Nền chính trị độc tài Việt Nam còn tồn tại dài lâu ? (I, II, III)
Nguyễn Thị Từ Huy
Phần I
Trong những ngày cuối cùng này của năm 2016, nhìn
vào tình hình chính trị Việt Nam có thể nói gì ?
Tôi tạm đưa ra đây ba cách nhìn nhận khác nhau, đúc
kết từ sự quan sát cá nhân của tôi về các ý kiến lưu hành trong dư luận xã hội
(opinion publique) :
1/
Chế độ chính trị hiện hành còn tồn tại lâu dài,
2/
Đảng cộng sản sẽ tự chuyển hoá để tự bảo tồn và để tiếp tục lãnh đạo dân tộc,
3/
Chế độ độc tài cộng sản sẽ nhanh chóng sụp đổ.
Xin nói rõ, đây là sự tổng kết về các cách nhìn nhận
đang tồn tại trong dư luận xã hội mà tôi trình bày lại dưới hình thức điểm tình
hình, mỗi quan niệm sẽ được phân tích trong một bài riêng, để tiện theo dõi.
Bài đầu tiên này giới thiệu quan niệm cho
rằng chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam còn tồn tại lâu dài.
Có thể xếp những người nhìn nhận theo cách này vào
hai nhóm :
1/ Nhóm thứ nhất gồm các lãnh đạo cộng sản và các
chuyên gia lý luận cao cấp của đảng cộng sản.
2/Nhóm thứ hai gồm những người bi quan về chính trị.
Mỗi nhóm đều có căn cứ và lập luận riêng của mình.
1. Trong số các lãnh đạo cộng sản đang
cố tìm mọi cách để duy trì chế độ, không ít người chỉ vì lợi ích cá nhân. Tuy
nhiên (dù điều này có thể gây ngạc nhiên) cũng có những người muốn duy trì chế
độ vì bản thân chế độ, cái chế độ mà họ coi như là « cái bình quý »,
nếu mượn lại hình ảnh ẩn dụ của Tổng bí thư. Số người này có thể là rất ít,
nhưng vẫn tồn tại ở Việt Nam, vậy đó !!!
« Hy vọng » về sự trường tồn của chế độ được
duy trì, một phần là nhờ công lao to lớn của các nhà lý luận cao cấp của đảng. Hồi tháng 3 năm 2016, trong hội thảo « Viet
Nam : Après le 12e congrès du PCV, rupture ou continuité ? »
(Việt Nam : sau đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam, từ bỏ hay tiếp tục ?)
do Quỹ Gabriel Péri tổ chức tại Paris, Giáo sư Vũ Minh Giang có phát biểu với một xác tín không gì lay chuyển được :
« chừng nào dân tộc còn tồn tại thì
đảng còn tồn tại, đảng sẽ trường tồn cùng dân tộc ». Cần phải thừa nhận
rằng, các chuyên gia lý luận cao cấp của đảng đóng một vai trò hết sức quan trọng
trong việc củng cố sự «kiên định » chủ nghĩa Marx-Lê Nin và con đường xã hội
chủ nghĩa nơi các lãnh đạo Việt Nam đương nhiệm. (Đến đây mở ngoặc để thêm vào
một bình luận cá nhân : nếu các chuyên gia cao cấp như ông Vũ Minh Giang
có cái nhìn biện chứng hơn và thực tế hơn một chút thì có lẽ viên thuốc ngủ mà
các ông cung cấp cho đảng sẽ ít ngọt ngào hơn, và đảng sẽ tỉnh táo hơn).
Dựa
vào đâu để có thể nghĩ rằng chế độ sẽ trường tồn ? Dưới đây là một vài dẫn chứng và lập luận mà các
chuyên gia lý luận cộng sản và các lãnh đạo cộng sản sử dụng để chứng minh cho
vai trò lãnh đạo không thể thay thế của đảng và biện minh cho con đường mà họ lựa
chọn :
-
Chính là với chủ nghĩa cộng sản và với sự lãnh đạo của đảng cộng sản mà Việt
Nam đã thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, đã tự giải phóng khỏi vị thế thuộc địa
và giành độc lập, đã giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh.
