Cát
Linh (RFA)
Hình ảnh công an tấn công phụ nữ được
lan truyền trên mạng xã hội. Photo: facebook
Những ngày vừa qua, hai tấm ảnh được lan truyền mạnh
trên mạng xã hội, cho thấy cảnh một một phụ nữ trong tư thế một tay bị khoá vào
khung cửa sổ, gương mặt biểu lộ sự đau đớn vì bị một người mặc sắc phục công an
không rõ mặt đạp một chân vào vai, tay ghì chặt cổ.
Vì sao dư luận phản ứng mạnh mẽ về một tấm ảnh truyền
trên mạng xã hội?
Hình ảnh đó có liên quan đến những cái chết gần đây
được cho là “tự tử trong đồn công an” hoặc những bản án oan sai hay không?
Photoshop hay không photoshop?
Bất kỳ ai nhìn thoáng qua hai tấm ảnh cũng có chung
một nhận định, đó là người phụ nữ trong hình đang bị tra tấn và đang chịu đau đớn
qua những biểu lộ trên gương mặt.
Như đã nói ở trên, hai tấm ảnh này được lan truyền
qua các trang mạng xã hội. Nguồn gốc người gửi ảnh không được nêu ra. Sau đó,
cư dân mạng xã hội nhanh chóng đưa ra thông tin người mặc sắc phục công an
trong tấm ảnh là một cảnh sát viên công tác tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Cũng từ nguồn tin của mạng xã hội, hình ảnh cả khuôn mặt lẫn lúc hành hung hung
tra tấn người phụ nữ đều được chụp tại trụ sở Công An Huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh
Bình. Chúng tôi cố gắng liên lạc với trụ sở này nhưng người trực điện thoại từ
chối tiếp chuyện.
Tuy đối tượng cũng như sự việc trong hai tấm ảnh
chưa được làm rõ, nhưng những người từng bị bắt/mời về đồn công an đều cho rằng
họ tin những gì diễn ra trong tấm ảnh trên là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Chị Thu Nguyệt, người từng bị bắt về Trung tâm bảo
trợ xã hội khi chị tham gia cuộc biểu tình ngày 5 tháng 6 năm 2016 kể lại sự việc
xảy ra trong thời gian ba ngày chị bị bắt giữ.
“Tôi không thể nào vùng vẫy được. Đến 6
người, 2 người mặc sắc phục và 4 người mặc thường phục. Họ bật ngửa tôi ra, đè
tay chân tôi, giữ tôi, lục trong người tôi để lấy điện thoại của tôi.”
Do đó, chị nói rằng chị tin những gì chị thấy trên
hai tấm ảnh đó là có thật.
“Hai tấm ảnh đó mình nghĩ là có thật.
Mình đi trong con đường này mình thấy công an thật sự có đánh người chứ không
phải là không. Có nghĩa là những người dân họ chưa hiểu luật, chỉ là một người
dân đen rồi bị bắt vì một vấn đề gì đó, rồi “nó” trù dập và đánh khi cãi lại.
Có chứ không phải là không có.”
Bùi Vĩnh, một bạn trẻ sống ở Lâm Đồng, từng bị công
an huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bắt về đồn năm 2011 kể lại qua email với
chúng tôi.
“Lúc 12 giờ đêm công an xuống còng tay
em về đồn. Em mới bước xuống xe là có ông mặc sắc phục tát em mấy bạt tai sau
đó người ta nhốt em cả đêm.”
Chính vì đã gặp phải trường hợp như thế nên Bùi Vĩnh
tin rằng hai tấm ảnh đang gây bức xúc trong dư luận là có thật.
“Bản thân em bị rồi nên em dám khẳng định
2 tấn hình đang lan truyền trên mạng không phải photoshop mà đó là sự thật.”
Đó là những nhận định của người dân từng ít nhất một
lần bị bắt về đồn công an. Còn đối với những người làm luật như Luật sư Ngô Ngọc
Trai, ông cho biết không phải ngẫu nhiên mà người dân bức xúc hoặc hồ nghi. Ông
cho biết ý kiến sau nhiều lần tận mắt chứng kiến.
“Việc người dân bị bắt vào đồn, bị đánh
là có. Bị đánh đập
trong đồn công an là có. Tôi tận mắt chứng kiến rồi. Cũng như nhiều trường hợp
trao đổi với luật sư cho biết là đã bị đánh đập.”
Tuy nhiên, ông
cũng đưa ra lời khuyên trên cương vị của người hành pháp.
“Phải thận
trọng đánh giá hai bức ảnh ấy có phản ánh trung thực chính xác hay không? Dù
sao thì nó cũng phản ánh thực tế trong đời sống, là cái có thật.”
Nếu tấm ảnh
có thật…
Theo lời kể lại
của những người đấu tranh từng bị bị bắt bị đánh ở đồn công an, thì tấm ảnh
trên chỉ là một phần nhỏ trong thực trạng xã hội hiện tại.
Nếu những gì mọi người
thấy trong bức hình ấy là có thật thì có thể thấy rằng quyền hạn của một lực lượng
thực thi pháp luật ở Việt Nam vô cùng to lớn. Người mặc sắc phục công an hoàn
toàn có quyền xâm phạm lên cơ thể của người công dân, và cuối cùng một bản án,
hay một cái chết được cho là “tự tử”.
Phải kể đến những
vụ án chấn động dư luận trong vài năm qua. Đó là vụ án ông Hàn Đức Long, 57 tuổi,
từng 4 lần bị các tòa ở Việt Nam tuyên án tử hình với các cáo buộc giết người,
hiếp dâm trẻ em. Cuối tháng 12 năm 2016, ông được tha sau 11 năm tù oan.
