21.11.2016

Bức tường than khóc - CanhCo

Bức tường than khóc

CanhCo

Do Thái, một quốc gia tan nát, chia lìa phải chạy trốn khắp nơi trên thế giới vậy mà cuối cùng vẫn trở lại được với quốc gia của mình do kiên trì và tình yêu quê hương đất nước tột độ. Họ có rất nhiều biểu tượng về niềm tin đối với thượng đế mà một trong các di tích còn lại là Bức tường than khóc nằm tại Jerusalem, thành phố của Chúa.

Bức tường than khóc được xây dựng gần ba ngàn năm, nơi ấy người Do Thái tin rằng khi viết một lời nguyện nào đó trên giấy rồi nhét vào một lỗ hổng trên tường sẽ được chứng nhận và thực hiện bởi Chúa. Những câu than khóc, những lời ước hay thú nhận tội lỗi trước Chúa làm cho người ta rũ bỏ điều không phải của mình đã làm để từ đó xin ơn lành cùng sự cứu rỗi.

Ở Việt Nam cũng có một bức tường than khóc như thế.


Mỗi năm một lần bức tường than khóc xuất hiện tại Quốc hội qua hình ảnh của 500 ông bà đại biểu như những viên gạch được người dân gửi tới nằm chồng lên nhau. Những viên gạch lằng nghe sự than khóc của những ông Bộ trưởng qua các báo cáo, chất vấn và những câu trả lời “nhận khuyết điểm” như tiếng than khóc của những đứa bé chưa trưởng thành được giao cho vai trò ngồi trên đầu thiên hạ.

Bức tường ấy đôi khi cũng giận dữ hay phê phán với một chừng mực nhất định để rồi cuối cùng nhận tấm giấy “hứa” nhét vào khe hở vốn toang hoác vì trơ trẽn.

Bức tường than khóc năm nay bị quá tải. Quá tải bởi sự than khóc của các Bộ trưởng trở nên đông đúc và khôi hài hơn. Tường không còn chỗ nhét các phát biểu nữa, đặc biệt sau khi ông Phùng Xuân Nhạ bị chất vấn vì hành vi vô giáo dục của ngành giáo dục do ông quản lý. Bộ trưởng Nhạ bị vây và đã phản ứng như một đứa trẻ lớp năm. Ông phân trần rằng các giáo viên bị điều đi tiếp khách do cán bộ chỉ vui chơi thôi không có bất cứ một sai trái nào.

Hình ảnh giáo dục của đất nước trở nên tồi tệ đến không còn chỗ rửa chân nhất là ngày nhà giáo tới gần và phát biểu của ông Nhạ như chiếc đinh đóng vào bức tường than khóc tại Quốc Hội.

Giáo dục đã tỏ rõ thành quả của nó sau 70 năm xây dựng. Cụ thể và dễ thấy nhất qua hình ảnh của các Bộ trưởng Giáo dục từ trước tới nay. Thử hỏi có ông nào ăn học đàng hoàng, tận tâm tận lực với giáo dục hay không hay là chỉ là những cậu bé bị ủ thứ khí đá “nhiệm vụ chính trị” sau những năm tháng học hỏi lý tưởng Mác Lê và tuyên chiến với ngành giáo dục bởi sự dốt nát và mù quáng của chính họ.

Một nền giáo dục lấy xác người làm đơn vị đong đếm trong sách giáo khoa sẽ sản sinh ra những người dân lạnh lùng giết những tên ăn trộm chó một cách tàn nhẫn.

Một nền giáo dục vinh danh anh hùng thần đồng không có thật là Lê Văn Tám, sẽ sản sinh ra những hung thần nhỏ có thật sẵn sàng đánh nhau như kẻ thù rồi quay phim đưa lên mạng như một chiến tích đối với bạn bè mình.

Một nền giáo dục xem sự tranh dành miếng ăn là mục tiêu trong cuộc sống sẽ sản sinh ra hình ảnh dành ăn trong các tiệm buffet ở nước ngoài là điều không hề đáng ngạc nhiên.

Một nền giáo dục xem hành vi chửi bới là chuyện bình thường nơi công cộng sẽ sản sinh ra bún chửi Ngô Sĩ Liên với hàng ngàn con bệnh tới đây sếp hàng nghe chửi là điều hợp lý.

Một nền giáo dục luôn miệng tôn sư trọng đạo nhưng học trò đánh nhau với thầy cô giáo xảy ra như cơm bữa và không ai thấy đó là sự băng hoại của nền giáo dục sẽ lây lan ra xã hội như nấm sau mưa.

Phùng Xuân Nhạ là sản phẩm của nền giáo dục ấy, nay được bày ra trước thiên hạ những gì ông ta được học trong nhà trường xã hội chủ nghĩa thì chúng ta cũng không nên trách móc ông ấy. Hãy tiếp tục than khóc cho chính chúng ta, những kẻ đang nuôi dưỡng nền học vấn đáng bị lên án và đập bỏ.

Ngày nhà giáo 20 tháng 11 người ta thấy ông Phùng Xuân Nhạ tới viếng thầy của mình là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Không biết ông Nhạ học ông Nhân lúc nào nhưng xét về thành tích thì ông Nhân không hơn gì ông Nhạ mặc dù được gọi là thầy.

Cái lỗi của ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn sờ sờ ra đấy: Ngày 17 tháng 11 năm 2006 ông Nhân trong tư cách Bộ trưởng Giáo dục đã hứa rằng tới năm 2010 người giáo viên sẽ sống được bằng đồng lương của mình.

Mười năm sau, người giáo viên khắp nước vẫn ngậm niềm tin của ông Nhân trong miệng lặn mò tìm đồng lương “sống được” ấy dưới những ao hồ bị phỉ báng là dạy thêm.

Giáo dục với những lời hứa cuội sẽ sản sinh ra những bộ trưởng than khóc trước quốc hội là điều tất yếu. Tất cả các Bộ trưởng trong các đời Thủ tướng khác nhau đều được sinh ra trong chiếc lò ấp trứng xã hội chủ nghĩa được mệnh danh là giáo dục, sẽ không có thứ triết lý giáo dục nào thích hợp, ngoại trừ bốn chữ “nhiệm vụ chính trị” rất hào nhoáng nhưng lại đúng đắn đến kỳ lạ.

Và vì vậy “bức tường than khóc” vẫn còn đó trong hàng chục hay hàng trăm năm nữa cho tới khi sự than khóc trở thành lửa đốt ra tro thứ than khóc giả tạo và đầy khinh bỉ đối với người dân hiện nay.