-
Giai đoạn đổi mới bắt đầu từ 1986 đã chứng tỏ khả năng thay đổi và thích ứng với
tình hình của đảng cộng sản Việt Nam, và vì thế mà ĐCSVN xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo, dù có được dân thực
sự bầu hay không. Thành tựu của ba mươi năm đổi mới là mở cửa kinh tế mà vẫn ổn
định và giữ vững chính trị.
- Nếu
đổi mới lần một thành công, thì đổi mới lần hai, tính từ thời điểm này, cũng sẽ
thành công, dù có nhiều khó khăn.
Và vì thế, ĐCSVN sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo để củng cố hệ thống chính trị
hiện hành.
Những lập luận
và dẫn chứng trên đây được phản ánh đầy đủ trong nghị quyết Trung ương Đảng.
2.
Những người thuộc nhóm bi quan chính trị cũng nhìn nhận rằng chính trị Việt Nam
còn rất lâu mới có thể thay đổi. Tuy
nhiên, dẫn chứng và lập luận của họ khác hẳn nhóm thứ nhất. Sau đây là một số
điểm khiến họ bi quan :
- Quyền
lực của ĐCSVN hiện đang rất vững chắc. Toàn bộ các công cụ quyền lực đều nằm trong tay ĐCSVN : nhà nước,
công an, quân đội, truyền thông, giáo dục, pháp luật…
- Với
bộ máy quyền lực đó, sự đàn áp không ngừng gia tăng trong những năm qua.
-
Phong trào dân chủ quá yếu.
Hoạt động chủ yếu vẫn chỉ là truyền thông, đưa tin, tố cáo. Các tổ chức và đảng
phái chính trị không hình thành được. Xã hội dân sự manh mún, các tổ chức không
có thực lực, không tập hợp được với nhau, luôn trong tình trạng chia rẽ. Không
có các phong trào chính trị rộng lớn.
- Số
người quan tâm chính trị quá ít. Đa
số trí thức và người dân, kể cả thanh niên (là tầng lớp vốn được xem là giàu
nhiệt huyết và lý tưởng) chỉ quan tâm đến vấn đề mưu sinh.
- Các
quốc gia, kể cả các quốc gia dân chủ, vì lợi ích của nước họ, sẵn sàng hợp tác
với Việt Nam và bỏ qua vấn đề nhân quyền, vấn đề dân chủ. Đây là điều đã khiến cho nhiều người trong giới đấu
tranh dân chủ ở Việt Nam không che giấu sự thất vọng của mình : Tổng thống
Mỹ Obama, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016, một mặt vừa phát biểu rằng
sẽ tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam, mặt khác đã không thể làm gì trước những
vi phạm nhân quyền thô bạo diễn ra ngay trong chính những ngày ông có mặt tại
Việt Nam. Sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế hay văn hoá, nghịch lý
thay, lại là điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ chính trị độc tài ở Việt
Nam. Đây là điều gây thất vọng và gây bi quan một cách sâu sắc.
- Đa
số các trí thức Việt Nam ở nước ngoài (tạm dùng chữ trí thức Việt kiều theo
nghĩa tôn trọng) không tham gia vào cuộc đấu tranh cho dân chủ, vì họ muốn hợp tác với chính quyền, và họ hy vọng rằng
sẽ giúp cho Việt Nam thay đổi và phát triển thông qua sự hợp tác của họ (hợp
tác để mở một viện nghiên cứu, một trường đại học, một trung tâm hội thảo…).
Tuy nhiên, nếu đối diện với thực tế thì cần phải thừa nhận điều này : sự hợp
tác sẽ chỉ có ý nghĩa tích cực khi mà họ được độc lập hoạt động theo các tiêu
chí của sự tiến bộ, theo các tiêu chí công bằng, công khai, minh bạch, trung thực,
hay xây dựng một môi trường học thuật, môi trường giảng dạy trong sạch, như họ
mong muốn. Và các tiêu chí tiến bộ ấy được áp dụng, được lan toả trong xã hội.
