“Một đất nước không có những bãi đất hoang thì không còn là một đất
nước nữa.”
Khi đất nước không còn những bãi đất hoang
Tháng 2 năm 2017, tôi có một
chuyến đi đến thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa, tới một khu nhà toàn những biệt
thự chủ yếu của nhà giàu và cán bộ. Giữa khu đô thị thu nhỏ ấy, tất thảy đất thịt
đều đã bị phủ xi măng. Nhiều nơi trên nước Việt Nam bây giờ như vậy, có những đứa
bé đã bốn-năm tuổi mà từ lúc sinh ra chưa bao giờ được đặt chân trần lên đất thịt,
vì đâu còn đất thịt nữa.
Giữa thành phố Vũng Tàu, đây có lẽ là một hình ảnh
hiếm hoi. Hai em trai đang bắt cá thìa-lia ở trong một cái vũng nước hoang. Vào
mùa này, Vũng Tàu trời nắng, vũng nước teo tóp lại đến bằng chỉ một cái bàn.
Tôi đã được trông thấy niềm vui bắt cá đến độ nghiêm nghị của hai em. Không phải
là con nhà giàu, nhưng hai em cũng mặc quần áo mới, và không tiếc bộ quần áo mới
đó. Trong hàng chục ngàn thiếu nhi ở Vũng Tàu, có còn mấy đứa được bắt cá, được
có tuổi thơ đồng nội như thế này nữa? Hỏi vậy cũng như hỏi rằng, trong cả thành
phố Vũng Tàu kể cả ngoại ô, còn có bao nhiêu ao cá chưa bị lấp đi mà xây ki-ốt
nữa.
Tại thành phố này, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra
chóng mặt với tình trạng vô chính phủ trên đất nước Việt Nam. Hàng loạt những
cánh đồng bờ xôi ruộng mật, những ao hồ đang bị san lấp ngày đêm để phân lô bán
nền. Giữ được những vườn rau, những ao hồ kênh rạch bỗng dưng trở thành những
việc khó.
Trong bức ảnh này, một bác nông dân đang chăm sóc vườn
rau của mình. Lúc tạm ngơi công việc, bác đến nói chuyện với tôi. Bác chia sẻ rằng
đến việc làm nông dân cũng không xong nữa: vườn rau thì bị quấy, đưa ra ra chợ
cũng bị quấy. Nhưng bác không sợ gì cả, vẫn kiên quyết giữ vườn rau. Vào mỗi buổi
sáng, bác vẫn ra làm. Tuy tuổi đã cao nhưng thân thể bác vẫn rất rắn chắc. Bác
hỏi, tôi đáp mình là sinh viên, ở Sài Gòn xuống Vũng Tàu chơi. Bác lại hỏi tiếp,
là sinh viên trường
nào, nếu là sinh viên thì có quan tâm đến đất nước, đến Hoàng Sa- Trường Sa hay
không. Rồi bác nói rằng bác phát ngôn về Hoàng Sa- Trường Sa, là đảo của Việt Nam,
bác không sợ ông nào đến cùm hết. Lâu nay bác nói, chính quyền nghĩ
bác là nông dân nên dễ bắt nạt, hết dụ dỗ rồi đòi dẹp vườn rau, vợ con bác quyết
không cho dẹp, giữ miếng đất cho bằng được. Dù có ai trả thế nào, bác cũng
không bán.
Cách đó không xa, chưa đầy 100 km là thành phố Sài
Gòn, sau 1975 chính quyền mới đổi tên là TP.HCM. Ở quận 9 có những cánh rừng
tràm do dân trồng, người già và trẻ em thường đi vào đó vui chơi. Và đây là những
gì còn lại của một cánh rừng tràm như vậy chỉ sau chưa đầy một tháng có chủ mới:
Đất bờ xôi ruộng mất thì kêu xe ủi vào san lấp, rừng
cây điều hòa không khí thì đem máy cưa đến chặt đi, phủ xi măng lên xây mấy nhà
xưởng, các giáo sư- tiến sĩ của đảng ta gọi đó là công nghiệp hóa. Nếu công
nghiệp hóa xong mà biết bao thế hệ thiếu nhi không còn nơi vui chơi, người già
không còn nơi đi dạo thì công nghiệp hóa để làm gì? Việt Nam còn bao nhiêu đất
hoang, và trong bấy nhiêu sót lại đó thì có bao nhiêu sắp bị đưa ra mổ trên bàn
thịt của giới tư bản?
Có một câu danh ngôn nổi tiếng thế giới như thế này:
“Một đất nước không có những bãi đất
hoang thì không còn là một đất nước nữa.”
Việt
Nam Thời Báo