Thơ Hà Thúc Sinh
Mặc
Lâm
Từ trái sang: Hà Thúc Sinh, Võ Đình,
Phan Ni Tấn và Vi Khuê tại Washington DC năm 1985. Courtesy of
sangtao.org
Hà Thúc Sinh nhiều năm về trước đã rất nổi tiếng với
tác phẩm Đại Học Máu với 822 trang
sách, chia thành 70 chương, tường trình như một chứng nhân về những điều mắt thấy
tai nghe của ông trong 4 “trại cải tạo”: Trảng Lớn, An Dưỡng, Suối Máu và Hàm
Tân.
Đó là những nơi mà Hà Thúc Sinh, một sĩ quan thuộc
binh chủng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, đã sống từ tháng 6 năm 1975 đến tháng 2
năm 1980. Đại Học Máu ghi nhận lại những gì mà ông và
đồng đội trải qua như một nhắc nhở cho lịch sử biết rằng từ những nơi được gọi
là trại cải tạo ấy là khổ nhục là máu xương của những người thua trận.
Mười năm sau khi Đại Học Máu ra đời ông lại cho ra mắt
một số bài thơ khác trong tập Ngàn lời thơ. Tập sách mỏng được ông chia sẻ với
người đọc trong không gian của các bài thơ viết về thời ông ở tù cũng như khi
được trả về với đời sống thường ngày như mọi người. Mỗi bài thơ người đọc cảm
nhận được như đang nhìn sự việc xảy ra nhưng hơn thế, cùng với sự việc là cảm
xúc làm cho hình ảnh sự việc ấy sinh động và lôi kéo họ vào với thế giới của Hà Thúc Sinh, nhà thơ, thế giới trầm lắng không có máu nhưng có đầy trải nghiệm của
một người đã tốt nghiệp rất lâu từ ngôi trường đại học tả tơi và đau thương
này.
Hà Thúc Sinh lật lên từng trang viết âm ỉ trong lòng
ông, thổi vào nó sự tĩnh lặng lẫn đập phá. Ông tha thiết nhớ từng ngày tù cùng
những kỷ niệm buồn. Hầu như ông không có kỷ niệm nào vui mà toàn là nỗi ám ảnh
với xác chết, lao động, ngày về cực nhọc, ám ảnh trong những giấc mơ ngắn và đầy
tiếng ú ớ…
Ngày về của ông cũng như bao người tù
khác đầy ắp những trò chơi mà ông tiếp tục đóng vai một hình nhân hơn là một gã
người thật sự. Ông quan sát cuộc sống và tìm thấy hình ảnh
mình trong đó dị dạng và khó nhận ra. Ông thấy chung quanh đầy hình ảnh của ông
trong xã hội sau khi ra tù, họ cũng như ông mặc dù có sáng láng sạch sẽ hơn
nhưng vẫn những ngộ nhận, những u mê về chung quanh. Ông thấy cánh cửa đời tuy
không khép nhưng không còn gì để tìm và ngắm nghía nó.
Trên con đường từ trại về nhà, những ngôi nhà lướt
qua mắt ông như cuốn phim quay chậm. Chúng là hình ảnh chuẩn bị cho đoạn đường
trước mặt thăm thẳm như lúc mới bắt đầu làm thủ tục nhập trại khi xưa. Những
nhà máy, những chuyến tàu điện, những tiếng rao từ Hà Nội, Thanh Hóa, hay Vinh…
tất cả như một điệp khúc cố làm cho thi sĩ hoang mang, mụ mẫm.
Ra đời, đi lễ nhà thờ ông một phen lạ lùng với những
gì xảy ra chung quanh. Người ta không còn hôn phối với Chúa nữa mà ám ảnh của
chiêu dụ bên ngoài nhà thờ đã khiến họ bị chôn trong mớ âm thanh thường nhật.
Hà Thúc Sinh nhón gót tìm Chúa của ông trong ngày lễ Lá mà tự hỏi phải chăng
mình đã vào lầm chỗ.
Tiếng tung hô về Chúa không còn nữa và thay vào đó
là những tạp âm của xã hội, xã hội chủ nghĩa.
