28.12.2016

Lao Động Việt Nam tại Hải Ngoại

Lao Động Việt Nam tại Hải Ngoại

Anh Quốc: Bố Ráp, Bắt 97 Di Dân Lậu Làm Nail, Hầu Hết Là Người Việt Nam

Gần 100 người đã bị bắt trong một cuộc bố ráp các công nhân ngoại quốc lậu trong những tiệm nail ở Anh Quốc.

Khoảng 97 người đàn ông và đàn bà đã bị bắt trong thời gian bố ráp các tiệm thẩm mỹ mướn công nhân không phải công dân Châu Âu không có giấy phép làm việc tại Anh Quốc.

Hơm một chục người bị bao vây trong thời gian hàng loạt vụ đột kích bị nghi ngờ có nạn buôn bán người bởi các băng đảng có tổ chức trong nô lệ thời hiện đại.

Tổng cộng 68 cơ sở kinh doanh bị cảnh báo rằng họ sẽ đối diện với tiền phạt lên tới 20,000 bảng Anh (24,674 đô la Mỹ) cho mỗi công nhân lậu.

Đại đa số những người bị bắt là người Việt Nam. Những người khác đến từ Mông Cổ, Ghana, Trung Hoa lục địa, Nigeria, Pakistan và Ấn Độ.

Một loạt những trường hợp gần đây cũng cho thấy cách các băng đảng người Việt dùng các tiệm nail như là cái “diện” hợp pháp cho những hoạt động của họ gồm mại dâm và trồng cần sa.

Các bộ trưởng ra lệnh cuộc bố ráp để gửi đi thông điệp rằng khoảng 1.1 triệu di dân lậu sẽ bị tóm cổ.

Trong 5 năm tính tới năm 2013, hơn 90 tiệm thẩm mỹ trên khắp nước Anh và xứ Wales, mà người Việt đứng tên, đã bị phạt gần 860,300 đô la vì thuê các di dân lậu làm việc.



Giáng sinh buồn cho công nhân Việt tại Mã Lai
Cây thông được trang trí trước Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, Mã Lai. AFP photo

Mã Lai là một quốc gia có gần 80% dân chúng theo đạo Hồi trong khi sân số theo đạo công giáo chỉ chiếm chưa đến 10%. Tuy nhiên, với 22,6 % người Tàu sinh sống tại đây và người Singapore từ biên giới sang nghỉ lễ thì mùa Giáng sinh ở Mã Lai cũng là những ngày tưng bừng, nhộn nhịp. Trong khi d0ó, hàng chục ngàn người Việt lao động tại Mã Lai đón Giáng sinh trong âm thầm, lặng lẽ như tâm trạng buồn chán của chị Mùi, công nhân một công ty điện tử ở Penang:
Có gì đâu, chẳng có gì cả, mấy chị em ăn cơm thân mật thôi, có gì đâu…

Và đó cũng là tâm sự của chị Nhàn ở Melaka:
Giáng sinh bên này cũng bình thường thôi, trong nhà cũng thế, ra ngoài cũng thế thôi. Bọn em cũng tổ chức ăn trong phòng thôi. Còn đi chơi thì đường xá xa xôi, bọn em cũng không đi được. Nhà thờ thì bọn em không đi, bọn em chỉ tổ chức ăn trong phòng, bây giờ mấy chị em vẫn đang ngồi ăn đây.

Nhưng đó vẫn còn là điều may mắn cho các công nhân được nghỉ một  ngày để đón Giáng sinh. Còn với những công nhân không được nghỉ thì năm nay, cũng lại thêm một năm nữa không biết Giáng sinh là gì. Anh Quý, làm công nhân xây dựng đã 3 năm nay tại Johor Barhu nói :
Công ty không có Giáng sinh chị ạ. Vẫn đi làm bình thường. Giáng sinh vẫn bắt đi làm, nó không có cho nghỉ đâu….Không cho nghỉ cái gì cả, không có tết Tây, không có gì cả…Không có năm nào nghỉ hết cả chị ạ.