Còn trong trường hợp ngược lại, sự hợp tác buộc họ phải tuân thủ những
« luật ngầm, bất thành văn » của chế độ, thì chẳng những họ sẽ không
thực hiện được mong muốn phát triển và làm thay đổi Việt Nam, mà tệ hơn, họ sẽ
góp phần vào việc củng cố chế độ bất công và thối nát hiện tại. Danh tiếng của
họ, uy tín khoa học và uy tín cá nhân của họ, lại được sử dụng như những phương
tiện để đánh bóng và tô vẽ cho bề ngoài của một hệ thống chính trị đang mục rữa
cùng cực từ bên trong. Tóm lại, trong trường hợp này, sự hợp tác của họ sẽ giúp
chế độ độc tài hiện hành tồn tại lâu dài hơn, và các vấn đề mà họ muốn giải quyết
thì lại không thể giải quyết được, bởi vì những vấn đề ấy chỉ có thể được giải
quyết trong một chế độ chính trị dân chủ.
Tóm lại, có những
lý do khiến cho ĐCSVN lạc quan về sự tồn tại của mình (nhưng sự tồn tại của đảng
có thể sẽ phải gắn liền với sự huỷ hoại chung của dân tộc), và khiến cho những
người yếm thế cảm thấy bi quan.
Paris,
29/12/2016
Nền chính trị độc tài Việt Nam còn tồn tại dài lâu? Phần II
Có những
người mong muốn thể chế chính trị Việt Nam được cải cách một cách căn bản để
chuyển đổi sang một cơ chế dân chủ, tạo điều kiện cho sự phát triển, bởi vì cơ chế độc tài hiện hành đang kìm hãm phát
triển và là nguyên nhân của hầu như tất cả các vấn nạn xã hội. Tuy nhiên, bộ phận này mong muốn đảng cộng sản cải tổ để có thể tiếp tục
giữ vai trò lãnh đạo, để tiếp tục là « đảng của dân tộc »,
theo như cách nói của họ. Những người thuộc nhóm này
có lẽ không nhiều, họ là những đảng viên kỳ cựu hoặc là « đảng viên có
lương tri », cho đến giờ phút này vẫn ở trong đảng, dù rằng họ nhìn
thấy rất rõ sự suy thoái của đảng, và nhìn thấy rất rõ trách nhiệm của đảng đối
với các vấn đề hiện tại mà đất nước và nhân dân phải gánh chịu. Họ đã viết nhiều
đơn thư, kiến nghị, nhằm góp ý cho đảng trong hy vọng rằng tiếng nói của họ sẽ
có một ảnh hưởng nhất định.
Xin dẫn một ví dụ,
ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, trong loạt bài “Về đại hội XII” của ĐCSVN, có đoạn viết:
« Đảng
hôm nay tiếp tục tha hóa về phẩm chất, trí tuệ và năng lực; tổ chức của đảng
ngày càng bất cập trước sự phát triển, trước tình hình và nhiệm vụ mới của đất
nước nói chung và của đảng nói riêng; năng lực lãnh đạo của đảng ngày càng mờ
nhạt vì bế tắc về quan điểm đường lối; hệ quả là đảng đang rơi tiếp trong xu thế
từ một đảng lãnh đạo xuống thành một lực lượng chính trị độc quyền.
Toàn bộ
tình hình trên đặt ra đòi hỏi sống còn: Cải cách thể chế chính trị và triệt để
đổi mới đảng là lối thoát duy nhất để đưa đất nước đi vào một thời kỳ phát triển
năng động mới, đáp ứng đòi hỏi cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, đồng
thời để có thực lực đối mặt được với mọi thách thức mới. »
Có thể thấy, những
kiến nghị mà ông Nguyễn Trung đưa ra trong loạt bài này, một mặt, nhằm đề xuất
những cải tổ cơ bản về cơ chế chính trị, và những cải tổ này, nếu thực hiện được,
sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của ĐCSVN. Ngoài ra nếu đọc các đơn thư, kiến nghị
của nhóm đảng viên trong đó có ông Nguyễn Trung, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, ông
Tương Lai… thì thấy rằng họ rất thống nhất ở quan điểm này. Và đó là một quan
điểm đầy thiện chí đối với ĐCSVN.
Tuy nhiên, đảng
không hiểu thiện chí của bộ phận đảng viên này đối với đảng. Trong Nghị quyết trung ương 4, khoá XII, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban
hành ngày 30/10/2016, có dành một phần nội dung quan trọng để định nghĩa các biểu
hiện « tự diễn biến », « tự chuyển hoá » trong nội bộ, các
biểu hiện khiến cho Tổng bí thư phải lo ngại và đảng phải cương quyết chống lại.
