20.12.2016

Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam

Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam

Việt Nam siết chặt quyền tự do tôn giáo

RFA
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội vào ngày 21 Tháng 3 năm 2016.  AFP photo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngăn chặn những điều gọi là các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để kích động chia rẽ nhân dân, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã phát biểu như vừa nêu trong Hội nghị mang tên “Thủ tướng với các tổ chức tôn giáo” được tổ chức sáng ngày 19/12/2016 tại Sài Gòn.


Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2018 sắp tới, từ nay tới thời điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo nghiêm túc thực hiện pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo hiện hành.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng cho đất nước phát triển bền vững. Theo lời ông,  nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế  trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.



Đằng sau hội nghị với các chức sắc tôn giáo

VOA Tiếng Việt

Truyền thông Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tham dự hội nghị và gặp gỡ với 55 chức sắc tôn giáo trong nước. Trong bài phát biểu, ông Phúc khẳng định “chính sách nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo” và không quên cảnh báo rằng “cần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động chia rẽ nhân dân, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước.”

VietnamNet tường thuật rằng “Đại diện các tổ chức tôn giáo đánh giá cao luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua.”

Tuy nhiên, Giám mục phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng bộ luật này có những bước thụt lùi so với những dự thảo trước đây. Phát biểu tại hội nghị, Giám mục Khảm nói: 

Chúng tôi lấy làm tiếc khi phải nói rằng có nhiều nhu cầu trong sinh hoạt tôn giáo của người dân chưa được bộ luật quan tâm và đáp ứng đúng mức, dù đã được đề xuất.”

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Hội thánh Tin lành Memnonite, thành viên của Hội đồng Liên Tôn, một nhóm các tổ chức tôn giáo độc lập không được công nhận, cho VOA Việt ngữ biết ông có cùng nhận định với đức giám mục Nguyễn Văn Khảm. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng nói:

Tôi đồng ý với linh mục Nguyễn Văn Khảm. Ngài nói vậy là đúng. Nó không những đi lùi so với những luật đã được thông qua, mà còn đi lùi so với dự thảo và các pháp lệnh về tôn giáo trước kia.”

Hội đồng liên tôn trước đó đã bác bỏ hoàn toàn Dự luật tôn giáo và tín ngưỡng, vì cho rằng chấp nhận luật này “là góp phần dung dưỡng chế độ vô thần độc tài toàn trị.

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng không tin rằng các kiến nghị nêu lên lại hội nghị lần này sẽ được nghiêm túc xem xét. Mục sư Hùng nói:

Nhìn bề ngoài có vẻ như là luật này có lấy sự góp ý. Nhưng sự thật những góp ý chân thành để bảo vệ quyền tự to tôn giáo, quyền con người của các tôn giáo thì người ta sẽ gạt bỏ.”

Mục sư nói tiếp:
Người ta lấy các đóng góp ý kiến đó chẳng qua là để tạo ra vẻ dân chủ bề ngoài. Còn thật sự thì họ sẽ bác bỏ và tôi không hy vọng sẽ có cải tiến.”

Luật tín ngưỡng và tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.

Trước khi thông qua luật này, vào tháng 10/2016, hơn 50 xã hội dân sự trong và ngoài nước, trong đó có Nhóm Nghị sĩ ASEAN về Nhân quyền, Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế gởi kháng nghị thư yêu cầu hoãn thông qua dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA ngày 21/11, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ David Saperstein nói: “Tại khu vực của các dân tộc thiểu số, người H’mông, người Thượng, các nhóm thiểu số theo Ky tô giáo, hay các giáo hội Tin Lành phái Phúc Âm, vẫn phải đối mặt với những vụ sách nhiễu nghiêm trọng của chính quyền” và Hoa Kỳ “vẫn quan ngại sâu sắc về một số hành động đàn áp diễn ra ở cấp tỉnh.

Tờ South China Morning Post số ra ngày 02/12/2016, đưa tin rằng “Luật tôn giáo mới của Việt Nam là bình phong cho trấn áp chính trị?