05.10.2016

Nạn Lạm Thu & Thói Cửa Quyền - Tưởng Năng Tiến

"Chỉ cần đeo cái băng đỏ vào tay là trở thành ngay đám dân phòng, tháo ra đút túi thì biến ra ... quần chúng tự phát. Biến hoá cứ như ma nên người dân còn gọi đây là là đám ... âm binh hay cô hồn sống!"

Nạn Lạm Thu & Thói Cửa Quyền

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Viết về sự nghiệp của Tô Hoài, có nhà phê bình văn học đã đưa ra một nhận xét rất đáng quan tâm:

Từ sau 1945, ngoài làm báo, làm xuất bản hoặc làm công tác đối ngoại, ông còn tham gia sinh hoạt tổ dân phố, các hoạt động của mặt trận, của tổ chức người già... nói chung là trăm thứ bà rằn linh tinh khác... Ở nước nào kia, còn có thể có hạng nghệ sĩ thu mình lại trong tháp ngà, ở ta, cái bàn viết của nhà văn nằm giữa cuộc đời.” (Vương Trí Nhàn. Cánh Bướm &Hoa Hướng Dương, NXB Phụ Nữ, Hà Nội: 2006).

Nhờ kinh nghiệm “linh tinh bà rằn” của một người cầm bút “từng tham gia sinh hoạt tổ dân phố” nên độc giả của Tô Hoài được biết thêm (ít/nhiều) về sinh hoạt của lực lượng dân phòng ở miền Bắc, Việt Nam: 


“Tôi đi tuần tra. Một tốp hai người đeo băng đỏ, tay cầm cái đèn hai pin của đội dân phòng ... Phó ban Đại hay đi tuần với tôi, có khi tôi rủ, có khi Đại đợi. Chẳng phải đến lượt đi đôi với Đại, mà Đại thích đi với tôi. Đêm nằm khàn, Đại nhớ bia. Nửa đêm chúng tôi vào quán Gió hàng bia nhà mậu, uống thả cửa, trả tiền không lấy...”

Ngoài bia “uống thả cửa” ra, anh em dân phòng (thỉnh thoảng) cũng được những người dân thấp cổ bé miệng xì ra cho “vài đồng” tiền lẻ để bôi trơn mấy việc linh tinh. Đôi khi, món “quà lót tay” đơn giản chỉ là “một củ khoai còn nóng” từ mấy mẹt quà rong. (Tô Hoài. Chiều Chiều, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội: 1999).

-Thế thôi á?

Vâng, chỉ có thế thôi nhưng đây là một phát kiến tuyệt vời của nước CSVN. Chính phủ gần như không phải chi một xu nào ráo, cũng khỏi phải sắm sửa đồng phục, giầy/dép, hay mũ/nón gì sốt cả – kể cả nón tai bèo – nhưng vẫn duy trì được một lực lượng “trị an” hữu hiệu chưa từng thấy.

Chỉ cần đeo cái băng đỏ vào tay là trở thành ngay đám dân phòng, tháo ra đút túi thì biến ra ... quần chúng tự phát. Biến hoá cứ như ma nên người dân còn gọi đây là là đám ... âm binh hay cô hồn sống!

Dân phòng tác nghiệp. Ảnh: infonet

 Sau ngày 30 tháng 4, cùng với ông công an phường, bà tổ trưởng dân phố, anh công an khu vực, chị hội trưởng phụ nữ, đám dân phòng cũng (“nối vòng tay lớn”) vô tới trong Nam. Cung cách sinh hoạt thì vẫn y như ở Hà Nội thôi. Cứ đeo cái băng đỏ vào rồi đi loanh quanh “la liếm” kiếm ăn khắp hang cùng, ngõ hẹp.

Chỉ khác có điều là lực lượng dân phòng ở thành phố Hồ Chí Minh (quang vinh) không chịu ăn khoai, hay sắn luộc. Họ quen với món “cơm tấm bì sườn” truyền thống ở vùng đất trù phú này rồi, theo như tường thuật của nhà báo Thụy Du:

Nhân dịp ông Bí thư thành ủy - Đinh La Thăng vi hành xuống địa phương. Du tôi có bài phỏng vấn bỏ túi với bà con lối xóm:

     - Chào chú Năm hưu trí, đón nhận tin này chú thấy thế nào?

     - Tao đang lo vụ này nè! Trên phường họ có cho biết là đầu tuần này là ông ấy xuống kiểm tra. Đề nghị một vài cán bộ lão thành chuẩn bị tinh thần, nếu ông Thăng có hỏi thì lựa lời nói tốt cho địa phương.

     - Vậy chú lo cái gì?
     ...
Anh Tư taxi đang ngồi cà phê gần bên liền lên tiếng:

     - Thế mà cũng gọi là nhà báo. Mày có thuộc câu này chưa: “Cướp đêm là giặc. Cướp ngày là ... vừa nói anh Tư vừa chỉ tay về hướng một nam thanh niên mặc quân phục cảnh sát đi cùng ba chú dân phòng lớn tuổi đang gom bàn ghế của quán cháo vỉa hè”. Ở đâu cũng vậy, với đám này thì không có hụi sống, chỉ toàn hụi chết mà thôi. Khốn nạn là bà con vừa đóng tiền mà còn phải năn nỉ để được chúng nó nhận.
...
Em Hai cơm tấm xen vào:

     - Đâu phải chỉ có vậy. Có hôm bán ế quá, vậy mà mấy ông dân phòng chạy xe máy ra lấy gần chục hộp cơm sườn, nói là phường họp đột xuất, kêu mình ủng hộ miễn phí. Anh nhà báo thấy có tức không? Có muốn từ chối cũng không được.

