„Nước không thoát được, dân không lối thoát và rất có thể đến thời
đám quan chức muốn chạy làng cũng chẳng còn nơi nào để thoát.“
Thoát nước và thoát người
Người
biểu tình xuống đường tại Hà Nội với biểu ngữ phản đối công ty Đài Loan Formosa
Plastic thải chất độc ra biển làm cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung,
ngày 1/5/2016.
“Cái mà các quan ở Việt Nam đang lo nhất
là không biết số phận tương lai của các con cháu họ đang ở Mỹ sẽ như thế nào? Số
tài sản đã bòn rút được từ bấy lâu nay có sẽ được an toàn ở Mỹ hay không? Nếu
không thì sẽ phải mang đi đâu, làm cách nào mà mang đi?”. Đó
là một trong vô số những câu hỏi đáng chú ý được đặt ra trên mạng xã hội sau
khi Donald Trump đột nhiên xuất hiện trên bầu trời chính trị Hoa Kỳ. Nhưng ngay
lập tức, những câu hỏi đó đã được nhiều độc giả hưởng ứng rộng rãi.
Phun thẳng vào mặt người
Trong những tháng cuối năm, bão liên tiếp đổ bộ vào
đất liền đã khiến Hà Nội, Sài Gòn và cả những đô thị khác bị ngập nặng. Ngoài
đoạn ca từ được chế “Mùa mưa này về trên quê ta, khắp đất trời nước ngập bao
la…”, tình hình úng ngập còn được phản ánh qua nhận định của dư luận xã hội:
Từ gần 100 điểm bị ngập theo thống kê không chính thức,
giờ đây Sài Gòn chỉ còn một điểm ngập duy nhất - ngập toàn thành phố!
Hà Nội cũng chẳng có gì sáng sủa hơn.
Dòng người ken đặc dầm mình trong mưa lớn mà không
có lấy một lối thoát giao thông. Nhưng không phải chỉ người mà đến nước cũng chẳng
thoát được. Tại nhiều địa điểm ở Hà Nội và Sài Gòn, người dân ca thán rầm trời
về chuyện nước ở đâu từ trong lòng đất bất thần bắn vọt lên. Lời giải thích đơn
giản nhất mà đến một đứa trẻ cũng biết: không còn chỗ nào để thoát, nước bẩn luần
quần trong lòng đất, tích lại đến mức không thể nén hơn được nữa, rồi cứ thế
phun thẳng vào mặt người trên mặt đất, phun lên ở bất cứ chỗ nào mặt đất không
còn thể ngăn chặn.
Một bi kịch vĩ đại. Thành quả của con người là xây dựng
đô thị mới, nhưng lại đẻ ra hậu quả khi làm thay đổi định dạng nguyên sơ và cân
bằng của tự nhiên. Sau ba chục năm “mở cửa”, Việt Nam
đang phải trả giá quá đắt vì chủ nghĩa tư bản hoang dã và thói tiền chạy trước
quy hoạch.
Nói như nhà viết kịch Anh Bernard Shaw từ tận thế kỷ
19, thiên nhiên tất yếu phải trả thù xã hội loài người. Hai thế kỷ sau đó, định
luật thủy động học lại luôn hàm chứa hiệu ứng tức nước vỡ bờ.
Tức nước vỡ bờ
Tức nước vỡ bờ lại giống như một nghiệp
chướng hiện hình rõ hơn bao giờ hết trên mảnh đất của hàng triệu dân oan đất
đai, hàng trăm ngàn nạn nhân môi trường và đủ loại nạn nhân nhân quyền khác.
Tức nước vỡ bờ đã lồ lộ trong phong trào biểu tình của
vài chục ngàn ngư dân - giáo dân miền Trung phản đối Formosa và cũng phản đối
luôn cả chính sách tăng trưởng quá thực dụng lẫn thói ăn bẩn bao che từ trên xuống
dưới của chính quyền dành cho Formosa.
Nếu xem phong trào biểu tình miền Trung là tiêu biểu
nhất từ sau thời “cách mạng Thái Bình năm 1997”, hình ảnh tiêu biểu không kém
là hàng rào cảnh sát cơ động đã vỡ nát khi đám đông biểu tình tràn qua, cùng
nhiều cảnh sát phải cởi áo, vứt nón bỏ chạy. Hình ảnh này là quá trái ngược với
tình hình trước đó khi giới công an trị còn luôn đe dọa “sẽ bắt nhốt hết” đối với
những người biểu tình không còn biển để sinh sống.
Rõ là những tiểu đoàn cảnh sát cơ động, và cả quân đội
nữa, đã không thể nào đối kháng với lòng dân. 41 năm
sau ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, chưa bao giờ lòng dân sôi
sục phản kháng chế độ cầm quyền như lúc này.
