Các chức sắc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần
túy tại An Giang ngày 12/3 rước chân dung Đức Huỳnh Giáo chủ để chuẩn bị cho
ngày lễ 25/2 âm lịch. (Ảnh: Facebook Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy).
Ngày 11/3, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, một
giáo hội không được chính quyền Việt Nam công nhận, ra tuyên cáo rằng họ quyết
tổ chức ngày lễ Đức Huỳnh Giáo chủ ‘vắng mặt’, dù bị chính quyền địa phương ở
An Giang đe dọa ngăn cấm.
Bản Tuyên cáo của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần
túy nói: “Chúng tôi chấp nhận mọi sự đàn
áp từ nhà cầm quyền Việt Nam và sẽ sẵn sàng hy sinh để bảo tồn truyền thống Phật
giáo Hòa Hảo”.
Ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Trung ương Giáo hội
Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cho VOA biết thêm về sự đe dọa của chính quyền ở xã
Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang:
“Hôm
tuần qua chính quyền có mời ông Hà Văn Duy Hồ, là Hội trưởng của Giáo hội Phật
giáo Hòa Hảo Thuần túy tỉnh An Giang, kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ tổ chức của
Giáo hội Trung ương đến và họ bảo rằng năm nay cấm không cho làm lễ kỷ niệm 70
năm ngày Đức Huỳnh giáo chủ vắng mặt. Ông Hồ trả lời là ‘dù phải trả giá cỡ nào
thì giáo hội chúng tôi cũng phải tổ chức cho bằng được ngày lễ gọi là ‘đền ơn đạo,
đáp nghĩa thầy.’ Họ nói rằng nếu cãi lời họ mà cố tổ chức thì nhất định họ sẽ
có biện pháp. Đối với ông Hà Văn Duy Hồ thì họ sẽ quản chế tại gia, cho qua
ngày lễ rồi mới trả tự do.”
Theo ông Nguyễn Văn Điền thì đây là lần đầu tiên
chính quyền tỉnh An Giang “mời làm việc và đe dọa” buộc các tín đồ Phật giáo
Hòa Hảo không được cử hành tại gia tưởng nhớ ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng
mặt. Các năm trước, chính quyền chỉ tìm cách cản trở người dân đến tham dự tại
điểm lễ chính ở Thánh địa Hòa Hảo ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chứ không cấm
việc tổ chức lễ này tại gia đình của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Theo ông Điền, dù chính quyền có đe dọa, các chức sắc
Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy hôm 12/3 vẫn tiến hành thành lập lễ đài,
rước chân dung Đức Huỳnh giáo chủ để chuẩn bị cho ngày lễ sắp tới, vào ngày
25/2 âm lịch, tức ngày 22/3.
Từ nay đến ngày 22/3, ông Điền vẫn chưa biết liệu
chính quyền sẽ ngăn cản đến mức độ nào, nhưng ông dự báo rằng các tín độ từ các
địa phương khác chắc chắn không được tự do đến khu vực của Giáo hội Phật giáo
Hòa Hảo Thuần túy ở huyện Chợ Mới:
“Chưa
biết việc gì sẽ xảy ra đối với Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Còn về
phía tín đồ theo chúng tôi ước đoán, chỉ có những người ở địa phương ở xã Long
Giang, xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có thể đến khoảng đôi mươi người,
chứ không thể đông hơn được. Còn tổ chức ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần
Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp thì chắc chắn rằng không thể đến được. Kể
cả thành viên Trung ương Giáo hội ở các nơi cũng không thể về điểm lễ chính. Bởi
vì các năm trước đều như vậy. Ngoài ngày lễ Đức Huỳnh giáo chủ vắng mặt (25/2
âm lịch), ngày lễ khai đạo 18/5 âm lịch, ngày lễ đản sinh Đức Huỳnh giáo chủ
25/11 âm lịch được nhà nước cho phép bên Ban Trị sự quốc doanh tổ chức, nhưng
chúng tôi không tổ chức được, cũng không thể tề tựu về đó được. Cho nên chắc chắn
rằng kỳ này cũng không ngoại lệ.”
Trước đó, VOA đưa tin ngày 13/2, các chức sắc của Hội
đồng Liên tôn bị câu lưu và bị công an đánh khi họ đi đến tỉnh Vĩnh Long thăm,
chúc tết các chức sắc Giáo hội Phật giáo Hòa Hỏa Thuần túy ở tỉnh Vĩnh Long.
Vào tuần trước, truyền hình VTV đưa tin “thời gian gần
đây xuất hiện nhóm đối tượng lạ mặt lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền tôn giáo
trái pháp luật” tại tỉnh Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Văn Điền lý giải về cáo buộc này:
“Công
an ngăn chặn, thậm chế bắt cóc, đánh đập, rồi trở ngược lại vu khống cho chúng
tôi là ‘tuyên truyền trái phép’ này kia nọ. Thật ra ngược lại hoàn toàn. Điều
này là do công an tỉnh Vĩnh Long đàn áp trắng trợn đối với Hội đồng Liên tôn Việt
Nam nói chung và nói riêng là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.”
Đạo Hòa Hảo, hay còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo, là một
tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ hay còn gọi là Đức Huỳnh Giáo chủ khai lập
năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia.
Số tín đồ Đạo Hòa Hảo ước tính khoảng 2 triệu người, tập trung chủ yếu ở miền
Tây Nam bộ, Việt Nam.
Ngày 16 tháng 4 năm 1947, ông Huỳnh Phú Sổ đột ngột
mất tích khi đến Tân Phú, Đồng Tháp Mười để hòa giải sự xung đột giữa Việt Minh
và Phật giáo Hòa Hảo. Theo tài liệu của Tây phương và Việt Nam Cộng hòa thì
giáo chủ Huỳnh Phú Sổ bị Việt Minh thủ tiêu.
VOA
Tiếng Việt