Trùng Dương
LTS: Ngày
17 và 18 tháng 10, cuộc hội thảo có tên “Nation-Building in War: The Experience of
Republican Vietnam, 1955-1975” sẽ được tổ chức tại đại học University of
California, Berkeley. “Các cuộc nghiên cứu về đề tài [cuộc chiến Bắc –
Nam Việt Nam và cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa các siêu cường] phần lớn tập trung
vào bối cảnh rộng hơn về quân sự trong khi bỏ qua công trình xây dựng quốc gia
thực hiện bởi người Việt miền Nam,” theo thông báo của ban tổ chức. “Thực tế, khá nhiều sự việc đã diễn ra trong phạm vi chính
trị, xã hội, văn hóa, và kinh tế hơn là quân sự. Một thiên kiến nữa của các
công trình nghiên cứu này là nỗi ám ảnh bởi sự can thiệp từ bên ngoài và do đấy
là sự lơ là đối với phía Việt [miền] Nam. Trong khi Hoa Kỳ giữ một vai trò then
chốt trong khả năng đứng vững của Miền Nam như một thực thể độc lập, những nỗ lực
của Nam Việt Nam đã không được đánh giá đúng mức.” Cuộc hội thảo nhằm rút tỉa những bài học
tích cực về công trình kiến quốc trong thời chiến này.
Giáo Sư Vũ Tường tại buổi hội thảo “Asia's Changing
Security Environment and the Dilemmas for Vietnam and Southeast Asia,” tổ chức
tại Nhật Bản, 2016. (Ảnh: APU)
Dưới đây là
trích đoạn cuộc phỏng vấn Giáo Sư Vũ Tường, giám đốc Chương Trình Nghiên Cứu Á
Châu thuộc Phân Khoa Chính Trị Học tại đại học Oregon, Eugene, và là một trong
những người đứng ra tổ chức chương trình hội thảo. Cuộc phỏng vấn do Trùng
Dương thực hiện.
***
Trùng Dương
(TD): Xin giáo sư cho biết đôi nét về cá nhân.
Giáo Sư Vũ
Tường (GS.VT): Tôi
sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn và sang Mỹ năm 1990 theo chương trình “HO” (Ba tôi
ở tù “cải tạo” gần tám năm). Học “đại học Tổng Hợp” ở Sài Gòn khoa Anh trước
khi sang Mỹ. Sau đó học thêm ngành chính trị học ở đại học Minnesota, cao học ở
đại học Princeton, và tiến sĩ cùng ngành ở đại học California, Berkeley. Tôi chọn
ngành chính trị học vì thấy đây là một lãnh vực cực kỳ lý thú và ở Việt Nam
chưa từng nghe đến. Hiện tôi là giáo sư khoa Chính Trị Học và giám đốc chương
trình Á Châu Học của đại học Oregon (University of Oregon).
TD: Động lực nào khiến
giáo sư và các bạn đồng nghiệp đứng ra tổ chức cuộc hội thảo này, và lại tại
chính nơi vào thập niên 1960 đã được mệnh danh là “cái nôi” của phong trào phản
chiến Mỹ?
GS.VT: Tôi nghiên cứu về chính trị và chiến tranh Việt
Nam và đang in một công trình nghiên cứu tựa đề “Cách mạng Cộng Sản ở Việt nam: Quyền năng và giới hạn của ý thức hệ”
(Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology).
Trong quá trình
nghiên cứu đó, tôi cảm nhận giới học giả thế giới hiểu rất ít và thiên lệch về
Việt Nam Cộng Hòa. Họ có xu hướng nhấn mạnh tính lệ thuộc ngoại bang và những vấn
đề khó khăn của nó như tham nhũng và không dân chủ. Những điều này không sai,
nhưng sẽ rất thô thiển nếu chỉ biết những điều này. Không khó để chỉ ra lý do của
xu hướng trên: tư tưởng bài Mỹ và chống đế quốc của nhiều học giả khuynh tả,
phong trào phản chiến ủng hộ Hà Nội rất thịnh hành ở các trường đại học phương
Tây trong chiến tranh Việt Nam, tâm lý xu phụ kẻ thắng trận và dè bỉu người
thua trận của đám đông, sự tự do và cởi mở của xã hội miền Nam (do bị áp lực của
đồng minh hay do bản chất chế độ) cho phép các yếu kém được phơi bày khá trần
trụi (so với bức màn sắt ở miền Bắc), v.v… Những lý do trên làm cho một thời kỳ
lịch sử của Việt Nam bị che dấu trong khi nó có thể có nhiều bài học có giá trị
cho người Việt vào lúc này, khi họ muốn từ bỏ chế độ cộng sản.