Trích nguyên văn :
3. Biểu hiện
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ
1) Phản
bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ
chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên,
đa đảng”.
2) Phản
bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”.
Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn
dân về đất đai.
3) Nói, viết,
làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của
Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh
đạo Đảng, Nhà nước.
4) Kích động
tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng
các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp
uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng
viên và nhân dân.
5) Phủ nhận
vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ
trang; đòi “phi chính trị hoá” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc
phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân
dân với quân đội và công an.
6) Móc nối,
cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn
chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp
lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
7) Đưa
thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà
nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong
quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
8) Phủ nhận
vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật. Tác động, lôi
kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ súy cho quan điểm, tư
tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những
tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.
9) Có tư tưởng
dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”,
dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các
tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà
nước.
Đọc phần định
nghĩa về các biểu hiện « tự diễn biến » trong nội bộ đảng, thì có thể
thấy rằng đảng không những từ chối các góp ý mang tính
xây dựng của nhóm đảng viên có tâm huyết với đất nước và với đảng, mà còn xếp họ
vào loại đã « tự chuyển hoá » mà đảng cần phải chống cho bằng được.
Vấn đề là, ngoài
nhóm đảng viên vẫn hay viết kiến nghị, nếu còn có một bộ phận khác trong đảng
cũng nghĩ như vậy, nhưng không nói ra một cách công khai, thì nỗi lo lắng của Tổng
bí thư lại là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu cải cách là một nhu cầu nội tại, một
nhu cầu đến từ bên trong nội bộ ĐCSVN. Nếu nhu cầu cải cách này là có thật ở một
bộ phận trong đảng hiện đang nắm các chức vụ quyền lực, thì có thể hy vọng một
ngày nào đó, sự cải cách sẽ được hiện thực hoá.
Nhưng nếu bản
Nghị quyết trung ương 4 không chỉ thể hiện ý chí của riêng Tổng bí thư, mà thể
hiện ý chí của toàn thể Bộ Chính trị và toàn đảng, thì có thể nói rất khó có hy
vọng cải cách, và, mượn cách nói của ông Nguyễn Trung, đảng sẽ lại tiếp tục tha
hoá.
Paris,
31/12/2016
Nền chính trị độc tài Việt Nam còn tồn tại
dài lâu ?
Phần III
Trong bài này,
tôi tiếp tục đưa ra cách nhìn thứ ba về tương lai của
nền chính trị độc tài tại Việt Nam hiện nay. Một số không ít những người
làm phân tích, bình luận về các vấn đề Việt Nam cho rằng, nếu sự khủng hoảng về
chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường vẫn tiếp tục và không có các biện pháp
hữu hiệu để ngăn chặn hoặc giảm bớt hậu quả, thì thực tế sẽ đào thải cái mô
hình chính trị đi ngược lại với các quy luật của cuộc sống, mô hình đang tồn tại
và đang là nguyên nhân của mọi khủng hoảng ở Việt Nam lúc này. Chính khủng hoảng
sẽ đặt dấu chấm hết cho chế độ.
Tôi tạm tổng kết
một số lý do làm cơ sở cho cách nhìn nhận này, mà tôi nắm bắt được từ các phản ứng
của dư luận xã hội :
1/
Hệ thống chính trị bị tha hoá, bị lũng đoạn ở mọi cấp độ và sự bất lực của
ĐCSVN trong việc chống lại sự tha hoá và lũng đoạn của đảng viên các cấp.
Nhận
định này rất thống nhất,
kể cả ở các nhà quan sát, bình luận, lẫn ở các tầng lớp dân chúng, và điều này
được thừa nhận ngay cả trong nghị quyết của ĐCSVN qua các kỳ đại hội khác nhau.
Nếu đọc các nghị quyết của đảng từ những năm 80 của thế kỷ trước sẽ thấy rằng
điều này đã được chính ĐCSVN đề cập đến.
