„…thế lực của “đảng sân golf” này có thể khuynh loát cả vận mạng quốc
gia…
“Nếu cần thì Satan cũng có thể viện dẫn kinh thánh” còn các quan chức
của chế độ ta thì đụng đâu cũng lôi đầu lịch sử ra trút bỏ trách nhiệm.“
“Đảng sân golf” và “thằng Anh Lịch Sử”
Lê
Trọng Hiệp
Ảnh
vệ tinh vị trí sân golf Tân Sơn Nhất. Ảnh nhỏ là quy hoạch khu biệt thự, căn hộ,
khách sạn... trên trang web của sân golf Tân Sơn Nhất ... Nguồn ảnh: báo Tuổi
Trẻ
Người viết đã nảy ra mấy ý trên ngay sau khi đọc qua
bản tin về báo cáo của Thượng tướng Lê
Chiêm trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc tại Sài Gòn ngày
23.6.2017.
Tướng Chiêm là Thứ trưởng Quốc phòng, đã báo cáo với
thủ tướng chuyện “sân golf trong Phi trường Tân Sơn Nhất”, cho biết vấn đề này “là do yếu tố lịch sử để lại” và “việc xây dựng sân
golf đã được thủ tướng chính phủ và 7 bộ ngành liên quan phê duyệt, chấp thuận.”
[1]
“Do lịch sử để lại” nhưng sao còn
liên quan đến “thủ tướng và 7 bộ ngành”?
Sự tréo ngoe này bắt chúng ta nghĩ đến ý niệm tréo ngoe “Thằng anh Lịch Sử”.
Nếu cụm từ này có hai “từ” là “thằng anh” và “thằng
Lịch Sử” thì để hiểu rõ lý do, chúng ta cần điểm tên qua từng… “thằng”
một.
Thứ nhất là “thằng anh”. Hiếm ai gọi anh mình là “thằng”
cả, trừ phi anh ta này là kẻ chẳng ra gì về mặt trí tuệ hay đạo nghĩa, hoặc cả
hai.
Giao tiếp ở đời, thỉnh chúng ta lại nghe ai đó lôi
anh mình ra mắng: “Thằng anh của tôi nó ngu quá…” rồi kể ra một loạt những
hành động ngu đần của anh ta, nào là để kẻ khác cướp hết đất, hết nhà, nào là để
vợ con bán đứng mình, cắm sừng mình v.v...
Lại có kẻ hậm hực vì ông anh của mình là kẻ bất
nhân, bất nghĩa, bất hiếu, xem máu mủ trong nhà không ra gì, lại a tòng với người
ngoài mà dày xéo mồ mả hương linh của ông bà, tổ tiên: “Thằng anh của tôi là
thứ trời không dung, đất không tha, thứ ăn thịt người mà không cần chấm muối,
chỉ trừ bộ xương của cha tôi nó chưa đào lên chẻ ra làm quân bài mạt chược
thôi, không có việc gì mà nó không từ...”
“Thằng anh”
thì đại khái như vậy. Còn “thằng Lịch Sử” thì đã đi vào văn học dân gian hiện đại như là một
danh từ riêng, là một trong những chuyện tiếu lâm giúp dân ta xả xú bắp
khá hiệu quả trong cái thời ăn cơm độn nhưng phải hùng hục “tiến nhanh, tiến mạnh,
tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.
Chuyện kể rằng một anh cán bộ Mặt Trận xã về thôn vận
động nhân dân đôn đốc con em tham gia nghĩa vụ quân sự và xuất tiền mua công
trái để xây dựng Thủy Điện Thác Bà. Sau khi nêu hai chỉ tiêu thật cao mà huyện
đã giao cho xã, anh cán bộ này hùng hồn: “Lịch sử đã giao phó thì bà con xã
ta hãy gánh nhận, lịch sử đang nhìn vào thì mong rằng bà con xã ta hãy tiếp tục
truyền thống vung đất cách mạng, lịch sử đang mong đợi thì bà con xã ta hãy…”.
