28.10.2016

NỢ XẤU: Đời quan ăn mặn, đời dân khát nước!

"...số nợ công cứ tăng lên vùn vụt, hiện tại mỗi công dân Việt vừa mới chào đời đã gánh gần 30 triệu nợ công. Như vậy thì tiền chính phủ vay nợ đã được dùng vào việc gì?"

NỢ XẤU: Đời quan ăn mặn, đời dân khát nước! 


NỢ! Một cái từ không ai muốn có trong cuộc sống, thế nhưng dù ít dù nhiều, dù là người giàu hay người nghèo, dù trong phạm vi cá nhân hay lớn hơn là gia đình, tập thể và rộng lớn nhất là một đất nước thì khó thoát được chữ NỢ trong quá trình hoạt động và phát triển.

Nếu việc vay-trả được diễn ra một cách hợp lý, cân bằng giữa nhu cầu vay và nhu cầu sử dụng thì NỢ không là mối ám ảnh hay có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của một gia đình, tập đoàn kinh tế hay một đất nước. Thế nhưng, khi khả năng trả nợ bị nghi ngờ hoặc người vay mất khả năng chi trả thì nợ trở thành NỢ XẤU.


Như vậy tùy thuộc vào cách sử dụng tiền nợ của người vay nợ mà nợ sẽ trở thành NỢ XẤU. Ví như cha mẹ nghèo phải mang nợ, nhưng vay nợ để lo cho con cái ăn uống, học hành thì con cái khỏe mạnh, có điều kiện học hành tấn tới, sau này đi làm có tiền sẽ giúp cha mẹ trả nợ. Ngược lại, nếu cha mẹ vay nợ để ăn tiêu hoang phí, đánh bạc, uống rượu …thì không cách chi có cơ hội làm ra tiền để trả nợ, và như thế là gia đình phải mang NỢ XẤU.

Tưởng cũng nên nhắc lại trận động đất và sóng thần kinh hoàng xảy ra tại Nhật Bản vào năm 2011 đã khiến con đường cao tốc Great Kanto Highway ở Naka – Nhật Bản nứt toác không khác gì vực thẳm. Thế nhưng sau thảm họa, con đường đã được làm lại như mới chỉ trong 6 ngày khiến thế giới sững sờ. Trong khi đó, sáng 24-3 lại xảy ra một trận động đất gần Tokyo, nghĩa là trong tình trạng vẫn chưa yên ả, thì con đường cao tốc này thực sự trở thành bằng chứng hùng hồn cho thấy tốc độ tái thiết đáng kinh ngạc và khả năng tự phục hồi của Nhật Bản.

Và khi khả năng phục hồi đất nước sau thảm họa nhanh và tốt thì người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, kinh tế được tái phát triển, như thế thì chính phủ Nhật Bản sẽ không lo có nợ xấu.

Trong khi đó, hãy nhìn vào thực tế cuộc sống của người dân Việt qua vài lĩnh vực như y tế, giáo dục và các cơ sở hạ tầng như giao thông, cầu cống …

Hẳn là không khó để nhìn thấy cảnh bệnh viện quá tải, bệnh nhân nằm giường ghép, nằm hành lang, người dân phải chịu một dịch vụ y tế tồi tệ, lạc hậu …

Cũng không thiếu cảnh tượng các trẻ em miền núi phải đu dây qua sông để đến trường, các em ở tuổi ăn, tuổi lớn nhưng bữa cơm chỉ toàn muối trắng…

Và cứ mỗi mùa mưa đến thì nơi đô thị “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh”, mọi sinh hoạt nơi phố thị đều lõm ngõm trong nước mưa hòa nước cống. Miền Trung năm nào bà Lũ cũng viếng thăm, thế nhưng từ bao nhiêu năm qua, đến hẹn lại lên, cứ đến mùa mưa lũ thì cái cảnh người chết, gia súc chết, trôi nhà cửa, hoa màu lại tái diễn. Cứ như là chính quyền không hề có một động thái tích cực nào giúp người dân đối phó với mối hiểm họa được báo trước. Ngược lại, còn “gia cố” thêm thiệt hại cho người dân bằng việc xã lũ cách vô trách nhiệm. 