Dịp mà mọi người vui chơi, đến Mã Lai ăn Giáng sinh cũng là lúc công việc trong nhà hàng bận rộn nên với chị Lê cũng là những ngày đầu tắt mặt tối để phục vụ trong quán ăn.
Em cứ đi làm suốt , không có thời gian được nghỉ nên cũng không đi đâu được chị ạ. Mưa suốt, năm nay bên này mưa tầm tã suốt 5-6 ngày. Trời hôm nay mới hơi tạnh tạnh một tí thôi. Đến lúc nó tạnh thì lại hết mất Giáng sinh rồi…(cười..).

Cùng với 2 bạn đồng nghiệp khác, ba nam công nhân quây quần bên buổi cơm tối trong sự lãng quên của mọi người, anh Quý nói :
Ba anh em người Việt Nam, Giáng sinh thì tổ chức cái gì sơ sơ đấy… Công ty thì không có…

Nhà thờ, Giáng sinh, Chúa hài đồng là những danh từ xa lạ với người công nhân xuất thân từ ruộng đồng như chị Mùi :
Bọn em có biết tôn giáo là cái gì đâu. Có đi theo đạo đâu mà biết những cái đấy. Sang bên này chưa đi nhà thờ bao giờ nên cũng chả biết ca Giáng sinh như thế nào.

Là dịp nghỉ ngơi
Một công nhân Việt Nam chụp hình bên cây thông Giáng Sinh ở Malaysai. Hình do công nhân gửi RFA

Với công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam, ngày Giáng sinh chỉ là một cơ hội hiếm hoi để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho những ngày làm việc cực nhọc sắp tới. Chị Mùi nói :

Bọn em ở nhà thôi, chả đi đâu, chỉ có đi làm, chơi bời về mệt lắm, chả muốn đi làm, sang bên này đất khách quê người cũng sợ lắm, chả biết sao được mà đi.

Ngoài không khí lặng lẽ trong đêm Giáng sinh, còn là nỗi nhớ nhà của chị Mùi :
Ai mà chẳng nhớ nhà. Vui ở đâu thì vui, những cũng nhớ nhà chứ, có gia đình, con cái, Bố Mẹ...

Tổng số lao động nhập cư tại Mã Lai khoảng trên 2 triệu. Với khoảng 80.000 công nhân, Việt Nam là quốc gia có số lao động nhập cư đứng thứ tư trong 8 quốc gia đang có người lao động tại Mã Lai. Con số này vào khoảng năm 2008 đã có lúc lên tới trên 100.000 người, nhưng do chế độ lương thấp, điều kiện lao động không đảm bảo nên dần dần Mã Lai không còn là một thị trường lao động hấp dẫn. Sau hơn 2 năm làm việc, hợp đồng sắp hết, nhưng anh Quý không muốn gia hạn hợp đồng, anh cho biết lý do :

Không có chế độ gì hết, không có bảo hiểm … nói chung là cái gì cũng không có, mình đau thì mình tự túc hết. Có cái gì đâu mà ở lại.

Cuộc điều tra kéo dài 2 năm (2012-2014) của tổ chức phi chính phủ Verité do Bộ Lao Động Hoa Kỳ tài trợ cho biết 32% lao động tại Mã lai làm việc trong tình trạng cưỡng bức. Thế nhưng, trên báo Lao Động ngày 25/9/2014, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng :

Đấy là một báo cáo nghiên cứu khoa học dựa trên một mẫu nhỏ, không đồng đều, chưa mang đầy đủ tính đại diện. Do vậy, cần phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ về thị trường này và tự quyết định lựa chọn thị trường làm việc phù hợp với khả năng và yêu cầu của bản thân.

Thế nhưng, trên thực tế, lao động xuất khẩu vẫn chưa được thông tin đầy đủ để có thể tự chọn lựa như ông Phó cục trưởng đề nghị. Anh Quý cho biết chưa bao giờ được thông báo rõ ràng về hợp đồng của mình :

Không biết đâu, không biết hợp đồng gì đâu. Bảo sang bên đây làm công ty thì đi thôi…Công ty khác thì có chế độ, công ty em không có…

Và làm sao có thể nhận được thông tin đầy đủ, khi mà phần lớn những công nhân xuất khẩu lao động này chỉ là những nông dân quê mùa, chữ nghĩa không thông thì làm sao đọc được hợp đồng.