Chúa Nhật lễ Lá
Bầy chó đói cắn nhau rên siết trên đất
Mặt trời mỏi mệt leo thang
Khu phố như sau bệnh dịch
Người bước đi không ai muốn ngó ngàng
Tới cuối phố đường chia hai lối
Dăm anh công an ít nói ngồi hút thuốc bên
đàng
Bà mẹ đánh con như kẻ thù tội rơi mất ít
khoai lang
Mua sau lúc xếp hàng từ hồi chuông thứ nhất
Nắng đã đủ cho lá buông đem phơi
Đây là khu lao động làm quạt
Đen đầu người khom tước mũi dao như xẻ mối
thù
Tiếng tách lá nối tiếp gây âm xiếng xích nặng
Trong nhà thờ là chỗ đùa của gió
Vị linh mục rời cung thánh từ lâu với nét mặt
không buồn vui
Một nhúm cụ già trên bặng ghế ọp ẹp nặng
tai
Vẫn tưởng đâu đây rào rào lá trải ngày Chúa
đến
Từ đời thật ông
quay lại đời tù, nơi ông vừa rời đi nhưng tâm trí vẫn luôn ở lại. Ở đó ông liên
tưởng tới từng giọt mồ hôi của người tù khi lao động, rồi đời thật khi ông quan
sát người công nhân trong công xưởng hai thứ có khác gì nhau?
Con sâu và cái kiến
Như kẻ liệt ngồi bên kẻ câm
Đầu lốm đốm những miếng ăn toan tính
Nắng hay mưa cứ phơi vai trần
Vá víu mãi cuộc đời thêm nặng
Giờ tan xưởng lòng không tan xưởng
Dù những giọt mồ hôi đã được chấm công
Tiếng động phả mùi tanh xiềng xích
Nón lá sụp che mình ngửi mình
Khách qua hàng Bông trạm xe điện
Người ngồi khom kín tựa nấm mồ
Ngọn cờ phần phật như cười hỏi
Lũ tĩnh vật kia đã chết chưa?
Phút chốc vùng lên như cách mạng
Những nấm mồ mở nắp xương xẩu lao đi
Chuyến tầu điện như con sâu trăm tuổi
Vừa sa cơ bị bầy kiến đè
Đứng xa như nền văn hiến cũ
Khách ngó đời sâu cõng kiến bò đi
Buồn tự hỏi trong lòng chảo nóng
Con sâu cái kiến có lối về?
Đường truyền hiện
tại dẫn tới quá khứ nhiều hơn tương lai, ông tiếp tục dẫn ông về từng nhà máy
như đếm lại con lắc thời gian, đếm lại sợi tóc trên đầu, đếm lại từng đêm đen
sâu thẳm như đời sống người công nhân tăm tối mù mịt.
Nhà máy giấy Vĩnh Phú
Bảng chỉ tiêu to choán lối vào
Cổng chào đỏ thời gian muối sẫm
Cô công nhân đội nắng giữa ao
Tước võ gỗ buồn vui miệng ngậm
Như đời người trong guồng máy đảng
Đập, xay, lọc, khuôn bột đem phơi
Ông cụ già ngước mắt nhìn mây trắng
Nhớ xa xăm cúi mặt bồi hồi
Bóng cán bộ khóa bưng ý nghĩ
Những tay người bốc xếp cong cong
Ao hồ xưởng máy chiều phủ xám
Vài trăm tờ mo giấy cháo lòng
Tựa giàn máy sau thời Điềm, Tắc*
Người đảng viên trẻ ép lòng mơ
Đứa em nhỏ mai thôi mù chữ
Tiếp nối cha anh biết i tờ
Tiếng kẻng rền như tiếng khóc lớn
Người chủ nhiệm rời xưởng lên yên
Đường đê gió ngược còng lưng đạp
Áo rách thả bay mớ tờ liền
Chiếc xe chở ông
ngang qua Thanh Hóa, để ông có dịp làm thơ như một cách ghi lại những gì xảy ra
bên đường về nhà. Thanh Hóa với ông vừa lạ vừa quen. Lạ bởi từng sống nhưng sao
quá khác, quen bởi nó quá giống với những nơi mà ông đã đi qua: nghèo nàn và nhẫn
nhục.
Chiều qua Thanh Hóa
Những nhịp cầu như những lưng còng
Gánh sức nặng suốt buổi chiều ảm đạm
Ngó sang sông mờ nét tiêu hao
Tây thành cũ hay là thôn bản?
Tự hỏi mãi. Đến chưa? Chưa đến?