Trong môi trường
tự do học thuật, ở đâu có những hạn chế về tri thức, ở đó có những nỗ lực tìm
tòi khám phá để đẩy rộng biên giới của sự hiểu biết. Trong nhiều thập kỷ, việc
nghiên cứu về VNCH bị giới hạn vì chính trị và những khó khăn khác. Ngày nay điều
kiện đã cởi mở hơn, cho phép các học giả trẻ không vướng mắc định kiến và do đấy
có những khám phá mới.
Lý do tại sao tổ
chức ở Berkeley: Mặc dù Berkeley nổi tiếng là trung tâm phản chiến thời chiến
tranh Việt Nam, trường đại học Berkeley đã thay đổi nhiều. Các thế hệ thứ hai
trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt có mặt ở đây rất đông. Giáo Sư Peter Zinoman
(1) ở Berkeley là một sử gia hàng đầu về Việt Nam. Ông là người đã đóng vai trò
rất lớn trong thập niên vừa qua trong việc đào tạo và hướng dẫn những sinh viên
tiến sĩ nghiên cứu về Việt Nam. Giáo Sư Zinoman lớn lên sau chiến tranh như
tôi, và ông ta không bị các định kiến của giới học giả phản chiến chi phối. Ông
là một trong những giáo sư tôi gặp đầu tiên ở Berkeley, và tôi đã lấy lớp của
ông cũng như được ông huấn luyện cách nghiên cứu của sử học (chuyên môn của tôi
là khoa học chính trị, không phải sử). Việc tổ chức hội thảo này chỉ là một phần
nhỏ trong những quan hệ hợp tác giữa hai chúng tôi. Những lý do khác là
Berkeley có khả năng đóng góp về tài chính. Hội thảo có ích cho những sinh viên
của Giáo Sư Zinoman nghiên cứu về VNCH, và địa điểm ở California đơn giản và ít
tốn kém cho việc đi lại của đa số diễn giả của VNCH.
TD: Về Hội thảo tại
Berkeley tới đây, xin giáo sư cho biết mục đích, nội dung và dự kiến về những
thành quả hy vọng đạt được?
GS.VT: Hội thảo nhằm mục
đích tìm hiểu thêm về kinh nghiệm xây dựng quốc gia dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị
Cộng Hòa ở miền Nam Việt nam, cả những ưu điểm và những yếu kém, thành công hay
thất bại. Tôi tin rằng hội thảo sẽ giúp mở rộng hiểu biết về VNCH mà hiện
nay còn rất hạn hẹp và thiên lệch như tôi đã nói ở trên. Hội thảo cũng có thể gợi
ra vài bài học bổ ích cho việc xây dựng một thể chế dân chủ, kinh tế tư nhân
phát triển, và xã hội tự do ở Việt nam vào thời điểm này và trong tương lai. Đường
hướng phát triển này đã hiện hữu trong cơ cấu chính trị, kinh tế, và xã hội của
VNCH, nhưng bị khuynh đảo bởi cuộc chiến tàn bạo và bị chôn vùi trong bốn thập
niên qua sau khi đất nước thống nhất bởi những người cộng sản.
Mục đích của hội
thảo trước nhất là vì học thuật. Chúng tôi không có mục đích chính trị, không
phục vụ ý đồ của bất kỳ phe nhóm chính trị nào trong cộng đồng người Việt ở hải
ngoại, càng không nhằm phê phán, tôn vinh, hay khôi phục chế độ VNCH.