Ngoại tệ hàng năm thu được từ nguồn nhân lực xuất khẩu lao động lên đến gần 2 tỉ đô la mỗi năm. Cho đến khi nào nhà nước vẫn không quan tâm đúng mức đến nguồn tài lực này thì Giáng sinh đối với những công nhân xa xứ sẽ tiếp tục là những Giáng sinh buồn.

Tường An (RFA)


Người Việt ở Thái Lan chuẩn bị Giáng sinh và năm mới
Chuẩn bị đón Giáng Sinh ở Thái Lan năm nay trước CentralWorld với hai màu trắng và vàng để tưởng nhớ nhà vua Bhumibol Adulyadej. Trắng tượng trưng cho tang và vàng ngày sinh của ông.  AFP photo

Lễ Thiên Chúa giáng sinh - Noel là dịp lễ lớn và trọng đại của những người Công giáo trên toàn thế giới. Tại Thái lan hiện nay, trong số lượng đông đảo những người Việt nam sang sinh sống và làm việc có một số những người theo đạo Công giáo khá đông, họ là những thanh niên trẻ sang học tập và làm việc tại đây.

Anh Nguyễn Trịnh, một người Công giáo quê ở Nghệ An sang học Đại học tại Thái Lan đã 3 năm, cho chúng tôi biết về việc tổ chức thánh lễ đón mừng lễ Giáng sinh Noel và đón năm mới của cộng đồng người Việt Nam theo đạo Công giáo diễn ra hàng năm. Anh nói với chúng tôi:

Lực lượng người VN trẻ ở Thái Lan hiện nay là công nhân, đa phần là người Công giáo. Để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này thì các bạn trẻ đã chuẩn bị trước và đến đêm ngày 24 và ngày 25 hàng năm, thì tất cả anh em đều quy tụ về Nhà thờ để đón Chúa hài đồng.”

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng còn có rất nhiều người sang Thái Lan làm việc và sinh sống bất hợp pháp, vì lý do an ninh nên việc đón Giáng Sinh và năm mới của họ cũng không được thuận lợi như những người khác. Anh Đặng Ân, một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, đang tỵ nạn chính trị tại Thái Lan bày tỏ:
Bản thân tôi vì liên quan đến vấn đề an ninh cá nhân, cho nên tôi không thể đến tham dự cùng cộng đồng được. Thay vào đó thì tôi cùng một số anh chị em cũng làm một bữa tiệc nho nhỏ để mừng đêm Giáng sinh và chúng tôi cũng tặng quà cho nhau. Sau đó thì tất cả cùng đi tham dự thánh lễ với người Thái.”

Tại khu vực Băng cốc, nơi tập trung đông đảo người lao động Việt Nam, tại một số nhà thờ của người Việt, không khí chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và đón chào năm mới được chuẩn bị rất nhộn nhịp. Cha Hùng, ở Nhà thờ thánh Juse khu vực PhRama 3, thủ đô Băng cốc cho biết:

Vâng, đây là Nhà thờ thánh Juse, bây giờ anh em và bà con mình cũng về VN nhiều rồi. Còn một số còn ở lại thì cũng tụ họp ở Nhà thờ Thánh Juse ở Phrama 3. Hàng năm lễ Giáng sinh cũng đều diễn ra như vậy, có tổ chức 2 ngày, nhưng ngày Chúa nhật 25 là ngày chính để các nhóm anh em lao động khác nhau ở Thái lan họ đến để chung vui nhân ngày lễ.”

Không có điều kiện về Việt Nam

Sao giấy đầy màu sắc được bán ở Thái Lan trước Giáng Sinh. AFP photo

Nhân dịp lễ Giáng Sinh và chuẩn bị đón mừng năm mới 2017, những người Việt theo đạo Công giáo ở Thái Lan lúc này, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Song đa phần trong số họ không có điều kiện trở về Việt Nam để sum họp cùng cha mẹ, anh em trong gia đình cũng như các bạn bè của họ. Tuy vậy, mỗi người đều có những nguyện ước của riêng mình và muốn chuyển những lời chúc dành cho người thân. Anh Nguyễn Trịnh bày tỏ:

Ước nguyện của tôi trong dịp này là mong được về bên gia đình, bạn bè và không muốn xa quê hương. Bản thân tôi cầu mong cho gia đình sức khỏe và bình an. Tôi hy vọng đất nước sẽ thay đổi sớm, người dân sẽ có quyền tự do, tôi mong rằng chế độ này sớm chấm dứt để tôi và anh em bạn bè cũng như những người đang lao động ở Thái Lan không phải làm ăn khổ sở trên mảnh đất quê người.”