Người ta không
thể không thống nhất với nhau ở điểm này, bởi vì nhìn đâu cũng thấy dẫn chứng. Ở
đây chỉ nêu một điểm, thuộc dạng cốt yếu nhất : càng hô hào chống tham
nhũng thì tham nhũng càng phát triển. Đảng không chỉ thất bại vào năm 2012, khi
không thể kỷ luật được « đồng chí X », mà kể từ đó, tham nhũng hoàn
toàn thắng lợi trên toàn quốc, trở thành nỗi quốc nhục. Gần đây nhất, nỗ lực chống
tham nhũng rốt cục chạm tới được một nhân vật thuộc cỡ tầm tầm bậc trung là Trịnh
Xuân Thanh. Nhưng vụ Trịnh Xuân Thanh lại trở thành một ví dụ tiêu biểu cho sự
thất bại của hệ thống chính trị trong việc cố gắng làm trong sạch đội ngũ. Chẳng
những Trịnh Xuân Thanh trốn khỏi Việt Nam, thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật,
mà những đối tượng liên quan đến vụ việc cũng chỉ bị khiển trách nhẹ nhàng. Có
người bình luận ngoài lề, bên ly cà phê rằng : « nếu Trịnh Xuân Thanh biết trước chỉ bị đảng khiển trách nhẹ nhàng như vậy
thì chắc không việc gì phải trốn chạy, phải để interpole truy nã làm gì. Vì bỏ
trốn nên mới bị truy nã, bây giờ thành ra to chuyện. »
Nghịch lý mà ĐCSVN đang phải đối diện là : Một mặt, đảng biết rõ muốn trở
nên vững mạnh thì phải có các cơ chế để kiểm soát quyền lực, kiểm soát sự lạm
quyền của các đảng viên, phải làm trong sạch đảng, phải giải quyết các vấn đề của
quốc gia : chủ quyền, môi trường, an sinh xã hội, văn hoá, đạo đức ;
mặt khác, muốn có cơ chế kiểm soát quyền lực thì không
có cách nào khác là phải có một bộ máy pháp luật đúng nghĩa, một bộ máy pháp luật
đảm bảo tam quyền phân lập, điều này thì đảng lại không chấp nhận.
Vì thế, đối diện
với nghịch lý này, đảng đang chọn giải pháp « phê bình, tự phê
bình », một giải pháp chẳng bao giờ có hiệu quả trong việc chống các tệ nạn
trong đảng, kể cả từ thời Hồ Chí Minh còn sống. Phê bình, tự phê bình chỉ có
tác dụng làm nhụt ý chí của một số trí thức phản kháng trước đây (mở ngoặc để
nói rằng số trí thức này hồi đó còn tin và sợ đảng), nhưng giờ đây giải pháp
này chẳng còn bất kỳ một tác dụng nào, nếu không muốn nói rằng nó còn khuyến
khích và thúc đẩy các tệ nạn phát triển mạnh hơn.
Không giải quyết
được nghịch lý này, sự tha hoá của đảng sẽ tiếp tục ở mức độ còn cao hơn. Một hệ
thống chính trị tha hoá và kém năng lực sẽ dẫn tới các hậu quả có thể theo hai
hướng khác nhau :
a) Nếu xã hội và
con người Việt Nam đã hoàn toàn mất khả năng đề kháng thì hệ thống chính trị
này sẽ tiếp tục tồn tại và sự tha hoá của nó đã và sẽ kéo theo sự tha hoá của
toàn bộ xã hội, và ngược trở lại sự tha hoá của toàn bộ xã hội sẽ đảm bảo cho sự
tồn tại cho đảng cầm quyền đã bị tha hoá.
b) Nếu xã hội và
con người Việt Nam còn đủ sức đề kháng nhất định thì họ sẽ không chấp nhận một
mô hình chính trị đi ngược với các quy luật bình thường, và khiến cho cuộc sống
của họ trở nên tồi tệ. Trong trường hợp này, sự tha hoá của đảng cầm quyền
chính là lý do dẫn đến việc nó sẽ bị đào thải, có thể vào thời điểm mà các khủng
hoảng xã hội và khủng hoảng chính trị đạt tới một mức độ nhất định. Hiện nay khủng
hoảng vẫn đang tiếp tục gia tăng. Bên dưới cái vỏ ngoài « ổn định chính trị »
mang tính ngôn từ mà lãnh đạo không ngừng nhắc đi nhắc lại, mọi người dân VN đều
cảm nhận được sự bất ổn không ngừng gia tăng của hệ thống.
