„Từ năm 2014, Tập Cận Bình đã chi hơn 10 tỷ Mỹ kim hàng năm nhằm để
"kể một câu chuyện tốt đẹp về Trung cộng có một nền văn minh lâu đời, có
chính quyền tốt, kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển cùng với sông xanh nước
biếc"…
Úc hiện nay có hơn 14 viện Khổng Tử tại các trường đại học và hơn
60 trường trung học có lớp dạy về Khổng Tử.“
Trung cộng thi triển "quyền lực mềm" một cách mạnh bạo tại
Úc
Luật
sư Nguyễn Văn Thân
Trên thực tế, Viện Khổng Tử
có nhiều đặc điểm khiến giới quan sát phải nghi ngờ và e ngại. Nguồn ảnh:
VOA tiếng Việt
Trong 5 tháng qua, một đội
ngũ ký giả của Đài ABC và công ty Fairfax đã hợp tác điều tra về những hoạt động
của Trung cộng nhằm lũng đoạn hệ thống giáo dục, truyền thông và chính trị của
Úc. Kết quả của cuộc điều tra này được tóm tắt trong chương trình Four
Corners chiếu vào ngày thứ hai 5/6 vừa qua. Ngoài ra, một bản báo cáo chi tiết
cũng được đăng tải trên báo Sydney Morning Herald và trang mạng của ABC. Úc
không phải là thể chế dân chủ duy nhất đang bị ngoại quốc tấn công. Hiện nay
đang có hàng chục cuộc điều tra tại Mỹ về những hành động can thiệp của Nga
trong cuộc bầu cử tổng thống mà có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã nhúng tay vào
để giúp Donald Trump thắng cử.
Có khoảng 1 triệu người gốc Hoa sinh sống
tại Úc gồm
có con cháu của những người di dân từ Trung cộng, Hồng Kông, Mã Lai, Việt Nam,
Đài Loan, Nam Dương, Singapore và Cam Bốt. Trong số
này thì có hơn nửa triệu sinh đẻ từ Trung cộng. Theo số liệu của Bộ Giáo
Dục thì tính tới tháng 3 năm 2017 có khoảng 140,000 du
học sinh đến từ Trung cộng. Thật ra, một số vấn đề mà ABC và Fairfax đưa
ra cũng không có gì mới mẻ. Chẳng hạn như vào năm 2008, Tòa Đại Sứ Trung cộng
đã huy động hơn 10,000 sinh viên lên Canberra để "bảo vệ" ngọn đuốc
Olympics từ những đoàn người biểu tình Tây Tạng và Ngô Duy Nhĩ. Gần đây hơn là
cuộc đón tiếp Thủ Tướng Lý Khắc Cường vào tháng 3 vừa qua. Tòa đại sứ Trung cộng
cung cấp xe, cờ và trả chi phí luật sư làm thủ tục xin phép. Sinh viên tham dự
sẽ được cấp giấy khen giúp họ dễ tìm việc làm sau này khi học xong và trở về nước.
Hội Sinh Viên và Học Giả Trung cộng tại Úc duy trì
quan hệ mật thiết với Tòa Đại Sứ. Sinh viên nào ngoan ngoãn hợp tác thì
được thưởng. Người nào bày tỏ chính kiến "phản động" ví dụ như lên tiếng
phê bình tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Trung cộng hoặc tham dự Lễ Tưởng Niệm
thảm sát Thiên An Môn thì bị theo dõi và trù dập. Công an sẽ đến nhà mắng vốn với
cha mẹ và đặt áp lực với gia đình.
Một hình thức khác là mua chuộc các cơ
quan truyền thông Hoa ngữ. Hầu hết các đài phát thành Hoa ngữ
24/24 tại Úc đều tiếp vận toàn bộ chương trình từ Tân Hoa Xã. Các công ty quốc doanh Trung cộng mua lại đa số cổ phần của
các tờ báo. Nội dung tin tức lấy thẳng từ Nhân Dân nhật báo hoặc Hoàn Cầu
thời báo. Căn bản đều là thông tin tuyên truyền. Tờ báo nào muốn duy trì tư thế
độc lập thì bị hăm dọa và ký giả của họ bị cấm vào Trung cộng. Công ty nào muốn
làm ăn tại Trung cộng thì phải rút quảng cáo với tờ báo độc lập và chuyển sang
các tờ báo có liên hệ với nhà nước. Có nghĩa là Bắc
Kinh không chỉ bắt buộc người dân trong nước mà cả người Úc gốc Hoa phải suy
nghĩ theo lối mà Đảng Cộng Sản Trung cộng mong muốn. Các tờ báo độc lập
không chỉ bị đánh phá về mặt quảng cáo và thương mại mà còn bị thành phần
"dư luận viên" tấn công, mạ lỵ hầu cô lập họ với cộng đồng người Hoa.