Hay chỗ này Thanh Hóa ngày xưa
Ngó lên mây bạch y thương cẩu
Nhìn xuống dòng bóng cũ mù mưa
Thấy chị qua muốn lời thăm hỏi
Mắt ngu ngơ che nón im hơi
Nhìn em đến này em muốn hỏi
Miệng ngập ngừng rét mướt im lời
Mưa nặng hạt vỗ buồn cố xứ
Như tấm hình rỗ mặt trăm năm
Tia chớp lóe tang sông một dải
Buồn tôi nhô mồ mả đằm đằm
Có lúc ông quay lại với bạn bè xưa trong trại cải tạo
để từ đó suy gẫm thêm về những bất an khác chung quanh. Trong khi đi lấy củi,
hình ảnh đứa bé lén trộm mớ củi nhỏ nhoi của người tù đã dấy lên sự phiền muộn
về những con người khác bất hạnh hơn cả chính mình mặc dù họ sống bên ngoài chấn
song. Ngoài hay trong, nhà thơ biết từ đây sẽ phải sinh hoạt chung với những điều
mà ông từng chạy trốn.
Thằng bé đốn củi
Chui mép rừng đước làm nhân chứng
Sự sợ hãi to hơn buồng gan
Người quản giáo đứng xa bất động
Cây như thù, tù chặt phăng phăng
Xa hướng bắc, lò than hoang phế
Mưa bay bay hơi núi mù mù
Trái tim nhỏ thương em thương mẹ
Mò đốn cây gần phía trại tù
Tù hàng ngang như làn sóng bẩn
Liếm dần dần một vạt màu xanh
Trốn vào đâu lạy Trời lạy Phật
Một thân con tù tội đã đành
Cỏ gai tây nằm không nhúc nhích
Ngó ra ngoài mưa trong hoàng hôn
Một cặp mắt anh tù lấp lánh
Tủm tỉm cười kín như bóng đêm
Tiếng còi thổi gom tù thành bó
Một bó người quẩy trăm bó con
Chui khỏi bụi chiều lên khắp nẻo
Nhìn hai tay kiến cắn đỏ lòm
Ngó về phía lò than hoang phế
Nỗi âm u như mộ giữa đồng
Bước vội vấp ngã lăn trên đất
Năm bó con ai giấu bên đàng
Bìa sách Đại Học Máu của Hà Thuc Sinh.
Courtesy of isach.info
Hà Thúc Sinh khi làm thơ không còn cái
chan chát của tản văn trong Đại Học Máu. Ông lấy chất liệu của suy gẫm làm phông nền cho từng
bài thơ vì vậy thơ ông có cái nhè nhẹ của lụa nhưng lại
nát lòng tiếng xé trên mỗi cái chấm câu. Câu chữ trong thơ Hà Thúc Sinh
đầy những tự vấn. Đôi khi tác giả đẩy nó lên tột cùng của cuộc sống: miếng ăn.
Và từ miếng ăn xem ra tầm thường ấy là triết lý, thứ triết lý mà rất nhiều người
né tránh: hạnh phúc.
Một con dế sẽ trở thành hạnh phúc ngay khi bạn vì nó
mà chịu biệt giam trong cô-nếch. Một củ khoai sùng vẫn có giá trị ngang với
tình yêu của một cô gái dành cho bạn. Một miếng đường ngọt lịm trong lúc thèm
thuồng không phải là hạnh phúc ngang với ngồi trên ngôi vua dù trong chốc lát
hay sao?
Ăn
Tao trai trung hiếu làm đầu nhé
Một anh bẻ nghiến bỏ mồm nhai
Tao không là ghế không yêu đít
Ối giời nó béo ngậy như khoai
Núp sau cô-nếch gấy bếp nhỏ
Hai thằng tù lén lút ăn riêng
Hôm nay là ngày vui tháng chín
Cả nước chia nhau một nỗi niềm
Bớt lửa mày ơi không cháy hết
Lo gì tao vớ đến hai con
Con này to tiếng tao làm trước
Ôi đùi, ôi bụng, ôi sườn non
Hôm nay lễ lớn ăn thịt lợn
Có hai anh bị cắt khẩu phần
Cán bộ cất luôn vào cô-nếch
Tội mừng lễ lớn ăn dế giun
Có lẽ những lần vui đùa hiếm hoi trong cuộc đời tù
là lúc được thong dong xả bầu tâm sự một mình nơi vùng hoang vắng. Hãy
nghe Hà Thúc Sinh diễn tả thứ hạnh phúc bình thường ấy như một thiền sư, tự nắm
đầu mình rồi kéo lên hòng dạy cho chúng ta bài học về chữ ngã.