Đó là vụ người tù
thế kỷ Huỳnh Văn Nén, bị tù hơn 17 năm về hai bản án giết người mà ông không hề
liên quan. Ông được trả tự do hồi đầu tháng 12 năm ngoái, sau khi cơ quan điều
tra xác nhận ông không phải là thủ phạm của cả hai vụ án.
Luật sư Ngô Ngọc
Trai, người tham gia bào chữa cho vụ án Hàn Đức Long cho biết việc một người đã
bốn lần bị kêu án tử và ngồi tù suốt 11 năm bất ngờ được trả tự do là liên quan
đến rất nhiều vấn đề, trong đó có cả hệ thống cơ quan pháp lý. Đặc biệt, ông nhấn
mạnh đến nguyên nhân 11 năm tù của ông Huỳnh Văn Nén.
“Cái vụ đấy,
tình trạng bức cung nhục hình tôi cũng nói nhiều rồi. Ông Hàn Đức Long đã được
trả tự do và minh oan xin lỗi, thì rõ ràng ông ấy bị oan sai. Tại sao trước đây
ông ấy nhận tội cũng như tự viết đơn nhận tội thì ông ấy có nói là nhiều lần bị
đánh đập và bị bắt ép viết đơn nhận tội.”
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng bị côn đồ
đánh sau khi tham gia một trận bóng của đội bóng No-U tại Hà Nội hôm 10/7/2016. AFP
photo
Bùi Vĩnh, thanh niên bị bắt về đồn công an Lâm Đồng
năm 2011 kể lại anh đã bị đánh đập để ép nhận tội như thế nào.
“Sáng hôm sau là điều tra viên hỏi cung
có cầm dùi cui đập vào tay nói em nhận tội đồng lõa với thằng trộm xe. Trong
khi hỏi người ta tìm mọi cách hù dọa bắt ép em nhận nhưng em nhất quyết không
nhận. Công an còn lấy dùi cui điện chích vào người để ép em nhận.”
“Hầu như ai bị tình nghi là tội phạm đều
bị ép để nhận tội bằng cách tra tấn rất dã man.”
Trong những diễn tiến khác là hàng loạt những cái chết
được cho là “tự tử” trong đồn công an.
Vụ việc mới nhất là ngày 6 tháng 2 vừa qua, một người
tên Nguyễn Thành Ngôn được trưởng công an xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ
An thông báo đã tự tử bằng dây giày sau khi người này được mời về trụ sở để làm
việc.
Qua những thực tế của chính bản thân mình, bà Thu
Nguyệt hoàn toàn phản đối việc chính quyền cho rằng đó là những cái chết do tự
tử.
“Đây hoàn toàn là bịa đặt nói là người
ta tự tử trong tù. Tôi nghĩ có những bàn tay muốn bịt miệng những người đó để họ
không nói ra bên ngoài được.”
Không thể tố cáo
Theo hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, tra
tấn, dùng nhục hình, ép cung nhận tội không được xem là biện pháp nghiệp vụ,
trái với luật pháp. Thế nhưng, cho dù người dân dám đứng ra tố cáo, hay bằng
cách nói thẳng với luật sư như luật sư Ngô Ngọc Trai từng chia sẻ, thì hy vọng
đòi lại công bằng cũng khó được thực hiện, bởi chính sự bất cập của hệ thống
pháp luật Việt Nam.
“Trong phạm vi tố tụng giải quyết vụ án
hình sự thì người ta không giải quyết việc tố cáo ấy. Hoặc cơ quan giải quyết tố
cáo ấy cũng chính là cơ quan để xảy ra những việc như vậy. Đối với những người
sau khi bị bắt về đồn bị đánh đập rồi được trả ra ngoài thì người ta vẫn khiếu
nại tố cáo. Nhưng thực tế cơ quan tố cáo cũng chính là cơ quan để xảy ra sự việc.”
Một nhận định khác từ Trịnh Bá Tư, con trai của bà Cấn
Thị Thêu, một dân oan Dương Nội đang chịu án 20 tháng tù giam vì đấu tranh đòi
quyền lợi cho người nông dân bị mất đất, từng bị bắt vào đồn công an và bị đánh
đập nhiều lần trong cuộc đấu tranh chống cưỡng chế đất.
“Với những gì mà gia đình và bản thân
tôi đã trả qua thì tôi thấy hiện nay rất nhiều công an coi thường sức khoẻ và
tính mạng của người dân khi họ ra tay đánh đập người dân. Rất nhiều người biểu
tình ôn hoà bị công an đánh đập. Những hình ảnh đấy đều được người dân ghi lại.
Tuy nhiên những viên công an ấy không bị xử lý theo đúng pháp luật vì hiện nay
họ đang được bao che bởi một chế độ cộng sản độc tài, công an trị.”
Chính quyền phải làm gì?
Trước những thực trạng được xác nhận là có thật, luật
sư Ngô Ngọc Trai đề nghị sự sửa đổi từ chính cơ quan chức năng là Bộ Công an.
“Cơ quan chức năng ở đây là Bộ Công an cần
phải nghiêm túc nhận diện được vấn đề nghiêm trọng và có những chính sách chấn
chỉnh các biện pháp nghiệp vụ, hạn chế tình trạng bạo hành bạo quyền của các
đơn vị công an đi.Để tồn tại như thế làm mất đi sự tín nhiệm và sự công minh của
cơ quan công quyền.”
Bên cạnh đó, theo ông, các tổ chức xã hội dân sự,
người dân, phóng viên báo chí, truyền thông xã hội cần phải phản ánh mạnh mẽ
hơn các tệ trạng trong hoạt động của cơ quan công quyền, tạo áp lực cho cơ quan
nhà nước chịu trách nhiệm và chấn chỉnh.