Thứ ba là qua hình thức mua chuộc chính
trị gia và đảng phái. Hai nhà tài phiệt Trung cộng nổi bật là
Chau Chak Wing và Huang Xiangmo. Trong thời gian qua, ông Châu đã tặng tiền 17
lần cho Đảng Tự Do, 15 lần cho Lao Động và 4 cho Đảng Quốc Gia tổng cộng trên 4
triệu Úc kim. Ông Huang cũng cho tổng cộng 31 lần khoảng 2.7 triệu. Ngoài ra,
Huang cũng cho tiền thành lập Viện Nghiên cứu Quan hệ Úc - Trung (Australia
China Relations Institute) và chính tay chọn cựu Thủ Hiến và Ngoại Trưởng Bob
Carr làm chủ tịch của viện nghiên cứu này. Trước cuộc bầu cử liên bang vào
tháng 7 năm ngoái, Huang hứa tặng $400,000 cho Đảng Lao Động. Nhưng trong một
buổi nói chuyện tại Câu Lạc Bộ Báo chí Quốc gia trước ngày bầu cử, Bộ Trưởng Quốc
Phòng Đối Lập TNS Stephen Conroy phát biểu là Trung cộng đang gây bất ổn tại Biển
Đông với những hành động xây cất đảo nhân tạo và kêu gọi hải quân Úc tiến hành
các cuộc tuần tra tự do.
Huang liền rút lại số tiền hứa tặng. Sau đó, Sam
Dastyari đã họp báo chung với Huang và tuyên bố trái với chính sách của Đảng
Lao Động là vấn đề Biển Đông không có liên quan tới Úc và Úc đừng phản đối quyết
định áp dụng vùng nhận dạng phòng không của Trung cộng tại Biển Hoa Đông.
Quan
hệ giữa các nhà tài phiệt Trung cộng với các chính Đảng tạo ra nhiều quan ngại
đến nỗi Giám Đốc cơ quan tình báo ASIO phải chính thức cảnh báo 3 vị tổng bí
thư của Đảng Tự Do, Lao Động và Quốc gia là nên thận trọng khi nhận tiền.
Trung cộng nhận thức được là sức mạnh kinh tế và khả
năng đe dọa quân sự chưa đủ để trở thành siêu cường mà còn cần thêm sức mạnh mềm.
Từ năm 2014, Tập Cận Bình đã chi hơn 10 tỷ Mỹ kim hàng năm nhằm để "kể một câu chuyện tốt đẹp về Trung cộng có một
nền văn minh lâu đời, có chính quyền tốt, kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển
cùng với sông xanh nước biếc". Bắc Kinh đã dựng
lên hơn 500 viện Khổng Tử trên 140 quốc gia. Họ đang mua lại Hollywood với
những kịch bản cho thấy người Trung Hoa là những "bậc đại trượng phu, anh hùng hảo hán". Úc hiện nay có hơn 14 viện Khổng Tử tại các trường đại học và hơn 60 trường
trung học có lớp dạy về Khổng Tử.
Giáo Sư Joseph Nye là người đã đặt tên khái niệm "quyền lực mềm"
cho biết là Trung cộng đang bị hai trở
ngại lớn. Thứ nhất là tranh chấp với các nước láng
giềng về chủ quyền tại Biển Đông. Thứ hai là việc Đảng Cộng Sản Trung cộng dưới
thời Tập Cận Bình ngày càng siết chặt và đàn áp nhân quyền và xã hội dân sự.
Có nghĩa là cho dù có bao nhiêu lớp son phấn cũng không che dấu được một khuôn
mặt xấu xí, sần sùi. Thật ra không phải là việc có tranh chấp nhưng cách thức Đảng
Cộng Sản Trung cộng ỷ mạnh hiếp yếu, mua chuộc và bắt nạt các nước láng giềng
làm cho ai cũng chán ghét. Có tiền mua tiên cũng được nhưng không mua được tình
cảm.