Anh ta đang ngon trớn đọc bài đã luyện sẵn thì một cụ
già thuộc lại “có công với cách mạng” đứng phắt dậy, hầm hầm, nói như muốn nhảy
vào họng anh ta: “Lịch Sử là cái thằng bố láo nào mà giao cho xã ta chỉ tiêu
cao như thế”.
“Thằng Lịch Sử phản động”
Nếu theo dõi thật kỹ ngôn từ của báo chí chính thống
thì “Lịch Sử” không chỉ là một “thằng bố láo” mà còn phản động nữa. Vì bao
nhiêu “tồn tại” của chế độ ta đều do nó mà ra cả.
Các đồng chí lãnh đạo đảng nhà nước --
hay các thư ký, trợ lý viết diễn văn -- có thói xấu là hay dẫm lên các quy tắc
ngữ pháp để “trái khoáy hóa” tiếng Việt.
Xã
hội có gì bất ý, tiêu cực, tóm lại là những điều làm cho các quan chức lãnh đạo
cảm thấy xấu hổ, là thứ mà về mặt ngữ pháp chúng ta phải diễn đạt bằng một danh
từ, họ lại ngang phè gói gọn nó bằng động từ “tồn tại”. Hậu quả là bài diễn văn “tổng kết”
hay “đánh giá tình hình chung” nào
cũng… tồn tại cái sáo ngữ “biết rồi khổ
quá nói mãi”: “Bên cạnh những biến chuyển tích cực
(hay ‘ưu điểm’, ‘tiến bộ’ v.v..) vẫn còn một số tồn tại nhất định”.
Một trong những “tồn tại nhất định” đang làm xã hội sục sôi là cái sân golf Tân Sơn
Nhất. Máy
bay kẹt đường bay trên trời hay kẹt bãi đỗ: mặc; giao thông kẹt cứng bên ngoài
phi trường, mặc; trời mưa nước ngập phi đạo, cũng mặc: cái sân golf và hàng loạt
quán nhậu nhà hàng phục vụ vẫn tà tà… tồn tại.
Tại sao “tồn tại” ấy có thể… tồn tại ngay
giữa vị trí trọng yếu của quốc gia đang bị áp lực quá tải qua nhiều năm như vậy?
Theo lời của Tướng Chiêm thì cơn cớ là “do lịch
sử”! Thử mang lời vàng ý ngọc của Tướng Chiêm đi google,
chúng ta sẽ tìm thấy “lịch sử” trở thành một thứ thân tằm gánh chịu trăm dâu với
các bài báo như thế này:
- Lạm phát vụ trưởng, vụ phó ở Bộ
KH&ĐT: 'Do lịch
sử để lại'
- Một sở có 6 phó giám đốc: Do lịch sử để lại?
- Tồn tại về nhà đất do lịch sử để lại - khó cũng phải làm –
- Trạm thu phí đặt nhầm chỗ: Do lịch sử để lại –
- Vỉa hè trước cổng Sở TNMT Hải Phòng thành bãi đỗ xe: Do lịch sử để lại
- Lương giáo viên mầm non không đủ sống do... lịch sử để lại
- Hơn 20 người họ hàng cùng làm 'quan' một xã là do... lịch sử để lại...
Bổ nhiệm anh em và vây cánh tràn lan: “do lịch sử để lại”;
Xây trạm thu phí BOT tùy hứng khiến dân
kêu trời: “do lịch sử để lại”;
Cả cái vỉa hè thành bãi đỗ xe hay lương
không đủ sống, cũng là
“do
lịch sử để lại”.
“Nếu
cần thì Satan cũng có thể viện dẫn kinh thánh” còn các quan chức của chế độ ta thì đụng đâu cũng lôi đầu lịch sử
ra trút bỏ trách nhiệm. Nói tóm lại, toàn bộ những yếu tố chính trị - xã
hội khiến dân ta oán thán, khiến đất nước ta lạc hậu thua sút các láng giềng từng
thua kém láng giềng từng thua xa mình đều là do “lịch sử” cả!