Hội
thảo gồm bảy nhóm bài viết: năm nhóm bài viết của các nhân vật lịch sử thời
VNCH và hai nhóm bài viết của các học giả nghiên cứu về giai đoạn đó. Trong số các nhân vật lịch sử, có các bộ trưởng,
chính khách đối lập, sĩ quan cao cấp, văn nghệ sĩ, và các nhà giáo dục. Các vị
này sẽ trình bày dựa trên kinh nghiệm bản thân và công tác của họ về chính sách
của chính quyền, các hoạt động và phong trào chính trị, quân sự, văn hóa, nghệ
thuật, và giáo dục. Những bài viết của học giả dựa trên nghiên cứu những tài liệu
lưu trữ và phỏng vấn.
Trong khi tổ chức
hội thảo, chúng tôi được sự ủng hộ nhiệt tình của Giáo Sư Zinoman và Tiến Sĩ
Sarah Maxim (bà là phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á của Berkeley),
và sự tin cậy cũng như ủng hộ của rất nhiều nhân vật lịch sử của VNCH. Nếu
không có sự nhiệt tình giúp đỡ, giới thiệu, vận động, và đóng góp kiến thức, thời
gian, và tài chính của các ông Nguyễn Đức Cường, Hoàng Đức Nhã, Trần Văn Minh,
Phan Công Tâm, Trần Văn Sơn (đã quá vãng năm ngoái) và những cộng sự của họ, hội
thảo sẽ không thể ra đời.
Trở ngại chính
là số nhân vật lịch sử thời VNCH không còn nhiều, phần lớn sức khỏe yếu do tuổi
tác cao và tù đày nhiều năm dưới chế độ Cộng Sản, nhiều người e ngại nói trước
công chúng nhất là bằng tiếng Anh, và cũng có vài vị nghi ngờ thiện chí của chúng
tôi. Hai tháng trước ngày hội thảo, hai nhân vật lịch sử đã nhận lời tham gia
nhưng, tiếc thay, đột ngột quá vãng do tuổi cao và bệnh tật. Đó là Giáo Sư Nguyễn
Thanh Liêm, cựu thứ trưởng Giáo Dục, và ông Võ Long Triều, cựu bộ trưởng Thanh
Niên và chủ nhiệm báo Đại Dân Tộc cũng như chính khách đối lập.
TD: Được biết thành
phần diễn giả gồm hai nhóm, một là các học giả/giáo sư đại học, họ gồm những ai
và các đề tài tham khảo là gì?
GS.VT: Các học
giả bao gồm ba người là giáo sư đại học, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ,
và bốn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Phần lớn họ đến từ các trường đại học lớn của Mỹ
(Berkeley, Cornell, Dartmouth, Columbia).
Có một người đến từ Canada. Có hai người gốc Việt. Đề tài của họ bao gồm chính
trị, kinh tế và xã hội dân sự dưới thời VNCH. Ngoài diễn giả ra, có ba người
trong Ban Tổ Chức cũng là gốc Việt.
Đặc biệt trong
ngày thứ hai của hội thảo vào giờ ăn trưa có buổi ra mắt sách mới của Giáo Sư Nathalie Huỳnh Châu Nguyễn từ đại
học Monash của Úc đến. Giáo Sư Nguyễn là người Úc gốc Việt và tác giả của nhiều
tác phẩm nghiên cứu về cộng đồng người Việt hải ngoại. Tác phẩm mới nhất của bà
sẽ được giới thiệu tại hội thảo là “Quân nhân miền Nam Việt Nam: Ký ức về chiến
tranh Việt Nam và thời hậu chiến” (South Vietnamese Soldiers: Memories
of the Vietnam War and After).
TD: Nhóm diễn giả thứ
hai gồm những vị đã từng sinh hoạt, do đấy đã đóng vai trò nhân chứng, trong
các cơ quan chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Xin giáo sư cho biết thành phần thuyết
trình viên này gồm những ai, và đề tài thuyết trình của họ là những gì?
