14.12.2016

Nhân Quyền Việt Nam

Nhân Quyền Việt Nam

Blogger Nguyễn Ngọc Già bị hành hạ trong tù

 Blogger Nguyễn Ngọc Già. Ảnh: internet

Tù nhân chính trị Nguyễn Đình Ngọc, thường được biết đến dưới tên blogger Nguyễn Ngọc Già bị hành hạ trong tù do thẳng thắn đấu tranh với cán bộ trại giam.

Thời gian qua blogger Nguyễn Ngọc Già đã bị quản giáo trại giam cùm chân nhiều lần. Lần thứ nhất từ ngày 17/7/2016 đến ngày 24/7/2016. Lần thứ 2 từ ngày 9/8/2016 đến ngày 16/8/2016. Lý do bị cùm chân được cho biết vì phản đối ban quản lý trại giam, yêu cầu cải thiện chế độ lao tù. đang lâm vào tình trạng suy kiệt về sức khỏe.


Trong hai lần tù cùm chân Nguyễn Đình Ngọc đã bị biệt giam trong những điều kiện rất tồi tệ. Anh bị biệt giam phải nằm trên nền xi măng lạnh, rất bẩn thỉu với chỉ độc 1 quần đùi và áo thun. Tiểu tiện trong một cái xô để bên cạnh, không được đánh răng rửa mặt, không được tắm giặt.
Bên cạnh đó anh đã bị cắt thăm nuôi 2 tháng liên tục, bạn tù phải cho thức ăn để qua cơn đói.

Hậu quả của hành vi đày đọa tù nhân bởi các cai tù cộng sản đã dẫn đến tình trạng sức khỏe suy kiệt của anh. Anh Nguyễn Ngọc Già hiện đang bị những chứng ù tai, hoa mắt, tay chân bủn rủn, đau khớp gối, ghẻ lở và táo bón.
Đây không phải là những vi phạm riêng biệt xảy ra với blogger Nguyễn Ngọc Già của nhà nước Việt Nam đối với những cam kết trong công ước quốc tế về chống tra tấn. Nhiều tù nhân khác cũng bị ngược đãi, bị đối xử vô nhân đạo và phải lao động khổ sai. Mặc dù trong trại giam có gắn camera gọi là để theo dõi sinh hoạt của tù nhân lẫn cai tù nhưng tù nhân đã bị quản giáo lôi vào góc khuất để đánh hội đồng.

Ông bị bắt vào ngày 27 tháng 12 năm 2014, và bị kết án 3 năm tù giam, ba năm quản chế với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Tù nhân Dân oan Cấn Thị Thêu bị chuyển trại

Bà Cần Thị Thêu tại tòa án nhân dân Hà Nội ngày 30 tháng 11 năm 2016. AFP photo

Bà Cấn Thị Thêu, nữ tù nhân lương tâm được biết đến về sự kiên quyết trong hoạt động giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông- Hà Nội và lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội, sau khi bị tòa phúc phẩm giữ nguyên mức án 20 tháng tù vừa bị chuyển đến trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên.

Con trai bà Cấn Thị Thêu hôm nay cho Đài Á Châu Tự Do biết về tin này như sau:
Hôm 11 tháng 12, sau khi đáp xuống sân bay Pleiku thì mẹ tôi có điện về và thông báo rằng trại giam Hỏa Lò và an ninh đã áp giải mẹ tôi đến sân bay Pleiku và tiếp tục chuyển đến trại giam Gia Trung ở Gia Lai cách Pleiku 50 cây số.

Việc chuyển trại xa như thế này gia đình tôi rất vất vả. Hiện tại tôi vừa đáp xuống sân bay Pleiku và đang tìm chỗ nào đấy để nghỉ qua đêm ở đây để sáng mai lại bắt xe đò đến trại giam khoảng 50 cây số. Tôi được biết có một vài anh chị cô bác ở Sài Gòn sáng mai cũng sẽ đến trại giam động viên gia đình và mẹ tôi mặc dù mọi người đều biết là chỉ có mình tôi duy nhất được phép vào thăm mẹ tôi mà thôi.

Cuối tháng 11 vừa qua, tòa phúc thẩm Hà Nội y án mức 20 tháng tù mà tòa sơ thẩm tuyên cho bà Cấn Thị Thêu hồi tháng 9 với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.

Bà bị bắt lại vào tháng 6 năm nay. Trước đó bà từng bị bắt trong vụ cưỡng chế đất ở Dương Nội vào tháng tư năm 2014, sau đó bị tuyên án 15 tháng tù với cáo buộc’ chống người thi hành công vụ’.

Tin RFA



Ông Trần Anh Kim và ông Lê Thanh Tùng sắp ra tòa sơ thẩm

  Ông Trần Anh Kim trước vành móng ngựa. Ảnh: Internet

Ngày 16/12/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình (trụ sở tại số 74 Kỳ Đồng, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng.

