17.11.2016

Tổng thống đắc cử Donald Trump có lên án vấn đề nhân quyền Việt Nam?

Tổng thống đắc cử Donald Trump có lên án vấn đề nhân quyền Việt Nam?

Việt Hà (RFA)
Tổng thống đắc cử Donald Trump tại New York hôm 09/11/2016.  AFP

Một tuần sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến chính sách sắp tới của Mỹ đối với châu Á và những chính sách này sẽ có ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam đặc biệt là các vấn đề về kinh tế, biển Đông và nhân quyền. Việt Hà phỏng vấn chuyên gia Murray Hiebert, Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington DC.

Có thể có quan hệ tốt với Việt Nam


Việt HàThưa ông, trong suốt quá trình tranh cử và sau khi thắng cử Tổng thống mới của Mỹ Donald Trump không nói nhiều đến Việt Nam, trừ hai lần nói rằng Việt Nam là nơi có lao động rẻ và Việt Nam bán hàng hóa giá rẻ vào Mỹ. Theo ông, liệu những chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ sẽ có ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam?

Murray Hiebert: Trước hết tôi nghĩ là chúng ta phải chờ xem ông ta sẽ làm cụ thể những gì liên quan đến chính sách kinh tế. Ông ta đã nó rõ ràng là ông ấy không ủng hộ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông ấy nói là ông ấy sẽ coi lại những đàm phán thương mại khác như NAFTA với Canada và Mexico. Nhưng ông ấy chưa thực sự nói cụ thể là ông ấy sẽ làm gì với vấn đề bán phá giá ngoài việc nói là sẽ có các biện pháp để ngăn ngừa bán phá giá. Đối với vấn đề lao động giá rẻ ở các nơi như Việt Nam, rất khó có thể biết trước được ông ta sẽ làm gì. Một phần những phàn nàn của ông ta là những nơi có lao động giá rẻ hơn Mỹ thì thu hút các công ty Mỹ. Nếu ông ta bắt các công ty Mỹ phải đóng cửa các xí nghiệp của mình ở Việt Nam thì họ cũng sẽ không chuyển các xí nghiệm đó về các bang Ohio hay Nebraska. Họ chỉ chuyển từ Việt Nam đến nơi rẻ hơn như Myanmar, Campuchia hay Bangladesh hoặc những nơi khác. Chúng tôi đến lúc này vẫn chưa thể biết được ông ta sẽ làm gì đối với những vấn đề kinh tế này. Ông ta nói rất nhiều về việc áp thuế 45% lên các hàng hóa nhập từ Trung cộng. Nhưng chúng tôi chưa nghe ông ấy nói thêm gì về vấn đề này kể từ khi đắc cử. Vì vậy chúng ta vẫn ở trong giai đoạn chờ xem.

Việt Hà: Một ngày sau khi ông Trump thắng cử, quốc hội Nhật Bản đã thông qua hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ gặp ông Trump trong tuần này. Theo ông liệu sức ép từ đông minh của Mỹ có thể làm thay đổi quan điểm của ông Trump đối với TPP?

Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington DC. Hình do Ông Murray cung cấp

Murray Hiebert: Chúng ta phải chờ xem vì sẽ rất khó cho ông ấy để rút lại những gì mình đã nói. Ông ta không thể tuần trước thì lên án mà tuần này thì lại nói đó là một hiệp định tốt. Ông ấy nhận được sự ủng hộ của những cử tri là những người trong thập niên qua đã mất việc, mất hy vọng và mất thu nhập tốt mà theo Trump thì đó là do các thỏa thuận thương mại. Tôi không nghĩ đó là nguyên nhân chính mà nguyên nhân chính phải là do toàn cầu hóa, tự động hóa. Nhưng ông ấy đã đưa ra hình ảnh này và sẽ rất khó cho ông ấy để có thể bất ngờ bỏ những gì mình đã hứa. Ông ấy có thể thay đổi từ từ trong vài năm tới chứ không thể trong năm tới. Tôi không chắc Thủ tướng Abe có thể thuyết phục nổi Trump thay đổi về TPP sau khi ông ấy đã rất cương quyết về vấn đề này đối với các cử tri. Ông ấy cũng nói rất nhiều về việc Nhật bản và Nam Hàn phải trả hơn nữa cho vấn đề an ninh mà Hoa Kỳ cung cấp cho các nước. Theo tôi cuộc gặp chủ yếu là để hai bên gặp nhau và chào hỏi nhau để hiểu nhau hơn. Tôi thấy khó tưởng tượng được rằng tân Tổng thống Trump sẽ thay đổi quan điểm của mình nhanh chóng ngay sau một tuần thắng cử.