Nếu cụ già trong chuyện tiếu lâm kia xuất hiện, cụ sẽ
quá tháo rằng “Lịch
Sử” là cái thằng đéo nào phản động thế, sao không lôi cổ nó ra bắn quách hay bắt
đi cải tạo?
Nhưng “thằng” ấy là ai, muốn bắn, muốn bắt đi cải tạo
hay công bằng hơn là truy tố ra tòa thì phải có tên có tuổi cụ thể chứ?
Phải có ông quan nào đó ở Hải Phòng ký giấy phê duyệt
thì vỉa hè trước trụ sở Sở Tài nguyên & Môi trường mới thành bãi đổ xe chứ?
Phải có sự chia chác giữa nhóm lợi ích nào đó với
quan chức nào đó thì các trạm BOT mới mọc lên ngang phè chứ?
Phải có nhóm quan nào đó phù phép để biến nhà mượn của
dân làm cơ quan thành nhà riêng của mình thì dân mới vác đơn kêu oan và đòi nhà
suốt mấy chục năm chứ?
Rõ ràng phải có tên, có tuổi, chó chức vụ cụ thể chứ
không thể nói khơi khơi “do lịch sử”.
Cũng như “tồn tại” giữa Phi trường Tân Sơn Nhất.
Theo Tướng Chiêm thì “việc xây dựng sân golf đã được
thủ tướng chính phủ và 7 bộ ngành liên quan phê duyệt, chấp thuận” thì vấn để
phải làm tới nơi tới chốn là ông thủ tướng nào đã phê? Bộ trưởng nào đã duyệt?
Và ông “ngành trưởng” nào đã ký?
Tạm gọi bọn này là “đảng sân golf” và đê tuy tìm lại
lịch của đám này, chúng ta phải tìm hiểu hành tung của chúng và “lịch sử” của
Tân Sơn Nhất.
“Đảng sân golf”
Cuối năm 2007, do áp lực quá tải, ngành hàng không đề
nghị chính phủ cắt lô đất quân sự rộng 30 ha “nhàn rỗi” làm chỗ đáp máy bay và
nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gật đầu đồng ý cái rụp. Nhưng cánh quân sự
không chịu nên Dũng phải chiều, trở mặt 180 độ để ký quyết định 1946/2009 “về quy hoạch sân golf”.
Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại và năm 2010 khi
sinh mạng chính trị Dũng ở trong tình thế chuông treo sợi chỉ vì vụ Vinashin
thì chính phe quân đội đã nhảy ra ứng cứu. Tại diễn đàn quốc hội, nhiều đại biểu
đòi lôi cổ thủ tướng ra hạch tội nhưng rồi phe quân đội đã nhảy ra phản pháo: dẫu
gì thủ tướng cũng là… thủ tướng, không thể có kiểu phê bình chỉ trích thủ tướng
theo kiểu này.
Sinh họat bề nổi tại quốc hội, cơ quan chẳng có thực
chất quyền lực mà đã thể thì cuộc đấu đá trong chốn thâm cung còn dữ dội đến
nhường nào.
Không rõ phe quân đội dàn trận thế nào, và Dũng quyến biến ra sao,
kết quả Đại hội đảng thứ 11 (tháng 1 năm 2011) làm nhiều nhà bình luận thời cuộc
chưng hửng: Dũng chuyển bại thành thắng, không chỉ thoát nạn mà còn chiến thắng
vẻ vang!
Nhưng đến năm 2015, trước nhu cầu khẩn cấp về bãi đỗ
và thấy dư luận kêu quá, phía quân đội cũng cảm chột dạ hay kỳ kỳ sao đó nên
nhường cho ngành hàng không 7.3 ha. Dĩ nhiên đây chỉ là muối bỏ biển và phần đất
“trả lấy thảo” này chẳng thấm vào đâu, Tân Sơn Nhất vẫn phải hoạt động trong cảnh
quá tải, nhiều chuyến bay đến nơi phải bay lòng vòng chờ trên không cả tiếng đồng
hồ tốn kém vô cùng lớn, gây mất an toàn và làm nản lòng nhiều hãng hàng không
quá cảnh.