Cựu trung tá Trần Anh Kim bị bắt ngày 21/9/2015, sau khi ra tù được hơn 8 tháng và vẫn đang trong thời gian quản chế. Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng bị bắt đúng dịp lễ Giáng Sinh (24/12) năm ngoái. Cả hai ông đều bị buộc tội theo điều 79 BLHS “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Cựu trung tá Trần Anh Kim, từng bị bắt ngày 7/7/2009 và bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam, 3 năm quản chế theo điều 79 BLHS “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Cùng vụ án với ông Kim thời điểm đó còn có những nhân vật nổi tiếng khác là các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung.

Ông Kim mãn hạn tù ngày 15/1/2015 rồi bị bắt trở lại hôm 21.9.2015, sau khi ra tù được hơn 8 tháng và vẫn đang trong thời gian quản chế.

Ông Lê Thanh Tùng, thành viên khối 8406 bị bắt tháng 12 năm 2011 và bị kết án 4 năm tù giam, 4 năm quản chế theo điều 88 BLHS “tuyên truyền chống nhà nước”. Ngày 29/6/2015, ông Tùng bất ngờ được trả tự do trước thời hạn 5 tháng theo quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước. Dư luận cho rằng việc thả TNLT Lê Thanh Tùng trước thời hạn là một trò xoa dịu tâm lý, dọn đường cho chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng 7 /2016.

Theo tin Danlambao




Châu Âu yêu cầu Việt Nam thả các tù nhân chính kiến

Người dân biểu tình kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy bên ngoài tòa án hồi tháng 3/2016.© 2016 GNsP

Nhân cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam lần thứ sáu diễn ra hôm 08/12/2016 tại Bruxelles, phái đoàn châu Âu đã nêu bật nhiều trường hợp của những người đang bị chính quyền Hà Nội giam giữ vì bất đồng chính kiến. Bruxelles cho rằng những người này cần phải được trả tự do.

Trong bản thông cáo báo chí công bố sau cuộc họp, Liên Hiệp Châu Âu cho biết đã nêu với phía Việt Nam các vụ sách nhiễu và giam giữ ngày càng nhiều những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.

Châu Âu đã nhấn mạnh với phía Việt Nam về tầm quan trọng của việc đảm bảo sao cho tất cả những người bị giam giữ được thăm nuôi, phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều khoản về nhân quyền quốc tế. Những người được phép vào thăm các tù nhân này phải bao gồm cả luật sư, nhân viên y tế, lẫn các thân nhân.

Thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu nói rõ là phía Bruxelles đã nêu bật một số trường hợp cụ thể : Ông Ngô Hào, ông Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Anh Ba Sàm) và trợ lý của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thúy, ông Nguyễn Văn Đài và trợ lý của ông là bà Lê Thu Hà, ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm), ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, ông Đoàn Huy Chương, bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Đặng Xuân Diệu và Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam là một cuộc họp thường niên giữa hai bên. Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam vào hôm qua là ông Vũ Anh Quang, vụ trưởng vụ Các Tổ Chức Quốc Tế thuộc bộ Ngoại Giao Việt Nam, còn phía châu Âu là ông David Daly, Trưởng Ban Đông Nam Á thuộc Cơ Quan Đối Ngoại Châu Âu EEAS. Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam lần thứ 7 sẽ mở ra tại Hà Nội vào năm 2017.

Trọng Nghĩa (RFI)


Việt Nam vẫn đàn áp tôn giáo
Đại diện đảng Cộng hòa Mỹ từ New Jersey Chris Smith phát biểu tại một cuộc họp báo về vi phạm nhân quyền Việt Nam tại Washington, DC, ngày 24 tháng Năm năm 2016.  AFP photo

Việt Nam bị cho là một trong những quốc gia đàn áp tôn giáo trên thế giới. Điều này được đề cập đến trong một dự luật về tự do Tôn giáo của quốc hội Hoa Kỳ đã được Hạ viện thông qua vào ngày hôm qua và đang chờ tổng thống Mỹ ký duyệt.

Dự luật này do hai dân biểu đồng soạn thảo là ông Chris Smith thuộc đảng Cộng Hòa, và bà Anna Eshoo thuộc đảng Dân Chủ.

Theo thông cáo báo chí của văn phòng dân biểu Chris Smith phát đi hôm qua thì dự luật này sẽ giúp cho các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ý thức rõ hơn về những vi phạm tôn giáo trên phạm vi toàn cầu.

Dự luật được ủng hộ bởi nhiều tổ chức tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ.
Trước đây vài tuần đã có những đề nghị từ chính giới Mỹ là đưa Việt Nam trở lại vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, gọi tắt theo tiếng Anh là CPC.


Tin RFA