25.03.2017

Việt Nam dừng quảng cáo trên YouTube là ‘tự cắt vào cánh tay của mình’

Việt Nam dừng quảng cáo trên YouTube là ‘tự cắt vào cánh tay của mình’

Việc Việt Nam vừa gây áp lực dừng một số quảng cáo trên YouTube.

Hôm 16/3 Việt Nam gây áp lực và yêu cầu các doanh nghiệp trong nước ngưng quảng cáo trên YouTube và Facebook cũng như các trang mạng xã hội khác cho tới khi các thông tin “xấu, độc” chống chính quyền bị ngăn chặn.


Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho VOA biết rằng việc Việt Nam gây áp lực dừng quảng cáo trên YouTube hay Facebook là ‘tự cắt vào cánh tay của mình’:

Tôi nghĩ rằng đó là hành động tự cắt vào cánh tay của mình. Hệ thống YouTube và Facebook họ chuyển những quảng cáo đó một cách tự động vào những trang có lượng người coi cao, chứ họ không quan tâm cái đó là gì cả. Cũng có những trang phản ánh thực trạng của đất nước có view cao, và những quảng cáo đó vô tình lọt vào, tạo thành sự bẽ bang. Và trớ trêu là những công ty lớn của Việt Nam quảng cáo trên những trang nói về thực trạng của Việt Nam. Chính vì lẽ đó Bộ Thông tin và Truyền thông cảm thấy khó chịu. Giống như một đứa trẻ con giẫy nẩy lên. Nhưng hành động đó lại trói các công ty của mình lại không cho làm ăn và phát huy trên hệ thống thông tin và truyền thông tự do trên thế giới.”

Công ty Quốc tế DMV tại thành phố Sài Gòn, một công ty chuyên thực hiện các dịch vụ quảng cáo trực tuyến, bao gồm sử dụng công cụ Google Adwords để đăng video clip 5 giây nhãn hàng và chạy quảng cáo trên các video của YouTube. Anh Võ Tuấn Hải, một chuyên gia về tiếp thị, đồng thời là Giám đốc Công ty Quốc tế DMV cho VOA biết các khách hàng lớn bị ảnh hưởng:

Một số khách hàng lớn thì sẽ bị ảnh hưởng. Khách hàng nhỏ thì không bị ảnh hưởng. Hiện tại thì không ảnh hưởng tới doanh số công ty. Đối với doanh nghiệp lớn, như những tập đoàn như LG, Samsung, thì ngân sách của họ nhiều thì quy định có thể sẽ ảnh hưởng tới họ. Thực tế là khi những đoạn MV (mobile video), quảng cáo xuất hiện trên những đoạn video xấu thì nó mới xuất hiện đến những doanh nghiệp lớn đó. Còn đối với những phân khúc khách hàng trung cấp và cấp thấp thì nó không ảnh hưởng gì đến với họ hết.”

Tương tự như công ty DMV, anh Huy ở công ty TNHH Truyền thông Thiên Vương cũng gặp một số khó khăn, tuy nhiên chưa có thiệt hại nhiều:
“Cũng có. Cũng có một vài vấn đề. Nhưng hiện tại thì không ảnh hưởng đến doanh số. Cũng không ảnh hưởng lớn lắm đến công việc kinh doanh của mình.”

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) và các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo như Vinamilk, Vinhomes, Ford Việt Nam và công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo cũng đã yêu cầu đại lý quảng cáo tạm dừng 16 mẫu quảng cáo trên YouTube và sẽ tiếp tục dừng quảng cáo trên kênh này nếu Google và các đại lý quảng cáo không có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng video không lành mạnh trên YouTube.

Theo truyền thông Việt Nam, đại diện Google Việt Nam cam kết sẽ hợp tác cùng Chính phủ để giải quyết và hạn chế những nội dung không lành mạnh trên Internet.

Theo Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, nhiều thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam có những “vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo” chạy trên YouTube. Các clip “có nội dung xấu độc trên YouTube” lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam như sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha.

Do YouTube tự chạy nên có thể clip của một số nhãn hàng bị chèn vào các video có nội dung vi phạm. Hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn ở Việt Nam khi xuất hiện trên các clip như vậy sẽ gây tổn hại đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Hơn nữa, một số người tiêu dùng chân chính sẽ nghi ngờ, thậm chí tẩy chay.