Tháng Tám năm câu chuyện lại bùng lên khi “dư luận”
yêu cầu “Ủy ban kiểm tra Trung ương đảng” vào cuộc. Như có sự đạo diễn, bật đèn
xanh từ trên, vấn đề lại làm nóng các diễn đàn, từ các phóng sự trên báo hay
các cuộc thảo luận tại các cuộc “gặp mặt cử tri”. Sau nhiều tuần tranh cãi,
ngày 21.2.2017 quân đội tạm lui một bước, trả 21 ha đất
bằng cách chuyển Lữ đoàn 918 và Trung đoàn 917 không quân về Biên Hòa.
Chúng ta thấy gì ở đây?
Bọn họ có thể dời
hai trung đoàn không quân bảo vệ Sài Gòn là “thủ đô kinh tế” nhưng không chịu dời
cái sân golf. Rõ ràng thế lực của “đảng sân golf” này
có thể khuynh loát cả vận mạng quốc gia. Sự việc càng khiến dư
luận bất bình hơn, báo chí càng tấn công ráo riết hơn và phút mong đợi đã đến.
Chiều tối ngày 12.6.2017, Thủ tướng Phúc công bố quyết
định: “khẩn trương nghiên cứu làm thêm đường băng số 3 tại phi trường Tân
Sơn Nhất”.
Tuy nhiên ít ai chú ý đến sự trùng hợp này: ngay sau
tuyên bố của Phúc, có vẻ như phe quân đội đã phản công bằng vụ Đồng Tâm. Tối
13.6.2017 Ban An ninh của Công an Hà Nội Nội công bố quyết định “khởi tố” người
dân xã Đồng Tâm, thuộc huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội, dù trước đó ngày
22.4.2018 chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đã cam kết với bằng văn bản là sẽ
không truy tố họ.
Điểm đầu tiên ai cũng có thể thấy là quyết định trên
đã “nhổ” vào mặt ông Chung. Ông này trước đây là Thiếu tướng Giám đốc Công An
Hà Nội, Ban an ninh Công an Hà Nội khó mà qua mặt cựu giám đốc của mình nếu
không có sự giật dây của các thể lực còn cao hơn ông ta.
Thế lực này phải đứng về phe nhóm lợi ích quân đội
vì cuộc tranh của nông dân Đồng Tâm là liên quan đến kế hoạch thu tóm đất đai của
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), công ty viễn thông trực thuộc Bộ Quốc
phòng, là tập đoàn kinh doanh duy nhất có tổng giám đốc là một ủy viên trung
ương đảng và có tổng thu nhập 2 tỷ Mỹ kim (2015).
“Chính phủ lấy
Tân Sơn Nhất từ trong tay tôi à? Ừ, thì cũng được, nhưng nhớ nhé, chúng tôi sẽ
không nhả Đồng Tâm ra đâu!”, phải chăng đó là thông điệp của phe quân đội?
Quân đội phải phục tùng quốc gia nhưng qua các thông
tin trên chúng ta đã thấy là quốc gia phải phục tùng quân đội, và do đó tài sản
quốc gia đã trở thành túi riêng của quân đội!
Vấn đề này đã khởi sự như thế nào?