Sau khi bản báo cáo của ABC và Fairfax được công bố,
Bộ Trưởng Tư Pháp George Brandis xác nhận là chính quyền Liên Bang sẽ xem xét lại
các đạo luật chống hoạt động tình báo và siết chặt luập pháp trước cuối năm
nay.
Còn về cộng đồng người Việt thế nào? Có bị xâm nhập và lũng đoạn như cộng đồng
người Hoa hay không? Có lẽ Tòa Đại Sứ CSVN tại Úc có theo dõi sinh hoạt của
sinh viên du học sinh. Hiện nay có khoảng 30,000 du học
sinh Việt Nam tại Úc. Vào ngày 25/5/2014, khoảng 300 du học sinh đã tham
dự cuộc biểu tình phản đối giàn khoan Hải Dương 981 tại Town Hall Sydney. Một
tuần trước đó, có khoảng 200 du học sinh tại Melbourne đã tham dự biểu tình trước
Tòa Lãnh Sự Trước Trung cộng. Hai cuộc biểu tình được tổ chức ôn hòa, có bài bản,
có cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ hình như là do Tòa Lãnh Sự Việt Nam cung cấp.
Không biết Lãnh Sự có cấp giấy chứng nhận tham gia biểu tình để giúp du học
sinh tìm việc sau này khi trở về nước hay không? Trang
facebook của Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc cho biết là Hội có 18,841 thành
viên. Con số tham dự biểu tình chỉ có vài trăm ở hai tiểu bang lớn thì
là một tỷ lệ rất thấp. Không có các cuộc thống kê cụ thể nhưng có vẻ là đại đa
số các em du học sinh Việt Nam đều tìm cách ở lại Úc chớ không muốn quay về Việt
Nam. Các em trở về với tư duy thông thoáng và nhân bản cũng như phong cách làm
việc khoa học, văn minh là chất xám hiếm quý có thể đóng góp cho đất nước.
Nhưng liệu thể chế độc đoán theo kiểu nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ và
sau chót mới là trí tuệ thì các em sẽ có đất để dung thân hay không?
Chưa thấy có hiện tượng tài phiệt Việt Nam tặng tiền
cho các đảng phái hoặc chính trị gia Úc như Chau Chak Wing và Huang Xiangmo.
Hình như có sự khác biệt giữa đại gia Việt Nam và Trung cộng. Giới thương gia
người Hoa sẵn sàng bỏ tiền đầu tư vào các thế lực chính trị vì họ nhìn xa. Nuôi
quân 3 năm, dụng một giờ. Người Việt làm ăn càng giàu thì càng không muốn hiến
tặng cho mục đích chính trị. Nhưng họ sẵn sàng đóng góp hậu hĩnh cho mục đích từ
thiện không dính líu tới chính trị.
Một lãnh vực mà nhà cầm quyền CSVN có cơ
hội xâm nhập là truyền thông. Hiện nay các cơ sở truyền thông Việt
ngữ tại Úc đều đối diện với áp lực tài chánh. Số lượng người đọc, mua báo, nghe
đài hoặc trả tiền quảng cáo ngày càng ít. Phần khác thì người ta lại có xu hướng
thích ''mì ăn liền'' miễn phí trên mạng và Facebook. Độ chừng 5 năm nữa thì hầu
hết các tờ báo Việt ngữ tại Úc sẽ biến mất. Không cần chi nhiều tiền là nhà cầm
quyền CSVN có thể mua đứt lại các tờ báo và đài phát thanh. Họ không cần truyền thông ủng hộ chế độ mà chỉ cần ngưng chống
đối hoặc im lặng, thờ ơ trước tình trạng tham nhũng, chà đạp nhân quyền thì đã
đạt được mục tiêu rồi.
Tóm lại, tương lai truyền thông tại Úc nói riêng và
ngoài nước nói chung là một bức tranh ảm đạm. Trừ khi chế độ độc đảng hiện nay
sụp đổ trước.
Bằng không thì có ngày ABC và Fairfax lại phải làm một thiên
phóng sự về sự xâm nhập của Đảng CSVN trong cộng đồng người Việt tại Úc.
Dân
Luận