Chẳng khác chút nào lịch sử hưng thịnh - suy vong của
các triều đại phong kiến ở Việt Nam, các chế độ không biết dựa vào lòng dân đều
đến hồi cáo chung khi phải dựa vào cảnh sát và quân đội để đàn áp nhân dân.
Nhưng chính vào lúc đó, số phận giới quan lại, quan chức lại trở nên hết sức
mong manh, và không thiếu gì bằng chứng lịch sử cho thấy người dân dã nổi lên
và trả thù những kẻ đã bóc lột và đàn áp mình như thế nào.
Hiện tình cũng vậy, không hề khác. Dân không còn lối
thoát và tiếp đó quan chức cũng thế.
TPP chỉ là “chuyện nhỏ”. Cho dù tân Tổng thống
Donald Trump có thẳng tay cắt bỏ hiệp định này hay không và khiến kinh tế Việt
mất đi cái phao cứu sinh cuối cùng, không vì thế mà giới quan chức Việt Nam
nghèo đi chút nào.
Tâm lý “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” đã phổ
biến trong giới quan chức Việt Nam nhiều và sâu đến nỗi nếu có nổ thêm một vụ
Formosa nữa, những kẻ đó cũng vẫn hành xử y như đã làm, mặc xác lớp dân đen.
Mối quan tâm còn lại của giới quan chức chỉ là với tất
cả của nả ăn chặn, tích góp được, họ sẽ phải làm sao để khiến đống của nả ấy
không bị giảm sút? Phải làm gì để số của nả ấy không những được an toàn mà còn
được nhân lên gấp bội?
Không chốn nương thân
Nhưng những toan tính trên của lớp quan chức ăn của
dân không chừa thứ gì vẫn chỉ có đôi chút giá trị trong quá khứ gần, với nước Mỹ
là một trong những miền đất an toàn nhất và thậm chí còn làm cho quan chức Việt
hy vọng vào một cơ chế “tị nạn chính trị” nếu tình hình trong nước “có biến”.
Còn ngay trong hiện tại, một nước Mỹ thời Trump bị quá nhiều người thiếu tin tưởng
và còn bị dự báo là bất định thì làm sao có thể giang tay che chắn cho lớp quan
chức tị nạn chính trị, làm sao có thể lo cho hậu vận cái đống của nả tham nhũng
của giới quan chức Việt?
Đống của nả ấy lại đội lên đến 19 tỷ USD chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài riêng trong năm
2015, còn tổng cộng một chục năm qua đã lên đến 81 tỷ USD, gần bằng số
tiền ODA mà Việt Nam đã vay mượn.
Bài học nhãn tiền từ chiến dịch “Săn Cáo” của Tập Cận
Bình đã lồ lộ: nhiều quan chức tham nhũng Trung cộng tìm nơi ẩn náu tận Mỹ mà
còn bị lôi về và bị tống giam thẳng cánh.
Lồ lộ trên website của Interpol là 160 người bị
Trung cộng truy bắt vì “gian lận”, chưa kể đến các “lệnh truy nã đỏ” không được
công bố rộng rãi. Chỉ riêng năm 2015, Bắc Kinh đã phát 100 “lệnh truy nã đỏ”. Một
trong những khía cạnh của chiến dịch bài trừ tham nhũng do chủ tịch Tập Cận
Bình điều hành từ bốn năm nay, là chiến dịch Skynet với mục tiêu hồi hương các
nghi phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài. Theo Tân Hoa Xã, 409 nghi phạm trốn
ở nước ngoài đã được đưa về Trung cộng vào tháng 09/2016.
Tất cả đều có thể được lặp lại ở Việt Nam, nhẹ nhàng
nhất là tương lai “cải cách thể chế”, nhưng trầm kha hơn hẳn là “có biến”.
Không có chế độ vĩnh viễn, chỉ nhân dân luôn tồn tại
và trở thành chứng nhân lịch sử. Giới quan chức Việt đang phải đối mặt ngày
càng gần kề cái tương lai “lấy dân làm gốc” như thế.
Ngay sau khi Trump thắng cử, nghe nói một số quan chức
đại gia đã tính đường chuyển con cái mình từ Mỹ sang Canada, cho dù phải tốn
kém rất nhiều tiền. Đại sứ quán và Lãnh sự quán Canada ở Việt Nam bất thần ken
đặc dòng người lên đến vài trăm, xếp hàng vạ vật từ chiều hôm trước đến sáng
hôm sau chỉ với ước mong xin được visa đi du học.
Một số quan chức đại gia khác cũng đang tính đường
“di tản” sang châu Âu, thay vì Hoa Kỳ như kế hoạch đã định liệu…
Nước không thoát được, dân không lối thoát và rất có
thể đến thời đám quan chức muốn chạy làng cũng chẳng còn nơi nào để thoát.
Blog
VOA