Tuy nhiên, anh Hải vẫn lạc quan rằng người tiêu dùng sẽ quay lại với kênh quảng cáo trực tiếp hiệu quả này:

Theo các các công ty quảng cáo trực tuyến, Youtube là một trong những cách quảng bá hiệu quả thông qua các thông điệp truyền tải bằng video, những banner quảng cáo với hình ảnh bắt mắt.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định rằng phản ứng như vừa qua của Bộ TT&TT chỉ là tạm thời:
Sự giẫy giụa của Việt Nam mang tính phản đối tạm thời. Và không thể nào áp chế được các công ty. Có thể YouTube và Facebook thì những thông video clip mang tính chính trị xã hội mà Việt Nam lo sợ sẽ được tách ra ở những mảng khác trong hệ thống của họ và đưa các quảng cáo của họ và video phi chính trị.”

Trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa tin, trong cuộc họp với bộ trưởng của Bộ này, ông Trương Minh Tuấn, một số nhãn hàng lớn của Việt Nam như Vinamilk hay Vinhomes hay các công ty quốc tế có chi nhánh ở Việt Nam như Ford đã "cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam về kinh doanh và quảng cáo đồng thời khẳng định tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube”.

Infonet còn dẫn lời ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết đã phát hiện “nhiều quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu, độc, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam phát trên kênh YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google”.

Google, YouTube chia sẻ lợi ích kinh tế từ quảng cáo cho tổ chức, cá nhân sản xuất các video clip trên YouTube, trong đó có cả những clip xấu, độc, do đó vô tình gián tiếp, khuyến khích các video clip xấu độc được đăng tải nhiều hơn trên YouTube.

Theo Reuters, Việt Nam tháng trước đã “bắt đầu gây áp lực cho các công ty quảng cáo trong nước yêu cầu công ty Google, vốn sở hữu YouTube, phải gỡ các video của các nhà bất đồng chính kiến hoạt động ở hải ngoại đăng trên trang này”.

Tuy nhiên, trang Soha dẫn lời ông Tuấn nói rằng vẫn còn “khoảng 8.000 video có nội dung xấu, xuyên tạc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên YouTube và 42 video clip được gỡ là quá nhỏ”.

Ông Tuấn được báo chí trong nước kêu gọi “cộng đồng sử dụng Internet tại Việt Nam cùng lên tiếng với Google, Facebook ngăn chặn các nội dung xấu độc, tin giả mạo, thất thiệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức cá nhân, vi phạm pháp luật Việt Nam trên môi trường mạng”.

Trong một thông cáo gửi cho VOA hôm 14/3, YouTube cho biết rằng “chúng tôi có các chính sách rõ ràng về các yêu cầu gỡ bỏ từ các chính phủ khắp thế giới. Chúng tôi dựa vào các chính phủ thông báo cho chúng tôi các nội dung mà họ tin là trái phép thông qua các kênh chính thống, và nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ thực hiện việc hạn chế sau khi xem xét kỹ lưỡng.”.
Trước đó, báo Nhân dân nhận dịnh rằng: “Việc YouTube cho biết trang web của họ có chính sách chung cho tất cả video, nếu cảm thấy không phù hợp, người dùng có thể thông báo gỡ bỏ. Đây phải chăng là một tuyên bố rũ bỏ trách nhiệm?”

Trong một diễn biến khác, hôm 21/3, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã kêu gọi ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam “tác động để Google, Facebook có đại diện tại Việt Nam để dễ bàn bạc hơn khi xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật Việt Nam.”

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng những hoạt động hăm dọa, kiểm duyệt trên mạng Internet là vô nghĩa.
“ Nhà nước Việt Nam đã nghĩ tới chuyện cần phải nói chuyện với các công ty gốc để làm sao cùng hợp tác với họ để xây dựng một hệ thống được gọi là sạch sẽ, trong những vấn đề mà họ thấy an toàn, cho những thông tin được gọi là nhạy cảm.. thì tôi nghĩ là đối với người Việt Nam cho đến ngày hôm nay họ không thấy bị ràng buộc bởi hệ thống kiểm duyệt. Sự kiểm duyệt của Việt Nam tôi cho rằng là vô nghĩa.”

Theo báo chí Việt Nam, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Đại sứ Ted Osius phản ánh về “việc Google đang rất lo ngại về các quy định của Nghị định 72 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”.

Việt Nam thời gian qua bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch chỉ trích việc “kiểm soát Internet”, nhưng Hà Nội luôn bác bỏ cáo buộc này.


Tin VOA Tiếng Việt