2/
Sự tha hoá và khủng hoảng của bộ máy chính trị dẫn đến các khủng hoảng xã hội
và sự mất niềm tin của dân chúng.
Điều này là hệ
quả của điều thứ nhất đã trình bày trên đây. Tôi dẫn lại đây lập luận của một số
người, nghe qua có vẻ rất lạ lùng :
-Đừng sợ việc đảng
và chính quyền gia tăng đàn áp và bắt bớ. Càng đàn áp, càng bắt bớ, đảng sẽ tạo
ra ít nhất hai hiệu ứng : a) người dân càng hiểu rõ hơn bản chất của chế độ
và oán thán nó, b) khi gia tăng đàn áp, bắt bớ những người vô tội thì chế độ
đánh mất lý do để biện minh cho sự tồn tại của mình. Tăng cường đàn áp sẽ tạo
hiệu ứng ngược. Nó sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình suy vong của chế độ.
-Hãy cứ để cho
Việt Nam mất hẳn vào tay Trung cộng (mở ngoặc để nói rằng bản thân tôi khi nghe
đến lập luận này cũng cảm thấy rất sốc). Những người nghĩ theo cách chứng minh
rằng : người VN trong suốt lịch sử của mình, chưa bao giời chịu để mất nước,
có những lúc đã mất vào tay TC, vào tay Pháp, nhưng cuối cùng người Việt đều đứng
lên để giành lại. Vì thế, nếu VN mất hẳn vào tay TC thì đó là cơ hội để người
VN lấy lại ý chí của mình, cái ý chí dường như đã bị đè bẹp trong gần nửa thế kỷ
dưới sự cầm quyền của ĐCSVN. Lúc mất nước thật, người VN sẽ lại như Thánh
Gióng, sẽ quật khởi và đoàn kết để chống thù trong, giặc ngoài.
3/
Thảm hoạ môi trường
Môi
trường VN, dưới sự khai thác một cách vô trách nhiệm của các cấp chính quyền
trong nhiều thập kỷ qua, giờ đây đang phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc. Nhiều đơn vị sản xuất đang hoạt động với sự cho phép của
chính phủ, trên thực tế, đang vận hành giống như những quả bom nổ chậm treo lơ
lửng trên đầu người dân Việt Nam. Quả bom Formosa
đã nổ, nhưng kíp nổ cũ sau khi phá hoại hàng trăm km bở biển miền trung lại tiếp
tục được thay thế bằng kíp nổ mới. Cần chờ đợi nó sẽ lại nổ lần nữa. Những quả
bom nổ chậm khác (như Bô-xít Tây nguyên)
vẫn đang nằm chờ, giờ lại thêm thép Cà Ná.
Hạn hán và lũ lụt liên tục xảy ra, không những không giải quyết được, mà ngày
càng sẽ trầm trọng. Một ví dụ rõ nét là đồng
bằng Sông Cửu Long đang bị đe doạ trầm trọng.
Môi trường sống
là yếu tố mang tính quyết định. Hãy hình dung vũ trụ có bao nhiêu giải ngân hà,
mỗi giải ngân hà có bao nhiêu hành tinh, vậy mà chỉ có trái đất mới có môi trường
cho sự sống. Khi môi trường sống bị đe doạ huỷ diệt chỉ
vì sự quản lý yếu kém của hệ thống chính trị thì liệu 90 triệu người VN có chấp
nhận không ? Bởi vì khi môi trường sống bị huỷ diệt, thì kể cả những
người hưởng lợi từ hệ thống chính trị cũng sẽ không còn đất sống. Chẳng nhẽ 90
triệu người bỏ đi hết ? Và bỏ đi đâu ? Người VN, chắc chẳn sẽ phải
hành động, dưới áp lực của môi trường sống. Năm 2016 đã là năm đánh dấu sự hành
động của người dân cho môi trường sống của mình. Trong lúc đó thì hệ thống
chính trị bộc lộ toàn bộ sự bất lực khi không thể giải quyết vấn đề Formosa.
Dung dưỡng cho Formosa, chính là nuôi mầm diệt vong cho chế độ. Đấy là lập luận
của những người nhìn nhận theo cách này.
4/
Các tượng đài nghìn tỉ và nợ công : bất ổn kinh tế
Các con số chính
thức do nhà nước công bố đem lại ấn tượng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định.
Đầu tư nước ngoài tiếp tục vào VN cũng là một sự đảm bảo cho một nền kinh tế
xưa nay vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù thế,
nhiều nhà bình luận về kinh vẫn đưa ra các cảnh báo không mấy lạc quan, thêm
vào đó là các dấu hiệu thực tế như tích trữ vàng trong dân, giá sinh hoạt tăng,
tỉ giá đô la tăng, tin đồn về đổi tiền, tin đồn về khả năng vỡ quỹ bảo hiểm xã
hội, tin đồn về mức độ thực sự của nợ công, các công ty lớn của VN bị sang tên
cho các công ty nước ngoài…
Đồng thời, trong
bối cảnh đó, các tượng đài trăm nghìn tỉ vẫn tiếp tục được phê duyệt bất chấp
cái hầu bao còm cõi của ngân sách, bất chấp sự nghèo đói của người dân ở các
vùng sâu vùng xa hay các vùng hạn hán, lũ lụt. Các công ty nhà nước vẫn tiếp tục
được ưu tiên trong sự thua lỗ dưới sự bảo trợ của nhà nước. Đây là lý do khiến một số người cho rằng VN đang tích luỹ
các điều kiện cho một cuộc khủng hoảng kinh tế, và họ cho tin tưởng rằng một cuộc
khủng hoảng kinh tế đủ tầm mức tất yếu sẽ kéo theo sự thay đổi của hệ thống
chính trị. Những người này đã nhìn thấy một vài ví dụ sống động ở các nước
trên thế giới. Tham nhũng, đầu tư không cần hiệu quả, chi tiền cho những dự án
thua lỗ và vô bổ… là con đường dẫn thẳng tới Hy Lạp hay Venezuela.
5/
Nhận thức xã hội thay đổi
Trong khi thái độ
bi quan chính trị cho rằng phong trào phản kháng, phong trào dân chủ ở VN hiện
tại còn quá yếu, chưa đáp ứng được đòi hỏi và yêu cầu của thực tế lịch sử, thì
cũng tồn tại một thái độ lạc quan chính trị, cho rằng xã hội VN chuyển động với
tốc độ nhanh từ khoảng mười năm nay.
Đã
hình thành xã hội dân sự và một số tổ chức xã hội dân sự. Người dân đã vượt qua nỗi sợ, các phản ứng trên
facebook phản ánh điều này. Chủ quyền bị đe doạ, môi trường bị bức tử… cũng là
những yếu tố khiến cho người VN giờ đây sẽ buộc phải quan tâm đến các vấn đề xã
hội chính trị, tức là quan tâm đến sự tồn tại của chính mình.
Một số hiện tượng xã hội tiêu biểu diễn
ra trong năm 2016 khiến người ta có thể hình dung một năm 2017 cũng sẽ không
kém phần sôi động. Lần đầu tiên các ứng viên độc lập tham
gia ứng cử Quốc hội tạo thành một phong trào, thu hút không chỉ các nhà hoạt động
xã hội mà cả các nghệ sĩ và các thành phần tự do trong xã hội. Lần đầu tiên hơn
mười ngàn người dân đã xuống đường bảo vệ môi trường sống trong tinh thần ôn
hoà bất bạo động, trong tình yêu cuộc sống và trong tình yêu của Thiên chúa. Lần
đầu tiên xảy ra hiện tượng một MC truyền hình kêu gọi hỗ trợ đồng bào vùng bão
lụt chỉ sau ba ngày nhận được 16 tỷ đồng, gợi lên nhiều phân tích bình luận, nhưng
có lẽ bình luận đáng ghi nhớ nhất là : hiện tượng này trả lại ý nghĩa cho
hai từ « minh bạch » trong một xã hội đặc trưng bởi sự tham nhũng.
Một thái độ lạc quan chính trị nhìn nhận theo hướng :
khủng hoảng xã hội và khủng hoảng chính trị chính là sự thử thách khả năng giải
quyết khủng hoảng, là điều kiện để kiểm chứng bản lĩnh của các cá nhân và bản
lĩnh của cả một dân tộc, và là điều kiện cho các hình thái chính trị mới hình
thành.
Paris, 2/1/2017
Nguyễn Thị Từ Huy