12.06.2017

'Tước quốc tịch chưa có tiền lệ ở Việt Nam'

'Tước quốc tịch chưa có tiền lệ ở Việt Nam'

Bản quyền hình ảnh FB PHAM MINH HOANG Image caption Ông Phạm Minh Hoàng nói "sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng"

Luật sư của vị giáo sư bị chủ tịch nước ra quyết định tước quốc tịch nói với BBC rằng ông "tự tin về mặt pháp luật" nhưng "không thể nói trước điều gì về kết quả khiếu kiện."


Trang Công báo của Chính phủ Việt Nam hôm 7/6 công bố quyết định tước quốc tịch Việt Nam đối với Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người trước đó nói với BBC rằng:

"Tôi tự xét thấy những gì mình làm đều mang tính chất ôn hòa, không vi phạm an ninh quốc gia, không lăng mạ ai và không có gì nguy hiểm đến mức phải bị tước quốc tịch."

Tháng 3/2016, giáo sư từng là giảng viên toán học ứng dụng tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã từng bị tạm giữ do tổ chức lớp học về lịch sử các cuộc đấu tranh ở Việt Nam và về Hiến pháp.

Quyết định do Chủ tịch Trần Đại Quang về việc tước quốc tịch đối với ông Phạm Minh Hoàng ghi "có hiệu lực từ ngày ký" (17/5/2017).

"Không ký vào văn bản"

Ông Hoàng nói với BBC rằng ông đang xin thôi quốc tịch Pháp "vì chỉ có nguyện vọng sống và chết trên quê hương."

"Tôi sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng."

Hôm 12/6, trả lời BBC từ TP Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người được ông Hoàng nhờ trợ giúp pháp lý trong vụ này, nói: "Có thể nói quyết định tước quốc tịch đối với ông Phạm Minh Hoàng là vi luật."

"Ông Hoàng không thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 31 của Luật quốc tịch vì ông ấy được chính phủ cho phép hồi hương, được cấp giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2007."

"Nếu ông Hoàng có ý định tìm kiếm cơ quan tài phán quốc tế trong vụ này thì đó cũng là lựa chọn tốt."

'Tiền lệ'

"Nhưng hiện tại, ông ấy đang ủy quyền cho văn phòng luật của chúng tôi đại diện khiếu nại quyết định của chủ tịch nước, nếu không được thì sẽ khởi kiện."

Bản quyền hình ảnh CHINHPHU.VN Image caption Quyết định do Chủ tịch Trần Đại Quang ký hôm 17/5/2017 nhưng mới được công bố

"Trong vụ này, nếu cơ quan chức năng xem xét một cách vô tư thì tôi tự tin rằng trường hợp của ông Hoàng sẽ được xem xét lại."

"Tuy vậy, trong bối cảnh việc thực thi pháp luật tại Việt Nam có những giới hạn nhất định nên tôi không thể nói trước điều gì về kết quả khiếu kiện."

Luật sư Mạnh cũng cho biết thêm: "Trường hợp bị tước quốc tịch của ông Hoàng có thể tạo thành tiền lệ cho những người có hoạt động tương tự như ông."

"Theo như tôi biết thì ông Hoàng không vi phạm những hành vi được nêu trong Điều 31."

"Tôi cho rằng qua vụ này, chính quyền cần cẩn trọng hơn khi ra một quyết định mang tính hệ trọng như vậy."

Đề cập về việc ông Phạm Minh Hoàng đang xin thôi quốc tịch Pháp, luật sư nói: "Về phương diện pháp luật thì việc này không cần thiết, do việc tước quốc tịch ông là không đúng."

"Tuy vậy, tôi đánh giá cao và thấy ông là người đáng kính trọng vì mong muốn cống hiến ở quê nhà."

Bản quyền hình ảnh STEPHANE DE SAKUTIN/GETTY IMAGES Image caption Quan hệ Pháp - Việt: Tổng thống Francois Hollande và Chủ tịch Trần Đại Quang tại Hà Nội tháng 9/2016

Luật sư nói rằng cho việc tước quốc tịch chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên chưa thể nói trước về việc ông Hoàng có khả năng bị trục xuất khi nào.
Thông cáo của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đóng tại Pháp cho hay họ "vô cùng quan ngại trước Chính phủ muốn trục xuất blogger quốc tịch Pháp-Việt Phạm Minh Hoàng ra khỏi nước ông."

"Chúng tôi yêu cầu giới chức Pháp có biện pháp trợ giúp nhà báo công dân này".

"Biện pháp mới nhất của đảng Cộng sản Việt Nam đối với ông Hoàng nhằm đe dọa và bịt miệng các tiếng nói đối lập."

"Biện pháp trục xuất công dân trong trường hợp này là phi lý và thái quá."

"Và tuy bị chính quyền cáo buộc tội "Tuyên truyền chống nhà nước", cả ông lẫn gia đình của ông không hề nhận được thông tin về quá trình điều tra hoặc xét xử," thông cáo của RSF viết.


BBC Tiếng Việt