“Đất quân đội”
Đó là tên một tiểu mục trong Chương 18: “Tam nhân
phân quyền”, trong cuốn Bên thắng cuộc - - Quyển II: Quyền bính của
Huy Đức. Xin trích một vài đoạn có
những thông tin liên quan:
“Tướng Lê Đức Anh có một
quyết định khác làm đổi đời nhiều sỹ quan, đó là quyết định lấy đất doanh trại
và đất mà các đơn vị quân đội đang nắm giữ ở các thành phố như Sài Gòn, Hà Nội,
Cần Thơ, Đã Nẵng… chia cho cán bộ xây nhà…
[…] Ông Lê Văn Năm, khi ấy là Viện trưởng
Viện Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Thành phố biết trước những khu đất
này sẽ được chuyển giao cho mục tiêu dân sự nên muốn chủ động quy hoạch để phát
triển đồng bộ. Nhưng, những năm 1987, 1988, mỗi lần vào khu vực Tân Sơn Nhất
hay Hoàng Hoa Thám, chúng tôi đều phải xin phép trước. Chủ tịch Thành phố Phan
Văn Khải dặn: Giữ thân, Lê Văn Năm ơi. Tôi đến Quân khu 7 xin cho làm quy hoạch,
làm không công, tôi nói: Làm xong sẽ trình các anh trước. Nhưng chỉ khi chia đất,
xây nhà xong, quân đội mới giao cho Thành phố. Chúng tôi lại phải điều chỉnh
quy hoạch, khép mối các tuyến đường vừa mở”.
[…] Theo ông Lê Văn Năm, khi Thành phố
trình phương án Quy hoạch Tổng mặt bằng, dự kiến bắc bốn cây cầu qua sông Sài
Gòn ở hướng Thủ Thiêm, ông Lê Đức Anh nói: “Tại sao các cậu đòi nhiều cầu thế,
trước nay Sài Gòn chỉ có một cầu cũng đủ kia mà!”. Theo quy định, Bộ Chính
trị trực tiếp xem xét và quyết định quy hoạch của những thành phố như Hà Nội,
Sài Gòn. Thay vì dự báo mức tăng trưởng để phát triển hạ tầng tương ứng, các
nhà quy hoạch phải “vẽ” một thành phố chỉ với quy mô dân số mà Bộ Chính trị phê
duyệt. Theo ông Lê Văn Năm: “Năm 1993, Bộ Chính trị yêu cầu khống chế quy hoạch
Thành phố ở quy mô 5 triệu dân. Khi đó, chúng tôi đã thấy là không thể nào đáp ứng
yêu cầu. Năm 1998, Bộ Chính trị phải đồng ý điều chỉnh quy mô dân số Thành phố
lên 10 triệu”.
Trở lại với Tân Sơn Nhất thì thời Việt Nam Cộng Hòa
Phi trường này có tổng diện tích 3,000 ha, trong đó vành đai phòng thủ với những
cọc rào kẽm gai bên ngoài chiếm một diện tích khá lớn. Đây là điều dễ hiểu vì
phi trường này là mục tiêu của bao nhiêu trận tấn công ác liệt.
Sau năm 1975 quân đội “tiếp thu” toàn bộ các căn cứ
quân sự và doanh trại của quân đội miền Nam, trong dó có phần đất trên của Tân
Sơn Nhất. Như đã thấy ở trên, khi Lê Đức Anh lên làm Bộ
trưởng quốc phòng (1987 – 1991) thì tài sản quốc gia trở thành tài sản riêng của
Bộ Quốc phòng. Có quyền, kẻ từng là cai đồn điền cao su này đã xem đất
này như là cái… đồn điền riêng của quân đội nên cho phân lô, cấp cho các sĩ
quan quân đội.
Không rõ trong chủ trương này Tân Sơn Nhất bị teo
tóp bao nhiêu, nhưng nếu nói về lịch sử “cắt xẻ” Tân Sơn Nhất, chúng ta phải bắt
đầu từ Anh.
Từ bước đi của Anh, Tân Sơn Nhất ngày càng teo tóp.
Nó không còn là mục tiêu của các cuộc tấn công quân sự như trước năm 1975 nữa
nhưng “vành đai phòng thủ” của Không quân VNCH xưa bị biến thành “vành đai lợi
nhuận” của nhóm lợi ích quân đội, chi riêng phần bị “chuyển đổi mục đích” thành
sân golf, nhà hàng, khách sạn đã rộng đến 175 ha.
Dĩ nhiên chuyện cắt xẻ phi trường để dẫn đến cái sân
golf hiện tại còn nhiều mắc mứu khác. Sân golf được
xây dựng vào năm 2010, trực tiếp liên quan đến cha con Phùng Quang Thanh –
Phùng Quang Hải nhưng đầu mối của sự cắt xẻ là từ Anh.