Chiến lược chuyển trục về châu Á sẽ ra sao?

Việt Hà: Trong quá trình tranh cử, tân Tổng thống Trump cũng có nhắc đến vấn đề Trung cộng và biển Đông nhưng ông ta không đề cập đến vấn đề này nhiều gần đây. Theo ông chiến lược chuyển trục về châu Á của Tổng thống Obama sẽ ra sao dưới thời của Tổng thống Trump?

Murray Hiebert: Chúng tôi không biết nhiều lắm về những gì ông ấy nghĩ liên quan đến vấn đề này. Tuần rồi có một bài báo trên tạp chí Foreign Policy của hai người cố vấn của ông Trump là Alexander Gray and Peter Navarro theo đó họ nói một chút về chiến lược chuyển trục về châu Á. Họ nói Bắc Kinh đã cho xây dựng khoảng 3,000 acre đảo nhân tạo, về hành động lấn lướt của Trung cộng ở biển Hoa Đông. Họ cũng nói về cách mà chính quyền của Tổng thống Obama đã để mặc Phi Luật Tân ở bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Chính quyền Hoa Kỳ nói với cả Phi Luật Tân và Trung cộng và hai nước hứa là sẽ rút quân khỏi bãi cạn nhưng sau khi phía Phi Luật Tân rút đi thì Trung cộng vẫn ở lại. Vì vậy họ lên án sự yếu ớt của chính sách chuyển trục của Tổng thống Obama. Điều này có thể sẽ phản ánh cách nghĩ rộng hơn của Tổng thống Trump. Có thể là ông ấy đang cân nhắc một cách tiếp cận cứng rắn hơn ở biển Đông. Nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa nghe ông ấy nói trực tiếp về vấn đề này mà chỉ là những cố vấn của ông ấy.

Việt Hà: Nhưng liệu điều này có mâu thuẫn gì với chính sách hướng nội của Trump mà ông ấy đã tập trung nói đến nhiều trong suốt quá trình tranh cử?

Murray Hiebert: Có thể là như vậy. Nhưng ông ấy đã chỉ trích Trung cộng rất mạnh nên ông ấy sẽ phải tìm ra cách. Chúng tôi cũng thấy là ông ấy đã nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình và dường như họ đã có một cuộc thảo luận mang tính xây dựng dù không giải quyết vấn đề gì cụ thể. Đây chỉ là một thảo luận ban đầu để tìm hiểu nhau.

Việt Hà: Liên quan đến vấn đề nhân quyền, cứ mỗi khi có một vị Tổng thống mới của Mỹ được bầu thì người Việt Nam tỏ ra quan tâm là liệu vị Tổng thống mới sẽ có chính sách ra sao đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Liệu Tổng thống mới sẽ cứng rắn hơn hay nhẹ nhàng hơn với Việt Nam trong vấn đề này?

Murray Hiebert: Chúng tôi thực sự không biết chính xác là Trump sẽ làm gì. Tuy nhiên trong cùng một bài báo mà tôi nói tới, các cố vấn của ông ấy đã chỉ trích rất mạnh chính quyền của Tổng thống Obama đã quá mạnh tay với Thái Lan sau vụ quân đội lật đổ chính quyền và đẩy chính phủ hiện thời của Thái Lan tiến gần hơn về phía Trung cộng. Cho nên nếu đây thực sự là chính sách của Trump thì vấn đề nhân quyền sẽ có thể ít được nhấn mạnh hơn dưới thời của Tổng thống Trump hơn so với thời của Tổng thống Obama. Tuy nhiên những cố vấn này cũng nói là các nước như Việt Nam, Nhật Bản, Myanmar đang tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ với Washington vì những sức ép từ Trung cộng. Cho nên Tổng thống Trump sẽ tận dụng cơ hội này và nếu đó là chính sách của Trump thì ông ta sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Việt Nam để đối phó với sức ép từ Trung cộng.

Việt HàXin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.