Thế nhưng số nợ công cứ tăng lên vùn vụt, hiện tại mỗi công dân Việt vừa mới chào đời đã gánh gần 30 triệu nợ công. Như vậy thì tiền chính phủ vay nợ đã được dùng vào việc gì?

Với một đất nước mà “ tham nhũng đã trở thành quốc nạn” và khi báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ năm nay thì lần đầu tiên Chính phủ xác nhận có cán bộ cao cấp phạm tội tham nhũng. Đây là “lần đầu tiên” Chính phủ thừa nhận việc “cán bộ cấp cao có tham nhũng”, thế nhưng hãy nhìn vào vài con số thực tế sau:

3.300 tỉ vụ Trịnh Xuân Thanh ; 9000 tỉ Ngân Hàng Xây Dựng; 4000 tỉ vụ Huyền Như; 800 tỉ vụ Ocean Bank; 80.000 tỉ vụ Vinashin; 50.000 tỉ vụ Vinaline; 12.000 tỉ vụ gang thép Thái Nguyên; hàng trăm nghìn tượng đài trăm tỉ hàng trăm nghìn vụ tham nhũng thất thoát khác .….

Đó là những con số biết nói, nó nói lên rằng số tiền chính phủ vay nợ không hề được sử dụng để kiến thiết đất nước, nâng cao đời sống cho người dân nhưng là để dẫn đến một thực tế là “tham nhũng đã trở thành quốc nạn”, mà cán bộ cấp càng cao thì tham nhũng càng lớn.

Ông TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho rằng “nợ xấu không phải là do một mình hệ thống ngân hàng gây ra mà ngân hàng chỉ là một trong những nguyên nhân”. Đúng vậy, ngân hàng chỉ là một trong những nguyên nhân, thế nhưng ông Hùng không hiểu hay cố tình không hiểu những nguyên còn lại nên đưa ra lời kêu gọi “cả xã hội chung tay xử lý?” .

Quả là “đời quan ăn mặn, đời dân khát nước” khi mà các quan tham tham nhũng, vơ vét ngân sách nhà nước cung cấp cho bản thân và gia đình cuộc sống xa hoa, nhung lụa, ở nhà biệt thự ngàn tỉ, con cái thì gởi đi du học nước ngoài…giờ khi ngân sách quốc gia cạn kiệt thì kêu gào “cả xã hội chung tay xử lý?”.

hình thức để “xã hội chung tay” đó là cùng nhau mua trái phiếu, công trái. Và khoản tiền này 10 năm, 20 năm sau khi người dân nhận lại chẳng còn nguyên giá trị như thời điểm họ mua. Nghĩa là gánh chịu mọi thiệt thòi vẫn là người dân.

Ấy vậy mà, dường như có một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội hiện nay cho rằng “không thích nói chuyện chính trị, không cần quan tâm đến chính trị… chuyện ngân sách quốc gia bị hao hụt, chuyện tham nhũng … nói cho cùng chẳng liên quan gì đến tài sản, tiền bạc của cá nhân tôi, gia đình tôi …

Thế nhưng, khi phải xuất hầu bao để mua công trái hay trái phiếu thì đó là lúc bạn sẽ thấy nó rất liên quan đấy nhé. Bởi lẽ đồng tiền mà bạn dè sẻn, dành dụm, tiết kiệm cho gia đình, cho con cái của bạn, nay bạn phải rút ruột bỏ ra để mua những tờ giấy xanh xanh đỏ đỏ là để bù vào những khoản tiêu xài phung phú, phè phởn gái gú của các quan tham hay trả những khoản nợ công mà các quan đã dùng để chu cấp cho cuộc sống nhung lụa của các cậu ấm cô chiêu của họ bên trời Tây.

Chính trị là thế đó! Quan tâm đến chính trị là giữ sao cho đồng tiền trong túi mình đừng thất thoát một cách vô lý vì “đồng tiền liền khúc ruột” nha các bạn!


Điền Phương Thảo (GNsP)

Bài sử dụng nguồn từ: