Việt Nam: Nhà cầm quyền trước thách thức Formosa và ô nhiễm
Ảnh minh họa - Cuộc biểu tình tại
Hà Nội ngày 01/05/2016, đòi bảo vệ môi trường sau vụ cá chết hàng loạt tại Vũng
Án, Hà Tĩnh.Reuters
Tuần báo Anh The Economist số ghi ngày 18/02/2017,
trang Châu Á đã nêu bật một vấn đề đang nhức nhối tại Việt Nam : Chính quyền bị vấn đề ô nhiễm môi trường thách thức nặng
nề.
Bài nhận định mang tựa đề rất tượng hình « Red versus Green
in Vietnam – Đỏ đối lập với Xanh ở Việt Nam » – Đỏ dĩ nhiên là đảng
Cộng Sản, còn Xanh là biểu tượng của môi trường – ghi nhận : « Sự bất lực của
trong việc kiểm soát ô nhiễm đang làm sói mòn quyền lực của đảng Cộng Sản (Việt
Nam) ».
Bài báo mở đầu bằng một loạt nỗi bất hạnh đã đổ ập
xuống đầu người dân chài ở Đồng Hới, miền Trung Việt Nam từ mùa xuân năm ngoái.
Vào tháng Tư, thủy triều đã đẩy hàng ngàn con cá chết
vào bờ biển thị xã này. Chính quyền đã chần chờ hàng tháng trời trước khi nêu
tên thủ phạm : một nhà máy thép mới xây dựng ở bờ biển phía trên – nhà máy
Formosa - đã thải chất độc hại ra biển.
Formosa chỉ là bề nổi của
tảng băng ô nhiễm
Gần một năm sau, Đồng Hới cũng như các thị xã ven biển
trải dài trên 125 dặm đều bị ảnh hưởng, và giờ đây vẫn đang gánh chịu hậu quả của
tai họa môi trường đó. Bị tác hại năng nề nhất là ngư dân, vì một số người dân
địa phương từ chối không ăn cá nữa do sợ độc tố, người khác thì chỉ ăn cá đánh
bắt thật xa ngoài biển khơi, hoặc ở độ sâu được cho là đã thoát khỏi chất độc.
Tủ đông lạnh trong nhiều nhà hàng hải sản giờ đây chỉ toàn là thịt gà hay thịt
heo mà thôi.
Thảm họa cũng làm cho ngành du lịch suy sụp. Dù ở
đây có động Sơn Đoòng, được cho là lớn nhất thế giới, chỉ mới mở cửa cho du
khách trong năm 2013, vào mùa hè vừa qua, biết bao du khách đã hủy chuyến du lịch
vì sợ cát độc. Hàng loạt khách sạn và căn hộ đang xây ở vùng ngoại ô thị trấn,
đã bị bỏ dở vì nhà đầu tư không dám tiếp tục bỏ vốn nữa.
Theo The Economist nạn ô nhiễm nói chung đã phá hoại
nhiều cảnh quan tuyệt đẹp của Việt Nam.
Từ đập thủy điện, giếng đào cho đến nạn
thâm canh đang phá dần phá mòn đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất gần một nửa
lượng gạo của cả nước. Mỗi năm diện tích đất phèn không trồng
trọt được mỗi tăng vì bị nước biển xâm nhập. Khói cay đã lan tràn thủ đô Hà Nội.
Theo một số nguồn thì gần hai phần ba nước thải công nghiệp của Việt Nam bị đổ
ra sông hồ. Năm 2015, chính quyền xác định được hàng loạt thôn xã có tỷ lệ ung
thư cao bất thường, có lẽ vì nước được cung cấp có nhiễm chất chì.
Thêm vào đó là một thảm họa môi trường không hoàn
toàn do Việt Nam làm ra : Với 2.000 dặm bờ biển, Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị
tổn thương do biến đổi khí hậu. Một số ước tính cho
thấy một phần năm của Thành phố Sài Gòn, có thể chìm dưới nước vào cuối thế kỷ
này. Thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt có thể đánh vào cư dân dọc theo bờ
biển dài của Việt Nam.
Tác hại chính trị: Chính
phủ bị nghi là bênh vực lợi ích Trung cộng
Các tai họa kể trên đang ngày càng thấm
vào nền chính trị của Việt Nam, đặt ra thách thức đối với chính quyền của Đảng
Cộng Sản Việt Nam.
Một báo cáo của chính phủ nói rằng có ít nhất
200.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa môi trường vào năm ngoái. Nhiều
người trong số này đã dám biểu tình phản đối tại nhà máy chịu trách nhiệm thuộc
sở hữu của Formosa, một công ty Đài Loan, hay trước một tòa án địa phương. Họ
nói rằng 500 triệu đô la mà công ty đã són ra để bồi thường chẳng thấm vào đâu,
và họ đòi quyền được khiếu kiện.
Điều đáng nói, theo The Economist, là
thái độ công phẫn của những người không bị thiệt hại. Ngay
sau thảm họa, một phát ngôn viên của Formosa đã hàm ý rằng hai ngành công nghiệp
và đánh bắt cá không tương thích với nhau. Những người biểu tình tại Hà Nội và
Thành Phố Sài Gòn đã trả lời « Tôi chọn cá. »
Tạp chí Anh nhận thấy là chủ nghĩa dân tộc đã khuếch
đại nỗi giận dữ về môi trường. Trong năm 2014, nhà máy thép của Formosa đã từng
bị người biểu tình chống Trung cộng đem một giàn khoan dầu vào vùng biển không
xa bờ biển của Việt Nam, đốt phá. Hầu hết người Việt nghĩ rằng các nhà lãnh đạo
của họ quá mềm mỏng với Trung cộng, đối tác kinh doanh lớn nhất, nhưng lại là kẻ
thù cũ và đòi hỏi chủ quyền trên một số đảo nhỏ (của Việt Nam) ở Biển Đông. Người
dân đặc biệt tức giận trước điều mà họ cho là đảng đã cho phép một (loại) công
ty Trung cộng đầu độc bờ biển Việt Nam.
Phong trào môi trường khó
trấn áp
Đối với The Economist, tất cả các điều trên rất đáng
ngại cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, vốn đã thấy các phong trào bảo vệ môi trường
chôn vùi phe cộng sản Đông Âu như thế nào. Và chính quyền đã trấn áp thô bạo giới
lãnh đạo các cuộc biểu tình.
Tuy nhiên, theo tuần báo Anh Quốc, chụp mũ giới vận động dân quyền là tay sai cho các chính
phủ nước ngoài đã trở thành phức tạp hơn khi chính chế độ bị cáo buộc là bảo vệ
các thành phần ngoại quốc gây ô nhiễm.
Ngoài ra, trong công cuộc tìm kiếm thêm bạn mới để
giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào thương mại với Trung cộng, các quan chức
ở Hà Nội cũng phải băn khoăn về danh tiếng của Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam
muốn người nước ngoài nhìn thấy đất nước mình là một đối tác đáng tin cậy về
các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chứ không phải là một nước lạc hậu
tôn thờ một lãnh đạo quá cố trong một hộp kính.
Luật lệ môi trường chặt chẽ
nhưng việc thực thi kém cỏi
Và như vậy là các nhà lập pháp Việt Nam đang trở nên
‘xanh’ hơn. Theo Stephan Ortmann, tác giả một quyển sách mới về đề tài này, Việt
Nam có luật lệ về môi trường tương đối toàn diện, còn nghiêm ngặt hơn các luật
lệ nguệch ngoạc của Trung cộng, và được thông qua với tốc độ nhanh....
Tuy nhiên, đối với The Economist, ở Việt Nam có dấu hiệu
là nói thì nhiều nhưng làm thì ít, và việc thiếu ngân sách chỉ là một trong những
nguyên nhân (...)
Các quan chức đầy quyền lực tại các tỉnh thì bỏ
ngoài tai các luật lệ được soạn thảo tại Hà Nội, còn các tập đoàn nhà nước dầy
uy thế thì hầu như không ai dám chạm tới. Một hệ thống
tư pháp rất lẹ làng và tàn nhẫn với những ai bất đồng chính kiến, nhưng
lại thất bại một cách đáng ngạc nhiên trong việc thực thi các quy tắc thường
ngày.
Trong khi ở Bắc Kinh để chống khói mù, người ta bắt
đầu đóng cửa các nhà máy và hạn chế sử dụng xe hơi, thì ở Hà Nội người ta vẫn
còn đấu tranh để ngăn chặn không cho xe gắn máy đậu trên vỉa hè.
Theo The
Economist, cơn giận âm ỉ về ô nhiễm sẽ làm cho
đảng Cộng Sản khó khăn hơn trong việc đối phó với những cú sốc chính trị hoặc
kinh tế.
Trở lại với Đồng Hới, tuần báo Anh cho rằng triển vọng
hồi phục đang dặt vào sự trở lại của khách du lịch vào mùa hè này. Chính quyền
địa phương nói rằng biển đã có thể bơi lại được rồi, nhưng không phải là ai
cũng tin.
Một ngư dân cho biết là ông đã hoạt động lại được một thời gian rồi,
nhưng sẽ không cho con mình ăn cá mình đánh bắt được trong vòng từ năm đến 10
năm tới đây.