Với kiểu ủng hộ (“muốn từ chối cũng không được”) này thì những đĩa cơm sườn đến tay người mua, tất nhiên, sẽ đều phải xén đi chút xíu. Thu nhập của người bán, đương nhiên, cũng bị bớt lại đôi phần.

Tuy nhiên, theo tôi, em Hai cơm tấm không nên vì thế mà bực tức (hay “bức xúc”) làm chi, cho má nó khi. Cứ coi như là một kiểu đóng thuế đi,  thuế gián thu. Hay nói cách khác là “khéo thu” hay “thu khéo.” Nhà Nước móc túi thiên hạ – một cách khéo léo – bằng tay của đám dân phòng để duy trì một lực lượng hùng hậu nhưng không cần phải trả đồng tiền lương nào cả.

Mà lương tháng ở Việt Nam, nếu có, cũng chỉ đủ cho công nhân viên sống cỡ 10 ngày là hết. Bởi vậy, việc “thu khéo” (hay “thu thêm”) không chỉ xẩy ra ở vỉa hè Sài Gòn hay Hà Nội.

Thuế gián thâu được thâu khắp chốn, bằng nhiều tên gọi khác nhau (bôi trơn, hối lộ, tham nhũng) tùy theo từng chuyện. Riêng chuyện chung chi lặt vặt xẩy ra ở phi trường, hay trên đường phố (khi bị các anh hùng núp tuýt còi) thì được coi như là tiền mãi lộ, chớ không phải hối lộ – như Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục Trưởng Cục CSGT, đã xác nhận.

Cái nước mình nó thế nên toàn dân cứ thế mà chi. Không (nghe) ai phàn nàn hay la lối gì ráo trọi, trừ những kẻ sống ở nước ngoài – theo như tin loan của BBC:

 “Một nhóm những người gốc Việt Nam đang sống ở Đức và châu Âu đã tổ chức biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt am Main, Đức chiều ngày 25/9 yêu cầu chấm dứt lạm thu và thói cửa quyền.”


Sự việc vô cùng đáng tiếc này lẽ ra đã không xẩy ra nếu người dân có chút thông hiểu (và thông cảm) hơn với đời sống của giới nhân viên sứ quán.

Như đã thưa, không có chuyện “lạm thu” ở bất cứ cơ quan công quyền nào thuộc nhà nước Việt Nam. Đây chỉ là một thứ thuế gián thu, và cũng là chuyện chẳng đặng đừng, theo lời của ông Đặng Xương Hùng – cựu lãnh sự Việt Nam tại Geneve – trong một cuộc phỏng vấn dành cho blogger Nguyễn Thị Từ Huy (RFA) vào hôm 26 tháng 7 năm 2016:

Câu chuyện visa cụ thể là thế nào, thưa ông?

Chuyện visa, khi tôi tiết lộ những chi tiết cụ thể, tôi biết những người bạn tôi ở Bộ ngoại giao chắc sẽ trách tôi nhiều lắm. Vì rằng chỉ mới ba, bốn năm nay thôi, tôi vẫn còn sống vì nó và kiếm ra đồng tiền vì nó. Nhưng cái lòng tôi muốn nói ra vì rằng tôi có một người bạn còn trẻ ở Bộ mới lần đầu ra nước ngoài và khi tiếp xúc với câu chuyện visa, đã thốt lên rằng “Thu tiền lệ phí visa như thế làm mất uy tín của Bộ Ngoại giao quá anh nhỉ”. Tôi đã trả lời: Đi công tác ở sứ quán, không có tiền chia từ visa, mình không còn thừa ra đồng nào để mà tiết kiệm đâu em ạ. Rồi em sẽ quen dần thôi”.
Và vì rằng cả hai chúng tôi đều cùng một ý nghĩ là thà nếu nhà nước cho chúng tôi hưởng một chế độ tiền lương chính đáng tương đương nào đó, còn hơn là dành cho chúng tôi một“chế độ mập mờ” để chúng tôi phải “gian dối”” trong lệ phí visa.

Cũng theo ông Đặng Xương Hùng thì công chức bộ của Bộ Ngoại Giao “chỉ có lương cơ bản chừng khoảng 500 USD/ tháng.” Với số tiền nhỏ nhoi này mà một nhân viên thuộc Toà Tổng Lãnh Sự ở Houston dùng để ăn sáng thì có thể dư nhưng ở San Francisco thì chắc thiếu, còn ở Washington (D.C) thì thiếu chắc!

Bởi vậy, “mập mờ và gian dối” là chuyện tất nhiên. Và hống hách là hệ quả tất yếu. Cái thái độ thường bị “hiểu lầm” là “cửa quyền” của các ông/bà quan sứ của nước ta, chả qua, chỉ để khoả lấp cái mặc cảm do những việc làm khuất tất của họ mà thôi.

Có cậu dân phòng nào mà muốn hạnh hoẹ mấy cô hàng rong chỉ để được ăn (không) một củ khoai luộc hay một đĩa cơm sườn đâu, nếu họ nhận được đồng lương tử tế đủ chi cho thực phẩm hàng ngày. Những viên chức của Bộ Ngoại Giao cũng thế. Họ cũng muốn làm việc một cách đàng hoàng, công chính chứ, nếu được trả lương đủ sống.

Tôi nói chẻ hoe ra như thế với hy vọng có sự thông hiểu (và thông cảm) hơn giữa người dân và giới nhân viên sứ quán để chúng ta khỏi mất thời giờ vào việc biểu tình nữa. Vô ích!

Đối với nhà đương cuộc Hà Nội thì lạm thu không phải là quốc nạn mà là quốc sách. Nạn “lạm thu và cửa quyền” sẽ không thể nào chấm dứt, nếu cái chế độ (khốn nạn) hiện hành vẫn còn tồn tại.