GS.VT: Các thuyết trình viên của nhóm sau này gồm các
diễn giả, nói về các đề tài chính trị, quân sự, kinh tế, kể cả nông nghiệp, thì
có:
Luật Sư Lâm Lễ Trinh, cựu bộ trưởng Nội Vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, sẽ nói
qua hệ thống Skype, về “Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Đệ Nhất Cộng Hòa (1954-1963);
Ông Hoàng Đức Nhã, cựu bộ trưởng Bộ Dân Vận
và Chiêu Hồi, về “Nỗ lực hướng tới một nền hòa bình vững bền để tiếp tục kiến quốc: Thỏa
hiệp hòa bình tại Việt Nam và hậu quả”;
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc bàn về “Sự ra đời của hệ thống Ngân Hàng Trung Ương,”
cũng qua Skype, từ Pháp;
Luật Sư Cao Văn Thân, cựu bộ trưởng Bộ Cải Cách và Phát Triển Nông Nghiệp
thời Đệ Nhị Cộng Hòa, thuyết trình về “Cải cách ruộng đất, phát triển nông thôn và nông nghiệp”;
Ông Phạm Kim Ngọc, cựu bộ trưởng kinh tế thời
Đệ Nhị Cộng Hòa, bàn về “Cải cách hoặc tan rã”; và
Ông Nguyễn Đức Cường, cựu bộ trưởng Thương
Mại và Kỹ Nghệ, nói về “Nền móng của tự lực và phát triển.”
Về quân sự, có cựu
Đại Tá Trần Minh Công, chỉ huy trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia nói về những thách thức đối với ngành cảnh sát dưới một chế độ
có định hướng dân chủ và trong thời chiến; và
cựu Trung Tá Bùi Quyền, lữ đoàn phó Lữ Đoàn
3 Nhảy Dù, trình bày cách nhìn của ông đối với cuộc
chiến với tư cách một sĩ quan vào sinh ra tử ngoài mặt trận.
Riêng về các đề tài văn hóa, giáo dục, và văn học
nghệ thuật thì có
nữ Tiến Sĩ Võ Kim Sơn,
nguyên giảng sư đại học sư phạm Sài Gòn, nói về “Việc điều hành hệ thống giáo dục công lập tại
Nam Việt Nam”;
Tiến
Sĩ Nguyễn Hữu Phước, nguyên viện trưởng Phân Khoa Đào Tạo
Giáo Viên Tiểu Học tại Sài Gòn, đóng góp về đề tài “Triết lý giáo dục và phát triển hệ thống
Trường Kiểu Mẫu của Việt Nam Cộng Hòa”;
Nhà
báo Phạm Trần, với trên 50 năm kinh nghiệm trong báo
giới từ cả trước và sau 1975, nói về đề tài “Sống và làm việc trong vai trò ký giả dưới
chế độ Việt Nam Cộng Hòa”;
Nhà
báo Vũ Thanh Thủy, cựu phóng viên chiến trường trước 1975
và hiện là giám đốc đài phát thanh Saigon Houston, nói về “Chiến tranh Việt Nam qua cái nhìn của các
phóng viên chiến trường người Việt”;
Ông
Huỳnh Văn Lang, giám đốc Viện Hối Đoái và bí thư Liên
Kỳ Bộ Nam Bắc Đảng Cần Lao Nhân Vị thời Đệ Nhất Cộng Hòa, sáng lập viên Hội Văn
Hóa Bình dân và tạo chí Bách Khoa, và là một nhà kinh doanh thành công thời Đệ
Nhị Cộng Hòa, qua Skype, nói về “Xã hội của những kẻ tự nguyện lưu vong muôn thuở”;
Nhà
văn Nhã Ca, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết và đặc biệt cuốn
hồi ký lịch sử “Giải Khăn Sô Cho Huế,” mà ấn bản Anh ngữ do Bà Olga Dror dịch
được phát hành cách đây hai năm, kể về kinh nghiệm
viết văn tại Miền Nam; và cuối cùng,
nữ diễn viên Kiều
Chinh trình bày về “Nghệ thuật điện ảnh Việt Nam Cộng Hòa, 1954-1975.”
Ghi chú:
(1) Giáo Sư Peter Zinoman, sinh năm 1965, là đồng dịch giả cuốn tiểu thuyết “Số Đỏ” (Dumb Luck: A Novel by Vu Trong Phung) lừng danh của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939). Ông còn là tác giả hai cuốn biên khảo, “The Colonial Bastille: A History of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940” (UC Press, 2001), và “Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision of Vu Trong Phung” (UC Press, 2013).