Tướng Chiêm nói cái sân golf ấy là “do lịch sử để lại”
nhưng qua những tài liệu trên, chúng ta có thể nhận diện ra ngay: ngoài Lê Đức
Anh ra thì có ai khác “trồng khoai đất này”?
Nhưng ông tướng này còn để lại chuyện “do lịch sử”
nhức nhối khác, trong đó đau nhức nhất là “Gạc
Ma - Vòng tròn bất tử”.
“Gạc Ma - Vòng tròn bất tử”
Đó tên là cuốn sách tập hợp từ các bài
báo do nhiều nhà báo thực hiện, chủ biên là Lê Mã Lương,
Thiếu tướng, cựu Giám đốc Bảo tàng Quân đội, thời chiến từng được phong “Anh
hùng Lực lượng vũ trang”.
Các bài báo này nói về 64 bộ đội Hải quân Nhân dân
Việt Nam bị bọn “bành trướng bá quyền Trung
Quốc” sát hại ngày 14.3.1988 trên đảo Gạc Ma, sau khi bị cấp trên ra lệnh
là “tuyệt đối không được nổ súng”.
Trên đã ra lệnh vậy, họ trở thành những bia sống cho
quân Trung cộng nả đạn và trận đánh “cố ý thua” này đã xoay chuyển hẳn thế cờ
Biển Đông. Từ chỗ “không đất cắm dùi” tại Trường Sa, Trung cộng đã chiếm cứ đảo
này vả mở rộng sự hiện diện, tiến đến việc xây dựng các đảo nhân tạo ngày nay,
uy hiếp nghiêm trọng an ninh của Việt Nam.
Cuốn sách trên được công ty First News thực hiện năm
2014 với mục đích “tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh tại bãi đá san hô Gạc Ma thuộc
quần đảo Trường Sa Việt Nam ngày 14.3.1988”, dự tính sẽ phát hành
vào ngày 27.7.2014, tức ngày “Thương binh
Liệt sĩ”.
Thế nhưng sau mãi đến nay, sau khi chuyền tay qua 13
nhà xuất bản khác nhau, Cục Xuất bản vẫn
không cho phép với lý do rất mơ hồ, lãng nhách. Thí dụ lúc Nhà xuất bản Thuận
Hóa và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM đồng ý in sách thì Cục Xuất bản bác
bỏ vì hai nhà xuất bản này “không có chức
năng in các sách lịch sử về quân đội”.
Lý do rất dễ hiểu: cuốn
sách này chẳng khác nào nào một bản cáo trạng gián tiếp hạch tội Lê Đức Anh?
Cáo trạng này đã được chính Tướng Lương phơi bày vào
ngày 14.6.2014 trong cuộc hội thảo “Minh Triết Biển Đông”. Video bài phát biểu
đã được ghi lại và đưa trên mạng youtube. Trong cuộc hội thảo Tướng Lương không
nêu đích danh mà chỉ nói “một đồng chí
lãnh đạo cấp cao”.
Dĩ nhiên, Lê Đức Anh – lúc
đó là Bộ trưởng Quốc phòng - là người duy nhất có quyền ra lệnh bộ đội không được
nổ súng.
Theo Tướng Lương thì trong cuộc họp của Bộ chính trị
diễn ra sau đó, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - người có lập trường
chống Trung cộng – đã đập bàn chất vấn: “Ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ
súng?”
Các nguồn tin “thâm cung” khác cũng xác nhận việc
này, cho biết trong cuộc họp trên ông Thạch đã đứng dậy chỉ vào mặt Anh chất vấn:
“Nó không có gì, anh lại tạo cho nó chỗ đứng ở Trường Sa, làm thay đổi hẳn
bàn cờ chiến lược, hình thành thế xôi đỗ rất nguy hiểm”.
