã thề “Nếu xảy ra sự cố môi trường sẽ đóng cửa nhà máy, giao hết tài sản cho nhà nước”.

“Bất chấp tất cả”

Lo ngại là tâm lý chung của bạn đọc báo Lao động trước dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen.

Đoàn khảo sát thì toàn người Tàu. Công nghệ, thiết bị thì “Trung cộng hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. 90% dự án thép thế giới đều dùng của Trung cộng chế tạo… Rồi lãnh đạo Ninh Thuận cũng dành mọi ưu ái như Hà Tĩnh dành cho Formosa. Rồi trước 70 năm và giờ là 69 năm - Bạn đọc Sông Trẹm viết – Một kịch bản chẳng khác Formosa trước đây chút nào! Người dân thì không có quyền thay đổi được quyết định của các nhà lãnh đạo, chỉ biết cầu nguyện cho cái hậu của Hoa Sen đừng giống như Formosa. Bởi người dân ở vùng Cà Ná của Ninh Thuận cũng nghèo khó và sống bằng nghề biển chẳng khác gì Kỳ Anh của Hà Tĩnh.

Một bạn đọc đã thảng thốt kêu lên: Thảm họa Formosa vẫn còn đó mà sao “chúng chẳng sợ gì nhỉ!”.

Và câu tự trả lời sau đó, “là vì lợi nhuận đè chết người khiến có thể bất chấp tất cả”.

Bạn đọc Nghiêm Xuân Bắc thậm chí còn phẫn nộ: “nếu có dự án này thì đúng là một cái tát vào mặt nhân dân”.

“Chọn thép hay chọn cừu?”

Nếu ông Chu Xuân Phàm đã buộc chúng ta đứng trước lựa chọn “Chọn thép hay chọn cá” thì giờ đây với Formosa version2, chúng ta phải đứng trước một sự lựa chọn khác: Chọn thép hay chọn cừu”.

Bạn đọc Đức Hiển đặt câu hỏi: Để sản xuất chừng ấy thép, mỗi ngày cần có 180.000 m3 nước ngọt, tức hơn 60 triệu m3/năm, nguồn nước này lấy từ đâu khi mà Ninh Thuận có lượng mưa thấp nhất cả nước?

Trong hai năm liên tục vừa qua, quân đội phải chở nước đến cấp cho dân ngay tại huyện Thuận Nam, nơi triển khai dự án thép Hoa Sen. Tổng dung tích thiết kế toàn bộ hơn 20 hồ chứa nước hiện có tại Ninh Thuận chỉ hơn 190 triệu m3, có nghĩa là thép Hoa Sen sẽ cần sử dụng đến 30% tổng dung tích thiết kế của các hồ chứa nước ở Ninh Thuận. 

Không có Hoa Sen thì Ninh Thuận cũng đã khát khô. Nếu đi vào hoạt động, nước đâu để cung cấp cho thép Hoa Sen? Và nếu có thể cung cấp cho Hoa Sen, liệu Ninh Thuận còn đủ nước cho những cánh đồng khô khát?

6.000 người dân thường xuyên thiếu nước trầm trọng. 3000 con cừu đã chết đói, chết khát trong 3 tháng qua. 3-4 năm qua liên tục phải công bố thiên tai…

Nhưng ngoài nghĩa đen là cái chết của những con cừu, dường như câu hỏi về sự lựa chọn còn mang một ý nghĩa khác: Bày tỏ chính kiến trước nguy cơ hủy hoại môi sinh hay chọn “sự im lặng của bầy cừu”.

Làm thế nào để hết “ngu gì”?

Bạn đọc Nguyễn Thanh Giang khuyên chính quyền đừng vì cái danh hão “Có nhà máy A, nhà máy B” trong khi cộng hết những ưu đãi lại thì dân “lõm”, nhà nước cũng “lõm”. Và khi phóng tay ưu đãi hết khung mà không tính toán cụ thể sau ưu đãi con gì thì giống như việc “phóng tay chi tiền chùa”, là “cướp” của con cháu, của những người đóng thuế.

Theo ý kiến bạn Siêm La, muốn chấm dứt những Formosa, những “ngu gì” thì việc cần làm ngay là việc hủy hoại môi trường sống phải xử lý “ngang với tội khủng bố chống lại loài người”.

Bạn đọc Lê Quang cũng viết: Nếu ông Vũ đã cam kết “Không để giọt nước thải nào chảy ra biển” thì cơ quan chức năng nên ghi nhận vào giấy phép kinh doanh, từ chối phê duyệt Dự án mà có ống xả thải ra sông ra biển, dù chìm hay nổi.

Nếu ông Vũ nói là dùng nước biển để sản xuất thép thì cũng ghi thẳng vào văn bản chấp thuận điều kiện này. Tôi nghĩ nếu ông Vũ dùng nước biển mà sản xuất thép được thì phải trao huân chương cho ông, vì như thế, chỉ cần bán nước cho các tỉnh miền Trung quanh năm hạn hán đã đảm bảo hết từng giọt.