Thèm vơi
Nghìn nấc leo lên nghìn nấc xuống
Tháng Tư gánh đá giữa lưng trời
Thèm ăn, thèm uống. Ngưng thèm hết
Thèm đã đầy lại muốn thèm vơi
Lách mình chạng đứng trên hẻm núi
Ngó mây một giải mây xanh xanh
Phanh ra. Gió thổi. Ngưng tay. Ngửi
Làng xa thơm dậy một mùi chanh
Rùng mình. Sướng lặng. Thôi. Không giữ
Phanh ra. Tiếp tục. Phanh bung lơi
Bố khỉ nghêu ngao thằng phía dưới
Tội tình anh lắm em Lan ơi
Trời trên đất dưới mình đâu nhỉ
Khí thế trường chinh với sóng hồng
Một dòng hôi hổi bay như loạn
Có chết thì đây sướng đã xong
Gần tới nhà, nhà thơ người tù Hà Thúc Sinh ghé vào một
chiếc quán bên đường, ở đó ông gặp lại bạn bè cùng thời, cùng một lứa bên trời
lận đận, mới hay ra bên ngoài nào khác bên trong nỗi ám ảnh tương lai của mỗi
con người. Thôi cũng đành cho số phận.
Quán bên đường
Nằm chui khóm lá chiếc bàn thấp
Lề đường một lũ tụm quanh nhau
Ếm sâu hơi thuốc vào gan mật
Bất giác phà ra nỗi dãi dầu
Trung tá xích lô thầm hỏi bạn
Chợ trời dược sĩ sao về không
Cười như nước mắt nói như bỡn
Nó bố trưa nay còn cái quần
Ông giáo sử mấy năm vá lốp
Đồ nghề lỉnh kỉnh nặng trên lưng
Một anh văn sĩ ngồi lê hỏi
Thời xưa phong kiến khá hơn chăng
Gió chiều thổi tốc người nghi ngại
Mỗi hồn hiện một nét công an
Lá khô thôi chạy cây thôi động
Vừa lúc đèn lên khắp Sài Gòn
Rồi cuối cùng thì nhà thơ cũng về được tới nhà, Sài
Gòn giờ đây như một tấm màn mỏng giữa xưa và nay, giữa miếng cơm manh áo và
nhân cách, đời sống của người dân. Giữa cái trần trụi và cái hào nhoáng gượng gạo
của những ngày giữa thập niên 90, những cơn lốc làm tác giả sửng hồn và đời thường
héo hắt.
Cánh cửa đời tuy mở toang ra nhưng sức sống và hương
thơm thời gian không còn nữa. Ông thở dài và ông trắc ẩn cho chính ông.
Khi về
Về trước nhà xưa đứng ngẫm nghĩ
Nỗi thân quen xa không thước đo
Nắng xuyên soi vách bóng bố ráp
Con vện nằm nén tiếng thở ra
Nét trăng chiếu lệch như miệng mếu
Kìa manh áo rách hay mây nghiêng
Đàn chưa chùi bụi chưa lên phím
Đã thoảng âm hao tiếng khóc rền
Hỏi vợ mừng chi thịt nướng khét
Cảnh nhà đã xác lại càng xơ
Ngồi thu bếp nhỏ nói như ngậm
Ấy hồn sách quý đốt năm xưa
Em ơi rộng cửa cho thơm gió
Thành phố còn đâu hoa nữa anh
Em ơi rộng cửa ai thăm đó
Bóng tối mông lung tình xóm giềng
Về giữa nhà xưa ngồi ngẫm nghĩ
Có ai lộn kiếp trong ta chăng
Giơ tay chẳng thấy bàn tay nữa
Cúi gằm chỉ thấy bóng kinh mang
Thơ
Hà Thúc Sinh sau bao nhiêu năm đọc lại vẫn thấy hiện rõ lên nét mặt phong trần
của những người muôn năm cũ.
Những người mặc dù không phải là đối tượng phải vào trại cải tạo như ông nhưng
vẫn chịu chung và nếm trải mùi cay đắng giữa cuộc đời.
Còn ông, ngay
khi đã lìa xa cái tổ ấm đầu đời là Việt Nam vẫn không thể quên những hình ảnh bất
an đầy ám ảnh…
*Sử Tàu cho
rằng Tiết Tắc đời Tề chế ra mực và Mông Điềm đời Tần chế ra bút. Sau
đó chắc là có máy chế giấy!