Trong một tâm trạng xúc động, anh Đặng Ân, một người đã sống ở Thái lan 5 năm, nói với chúng tôi rằng con đường về quê Mẹ đối với anh giờ sao quá mịt mù. Nhưng bản thân anh cùng các bạn bè vẫn vững chí và hy vọng một ngày không xa, tương lai tươi sáng sẽ về với đất nước và dân tộc VN. Anh khẳng định:

Điều mà tôi mong mỏi nhất là được quay trở về VN, tôi cầu mong cho cha mẹ cũng như anh chị em được bình an. Đặc biệt, tôi đang có một người anh còn đang ở trong chốn lao tù của Cộng sản vì bất đồng chính kiến, nhân dịp này tôi cũng cầu chúc cho anh tôi được bình an trong mùa Giáng sinh này. Điều cuối cùng mà tôi mong ước là, năm 2017 là năm cuối cùng mà chế độ cộng sản còn cai trị trên đất nước VN.

Qua làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự do, Cha Hùng đã bày tỏ tâm tình và chuyển lời chúc lành tới toàn thể cho các con chiên của Thiên Chúa. Cha Hùng nói:

Nhân dịp Noel ở nơi đất khách quê người, anh em sang đây lao động xa nhà thì nhớ nhà, không có điều kiện về dự lễ Noel cùng gia đình thì họ tụ họp ở đây để chung mừng lễ và chia sẻ niềm vui với nhau. Nhân dịp này tôi cũng miễn xin Chúa chúc lành cho mọi người cùng gia đình bình an, có tâm hồn vui vẻ đón một Noel xa gia đình nhưng vẫn có những niềm vui riêng nhân mùa Noel.”

Anh Vũ (RFA)


Biển Đông căng thẳng, ngư dân Việt Nam đổ sang Úc đánh cá lậu
Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung cộng đâm chìm được kéo về đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngày 29/05/2014. REUTERS/Stringer

Tính từ tháng 3 đến nay đã có khoảng 150 ngư dân Việt Nam trên 10 tàu cá bị bắt trong lãnh hải nước Úc vì đánh cá trái phép, trong khi vào năm ngoái không hề có ngư dân Việt Nam nào bị bắt vì tội này.

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông coi như cũng đã lan tới lãnh hải của Úc, với việc nhà chức trách nước này đang phải đối phó với tệ nạn ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép ở ngoài khơi miền bắc nước Úc, theo thông tin của trang Financial Review hôm nay, 27/12/2016.

Ngư dân Việt Nam đã buộc phải quay sang vùng biển nước Úc để kiếm sống, vì tàu tuần dương của Trung cộng nay ngăn chận họ đến đánh bắt cá ở những vùng biển chung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.

Không chỉ ở Biển Đông, trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng đã áp dụng nghiêm ngặt hơn lệnh cấm đánh cá ở vùng Vịnh Bắc Bộ, một hành động mà Hà Nội xem là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Tòa án Nhân dân Tối cao Trung cộng đã tuyên bố, kể từ nay những ngư dân nào bị bắt giữ vì đánh bắt « trái phép » trong vùng biển của Trung cộng sẽ có thể bị phạt tù 1 năm, chứ không chỉ bị tịch thu tài sản, ngư cụ, rồi được thả đi như trước đây.

Trong khi đó, những quốc gia khác, đặc biệt là Nam Dương, cũng đã tăng cường bảo vệ các vùng biển của họ. Từ tháng 12/2014 đến nay, Nam Dương đã đánh chìm 234 tàu đánh cá của nước ngoài bị bắt giữ vì đánh cá trái phép trên vùng biển của nước này.

Thanh Phương (RFI)