Tuy nhiên lúc đó Anh có sự ủng hộ của
Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười. Đây là ba nhân vật chủ chốt trong vụ “đi đêm” với Trung
cộng trong Hội Nghị Thành Đô 1990. Cả ba đã nhận áp lực từ Trung Cộng là loại bỏ
Nguyễn Cơ Thạch vì quan điểm chống Trung cộng. Sau đó năm
1992 Lê Đức Anh trở thành chủ tịch nước.
Hiện đã về hưu nhưng Anh vẫn tiếp tục thao túng
chính trường, sử dụng vây cánh của mình ở để ngăn chặn việc phơi bày tội bán nước,
cụ thể ở đây là tội cố ý làm mất Gạc Ma.
Tại sao cuốn sách trên không được xuất bản, chẳng lẽ
phải giải thích là “do lịch sử để lại”?
Hơn ai hết, với Tướng Lê Chiêm thì cái cụm từ “Thằng anh Lịch sử nói trên trở nên cực kỳ
hàm súc.
Là Thượng tướng, lại là kẻ đi sau, Tướng Chiêm phải
xem bậc Đại tướng đi trước mình là bậc đàn anh: từ “anh” trong cụm từ này có thể
hiểu như như một danh từ chung viết thường: “Thằng anh Lịch Sử”
Nhưng bậc đàn anh này cũng
có tên có tuổi và từ này có thể hiểu danh từ riêng viết hoa “Thằng Anh Lịch Sử”.
Bất luận trường hợp nào, “anh” viết thường hay “Anh”
viết hoa đều có lý cả, nhân vậy này đều đáng gọi là “thằng” – “thằng bố láo”
hay “thằng phản động” -- như lời lẽ của ông già trong câu chuyện tiếu lâm xã hội
chủ nghĩa nói trên. Đó là kẻ đáng để thế hệ đi sau sỉ vả như là kẻ đi trước bất
tài, bất trí, bất nghĩa và bất đạo.
Thân làm tướng mà đánh trận “cố ý thua”,
để mặc lính của mình cho quân thù nhắm bắn như những tấm bia thịt;
đã vậy, bao nhiêu năm qua y lại cố tình ém nhẹm, thậm chí cấm cản cả việc hương
khói họ? Bất nhân và bất nghĩa như thế, y có khác nào thứ “anh” rất đáng để em
mình sỉ vả như là thứ “ăn thịt người
không cần chấm muối”?
Để bảo vệ xã hội chủ nghĩa và cũng là bảo
vệ các lô đất mà mình đã tự chia cho mình, y chọn con đường đầu hàng và mở cửa
cho kẻ thù thò chân vào Biển Đông, uy hiếp nghiêm trọng an
ninh và chủ quyền quốc gia của mình. Cái nước cờ chính trị mà y vận dụng này
cũng đốn mạt không thua như hành vi của kẻ đào xương cha lên chẻ làm quân bài mạt
chược để ngồi xoa với kẻ thù! [2]
Chú thích
[1]
Đã ngưng mọi hoạt động xây dựng trong sân golf Tân Sơn Nhất, Huy Thịnh, báo Tiền
Phong ngày 23 tháng 06 năm 2017
[2]
Sau trận Gạc Ma, Lê Đức Anh đã lọt mắt xanh của Bắc Kinh và là kẻ “se duyên” để
đi đến vụ bán nước mang tên “Hội nghị Thành Đô”.
Trung
cộng đã chủ động xúc tiến Hội nghị này để gài bẫy Việt Nam và nhân vật đầu tiên
được nhắm là Anh.
Thay
vì đến gặp Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ngày 21.10.1989 Đại sứ TC tại Việt Nam
Trương Đức Duy trực tiếp tới Bộ Quốc phòng gặp Bộ truởng Lê Đức Anh, tỏ ý muốn
nói chuyện thẳng với nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ngay sáng hôm sau,
Linh đến Nhà khách Bộ Quốc phòng hội kiến với Duy tại Nhà khách Bộ Quốc phòng.
Sau nhiều vòng quan lại, Linh đã đến Thành Đô vào tháng 9 năm 1990 và đẩy Việt
Nam vào vòng phụ thuộc Trung cộng.
(Dân Luận)